Bệnh á sừng: Cách nhận biết triệu chứng và điều trị hiệu quả nhất

Bệnh á sừng thường xuất hiện với những vết nứt nẻ, bong tróc đến chảy máu trên các vùng da như chân, tay. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe làn da, á sừng còn khiến người bệnh tự ti ngại giao tiếp. Phát hiện và điều trị bệnh kịp thời giúp tăng khả năng khỏi bệnh. Bài viết cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về bệnh và cách điều trị hiệu quả nhất. 

Bệnh á sừng là gì? Bệnh có lây không?

Á sừng tên tiếng Anh là Dermatitis plantaris sicca, là thuật ngữ miêu tả tình trạng khô da do các tế báo khi hóa sừng vẫn còn nhân. Á sừng đem đến những mảng da khô  nứt, bong tróc ở khu vực da tay, bàn chân đặc biệt là ở gót chân và nhiều hơn vào mùa đông. Bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi và có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. 

Bệnh cần được điều trị sớm và đúng cách tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Rất nhiều trường hợp gặp khó khăn trong công việc do bệnh khi tiếp xúc với các yếu tố môi trường nhanh chóng tái phát. Người bệnh bị hành hạ bởi cơn đau nẻ, chảy máu, ngứa ngáy khó chịu.

Bệnh á sừng
Hình ảnh bệnh á sừng

Theo các chuyên gia da liễu, á sừng không phải là bệnh có thể truyền nhiễm qua đường tiếp xúc hay dùng chung đồ đạc. Bởi vậy việc chăm sóc người bệnh có thể thực hiện bình thường mà không cần lo lắng bệnh lây từ người này sang người khác. Tuy vậy các tổn thương trên da có thể dễ lan rộng lên các vùng da khác nếu không được điều trị đúng cách.

Bệnh á sừng có nguy hiểm không?

Bệnh á sừng nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Một vài biến chứng nghiêm trọng của bệnh có thể kể đến:

  • Nhiễm trùng, bội nhiễm gây hoại tử da

Các lớp vảy trên da gây bí tắc lỗ chân lông khiến mồ hôi và các chất thải trên da tích tụ gây viêm ngứa ngáy. Tình trạng ngứa khiến người bệnh có thói quen gãi và chà sát mạnh cũng khiến các tổn thương ngoài da lan rộng và vi khuẩn dễ xâm nhập. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn đến hoại tử ngoài da kèm các vết sẹo vĩnh viễn ảnh hưởng thẩm mỹ.  Viêm da thể nặng có thể ăn sâu vào máu gây nhiễm trùng máu.

  • Chức năng tự bảo vệ của da suy giảm

Khi mắc bệnh lớp biểu bì đóng vai trò bảo vệ và giữ nước cho làn da bị tổn thương. Da khi này suy yếu, độ ẩm bị mất và suy giảm khả năng bảo vệ của da. Khi này làn da dễ mắc các bệnh da liễu khác kèm hệ miễn dịch cơ thể yếu ớt hơn, dễ mắc bệnh liên quan đến các cơ quan khác trên cơ thể.

  • Tổn thương xương khớp

Các bệnh ở khớp xương tay, chân sưng đau do vi khuẩn xâm nhập qua những tổn thương ngoài da là biến chứng do á sừng gây nên. Y học ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh bị ảnh hưởng chức năng vận động dẫn đến nguy cơ bị liệt.

Triệu chứng thường gặp của bệnh á sừng

Các tổn thương ngoài da do á sừng gây ra có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể. Biểu hiện cụ thể theo các tình trạng bệnh có thể kể đến: 

Á sừng da đầu

Khi này da đầu xuất hiện các lớp vảy trắng ban đầu dễ nhầm lẫn với vảy gàu thông thường. các lớp vảy bong ra có màu hồng và đùn thành nhiều lớp. Các vết vảy á sừng thường gặp ở vùng chân tóc, sau gáy. Vào những ngày trời nóng nực hanh khô bệnh tiến triển mạnh và khiến da đầu ngứa ngáy khó chịu.

Á sừng ở chân 

Hiện tượng bong tróc da, nứt nẻ kèm ngứa rát xuất hiện ở mu bàn chân và các ngón chân. Trên vùng da chân xuất hiện các đường nứt. Vào mùa hè da có thể trơn nhẵn khô da còn mùa đông thì sần sùi đóng vảy. Tổn thương ngoài da đem lại cảm giác đau rát thậm chí chảy máu. 

