Bệnh Hen suyễn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Theo số liệu ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện nay có khoảng 235 triệu người bị hen suyễn. Bệnh gây ra những cơn co thắt phế quản, làm cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi. Đây là một bệnh về đường hô hấp có thể gây tử vong hoặc biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có cách điều trị đúng và kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có hiểu biết sâu về bệnh cũng như biết các phương pháp điều trị và phòng ngừa hen suyễn hiệu quả.
Hen suyễn hay bệnh hen phế quản là gì?
Hen suyễn hay bệnh hen phế quản, bệnh suyễn (Asthma) là một bệnh viêm mạn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp.
Khi người bệnh xuất hiện cơn hen, các lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và trở nên dễ kích ứng. Chính sự co thắt và viêm nhiễm này làm cho các đường dẫn khí bị thu hẹp lại, dẫn đến giảm lưu lượng không khí vào phổi.
Người bệnh sẽ gặp các biểu hiện khó thở, thở khò khè rất khó chịu nếu tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng khiến đường dẫn khí bị thu hẹp.
Theo thống kê năm 2018, tỉ lệ mắc bệnh ở Việt Nam chiếm tới 5% dân số, tức có hơn 4 triệu người bị hen phế quản. Trong đó tỉ lệ trẻ em bị bệnh chiếm đa số và tập trung ở độ tuổi từ 12-13.
Đối tượng dễ mắc hen suyễn
Bệnh suyễn là bệnh mãn tính thường phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên bệnh cũng có thể xuất hiện ở người lớn, nhất là người lớn tuổi.
Thông thường bệnh sẽ chớm phát ở người bệnh lúc còn nhỏ với những đối tượng như:
- Người mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
- Tiền sử bố, mẹ hoặc người trong gia đình mắc hen suyễn.
- Bị dị ứng hoặc chàm.
Bên cạnh cạnh đó, những đối tượng sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm nhiều hóa chất, khói bụi, như công nhân xây dựng, giáo viên, người khai thác khoáng sản… cũng rất dễ mắc bệnh.
Phân loại hen suyễn
Các chuyên gia phân loại hen suyễn thành 6 dạng phổ biến. Mỗi loại lại có những triệu chứng cũng như nguyên nhân khác nhau. Người bệnh cần hiểu rõ để có cách điều trị bệnh phù hợp nhất. Cụ thể:
- Hen suyễn dị ứng: Do dị ứng với phấn hoa, vảy, da thú vật.
- Bệnh suyễn do tập thể dục: Cơn suyễn kích phát do vận động thể lực hoặc vận động quá mức.
- Hen suyễn không thuộc dạng dị ứng.
- Hen suyễn ban đêm: Là loại suyễn có tỉ lệ gây tử vong cao nhất.
- Hen suyễn nghề nghiệp: Do tiếp xúc, hít phải khói bụi nơi làm việc.
- Hen suyễn trong thai kỳ.
Nguyên nhân gây hen phế quản
Hen phế quản hình thành do nhiều nguyên nhân, nhất là sự kết hợp giữa cơ địa và môi trường lại khiến bệnh dễ dàng phát triển hơn. Theo đó, các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra các nguyên nhân gây bệnh sau:
- Hen suyễn do dị ứng: Dị ứng với ô nhiễm môi trường, khói bụi, phấn hoa, hóa chất trong sản phẩm vệ sinh (ví dụ như nước xả vải, bột giặt…). Hoặc dùng thực phẩm gây dị ứng như hải sản, trứng, thịt bò…
- Virus: Mắc bệnh sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus PRV hay parainfluenza.
- Do vận động: Những người có cường độ vận động, tập luyện thể dục cao có nguy cơ mắc hen phế quản cao hơn.
- Các nguyên nhân khác gồm: Thuốc (aspirin, penicillin…), di truyền từ bố mẹ, mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, rối loạn tình dục, lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý, trào ngược dạ dày…
Triệu chứng bệnh hen suyễn phổ biến
Bởi vì có nhiều nguyên nhân gây bệnh nên triệu chứng hen phế quản rất đa dạng. Thậm chí có những biểu hiện bên ngoài lại dễ dàng nhầm lẫn với các bệnh về phổi khác như giãn phế quản, lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…
Sau đây là những triệu chứng hen phế quản điển hình và phổ biến với những người mắc bệnh:
- Ho, nhất là vào ban đêm: Cơn ho thường kéo dài, chủ yếu xuất hiện vào ban đêm, hoặc xuất hiện vào đầu buổi sáng.
- Khó thở: Đường thở bị thu hẹp khi bị viêm, phù nề nên gây hiện tượng khó thở.
- Thở khò khè: Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh.
- Nặng ngực, đau thắt ngực hoặc đau: Người bệnh sẽ có cảm giác như có vật gì đè nặng hoặc đang siết chặt ngực rất khó chịu.
- Hơi thở nhanh, gấp: Biểu hiện này nghiêm trọng hơn khi vận động nhiều như chạy bộ, leo cầu thang, tập thể dục.
