Bệnh Gout (Gút) Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Bệnh gout là một dạng viêm khớp mãn tính có liên quan đến rối loạn chuyển hóa. Bệnh thường khởi phát do yếu tố di truyền, rối loạn sản xuất hoặc giảm khả năng đào thải acid uric . Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mắc bệnh lý này đều không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
Bệnh gout (gút) là gì? Phân loại
Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp mãn tính có mối liên hệ với rối loạn chuyển hóa acid uric. Bệnh xảy ra khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao khiến các tinh thể monosodium lắng đọng tại các tổ chức quanh khớp (sụn, dây chằng, bao hoạt dịch), ống thận và nhu mô thận.
Bệnh lý này thường xảy ra ở nam giới từ 40 – 60 tuổi và phụ nữ sau khi mãn kinh. Thống kê vào năm 2014 cho thấy, có khoảng 1% dân số (tương đương với 940 000 người) bị gút, trong đó nam giới chiếm đến 96%. So với các bệnh xương khớp mãn tính khác, bệnh gout gây ra cơn đau có mức độ nặng nề hơn và dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Hiện tại, chưa có phương pháp đặc hiệu đối với bệnh lý này. Mục đích chính của việc điều trị là điều chỉnh nồng độ acid uric, cải thiện triệu chứng lâm sàng và ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Dựa vào nguyên nhân, bệnh gút được chia thành 3 loại:
- Gout nguyên phát: Bệnh gout nguyên phát là loại phổ biến nhất. Mặc dù đã được nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh trong thời gian dài, nhưng hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân khởi phát dạng gout này.
- Gout thứ phát: Bệnh gout thứ phát là hệ quả của hiện tượng tăng acid uric máu do dung nạp quá nhiều thực phẩm chứa purin, uống nhiều rượu bia hoặc do thận giảm khả năng đào thải.
- Gout bẩm sinh: Gout bẩm sinh thường khởi phát ở trẻ em và trẻ ở tuổi vị thành niên. Nguyên nhân khởi phát bệnh được xác định là có liên quan đến bất thường về gen.
Nguyên nhân gây bệnh gout
Phần lớn các trường hợp bị gút đều không thể xác định được nguyên nhân cụ thể (gout nguyên phát). Ở một số ít trường hợp, bệnh có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Di truyền: Bệnh gút bẩm sinh (Hội chứng Lesch-Nyhan) là tình trạng di truyền hiếm gặp. Hội chứng này xảy ra do đột biến gen HPRT dẫn đến thiếu hụt men hypoxanthine-guanine phosphoribosyltransferase (HGPT). Thiếu hụt HGPT dẫn đến tăng sản xuất acid uric, tổn thương thần kinh,… Ở những người mắc bệnh gút bẩm sinh, tiên lượng thường xấu và hiếm khi sống quá 40 tuổi.
- Tăng acid uric máu: Hiện tượng tăng acid uric máu có thể xảy ra do tăng sản xuất hoặc do giảm khả năng đào thải acid uric.
Acid uric là sản phẩm cuối cùng trong quá trình chuyển hóa đạm từ các loại thực phẩm. Thông thường, cơ thể chỉ giữ lại một lượng acid uric nhất định và một lượng lớn sẽ được đào thải qua thận. Tuy nhiên do một số nguyên nhân, acid uric dư thừa có thể tích tụ trong tuần hoàn máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Thống kê cho thấy, có khoảng 5 – 20% trường hợp axit uric máu cao có nguy cơ phát triển thành bệnh gout.
Các nguyên nhân có thể làm tăng axit uric trong máu, bao gồm:
- Bất thường về gen (hội chứng Lesch-Nyhan)
- Sử dụng quá mức các loại thức ăn chứa nhiều purin (thịt bò, hải sản, trứng,….)
- Tăng dị hóa các axit nội sinh
- Sự thoái biến nhanh của ATP (Adenosine triphosphat) thành acid uric
- Thận suy giảm chức năng dẫn đến giảm hoạt động đào thải
- Lạm dụng các loại thuốc lợi tiểu
- Sử dụng rượu bia quá mức làm tăng áp lực lên thận và gây giảm hoạt động bài tiết acid uric
Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh gút còn có thể tăng lên do một số yếu tố nguy cơ như:
- Nam giới từ 40 – 60 tuổi
- Phụ nữ đã mãn kinh
- Người thừa cân – béo phì
- Nghiện rượu bia
- Mắc hội chứng chuyển hóa như rối loạn lipid máu, bệnh nhược giáp, phó giáp, đái tháo đường,…
- Dùng các loại thuốc làm gián đoạn quá trình đào thải acid uric của thận
- Tiền sử gia đình mắc bệnh gút
- Ảnh hưởng của các bệnh lý như vôi hóa sụn khớp, vảy nến và Sarcoidose (bệnh u hạt)
Dấu hiệu nhận biết bệnh gút qua từng giai đoạn
Khi nồng độ acid uric trong máu đạt đến ngưỡng nhất định (yếu tố này phụ thuộc vào từng cơ địa), bệnh bắt đầu bùng phát các triệu chứng lâm sàng. Thực tế cho thấy, bệnh lý này có các triệu chứng rõ rệt ở từng giai đoạn cụ thể.
