Atiso Có Tác Dụng Gì? Cách Dùng Cây Thảo Dược Và Lưu Ý
Atiso là một trong những cây thuốc nam quý được nhiều đối tượng biết đến với công dụng mát gan, nhuận trường, thanh nhiệt, giải độc, thông tiểu, lợi tiểu. Bên cạnh đó, loại dược liệu này còn có nhiều công dụng đối với da dẻ và vóc dáng, giúp da không bị thô ráp, có tác dụng giảm cân, mang lại một vóc dáng thon gọn.
Tên gọi – Phân loại
- Tên gọi khác: Ác – ti – sô
- Tên khoa học: Cynara scolymus L.
- Họ: Thuộc họ Cúc (Asteraceae)
Đặc điểm sinh thái
Mô tả cây atiso
Cây atiso là loại cây thuốc lá gai thấp (khoảng 1 – 1.2m), sống lâu năm. Toàn bộ phần thân và lá của cây atiso phủ một lớp lông nhỏ màu trắng. Lá to, mọc so le, phiến lá sâu và có gai nhỏ, nhọn, mặt dưới của lá có nhiều lông tơ hơn mặt trên. Cụm hoa hình cầu, có màu xanh lục hoặc tím nhạt. Lá bắc ngoài của cụm hoa đầu nhọn. Phần gốc nạc của lá bắc và đế đều có thể sử dụng. Quả nhẵn bóng, có màu nâu sẫm và mào lông màu trắng.
Cây atiso có nguồn gốc và xuất xứ ở đâu?
Cây atiso là cây thuốc có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và được dị thực vào nước ta từ khá sớm. Ở nước ta, loại cây này được trồng khá nhiều ở những tỉnh thành có khí hậu ôn đới như: Lâm Đồng (Đà Lạt), Sa Pa, Tam Đảo,… nhưng nhiều nhất vẫn là Đà Lạt.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Sử dụng toàn bộ cây atiso để làm thực phẩm hoặc làm thuốc chữa bệnh, bao gồm: thân, lá, rễ và cụm hoa. Nhưng cụm hoa và lá bắc có phần gốc nạc là bộ phận được sử dụng nhiều nhất.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch hoa atiso là khi hoa chưa nở, thường dao động từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Lá atiso thường được thu hoạch vào trước tết âm lịch hàng năm hoặc vào lúc cây sắp ra hoặc đang có hoa.
Chế biến: Cây atiso thường được chủ yếu ở dạng khô sau khi được đem đi sấy hoặc phơi khô. Hoặc cũng có thể sử dụng ở dạng tươi sau khi được làm sạch với nước.
Cách bảo quản: Cần bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh để dược liệu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đối với atiso ở dạng khô cần được bảo quản trong bọc kín và đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng, bởi dược liệu này rất dễ lên móc, thi thoảng cần đem ra phơi nắng để tránh mốc meo.
Thành phần hóa học của cây atiso
Hoạt chất Cynarine (Acid 1 – 3 dicaféin quinic) là một trong những thành phần chính có trong cây atiso. Ngoài ra, trong cây atiso còn chứa nhiều thành phần hóa học khác như: inulin, inulinaza, tanin, kali, canxi, magiê, natri,… Cụ thể hơn:
- Lá atiso chứa: Acid phenol, acid alcol, acid succinic, hợp chất flavonoid, polyphenol, chlorogenic acid,…;
- Thân atiso chứa: Kali, canxi, natri, magie,…;
- Hoa atiso chứa: Carbohydrate, chất xơ, phốt pho, canxi, natri, lưu huỳnh, magie và một số thành phần vitamin khác;
- Rễ atiso chứa: Không có dẫn chất của acid caffeic (chlorogenic, sesquiterpen lacton).
Tính vị – Quy kinh của atiso
Tính vị: Atiso có vị đắng, tính mát.
Quy kinh: Trong Đông y, atiso được quy vào kinh Can và Đởm.
