Bạch Truật: Công Dụng Của Vị Thuốc Và Cách Dùng
Bạch truật là một trong những vị thuốc thường có mặt trong các bài thuốc bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị chứng ăn uống khó tiêu, động thai, đau nhức xương khớp… Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng vị thuốc này, cần lưu ý về cách dùng cũng như liều lượng sử dụng để tránh những tác dụng không mong muốn.
Tên gọi khác: Sinh bạch truật, sơn liên, sơn khương, truật, dương phu…
Tên khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz
Tên dược: Rhizoma atractylodis macrocephalae
Họ: Asteraceae (Cúc)
Mô tả về cây bạch truật
Đặc điểm thực vật
Bạch truật là cây thân thảo, sống lâu năm, mọc ở dưới đất. Đặc điểm hình thái của loài cây này được mô tả như sau:
- Cây có thân rễ to, rất phát triển và được gọi là rễ củ.
- Thân cây cao, thẳng, chiều cao từ 0,3 – 0,8m mọc đơn độc hoặc có phân nhánh ở phần trên của thân, phần dưới hóa gỗ
- Lá dai, mọc cách, phần lá dưới của thân có cuống lá dài, phần lá trên có cuống ngắn, bọc lấy thân. Phiến lá xẻ sâu, gốc lá rộng, hai đầu nhọn, hai bên thùy nhỏ. Lá phần ngọn có hình trứng mũi mác hoặc hình thuôn, mép có răng, đầu lá lá. Lá cây bạch truật có nhiều răng cưa nhỏ, nhìn giống lông chim.
- Hoa nhiều, xẻ làm 5 thủy hình mũi mác, phần trên màu tím, phần dưới màu trắng. Bầu nhụy màu nâu nhạt, bên ngoài có lông nhung.
- Quả bé, dẹp, thuôn, có màu xám.
Phân bố
Bạch truật có xuất xứ từ Trung Quốc, được trồng nhiều ở các huyện như Ư Thế, Đông Dương, Tiên Cư (Triết Giang), Lợi Xuyên (Hồ Bắc), Bình Giang (Hồ Nam, Đông Cố (Giang Tây) và các tỉnh như Tứ Xuyên, Phúc Kiến…
Hiện nay, bạch truật đã được di thực vào Việt Nam.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Thân rễ
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hái thân rễ bạch truật là vào cuối tháng 10 – đầu tháng 11. Lúc này, thân cây chuyển từ màu xanh sang màu nâu, vàng, ngọn cây trở nên cứng, dễ bẻ gãy. Nên thu hoạch vào ngày nắng ráo khi đất khô như vậy việc nhổ từng cây để lấy rễ củ sẽ dễ dàng hơn.
Sơ chế: Cắt bỏ phần thân, chỉ lấy rễ củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, để nguyên rễ, xắt mỏng, phơi khô. Chỉ chọn rễ có ruột màu trắng ngà, chất cứng rắn, mùi thơm nhẹ.
Bào chế:
Theo Trung Dược Đại từ điển:
- Cách 1: Rễ bạch truật sau khi được rửa sạch thì ngâm trong nước trong 4h, tiếp đó ủ kín trong 12h rồi mang đi bào mỏng, phơi khô. Ngoài ra còn có thể tẩm nước gạo đặc đem sao vàng hoặc tẩm bột hoàng thổ, phơi khô, sao vàng.
- Cách 2: Rễ bạch truật tươi, rũ cho sạch đất cát, phơi cho khô kiệt trong 15 – 20 ngày. (Nếu trời mưa thì đem phơi trong nhà, chỗ thoáng gió, tránh ẩm mốc)
- Cách 3: Sấy khô củ bạch truật.
Theo phương pháp bào chế Đông dược:
- Cách 1: Bào thành lát mỏng, phơi tái rồi đem tẩm mật ong hoặc nước Hoàng thổ và cuối cùng là sao vàng
- Cách 2: Rửa sạch, ủ kín cho đến khi thấy củ mềm thì đem bào mỏng, phơi khô.
- Cách 3: Rửa sạch, thái thành lát mỏng, sao cháy.