1. Triệu chứng của bệnh gút cấp tính
Có đến 80 – 90% trường hợp gút cấp tính đều khởi phát cơn đau ở vị trí khớp ngón chân cái. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể xuất hiện ở cổ chân, gót chân, mu bàn chân, khuỷu tay, ngón tay,…
Cơn đau gút cấp thường bị kích thích bởi chấn thương cơ học, nhiễm lạnh, căng thẳng thần kinh, lao động nặng, sau khi uống nhiều bia rượu,… hoặc có thể tự phát mà không có yếu tố tác động.
Nhận biết cơn đau do bệnh gút cấp:
- Xuất hiện cảm giác ngứa, dị cảm (tê rần, nóng rát quá mức) và cứng khớp (thường là khớp ngón chân cái)
- Vị trí khớp xuất hiện cơn đau thường có dấu hiệu sưng nóng, đỏ, đau nhức và giảm khả năng vận động
- Hầu hết cơn đau gút cấp thường khởi phát vào ban đêm và có tính chất đột ngột
- Trong giai đoạn này, bệnh có thể đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như lạnh run, sốt cao, mệt mỏi và ăn uống kém
So với các bệnh xương khớp mãn tính khác, triệu chứng của bệnh gút có mức độ nặng nề và tính điển hình cao. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, bệnh có thể gây ra cơn đau không điển hình như:
- Xuất hiện tình trạng viêm ở nhiều khớp nhưng không có tính chất đối xứng như viêm khớp dạng thấp
- Khớp xuất hiện hiện tượng bán cấp và mức độ viêm thường không quá nặng nề
- Cơn đau có mức độ nhẹ hơn so với cơn đau gút cấp điển hình
2. Biểu hiện của bệnh gút mãn tính
Bệnh gút mãn tính xảy ra khi tình trạng tăng sản xuất và giảm đào thải acid uric kéo dài dẫn đến hiện tượng lắng đọng muối urat tại gân cơ, màng hoạt dịch và ổ khớp. Biểu hiện thực thể ở giai đoạn này là sự xuất hiện của các hạt tophi, cơn đau khớp mãn tính và các vấn đề về thận như suy thận, sỏi thận,…
So với cơn đau gút cấp, cơn đau gút mãn tính thường có mức độ nhẹ hơn nhưng có xu hướng dai dẳng và khó điều trị dứt điểm.
Bệnh gout có nguy hiểm không?
Khác với các bệnh xương khớp mãn tính thường gặp, bệnh gout có mức độ nguy hiểm và dễ phát sinh nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mặc dù không thể chữa trị hoàn toàn nhưng nếu tích cực chăm sóc và điều trị, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng và tiến triển của bệnh.
Đối với những trường hợp chủ quan, nồng độ acid uric có thể tăng cao trong một thời gian dài và dẫn đến các biến chứng nặng nề như:
- Biến dạng khớp: Acid uric trong máu tăng cao có thể gây lắng đọng muối urat tại các khớp, dây chằng và bao hoạt dịch. Theo thời gian, các tinh thể muối urat tạo thành hạt tophi gây chèn ép và biến dạng khớp.
- Sỏi thận: Ngoài các cơ quan xương khớp, tinh thể muối urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu và hình thành sỏi. Thống kê cho thấy, có khoảng 10 – 25% trường hợp gút mãn tính gặp phải biến chứng sỏi thận.
- Suy giảm chức năng thận: Tăng acid uric máu kéo dài có thể gây áp lực lên thận và khiến cơ quan này suy giảm chức năng. Khi xuất hiện biến chứng suy thận, cơ thể phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác như tăng đường huyết, huyết áp,…
- Ảnh hưởng đến tâm lý: Cơn đau do bệnh gút thường có mức độ nặng nề, diễn tiến mãn tính và tái phát nhiều lần. Tình trạng này có thể tác động đến yếu tố tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Chẩn đoán bệnh gout bằng cách nào?