- Sắc mặt nhợt nhạt, đổ mồ hôi: Khi cơ thể không được cung cấp đủ oxy sắc mặt người bệnh sẽ nhợt nhạt, mệt mỏi, đổ mồ hôi.
Mỗi người bệnh các triệu chứng suyễn xuất hiện sẽ có sự khác biệt. Cụ thể:
- Triệu chứng có hoặc không xuất hiện cùng lúc các biểu hiện trên.
- Cơn hen có thể liên tục ở người này nhưng lại bị gián đoạn ở người kia.
- Một số người bệnh chỉ bị hen khi thay đổi thời tiết hoặc tập thể dục.
Bệnh hen suyễn và cách điều trị hiệu quả
Hen phế quản là bệnh phổ biến và nó có thể tái phát nhiều lần và thường xuyên. Lúc đó người bệnh sẽ phải chịu những triệu chứng khó chịu như ho dai dẳng vào ban đêm, mất ngủ, mệt mỏi.
Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, công việc và học tập của người bệnh. Nghiêm trọng hơn là mối quan hệ vợ chồng của nhiều gia đình cũng bị tác động theo chiều hướng tiêu cực.
Chưa kể, dù bệnh suyễn có tỉ lệ tử vong và biến chứng tương đối thấp nhưng không phải không có nên nếu bệnh không được phát hiện sớm người bệnh sẽ phải chịu đựng những biến chứng. Có thể kể đến như viêm phế quản, tràn khí màng phổi, suy hô hấp, tâm phế mãn tính…
Do vậy, việc tìm chủ động tìm hiểu về bệnh cũng như cách điều trị là cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe của chính mình. Và trước khi đưa ra được phương pháp điều trị bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh.
1. Cách chẩn đoán hen suyễn
Để chẩn đoán, xác định bệnh bác sĩ sẽ dựa trên nhiều yếu tố, cụ thể như:
- Yếu tố tiền sử bệnh và gia đình: Bác sĩ sẽ hỏi gia đình bạn có ai mắc bệnh hoặc bị dị ứng không…
- Lắng nghe hơi thở để chẩn đoán, tìm kiếm những biểu hiện của hen suyễn.
- Kiểm tra chức năng phổi bằng cách đo hô hấp ký để xem phổi hoạt động ra sao.
Thực hiện các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm dị ứng nhằm phát hiện những chất gây dị ứng có ảnh hưởng đến bạn nếu có.
- Xét nghiệm đo lường độ nhạy cảm đường hô hấp.
- Chụp X-quang ngực thẳng hoặc điện tâm đồ.
Để có được kết quả chẩn đoán chính xác bạn nên đến cơ sở y tế uy tín, các bệnh viện lớn. Tránh những phòng khám kém chất lượng sẽ khiến kết quả chẩn đoán bị sai lệch và không có phương pháp điều trị phù hợp.
2. Các phương pháp điều trị hen suyễn phổ biến
Theo các chuyên gia, hen phế quản hiện vẫn chưa có cách chữa tận gốc, dứt điểm, mà chỉ có thể khắc phục và giảm thiểu biến chứng nặng. Và người bệnh có thể kiểm soát bệnh bằng một số phương pháp sau đây:
- Khắc phục bệnh suyễn bằng thuốc Tây y
Thuốc Tây trị hen suyễn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp người bệnh kiểm soát các cơn hen. Thuốc sẽ được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng cụ thể.
Các thuốc thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân bao gồm: Corticosteroid dạng hít, thuốc kháng Leukotriene, thuốc xịt hen suyễn seretide®, thuốc kháng histamine, corticosteroid dạng uống, Theophylline…
Hầu hết các thuốc trị hen suyễn trên có tác dụng nhanh chóng, đặc biệt có những thuốc sử dụng để kiểm soát cơn hen cấp tính (ví dụ corticosteroid dạng uống)…
Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh. Theo đó, bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng, phải có sự cho phép và hướng dẫn của bác sĩ mới được điều trị giúp đảm bảo an toàn nhất.
- Trị hen phế quản đơn giản bằng dân gian
Để khắc phục hen suyễn ông bà ta xưa cũng đã áp dụng nhiều phương pháp chữa bệnh từ những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà. Đến nay, những bài thuốc này vẫn được áp dụng và mang lại hiệu quả nhất định.
Bạn có thể áp dụng những bài thuốc từ các loại thảo dược quen thuộc như:
– Lá tía tô: Lá tía tô có vị cay, tính ấm, nhiều tinh dầu có khả năng kháng khuẩn, diệt khuẩn cao, có nhiều chất xơ. Để chữa bệnh suyễn bạn có thể lấy 90 gam hạt tía tô sao thơm, tán thành bột mịn, ngâm chung với 1 lít rượu gạo trong 10 ngày. Sau 10 ngày, chắt lấy nước, bỏ xác, thành 3 lần uống/ ngày, mỗi lần uống 20ml.
