Bệnh chàm (Eczema) – Những thông tin cần biết về cách điều trị hiệu quả

Bệnh chàm hay còn gọi là eczema, có tính chất mãn tính. Nếu người bệnh không có hướng điều trị đúng đắn, bệnh rất dễ tái phát. Chàm (eczema) không những gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây bất tiện trong sinh hoạt, giao tiếp của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc nắm được những thông tin chính xác hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh thông qua tư vấn bởi Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan – Nguyên trưởng khoa khám bệnh bệnh viện YHCT Trung ương.

Bệnh chàm eczema
Hình ảnh chàm – eczema ở bàn tay

Chàm eczema là gì? Chàm eczema có lây không?

Bệnh chàm (eczema) thường xuất hiện với tình trạng da bị viêm đỏ, nổi mụn nước do các tác nhân nội và ngoại sinh. Bệnh có tính chất mãn tính thường biến triển theo từng đợt và dễ tái phát. Eczema gây cho người bệnh cảm giác ngứa ngáy, mất thẩm mỹ và bất tiện trong sinh hoạt. 

Bệnh chàm được phân loại gồm:

  • Chàm tiếp xúc: Vị trí xuất hiện ở phần da hở tiếp xúc với dị nguyên. Các vết chàm thường có hình của vật tiếp xúc như hình quai dép, dây đồng hồ, vòng tay, kính mắt,… Các vết tổn thương da màu đỏ, hơi phù nề, trên bề mặt có mụn nước,… 
  • Chàm thể địa: Đây là thể thường gặp của bệnh, các triệu chứng xuất hiện khác nhau ở từng lứa tuổi. Với trẻ sơ sinh bệnh hay xuất hiện ở vùng trán, có hình móng ngựa hoặc cánh bướm, có mụn nước xuất hiện trên bề mặt, dễ vỡ, chảy dịch, đóng vảy tiết.
  • Chàm đồng tiền: Các vết tổn thương trên da có hình tròn hoặc oval. Ở thể này các triệu chứng xuất hiện là các vết đỏ, tiết dịch, mụn nước ở mặt duỗi tay, chân…
  • Chàm bã nhờn: Vị trí xuất hiện nhiều ở da đầu, mặt (lông mày, quanh mắt, mũi, các nếp nhăn quanh mũi, sau tai,…) Tổn thương có màu đỏ, đóng vảy mỡ.

Bệnh chàm (eczema) không có tính truyền nhiễm. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cho thấy có đến gần 15%  trẻ sơ sinh mắc bệnh. Người bệnh cũng như cha mẹ có con bị bệnh cần chú ý các nguyên nhân và triệu chứng bệnh để có cách xử lý kịp thời, hạn chế sự phát triển của bệnh. 

Dấu hiệu bệnh chàm eczema

Biểu hiện bệnh chàm (eczema) sẽ có sự khác biệt giữa mỗi người. Nhận biết được các triệu chứng bệnh giúp quá trình điều trị trở nên thuận tiện hơn. Ngoài ra ở mỗi giai đoạn bệnh, các triệu chứng lại có sự chuyển biến. Dưới đây là một số dấu hiệu chung của bệnh chàm người bệnh có thể dễ dàng nhận biết: 

  • Ở giai đoạn hồng ban: Giai đoạn này bệnh ở giai đoạn nhẹ, người bệnh thường chủ quan không đi khám chữa. Người bệnh sẽ thấy trên da xuất hiện các mảng hồng ban kèm cảm giác ngứa, tuy nhiên các dấu hiệu này biến mất nhanh.
  • Giai đoạn mụn nước: Bề mặt da xuất hiện các mụn nước tập trung thành đám, kích thước từ 1-2mm. Điều này do có sự tổn thương ở tầng thượng bì. Các mụn nước khi vỡ dễ gây nhiễm trùng, đau rát.
  • Giai đoạn đóng vảy: Các vết tổn thương trên da xuất hiện hiện tượng bong da và lên da non. Thường xuất hiện dịch nhầy và huyết tương đóng khô gây cộm da, dày da mất thẩm mỹ.
  • Giai đoạn Lichen hóa: Chàm tái phát lâu ngày khiến da trở nên sẫm màu, bề mặt da sần sùi.