Chẩn đoán bệnh gout được thực hiện thông qua các kỹ thuật sau:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ quan sát biểu hiện lâm sàng ở khớp và khai thác triệu chứng cơ năng mà bạn gặp phải để khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra.
- Xét nghiệm acid uric máu: Đây là một trong những kỹ thuật chẩn đoán quan trọng đối với bệnh gút. Tăng acid uric được xác định khi chỉ số cao hơn 70mg/l (nam giới) và 60mg/l (nữ giới). Tuy nhiên yếu tố này không có vai trò tiên quyết trong chẩn đoán bệnh gút. Trên thực tế, có đến 12 – 43% người bị gút có chỉ số acid uric bình thường và khoảng 80% trường hợp tăng acid uric không phát triển thành gút.
- Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ có thể hút dịch khớp và đem xét nghiệm nhằm tìm kiếm sự hiện diện của tinh thể urat. Đồng thời chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm khớp khác như lao khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn và viêm khớp dạng thấp.
- Xét nghiệm hình ảnh: Các kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh như siêu âm thận, siêu âm khớp và chụp X-Quang được thực hiện nhằm thu thập dữ liệu bổ sung trước khi đưa ra chẩn đoán.
- Xét nghiệm khác: Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm chức năng thận, gan và xét nghiệm máu nhằm xác định nồng độ đường huyết. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh có phải do hội chứng rối loạn chuyển hóa hay không.
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ tiếp tục dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán trước khi đưa ra kết quả cuối cùng. Bệnh gút được chẩn đoán khi tìm thấy hạt tophi/ tinh thể urat trong dịch khớp. Hoặc có ít nhất 2 tiêu chuẩn sau:
- Xuất hiện hạt tophi
- Có tối thiểu 2 đợt đau khớp dữ dội, khởi phát đột ngột và tự thuyên giảm sau 2 tuần
- Khớp ngón chân cái sưng viêm đột ngột và giảm hẳn sau 2 tuần
- Có đáp ứng tốt với thuốc Colchine (thuốc giảm đau và chống viêm được sử dụng trong điều trị cơn đau gút cấp tính)
Các biện pháp điều trị bệnh gout phổ biến
Hiện tại, không có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Mục tiêu chính của quá trình chữa trị là cải thiện cơn đau, dự phòng triệu chứng tái phát, hạn chế hiện tượng lắng đọng muối urat và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.
1. Điều trị và dự phòng cơn đau gút cấp
Cơn đau trong giai đoạn gút cấp tính khởi phát đột ngột và có mức độ dữ dội. Chính vì vậy ở giai đoạn này, nguyên tắc điều trị là sử dụng thuốc sớm, tác dụng nhanh, mạnh và chỉ dùng trong thời gian ngắn.
Các loại thuốc được sử dụng để làm giảm cơn đau gút cấp, bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được ưu tiên sử dụng điều trị cơn đau gút cấp trong trường hợp không có bệnh lý khác kèm theo. Ban đầu, bác sĩ thường chỉ định NSAID với liều cao trong 2 – 3 ngày đầu, sau đó giảm liều lượng và duy trì sử dụng trong khoảng 14 ngày.
- Colchicin: Colchicin là lựa chọn thứ 2 trong điều trị bệnh gút ở giai đoạn cấp. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế quá trình thực bào của bạch cầu, từ đó làm giảm các hoạt chất gây viêm và cải thiện cơn đau do gút. Tuy nhiên, thuốc không được sử dụng cho người bị suy gan, suy thận nặng, rối loạn các tế bào máu,…
- Corticosteroid: Corticosteroid chỉ được sử dụng trong trường hợp không thể dùng NSAID và Colchicin do chống chỉ định. Loại thuốc này có thể được sử dụng ở dạng uống, tiêm vào khớp, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Corticosteroid có tác dụng giảm viêm và giảm đau mạnh nhưng thường gây biến chứng nặng nề nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
Sau khi kiểm soát cơn gút cấp, bác sĩ thường chỉ định Colchicin với liều 0.6mg/ 1 – 2 lần/ ngày để dự phòng triệu chứng tái phát.
2. Điều trị hạ acid uric
Tăng acid uric có mối tương quan với mức độ và tần suất cơn đau của bệnh gút. Do đó sau khi kiểm soát cơn đau cấp tính, bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc có tác dụng hạ acid uric máu để dự phòng tái phát và ngăn ngừa biến chứng.