– Lá trầu không: Chuẩn bị 7 đến 8 lá trầu không, rửa sạch, xay nhuyễn cùng 4-5 lát gừng mỏng. Cho gừng + lá trầu không vào một bát nhỏ nước sôi ngâm khoảng 10 phút, khuấy đều và lọc lấy nước. Uống nước đã lọc bã này sau bữa ăn 30 phút, uống khoảng 1 tuần thì dừng lại, 30 ngày sau uống lại cho đến khi khỏi bệnh.
– Rau diếp cá: Lấy một nắm rau diếp cá rửa sạch, ngâm với nước muối loãng chừng 10 phút rồi để ráo. Sau đó giã nhuyễn/ xay nhuyễn, lọc lấy 1 chén nước để uống. Mỗi ngày uống 1 lần, uống trong 7 ngày liên tục.
Ngoài ra, bạn có thể khắc phục triệu chứng hen bằng quả quất, tỏi, gừng, bạch quả… cũng mang lại hiệu quả.
Theo các chuyên gia, chữa hen suyễn bằng dân gian khá đơn giản và tiết kiệm chi phí, đặc biệt không gây tác dụng phụ khoa dùng. Tuy nhiên, nếu lên cơn hen suyễn cấp tính thì việc áp dụng những cách này sẽ không mang lại hiệu quả.
- Chữa bệnh hen phế quản bằng Đông y
Theo Đông y, nguyên nhân chính gây hen phế quản là ngoại tà xâm nhập, tỳ phế hư, phế thận hư yếu, đờm trọc nội thịnh. Mỗi thể bệnh, nguyên nhân sẽ có những bài thuốc điều trị phù hợp cho người bệnh.
Ưu điểm khi sử dụng Đông y điều trị hen phế quản đó là đảm bảo sự an toàn, loại bỏ bệnh từ gốc rễ, không tác dụng phụ. Đặc biệt, với những vị thuốc có nguồn gốc thảo dược sẽ giúp bồi bổ cơ thể cũng như tăng cường sức đề kháng của người bệnh.
Tuy nhiên, Đông y khác với Tây y là cho hiệu quả chậm hơn. Nên đòi hỏi người bệnh phải điều trị trong thời gian dài, kiên trì mới mang lại kết quả cao. Chưa kể, thuốc Đông y điều trị tác dụng cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Bệnh hen suyễn kiêng ăn gì và nên ăn gì?
Vấn đề kiêng ăn gì và nên ăn gì khi bị hen suyễn là điều mà hầu hết người bệnh quan tâm. Bởi đơn giản, một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn và ngược lại nó sẽ khiến triệu chứng bệnh của bạn trở nên trầm trọng hơn.
Người bệnh cần kiêng những thực phẩm, đồ uống sau đây để giảm triệu chứng bệnh, bao gồm: Dưa muối; thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn; thực phẩm đông lạnh; mứt anh đào ngâm; thực phẩm gây dị ứng (đậu nành, lúa mì, sữa bò…); hạn chế ăn muối; thịt; cá… Ngoài ra, người bệnh nên tránh rượu bia, thuốc lá.
Thay vào đó bạn nên bổ sung các loại thực phẩm sau để hỗ trợ điều trị bệnh được tốt hơn:
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin C: Cam, bưởi, chanh, thanh long, rau quả, rau dền đỏ, rau mồng tơi…
- Thực phẩm giàu Beta Caroten như: Khoai lang, cà rốt, ớt chuông đỏ, gấc… và những thực phẩm giàu vitamin E như bông cải xanh, đu đủ, rau chân vịt, hạt dẻ…
- Thực phẩm giàu Omega-3: Cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích… và các loại hạt có dầu để ngừa những bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ.
Một số cách phòng tránh hen suyễn hiệu quả
Theo các chuyên gia, nguyên tắc trong điều trị cũng như phòng bệnh suyễn đó chính là phải loại bỏ được các nguyên nhân gây bệnh. Chính vì vậy, bạn cần lưu ý những điều dưới đây để phòng bệnh hiệu quả.
- Nên đeo khẩu trang mỗi khi ra đường để ngăn ngừa khói bụi và chất độc hại do sự phát triển của đô thị hóa. Tuy nhiên, hãy chọn những chiếc khẩu trang chất lượng có khả năng chống bụi tốt.
- Luôn giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết vào thời điểm giao mùa bởi không khí lạnh rất dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, hoặc những đợt hen cấp tính.
- Không ăn những thực phẩm gây dị ứng như tôm, đồ chiên nướng, cua, rượu bia…
- Tránh tiếp xúc với lông thú nuôi như mèo, chó, chim cảnh… Vẩy da, các tế bào chết của những thú nuôi này có thể là những dị nguyên gây ra đợt kịch phát của hen suyễn cấp.
- Nên tránh xa khói thuốc lá, bởi khói thuốc có nhiều chất độc hại, gây ảnh hưởng tới người hít phải. Một số hóa chất có trong khói thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp.
Cuối cùng bạn hãy thật thận trọng khi dùng thuốc nếu đang trong thời gian điều trị bệnh. Không tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa vì nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải những tác dụng không mong muốn cho bạn.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về bệnh hen suyễn mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân yêu.