Những diễn biến trên của bệnh xuất hiện đan xen từng đợt. Hiện tượng ngứa xuất hiện xuyên suốt, kéo dài dai dẳng. Có thể nhận biết chàm qua 2 thể trạng: chàm khô và chàm nước.

Chàm khô

Chàm khô là một dạng của chàm (eczema), dấu hiệu để nhận biết thể trạng bệnh này là: 

  • Những mảng đỏ xuất hiện rải rác trên bề mặt da.
  • Các mảng da đóng vảy, khô ráp.Vùng da này rất dễ bị bong tróc hay có khi nứt nẻ thành từng mảng trên bề mặt.
  • Nhiều vùng da nứt nẻ có thể bị rỉ máu.

Chàm nước 

Chàm nước hay còn gọi là chàm ướt xuất hiện với những tổn thương ngoài da có dạng mụn nước. Vị trí thường gặp là lòng bàn chân, bàn tay gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Các mụn nước ở trên ngón tay gây khó khăn trong việc cử động cầm nắm của bàn tay. Các mụn nước sau một thời gian có thể tự khô lại tạo vệt nứt trên da, chảy máu ngứa ngáy. Cảm giác ngứa có thể khiến người bệnh gãi mạnh gây chảy máu, nhiễm trùng và để lại sẹo vĩnh viễn.  

Nguyên nhân gây bệnh chàm eczema

Bệnh chàm (eczema) được gây ra bởi nhiều nguyên nhân phức tạp, một số nguyên nhân chính dễ nắm bắt của bệnh có thể kể đến:

Nguyên nhân nội giới: Do yếu tố di truyền, người bệnh có tiền sử bản thân hoặc gia đình từng mắc bệnh eczema. Hoặc do rối loạn chức năng nội tạng, rối loạn nội tiết,…

Yếu tố bên ngoài tác động: Do môi trường ô  nhiễm, thời tiết biến đổi đột ngột, dị ứng hóa mỹ phẩm, dị ứng thuốc có thể gây bệnh.

Sức đề kháng kém: Một trong những nguyên nhân gây bệnh cũng có thể do người bệnh có hệ miễn dịch yếu (mắc các bệnh xơ gan, viêm thận, suyễn,…) hoặc do thể trạng yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh chàm
Nguyên nhân gây bệnh chàm

Các cách điều trị chàm – eczema

Phương pháp chữa dứt điểm bệnh chàm là vấn đề được nhiều người quan tâm. Một số phương pháp được đa số người bệnh lựa chọn có thể kể đến dưới đây:

Chữa bệnh chàm bằng Tây y

Theo thói quen của đa số người bệnh, thuốc tây được lựa chọn là phương pháp chữa bệnh phổ biến. Phác đồ điều trị bằng thuốc tân dược được chỉ định theo một số cơ chế như:

  • Thuốc chống ngứa (Chlorpheniramine, Cetirizine,…)
  • Thuốc kháng sinh, chống nhiễm trùng da, kháng viêm corticoid (Cephalosporin,…)
  • Các loại thuốc bôi dạng dung dịch (Jarish, vioform 1%,…)
  • Thuốc mỡ

⚠️Người bệnh nên tham khảo trước ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng mức độ của bệnh nhân mà kê các loại thuốc kháng sinh hay kháng histamin. Rất nhiều trường hợp lạm dụng corticoid và gánh chịu những hậu quả nặng nề như teo da, mòn da, suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, teo cơ, ở trẻ em chậm phát triển thể chất… Vì thế, corticoid nói riêng và các thuốc tân dược nói chung được coi là “con dao hai lưỡi”. Bệnh nhân tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự ý tăng liều lượng.

Báo chí đã nêu rất nhiều trường hợp bị biến chứng do lạm dụng corticoid
Báo chí đã nêu rất nhiều trường hợp bị biến chứng do lạm dụng corticoid

Cách chữa bệnh chàm theo dân gian 

Dân gian lưu truyền một số bài thuốc từ các loại thảo dược quen thuộc có tác dụng trong điều trị bệnh eczema như:

  • Lá ổi: rửa sạch, cho vào đun sôi khoảng 5-7 phút. Để nguội và dùng để ngâm vùng da bị bệnh trong khoảng 15 phút. Có thể ngân hàng ngày trước khi đi ngủ. 