Bảo quản: Nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm mốc, nếu thấy có dấu hiệu thuốc bị ẩm thì đem phơi sấy ngay.
Vị thuốc bạch truật
Thành phần hóa học
Theo các nghiên cứu khoa học, trong bạch truật bao gồm các thành phần sau:
- 1,4% tinh dầu gồm: atractylon, atractylola, atractylenolide, eudesmol, vitamin A
- A-curcumene
- B-selinene, b-elemol
- Humulene, hinesol
- Palmitic acid
- 8b-ethoxy atractylenolide II…
Tính vị:
- Theo Bản Kinh bạch truật có vị đắng, tính ấm
- Theo Trung Dược đại từ điển bạch truật vị đắng, ngọt, tính ấm
- Theo Dược tính luận bạch truật vị cay, ngọt, không độc.
Quy kinh:
- Theo Trung Dược Đại từ điển, bạch truật quy vào kinh Vị và Tỳ
- Theo Thang Dịch bản thảo, bạch truật quy vào kinh thủ thiếu âm, thủ thái dương, túc quyết âm, túc thiếu âm, túc thái âm, túc dương minh.
- Theo Trung Hoa Cộng Hòa Nhân Dân Quốc Dược điển, bạch truật quy vào kinh Tỳ và Vị.
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, bạch truật có những tác dụng sau:
- Chống lở loét, có tác dụng phòng ngừa sự giảm sút Glycogen ở gan đồng thời bảo vệ gan.
- Điều tiết 2 chiều đến hệ thống thần kinh, cụ thể là ức chế ruột ở trạng thái hưng phấn và có tác dụng tạo sự hưng phấn cho ruột khi ở trạng thái ức chế. Tức là bạch truật có thể chữa được táo bón và tiêu chảy.
- Hạ đường huyết, an thần với liều lượng tinh dầu nhỏ, chống đông máu, giãn mạch máu.
- Có khả năng tăng thực bào của hệ thống tế bào lưới, tăng bạch cầu, tăng trọng lượng, tặng IgG trong huyết thanh, tăng sức bơi lội, cải thiện chức năng miễn dịch của tế bào.
- Chống loét bao tử do có khả năng ức chế loét do nhịn đói, do thắt môn vị khiến dịch vị ứ trệ.
- Ngoài ra, tinh dầu bạch truật còn có tác động tích cực đến hoạt động tiết dịch vị, có tác dụng chống ung thư, kháng viêm, ức chế với một số vi khuẩn gây bệnh ngoài da.
Theo y học cổ truyền
Theo các tài liệu y học cổ truyền, bạch truật có tác dụng:
- Bồi bổ cơ thể với công dụng chính là an thai, bổ máu, kiện vị, bổ tì, cầm đi ngoài.
- Chữa tỳ hư trướng mãn, tiết tả, hung cách phiền muộn, đàm ẩm, mồ hôi trộm, thủy thũng, thai khí không yên
- Ngoài ra còn được dùng trong các trường hợp như viêm ruột mãn tính, sốt, ra mồ hôi, phù thũng.
Bài thuốc chữa bệnh hay với bạch truật
Bạch truật được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh của Đông y. Tùy vào bệnh chứng, biểu hiện bệnh mà có liều lượng sử dụng phù hợp. Các bài thuốc thông dụng có thể kể đến như:
Bài thuốc dành cho thai phụ, sản phụ
- Bài thuốc an thai, trị thai động không yên: Lấy bạch truật, chỉ xác (sao cám) với một lượng ngang nhau rồi đem trộn với nước cơm để làm thành viên. Kích thước mỗi viên bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày dùng 30 viên với nước nóng, mỗi tháng uống 1 lần trước khi ăn.
- Trị huyết kém, thai nhiệt không yên: 32g bạch truật; bạch thược, xuyên khung, đương quy, hoàng cầm mỗi thứ 64g sấy khô, tán bột. Uống 1 lần/ngày, mỗi lần 8 – 12g. Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ mang thai mắc chứng âm hư hỏa vượng.
