Atiso Đỏ (Cây Bụp Giấm) - Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu Ý
Cây atiso đỏ còn được dân gian gọi là cây bụp giấm – đây là một loại cây sống lâu năm, mang lại nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Trong Đông y, cây atiso đỏ có vị hơi chua, tính mát, được quy vào kinh Can và Đại trường, có tác dụng nhuận trường, lợi tiểu, thanh nhiệt, lợi mật, giảm huyết áp, cải thiện khả năng tiêu hóa,…
Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Cây bụp giấm, đay Nhật, Lạc thần hoa,…
- Danh pháp khoa học: Hibiscus sabdariffa L.
- Họ: Thuộc họ Bông (Malvaceae)
Đặc điểm sinh thái của cây atiso đỏ
Mô tả: Cây atiso đỏ là cây sống lâu năm, khi trưởng thành, cây có thể cao khoảng 1.5 – 2 mét. Thân cây tròn, có màu tím nhạt, gồm nhiều nhánh nhỏ và phân nhỏ gần gốc. Lá cây atiso đỏ là lá đơn, có hình quả trứng, mép lá có răng cưa. Hoa atiso đỏ là lá đơn, mọc ở nách và gần như không có cuống. Tràng hoa có màu vàng hồng hoặc tím tía, có khi có màu trắng. Quả nang hình trứng, có nhiều lông thô. Mỗi quả mang đều mang đài màu đỏ bao quanh. Tháng 7 đến tháng 10 hàng năm là khoảng thời gian cây atiso đỏ ra hoa nhiều nhất.
Phân bố: Cây atiso đỏ có nguồn gốc và xuất xứ từ một số khu vực thuộc châu Phi. Và được du nhập vào nước ta được gần vài chục năm gần đây. Loại cây này là cây ưa sáng, chịu hạn giỏi, xuất hiện ở những vùng đất khô cằn, vùng đất bỏ hoang. Hiện nay, cây atiso đỏ trồng chủ yếu để làm cảnh và làm dược liệu chữa bệnh. Ở nước ta, cây atiso đỏ được trồng nhiều ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và một số tỉnh thành khác.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Sử dụng hoa atiso đỏ để làm thuốc chữa bệnh hoặc làm mứt.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch hoa atiso đỏ là vào khoảng đầu tháng 9 đến gần cuối tháng 11 hằng năm. Thu hoạch những phần atiso đỏ sẫm.
Chế biến: Rửa sạch và sử dụng trực tiếp hoặc đem phơi nắng, sấy khô để sử dụng dần.
Cách bảo quản: Atiso đỏ rất dễ bị mốc meo, do đó, cần được bảo quản nơi khô thoáng, tránh cất trữ ở môi trường ẩm thấp để phòng tránh mối mọt.
Thành phần hóa học của cây atiso đỏ
Trong hoa atiso đỏ có chứa khá nhiều thành phần hoạt chất có lợi cho sức khỏe, bao gồm:
- Vitamin A;
- Vitamin C;
- Acid tartric;
- Acid malic;
- Acid citric;
- Các axit béo không no;
- Cyanidin;
- Delphinidin;
- Cyanidin;
- Polysaccharides;
- Các hợp chất hibiscus;
- …
Tính vị và quy kinh của cây atiso đỏ
Tính vị: Atiso đỏ có vị chua, tính mát.
Quy kinh: Trong Đông y, atiso đỏ được quy vào kinh Can và Đại trường.
Tác dụng dược lý của cây atiso đỏ
Theo nghiên cứu của giới y học hiện đại
Dược liệu hoa atiso đỏ được các giới y học hiện đại nghiên cứu và đưa ra một số tác dụng điển hình như sau:
- Tăng cường hệ thống miễn dịch;
- Cải thiện hệ tiêu hóa, điều trị chứng đau dạ dày;
- Bảo vệ chức năng của gan ở các đối tượng bị rối loạn hệ chuyển hóa, giúp giảm men gan;
- Giảm lượng Cholesterol toàn phần, cải thiện tình trạng mỡ trong máu;
- Hạ huyết áp trong khoảng 4 – 6 tuần, hỗ trợ điều trị chứng cao huyết áp;
- Hạ đường huyết, giảm rối loạn lipid máu, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư;
- Ức chế một số tế bào ung thư dạ dày, bạch cầu, niêm mạc miệng, trực tràng nhờ có dịch tiết methanol có trong cây atiso đỏ;
- Tác dụng an thần, giảm đau, hạ sốt;
- Tăng khả năng bài tiết urê của thận;
- Có khả năng kháng một số kháng sinh hay một số loại nấm gây hại đến sức khỏe.