Á sừng ở tay

Da bị căng cứng, nứt nẻ, các lớp sừng bong tróc gây chảy máu ở những vị trí như đầu ngón tay, lòng hoặc rìa bàn tay, kèm cảm giác ngứa ngáy. Triệu chứng thường xuất hiện khi tay tiếp xúc với các chất tẩy rửa độc hại.   

Á sừng ở trẻ em

Đối tượng mắc á sừng đa dạng ở nhiều lứa tuổi từ người lớn để trẻ nhỏ. Biểu hiện bệnh từ đó cũng có sự khác biệt đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trẻ bị á sừng thường có làn da căng bóng, đỏ và khô ở những vùng da phải chịu nhiều áp lực của cơ thể như lòng bàn chân, gót chân.

Các vết nứt da đem lại cảm giác đau đớn thậm chí nứt toác gây chảy máu. Làn da của trẻ non nớt do đó tổn thương da dễ để lại sẹo vĩnh viễn nếu điều trị sai cách. Các biểu hiện bệnh kéo theo ảnh hưởng xấu tới sự phát triển ở trẻ. Trẻ mắc bệnh thường có thêm triệu chứng biếng ăn, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa…

Các triệu chứng thường gặp của bệnh
Các triệu chứng thường gặp của bệnh

Nguyên nhân gây bệnh 

Để có được phác đồ điều trị bệnh hợp lý cần xác định đúng nguyên nhân. Á sừng xuất hiện do nhiều yếu tố điển hình như: 

  • Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền và cơ địa là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh. Tỷ lệ người mắc bệnh khi có tiền sử gia đình cũng mắc vảy nến cao đến 45%. 

  • Da tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Khi làn da phải tiếp xúc nhiều với các chất độc hại, chất tẩy rửa nồng độ cao… sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh của làn da.  

  • Do thời tiết hanh khô: Thời tiết hanh khô đặc biệt vào mùa đông khiến làn da bị mất nước. Từ đó quá trình sừng hóa bị đẩy nhanh làm tăng cao nguy cơ nhiễm bệnh á sừng.

  • Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể hoặc thiếu hụt dinh dưỡng: Các vitamin A, D, E, C đóng vai trò quan trọng với sức khỏe làn da. Thiếu hụt các chất này khiến da yếu, dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó nội tiết tố thay đổi đặc biệt trong giai đoạn mang thai, sau sinh hay dậy thì cũng khiến làn da dễ bị tổn thương.

Nguyên nhân gây bệnh á sừng
Nguyên nhân gây bệnh á sừng

Các phương pháp điều trị bệnh á sừng

Vì thường tái đi tái lại và có tính chất mãn tính nên việc điều trị á sừng cần nhiều thời gian. Những cách chữa bệnh phổ biến có thể kể đến các mẹo dân gian chữa tại nhà, dùng thuốc tây hoặc thuốc nam. Việc điều trị thường tập trung vào đẩy lùi các triệu chứng bên ngoài và cải thiện sức khỏe làn da.

Các mẹo chữa dân gian tại nhà

Đây vốn là phương pháp quen thuộc bởi thành phần dễ kiếm, giá thành rẻ và cách thực hiện đơn giản. Một số loại lá dân gian được người bệnh sử dụng như: 

Chữa á sừng bằng lá trầu không 

Lá trầu không có thể sử dụng để đun nước uống. Cách làm: rửa sạch lá, đem cắt nhỏ và nấu sôi kỹ trong khoảng 10 phút. Phần nước tận dụng để uống, bã có thể dùng để đắp lên vùng da bị bệnh. Nước đun lá cũng có thể áp dụng để ngâm rửa ngoài da. 

Lá trầu không được sử dụng trong điều trị bệnh tại nhà
Lá trầu không được sử dụng trong điều trị bệnh tại nhà

Cây vòi voi chữa á sừng

  • Lấy 1 nắm cây vòi voi rửa sạch
  • Đem giã vòi voi cùng với muối. 
  • Vệ sinh da rồi đắp hỗn hợp đã chuẩn bị lên da, nhớ dùng băng gạc cố định lại rồi để qua đêm. 
  • Áp dụng hàng ngày, sau một thời gian sẽ thấy bệnh có tiến triển.