- Bài thuốc dưỡng huyết an thai: Bạch truật 10g, hoàng kỳ 15g, thục địa 10g, đương quy 8g, thược dược 6g; nhân sâm, tục đoạn, nhu mễ, hoàng cầm mỗi vị 5g; chích thảo, xuyên khung, sa nhân mỗi vị 4g sắc uống ngày 1 thang.
- Bài thuốc cho phụ nữ có thai bị phù: Bạch truật, sinh khương bì, địa cốt bì, đại phúc bì, ngũ gia bì mỗi vị 12g đem sắc với 20g phục linh để uống.
- Trị sản hậu trúng hàn, lạnh toát cả người, cấm khẩu bất tỉnh: 40g bạch truật, 40g trạch tả, 20g gừng sống sắc với 1 chén nước.
- Trị sản hậu nôn mửa: Lấy 48g bạch truật, 60g gừng sống, hai thăng rượu, hai thăng nước sắc còn 1 thăng thì chia làm 3 lần uống.
Bài thuốc dành cho người ăn uống kém
- Trị suy nhược cơ thể, ăn uống không mùi vị, đột nhiên xây xẩm chóng mặt cả ngày không bớt: Lấy1,8kg bạch truật đâm nát, ray nhỏ thêm ít rượu để làm thành thuốc viên dạng hạt ngô đồng. Uống 3 lần/ngày mỗi lần 20 viên. Lưu ý cần kiêng ăn đào, mận, cải thìa, thanh ngư.
- Trị ăn uống tiêu hóa đình trệ,khí trệ, làm tăng khẩu vị: Nếu chỉ trị tiêu hóa đình trệ lấy 40g bạch truật, 40g chỉ thiệt (sao cám), 40g hoàng bá (sao khử thổ) tán bột, gói lại bằng lá sen nếu chín với cơm nếp. Tiếp đó đâm nhỏ để làm thành viên có kích thước bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần pha 50 viên với nước sôi rồi uống.
Bài thuốc trị Tỳ Vị hư tổn
- Trị các loại Tỳ vị hư tổn nói chung: 640g bạch truật, 160g nhân sâm ngâm với nước một đêm rồi đem nấu với củi dâu đun ở lửa liu riu cho thành cao. Khi dùng cao bạch truật cần pha với mật ong, thường được gọi là Sâm truật cao.
- Trị Tỳ hư, ra mồ hôi trộm: 160g bạch truật xắt lát chia làm 4 phần bằng nhau. Trong đó, dùng 40g sao với Thạch hộc, 40g sao với Mẫu lệ, 40g sao với cám gạo miếng rồi đem tất cả bạch truật tán bột, uống 3 lần/ngày, mỗi lần 12g với nước cơm.
- Trị tỳ hư đầy trướng, hàn khí ngưng trệ làm trở ngại lưu thông, tỳ khí bất hòa: 80g bạch truật, 160g quất bì tán bột, trộn với rượu để làm thành viên, mỗi lần uống 30 viên với nước sắc mộc hương trước khi ăn.
- Trị tỳ hư, ho hen có đờm, mắt mờ, tim đập nhanh: 8g bạch truật, 8g cam thảo, 8g quế chi, 12 phục linh sắc uống với nước.
Bài thuốc trị Tỳ hư tiêu chảy
- Bài thuốc 1: 40g bạch truật, 40g bạch thược dược tán bột, trộn với nước cơm để làm thành viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 50 viên.
- Bài thuốc 2: 12g bạch truật, g chỉ thực sắc với nước để uống hoặc tán thành bột làm thuốc viên.
- Bài thuốc 3: 12g bạch truật, 12g đản sâm, 8g can khương, 4g cam thảo sắc với nước uống.
Bài thuốc trị tiêu chảy
- Trị tiêu chảy, lỵ lâu ngày: 6,4 kg bạch truật xắt lát, cho vào nồi sành, đổ nước ngập từ 2 – 3 tấc, đun với lửa vừa sao cho còn nửa chén thì đổ nước ra nồi khác. Tiếp tục cho nước vào sắc bã lại 3 lần, trộn nước đã sắc vào 1 cái nồi cho cô thành cao trong 1 đêm. Lấy cao đọng ở dưới, khử nước trong ở trên, cất để dùng dần. Mỗi ngày pha 1 – 2 thìa cao bạch truật với mật ong để uống.