  • Lá sim: Lấy khoảng 200g lá, đun sôi với 1,5 lít nước cho tới khi có được hỗn hợp đặc sánh. Có thể cất vào hũ dùng dần để bôi vào vết chàm.

  • Trà xanh; Dùng lá trà xanh tươi để đun nước. Nước đun từ lá trà xanh có thể để ấm dùng ngâm vùng da bị tổn thương. Trong khi ngâm có thể mát xa nhẹ, tránh trầy xước dễ bị viêm nhiễm.

⚠️ Các phương pháp dân gian trên chỉ có tác dụng giảm bớt triệu chứng của bệnh. Cách chữa còn có nhiều nhược điểm như công dụng thấp, mất thời gian. Việc điều chế cần đảm bảo vệ sinh, nếu không sẽ dẫn đến nhiễm trùng, viêm nhiễm.

Chữa chàm – eczema bằng Đông y

Theo y học cổ truyền, chàm (eczema) được chia thành 2 thế cấp tính và mạn tính do phong nhiệt và thấp nhiệt gây ra. Ở thể mạn tính nguyên nhân chủ yếu do phong nhiệt gây huyết táo. Mỗi thể, mỗi nguyên nhân lại có phép chữa khác nhau, cụ thể:

  • Chàm cấp tính, loại thấp nhiệt (do phong + nhiệt + thấp) gây ra các biểu hiện da đỏ, ngứa, nổi cục, mụn nước, loét và chảy nước vàng sẽ dùng phép chữa thanh nhiệt hóa thấp.
  • Chàm cấp tính, loại phong nhiệt gây ra các biểu hiện da đỏ, mụn nước, phát toàn thân, ngứa, chảy nước nhưng ít loét sẽ dụng phép chữa sơ phong thanh nhiệt, trừ thấp.
  • Chàm mạn tính do phong và huyết táp gây ra các triệu chứng da khô, ngứa, nổi cục, mụn nước thường gặp ở đầu, mặt, cổ chân, cổ tay, đầu gối, khuỷu tay sẽ dùng phép chữa khu phong, dưỡng huyết nhuận táo.

Bệnh chàm kiêng ăn gì? Nên ăn gì?

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh eczema nên kết hợp cùng chế độ ăn uống phù hợp và sinh hoạt khoa học. Theo đó, bệnh nhân cần tránh và bổ sung các thực phẩm cũng như có chế độ sinh hoạt sau đây:

Kiêng:

  • Thực phẩm gây dị ứng như lúa mì, sữa, nấm, thức ăn nhiều đạm, chất béo no…
  • Thực phẩm có mùi tanh như trứng, tiết canh, gỏi … chứa nhiều arachidon gây phản ứng viêm tấy.
  • Tinh bột, chất béo và đường sẽ cho hàm lượng insulin trong máu tăng nhanh và gây kích ứng viêm lan rộng.

Nên:

  • Thực phẩm giải độc cho cơ thể gồm rau xanh như cải bắp, súp lơ xanh, măng tây, rau xà lách…
  • Thực phẩm nhiều khoáng chất vi lượng như kẽm từ hàu, thịt lợn nạc…
  • Thực phẩm giàu vitamin như giá đỗ, cam, bưởi…

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích vì dễ khiến bệnh trở nặng hơn
  • Uống đủ nước, duy trì độ ẩm cho da, tăng khả năng thải độc của cơ thể.
  • Vệ sinh da đúng cách, dưỡng ẩm. Tránh tiếp xúc da với các tác nhân ô nhiễm, gây dị ứng…
Chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp
Chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

Quá trình điều trị bệnh chàm (eczema) thường mất nhiều thời gian, người bệnh không nên nản lòng, dễ dẫn đến stress, lo âu. Để nhận được tư vấn chữa bệnh khoa học và hợp lý nhất, người bệnh cần đến các địa chỉ khám chữa bệnh uy tín để nhận được hướng điều trị đúng đắn từ bác sĩ.