Tác dụng dược lý của cây atiso
Theo nghiên cứu của giới dược lý hiện đại:
- Có tác dụng đào thải các độc tố có trong gan ra khỏi cơ thể mặc dù không có tác dụng tái tạo tế bào ở gan (hoa atiso);
- Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường;
- Có tác dụng chống oxy hóa và tác dụng này không hề bị thuyên giảm dù dược liệu đã được đun nóng ở nhiệt độ cao;
- Rễ cây atiso không có tác dụng tăng tiết mật;
- Có tác dụng kích thích gan mật, lợi tiểu, chống sỏi mật, đặc biệt là giúp hạ lipid máu do ức chế enzym chuyển hóa HMG CoA reductase;
- Gia tăng bài tiết mật ở đường tiêu hóa nhưng không có tác dụng đối với trường hợp tắc nghẽn ống dẫn mật.
Trong Y học cổ truyền:
- Có tác dụng lợi tiểu;
- Hỗ trợ điều trị bệnh phù nề và thấp khớp;
- Thông tiểu tiện, thông mật;
- Hỗ trợ điều trị các bệnh suy gan, suy thận, viêm thận cấp và mãn tính;
- Trợ tim;
- Thanh nhiệt, chống độc;
- Tăng tiết sữa cho sản phụ.
Cách dùng và liều dùng dược liệu atiso
Cách dùng: Atiso chủ yếu dùng ở dạng sắc hoặc đem hãm cùng với nước sôi và dùng như nước trà. Bên cạnh việc sử dụng độc vị atiso, bạn cũng có thể kết hợp cùng với một số dược liệu khác tùy vào từng bài thuốc và từng bệnh lý.
Liều lượng: Dùng 10 – 20 gram đối với dạng tươi hoặc dùng 5 – 10 gram ở dạng khô. Đối với các sản phẩm ở dạng đóng gói, bạn chỉ nên sử dụng 2 – 3 túi trà mỗi ngày là đủ.
Những bài thuốc cải thiện sức khỏe hay từ atiso
Atiso được sử dụng khá phổ biến hiện nay, không chỉ có tác dụng cải thiện bệnh lý, loại dược liệu này còn có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, giải độc gan, mát gan, tăng sức đề kháng. Dưới đây là một số bài thuốc từ dược liệu atiso, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng thực hiện ngay tại nhà:
1. Bài thuốc sử dụng atiso để giải nhiệt cơ thể, mát gan, giải độc gan
- Chuẩn bị: 2 cụm hoa atiso lớn, 1 bó lá dứa tươi, 60 gram đường phèn.
- Cách thực hiện: Đem phần cụm hoa atiso cắt bỏ phần cuống rồi rửa sạch qua nhiều lần với nước sạch. Sau đó, cho cụm hoa vào trong nồi cùng với 3,5 lít nước lọc. Tiến hành đun sôi cho đến khi hoa atiso mềm nhừ. Khi đó, tiếp tục cho phần lá dứa (đã được làm sạch và cuộn tròn hoặc buộc chặt lại) cùng với lượng đường phèn đã được chuẩn bị vào tròng nồi và đun thêm 15 phút. Cuối cùng, lọc lấy phần nước và bỏ phần bã. Đổ phần nước đã sắc vào trong bình thủy tinh và đặt vào trong tủ lạnh khi phần nước đã nguội. Bạn có thể sử dụng nước sắc để thay thế cho nước lọc hằng ngày.
2. Bài thuốc sử dụng atiso trị chứng đau dạ dày, ăn uống không tiêu, bệnh đái tháo đường, thấp khớp, thống phong, cơ thể bị suy nhược, sản phụ ít sữa sau khi sinh
- Chuẩn bị: Hoa cây atiso 10 – 20 gram dùng ở dạng tươi hoặc 5 – 10 gram ở dạng khô.
- Cách thực hiện: Làm sạch phần hoa atiso đã được chuẩn bị bằng nước sạch rồi đem sắc cùng với nước lọc. Người bệnh sử dụng phần nước sắc để thay thế cho nước lọc hằng ngày.
3. Bài thuốc từ atiso điều trị bệnh phù, thấp khớp, viêm gan, vàng da, viêm thận cấp và mãn tính, sưng xương khớp, nhuận trường, lọc máu
- Chuẩn bị: Lá cây atiso tươi hoặc khô.
- Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ phần lá atiso vừa được chuẩn bị bằng nước sạch rồi đem sắc lấy nước dùng hoặc nấu thành cao để sử dụng.
4. Bài thuốc từ atiso giúp tăng cường chức năng gan và giải độc các độc tố có trong gan
- Chuẩn bị: 50 gram hoa atiso, 100 gram gan lợn cùng với những loại gia vị vừa đủ.
- Cách thực hiện: Cụm hoa atiso cần được rửa qua nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất, sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ. Gan lợn cần được làm sạch để khử mùi tanh, sau đó thái thành từng lát mỏng và ướp cùng với một ít gia vị. Bắt lên bếp một cái chảo dầu, cho phần gan lợn vào trước và đun cho đến khi phần gan săn lại thì tiếp tục cho phần cụm hoa và một lượng nước lọc vừa đủ. Tiến hành đun cho đến khi hoa atiso chín nhừ, sau đó, nêm nếm một ít gia vị vừa đủ ăn. Người bệnh nên sử dụng khi thức ăn còn nóng và kiên trì sử dụng trong vòng 7 – 10 ngày để thấy rõ sự khác biệt.
5. Bài thuốc từ atiso hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- Chuẩn bị: 50 gram cụm hoa atiso, 150 gram xương sườn lợn, 100 gram củ khoai tây, 50 gram củ cà rốt cùng với gia vị vừa đủ.
- Cách thực hiện: Các nguyên liệu đã được chuẩn bị cần được làm sạch bằng nước sạch và cắt từng đoạn vừa đủ để dùng. Đối với xương sườn lợn cần được ướp cùng với một ít gia vị trước khi chế biến. Sau đó, cho toàn bộ nguyên liệu vào trong nồi để hầm cho nhừ rồi nêm nếm một ít gia vị vừa đủ ăn. Người bệnh nên cùng thức ăn khi còn nóng và có thể dùng với cơm trắng nóng. Dùng mỗi ngày 1 lần và sử dụng liên tục từ 7 – 10 ngày để cảm nhận sự thay đổi.
6. Bài thuốc sử dụng atiso giúp làm giảm lượng cholesterol có trong máu
- Chuẩn bị: Thân cây và rễ atiso mỗi thứ 40 gram cùng với 20 gram hoa atiso.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị thái thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi khô và cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 2 gram để hãm cùng với nước sôi để sử dụng. Dùng khi nước còn nóng hoặc có thể sử dụng để thay thế nước trà.
Ngoài việc hãm như nước trà, bạn cũng có thể sử dụng cụm hoa atiso cùng với giò heo hoặc lá lách lợn để chế biến thành món ăn bổ sung vào thực đơn hằng ngày và cách thực hiện này cũng có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol có trong máu.
Sử dụng atiso cần lưu ý đến những vấn đề nào?
Việc sử dụng cây atiso có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, do đó, trong quá trình sử dụng, bạn cần lưu ý đến những vấn đề sau:
- Các đối tượng quá mẫn cảm với một số thành phần có trong cây atiso cần hết sức lưu ý khi sử dụng;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú cần hỏi ý kiến của giới chuyên môn trước khi sử dụng;
- Các đối tượng đang trong quá trình sử dụng muối sắt không được khuyến khích sử dụng các bài thuốc từ atiso. Bởi nếu sử dụng atiso không đúng cách có thể làm ngăn chặn sự hấp thụ muối sắt;
- Không nên ăn hay uống atiso quá nhiều. Điều này có thể gây ra một số phản ứng gây hại cho da, hệ tiêu hóa bị co thắt cơ trơn gây nên tình trạng trướng bụng, cơ thể suy nhược và mệt mỏi;
- Trong quá trình sử dụng nếu bạn gặp phải những triệu chứng bất thường, khi đó, bạn nên tạm ngưng việc sử dụng cây atiso và tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ.
Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu atiso và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng loại dược liệu này. Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế chỉ định hay lời khuyên từ chuyên gia. Do đó, bạn có thể tham khảo thêm một vài lời khuyên từ chuyên gia trước khi sử dụng, mặt khác để biết thêm những công dụng khác từ dược liệu này.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm:
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!