- Trị tiêu chảy do thấp thử: Lấy bạch truật và xa tiền tử một lượng bằng nhau, đem sao, tán bột, mỗi lần lấy 8 – 12g uống với nước.
- Trị tiêu chảy ra máu, sắc mặt vàng, trực trường sa, trĩ: Lấy 640g bạch truật sao với hoàng thổ, tán bột. Tiếp đó dùng 320g can địa hoàng, hấp cơm, nghiền nát, thêm ít rượu cho ướt trộn với bạch truật đã tán bột làm thành thuốc viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 viên với nước cơm.
- Trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ: Lấy 200g bạch truật (sao với đất), 200g sơn dược (sao với miến); xa tiền tử (sao muối), vỏ cây táo (sao vàng) mỗi thứ 150g tán thành bột. Cho trẻ từ 4 – 6 tuổi uống 3 lần/ngày trước khi ăn, mỗi lần chỉ dùng từ 3 – 4g.
Bài thuốc trị ra mồ hôi
- Trị ra mồ hôi do khí hư: 12g bạch truật, 24g mẫu lệ, 12g phòng phong sắc với nước để uống hoặc tán thành bột.
- Trị ra mồ hôi do khí hư (bài thuốc 2): 12g bạch truật, 20g phù tiểu mạch, 12g hoàng kỳ sắc với nước để uống.
- Trị ra mồ hôi cho cả trẻ em và người lớn: 20g bạch truật, 12g tiểu mạch đem sao khô, bỏ tiểu mạch. Bạch truật tán bột, mỗi lần dùng lấy 4g sắc với nước hoàng kỳ để uống.
- Trị mồ hôi tự chảy không cầm: Lấy một lượng bạch truật vừa đủ tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 muỗng canh.
Bài thuốc cho người gặp các vấn đề về gan
- Trị viêm gan: Mỗi ngày dùng 15 – 30g bạch truật
- Trị xơ gan cổ trướng: Mỗi ngày dùng 30 – 60g bạch truật
- Trị ung thư gan: Mỗi ngày dùng 60 – 100g bạch truật
Bài thuốc khác
- Trị chứng tim đập nhanh hay lo âu hồi hộp, ra mồ hôi: 12g bạch truật, 12g hoàng kỳ, 20g phù tiểu mạch sắc với nước để uống.
- Trị tỳ hư, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, tự ra mồ hôi: 12g bạch truật, 24g mẫu lệ, 12g phòng phong sắc thuốc hoặc tán bột để uống. Mỗi ngày uống một lần, mỗi lần 12g.
- Trị cảm giác như có nước dưới tim: 120g bạch truật, 200g trạch tả sắc với 3 thăng nước, thấy còn 1 thăng rưỡi thì chia làm 3 lần uống.
- Trị bứt rứt, bồn chồn ở ngực: Lấy một lượng bạch truật vừa đủ, tán bột, uống 1 lần/ngày, mỗi lần 4g với nước.
- Trị phong thấp ban chẩn ngứa ngáy: Tán nhỏ bạch truật, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 1 thìa với rượu.
- Trị nám tàn nhang: Lấy bạch truật tẩm giấm, sức hàng ngày.
Những lưu ý khi sử dụng bạch truật
Khi sử dụng bạch truật và các bài thuốc có bạch truật, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Tuyệt đối không dùng bạch truật cho người bao tử đau do nóng trong, khí trệ, tích tụ, phàm uất kết, suyễn khó thở, hỏa vượn.
- Khi dùng bạch truật có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như có vị khó chịu trong miệng, khô miệng, buồn nôn…
- Không dùng bạch truật cho người can thận, bị mụn nhọt có mũ, người ốm gầy còm.
Có thể thấy, bạch truật là một vị thuốc đa dụng có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Tuy nhiên, tùy theo loại bệnh, tình trạng sức khỏe và độ tuổi mà có liều dùng và cách dùng khác nhau. Tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!