Chữa á sừng bằng tỏi

  • Chuẩn bị vài nhánh tỏi tươi, bóc vỏ đem cuốn trong băng gạc và giã nát.
  • Dùng phần tỏi được bọc trong băng chấm vào khu vực da bị á sừng trong khoàng 5 phút. 
    Sau đó rửa sạch da với nước ấm.

Chữa á sừng bằng lá lốt

  • Lấy một nắm lá lốt rửa sạch cho vào nồi đun sôi trong khoảng 10 đến 15 phút.
  • Dùng nước lá lốt vừa đun để xông hơi hoặc ngâm rửa vùng da bị bệnh á sừng sẽ làm giảm bớt triệu chứng khó chịu.

⚠️ Lưu ý khi áp dụng phương pháp dân gian: 

  • Các công thức trên chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng khi bệnh trong giai đoạn nhẹ. 
  • Việc điều trị cần thực hiện đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng ngoài da. 
  • Trường hợp bệnh nặng người bệnh cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Thuốc Tây trị á sừng 

Thuốc tây vốn là thói quen chữa bệnh của nhiều người. Với điều trị á sừng các loại thuốc thường được chỉ định như:

  • Thuốc bôi tại chỗ chứa corticoid 
  • Các dung dịch bôi ngoài da chứa acid salicylic
  • Kem làm mềm da chứa vitamin E và các dưỡng chất dưỡng da
  • Thuốc kháng sinh dạng bôi, thuốc mỡ kháng sinh

⚠️Lưu ý: Những loại thuốc này dễ mua được ở nhiều hiệu thuốc tuy nhiên nếu quá làm dụng có thể gây phản tác dụng.Tiêu biểu các loại thuốc bôi chứa corticoid có thể gây bào mòn da. Do vậy việc dùng thuốc cần được tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Chữa á sừng bằng Đông y

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Tuyết Lan – Nguyên trưởng khoa khám bệnh bệnh viện YHCT Trung ương, á sừng là một dạng viêm da cơ địa dị ứng được gọi là can tiễn, ngưu bì tiễn với các biểu hiện dày da, cứng da, nứt da. Nguyên nhân là do PHONG, THẤP, NHIỆT. Trong đó do phong là chính, khi phong tồn tại lâu ngày sẽ hóa thành nhiệt, chính nhiệt táo của phong sẽ gây viêm da cơ địa.

  •  Nếu do phong sẽ dùng phép chữa khu phong như kinh giới, bạc hà, ngưu bàng tử, ké đầu ngựa…
  • Nếu do nhiệt sẽ dùng phép chữa thanh nhiệt, giải độc như thanh bì, sài đất, liên kiều, huyền sâm, sinh địa…
  • Nếu do thấp sẽ dùng phép chữa thanh trừ thấp nhiệt có tác dụng kháng sinh Đông y như hoàng bá, khổ sâm, hoàng liên…

Người bị bệnh á sừng nên kiêng gì?

Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cũng có thể tự bảo vệ làn da khỏi bệnh á sừng bằng một vài lưu ý: 

  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất gây bệnh như nước rửa chén, thuốc nhuộm, xà phòng,… Nếu cần phải sử dụng các hóa chất này nên sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ. 

  • Giữ vệ sinh làn da, tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn hay không khí ô nhiễm. Cần che chắn bảo vệ da khi ra đường và khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

  • Không gãi hay chà mạnh lên vùng da tổn thương có thể gây tình trạng viêm nặng hơn. 

  • Tắm và vệ sinh cơ thể bằng nước ấm.

  • Vào mùa đông, nên giữ ấm cơ thể và giữ ẩm cho làn da bằng các sản phẩm dịu nhẹ. Thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm cho da, hạn chế tình trạng da bị khô ráp và bong tróc.

  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là ăn những loại rau quả chứa nhiều vitamin A, C, E và D. Đồng thời, nên tránh xa các thực phẩm gây dị ứng như thịt bò, cua, rượu, cà phê,…

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Trên đây là những thông tin cần thiết cho người đọc để phòng ngừa và đẩy lùi bệnh á sừng hiệu quả. Hy vọng người bệnh đã có cho mình phương pháp chữa bệnh phù hợp.