Theo Y học cổ truyền
Trong Đông y, dược liệu atiso đỏ mang lại khá nhiều công dụng và đây cũng chính là phần chủ trị của atiso:
- Lợi tiểu, thông tiểu;
- Thanh nhiệt, giải độc;
- Nhuận tràng, lợi mật;
- Lọc máu, điều hòa huyết thanh, giảm áp suất tác động lên các mạch máu;
- Hỗ trợ điều trị chứng rối loạn tiêu hóa;
- Kích thích nhu động ruột;
- Phòng ngừa bệnh béo phì;
- Hỗ trợ giảm cân, làm đẹp.
Cách dùng và liều dùng của dược liệu atiso đỏ
Cách dùng: Dùng hoa atiso đỏ để hãm cùng với nước trà, ngâm rượu, hoặc dùng để làm mứt, chế biến thành siro,…
Liều dùng: Không có con số thống nhất về liều lượng sử dụng atiso đỏ. Bởi vì, liều dùng còn phụ thuộc vào từng đối tượng và nhu cầu sử dụng.
Những bài thuốc phổ biến từ dược liệu atiso đỏ
Dưới đây là một số bài thuốc điển hình từ dược liệu atiso đỏ, bạn đọc có thể tham khảo và lưu lại phòng khi sử dụng:
1. Trà atiso đỏ giúp giải nhiệt, giảm cân, giải độc, hạ huyết áp, lợi tiểu, nhuận tràng
- Chuẩn bị: 70 gram hoa atiso đỏ (nếu sử dụng hoa khô thì cần chuẩn bị 30 gram).
- Cách thực hiện: Mang những phần hoa khô rửa sạch qua nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất. Sau đó đem hãm cùng với 700ml nước nóng. Có thể thêm một ít đường kính để tăng độ ngọt.
2. Bài thuốc sử dụng atiso để phòng ngừa ho
- Chuẩn bị: Hoa atiso tươi.
- Cách thực hiện: Đem những phần hoa atiso vừa được chuẩn bị rửa sạch bằng nước rồi vớt ra để ráo nước. Sau đó, xếp toàn bộ hoa atiso vào trong bình thủy tinh có nắp đậy, cứ một lớp hoa atiso là một lớp đường phèn. Đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát, sau 15 ngày ngâm liên tục là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng 30 ml (tương ứng với một ly thủy tinh nhỏ).
3. Rượu atiso đỏ hỗ trợ điều hòa hệ tiêu hóa, chống táo bón, nhuận tràng
- Chuẩn bị: 600 gram hoa atiso khô, 150 ml mật ong và 1 lít rượu trắng 40°.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ hoa atiso rửa sạch rồi vớt ra để ráo. Sau đó cho hết phần hoa vừa được làm sạch vào trong bình thủy tinh. Tiếp tục cho mật ong và rượu trắng ngập hoa atiso. Đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát. Sau 10 ngày ngâm là có thể sử dụng. Mỗi ngày sử dụng 1 – 2 ly thủy tinh nhỏ tương ứng với 30 – 60ml.
Sử dụng dược liệu atiso đỏ cần lưu ý đến những vấn đề nào?
Khi sử dụng cây atiso đỏ, bạn cần lưu ý đến những vấn đề sau:
- Không sử dụng quá nhiều hoa atiso đỏ, đặc biệt là không sử dụng quá 2 gram đài hoa atiso khô. Điều này có thể gây ngộ độc cho cơ thể;
- Không được chế biến atiso đỏ ở nhiệt độ quá cao. Bởi việc này sẽ khiến cho các hoạt chất có trong atiso đỏ bị biến chất hoặc phá hủy và làm mất đi tác dụng vốn có của chúng;
- Các đối tượng quá mẫn cảm với một số thành phần có trong hoa atiso đỏ cần hết sức lưu ý khi sử dụng dược liệu này;
- Theo nghiên cứu của giới y học hiện đại cho biết, trong hoa atiso đỏ có chứa một số thành phần có khả năng làm hại đến sức khỏe của thai nhi. Chính vì vậy, phụ nữ đang mang thai và cho con bú tuyệt đối không nên sử dụng;
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời hoa atiso đỏ cùng với các loại thuốc khác, khi đó, chúng có thể gây ra hiện tượng tương tác thuốc, làm gia tăng sự ảnh hưởng của tác dụng phụ.
Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu atiso và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thảo dược này. Để đem lại kết quả sử dụng như mong muốn, bạn cần sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Mặt khác, tham khảo ý kiến của bác sĩ, lương y để biết thêm thông tin về dược liệu này.
Có thể bạn đọc chưa biết:
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!