Thông thường, thuốc hạ acid uric máu được sử dụng với liều thấp, sau đó tăng liều theo thời gian và sử dụng trong thời gian dài đến khi nồng độ acid uric máu dao động khoảng <5-6mg/ dl. Hiện nay có 3 nhóm thuốc hạ acid uric máu chính, bao gồm:
- Thuốc ức chế tổng hợp acid uric: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế men xanthinoxydase, từ đó ức chế quá trình chuyển hóa hypoxanthin thành xanthin. Thuốc ức chế tổng hợp acid uric (Allopurinol) thường chỉ được dùng 1 lần/ ngày với liều lượng dao động từ 300 – 800mg. Loại thuốc này có thể gây nổi mẩn ngứa ngoài da và rối loạn tiêu hóa.
- Thuốc làm tiêu acid uric: Thuốc làm tiêu acid uric (Urocozyme) hoạt động bằng cách chuyển hóa acid uric thành allantoine. Sau đó allantoine hòa tan trong nước tiểu và được đào thải ra bên ngoài.
- Thuốc tăng thải acid uric qua nước tiểu: Thuốc tăng thải acid uric (Probenecid, Sunfinpyrazon) chỉ được sử dụng khi không thể dùng thuốc ức chế tổng hợp acid uric. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu acid uric ở ống thận và tăng thải qua cầu thận.
3. Điều trị bệnh gút mãn tính
Ở giai đoạn mãn tính, các tinh thể urat bắt đầu lắng đọng tại khớp, gây đau nhức mãn tính, phá hụy sụn khớp và đầu xương. Nếu để kéo dài, khớp có thể bị biến dạng, cứng khớp và dính khớp.
Trong giai đoạn bệnh gút mãn tính, điều trị bao gồm các biện pháp sau:
- Sử dụng thuốc chống thoái hóa: Các loại thuốc chống thoái hóa như Acid hyaluronic, Diacerin và Glucosamine được sử dụng trong giai đoạn này nhằm làm chậm quá trình tổn thương khớp xương và cải thiện chức năng vận động.
- Vật lý trị liệu: Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bác sĩ thường yêu cầu kết hợp với các kỹ thuật vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và phạm vi chuyển động. Thực tế, áp dụng biện pháp này thường xuyên có thể làm chậm quá trình dính khớp, cứng khớp và biến dạng khớp.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện khi hạt tophi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thẩm mỹ, Ngoài ra, biện pháp này cũng được cân nhắc vì lý do thẩm mỹ.
Lối sống khoa học cho bệnh nhân gout
Bệnh gout là tình trạng rối loạn chuyển hóa có tính hệ thống. Vì vậy điều trị bệnh phải kết hợp giữa biện pháp y tế với lối sống khoa học. Thực tế cho thấy, lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ kiểm soát nồng độ acid uric trong máu, dự phòng cơn đau gút tái phát và làm chậm tiến triển của bệnh.
Lối sống cho người bị bệnh gút:
- Giảm lượng thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng động vật, hải sản và các loại thịt đỏ. Dung nạp các loại thực phẩm này có thể làm tăng acid uric và kích thích cơn đau gút bùng phát.
- Uống nước khoáng có tính kiềm và ăn nhiều rau xanh nhằm hỗ trợ hoạt động bài tiết của thận, giảm rối loạn chuyển hóa và điều hòa acid uric máu.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia. Các thức uống chứa cồn có thể làm tăng áp lực lên thận và gây gián đoạn quá trình thanh thải acid uric dư thừa.
- Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được chỉ định các loại thuốc thích hợp. Nồng độ acid uric máu có thể tăng lên nếu lạm dụng corticoid, Aspirin và thuốc lợi tiểu.
- Nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động trong thời gian cơn đau gút cấp bùng phát.
- Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện khả năng vận động, hỗ trợ đào thải acid uric và hạn chế sự lắng đọng của muối urat tại các tổ chức quanh khớp.
- Thừa cân – béo phì có thể thúc đẩy sản xuất acid uric. Do đó, bạn nên ăn uống điều độ và tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng vừa phải.
- Hạn chế căng thẳng, ngủ sớm, ngủ đủ giấc và sinh hoạt điều độ để tránh kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát.
- Điều trị kết hợp với các bệnh lý kèm theo như tiểu đường, huyết áp cap, rối loạn lipid máu,…
- Cần thăm khám và xét nghiệm định kỳ mỗi tháng/ lần trong liên tục 3 tháng, sau đó duy trì với tần suất 3 tháng/ lần.
Bệnh gout (gút) là bệnh viêm khớp mãn tính có tiến triển dai dẳng và không thể điều trị hoàn toàn. Chính vì vậy, bạn nên chủ động kết hợp các phương pháp y tế với lối sống lành mạnh để kiểm soát cơn đau và dự phòng biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thêm: Người bệnh gout nên ăn hoa quả gì để hỗ trợ điều trị?