Bệnh lang ben: Nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm
Bệnh lang ben thuộc loại nhiễm nấm ngoài da. Nấm da lang ben dễ lây lan nhanh chóng sang các vùng da lân cận và ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Muốn chữa lang ben dứt điểm, ngăn tái phát, người bệnh cần có giải pháp phù hợp tác động cả căn nguyên và triệu chứng bệnh. Nội dung bài viết sau sẽ giúp người bệnh và bạn đọc quan tâm tìm hiểu đầy đủ kiến thức bệnh và gợi ý giải pháp điều trị hiệu quả nhất chỉ với thảo dược thiên nhiên.
Lang ben là bệnh rất hay thường gặp ở lứa tuổi từ 15 -25. Bệnh dễ điều trị nhưng khó chữa dứt điểm.
Lang ben là gì? Phân loại bệnh lang ben
Bệnh lang ben có tên khoa học là Tinea versicolor hoặc Pityriasis versicolor. Trong đó, từ “versicolor” có nghĩa là các đốm có nhiều màu sắc khác nhau. Đây là bệnh ngoài da rất thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại các vùng có khí hậu nóng ẩm. Bệnh xảy ra khi có sự xuất hiện và phát triển của vi nấm Malassezia (tên gọi khác là Pityrosporum ovale) trên da.
Vi nấm này tác động vào lớp biểu bì (lớp da ngoài cùng) và khiến sắc tố da bị thay đổi. Da sẽ giảm hoặc mất sắc tố. Do đó, vùng da bị nhiễm nấm thường trắng hơn hẳn so với bình thường. Một số trường hợp thì có màu hồng hoặc sẫm hơn màu da tự nhiên. Căn cứ vào màu sắc các đốm lang ben mà bệnh được phân loại thành 2 dạng sau:
- Lang ben đỏ: Thường không có triệu chứng rõ ràng khi khởi phát. Trên da xuất hiện nhứng đốm hoặc mảng có màu đỏ, hồng phẳng hoặc hơi gồ ghề. Lang ben đỏ thường xuất hiện tại mặt, cổ, ngực, lưng. Vùng tổn thương sẽ ngày càng đậm màu và có danh giới rõ rệt với vùng da còn lại.
- Lang ben trắng: Phổ biến hơn và dễ nhầm lẫn với bệnh bạch biến. Các đốm và mảng da lang ben có màu trắng, hình tròn hay bầu dục. Các đốm này thường có vảy cạo ra như phấn. Các đốm lang ben nhỏ liên kết thành mảng lớn.
Nguyên nhân gây lang ben
Như đã nói ở trên, lang ben nguyên nhân trực tiếp là vi nấm ký sinh trên da. Bình thường, các loại nấm ký sinh trên da không gây hại. Tuy nhiên, khi có sự tác động của một số yếu tố môi trường và cơ thể khiến số lượng nấm sinh sôi nhiều, gây tổn thương da dẫn đến các đốm lang ben. Một số nguyên nhân khiến nấm tấn công và gây bệnh lang ben như:
- Khí hậu nóng ẩm và môi trường sống quá bí tạo điều kiện cho nấm sinh sôi và phát triển mạnh.
- Cơ thể ra nhiều mồ hôi, da tăng tiết dầu nhưng không chú ý vệ sinh đúng cách làm gia tăng nguy cơ mắc lang ben.
- Hệ miễn dịch bị suy giảm (Do bệnh HIV hoặc các bệnh cảm sốt thông thường…);
- Nội tiết tố thay đổi: Trong độ tuổi dậy thì hoặc khi mang thai là giai đoạn nội tiết tố có nhiều biến động, nấm, vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh.
- Thường xuyên mặc quần áo ẩm ướt, vệ sinh cá nhân kém.
Đối tượng dễ mắc bệnh lang ben bao gồm những người có da nhờn, tiết nhiều mồ hôi, sống và làm việc tại vùng có khi hậu nóng ẩm, hệ thống miễn dịch suy yếu, tuổi dậy thì, điều trị nội tiết…
Triệu chứng nấm lang ben và cách nhận biết
Lang ben biểu hiện ngoài da nên thường dễ nhận biết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể nhầm lẫn với các vấn đề về da khác. Dưới đây là 1 số dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng:
Dấu hiệu lang ben lâm sàng
Các triệu chứng bệnh lang ben không xuất hiện rầm rộ. Nó tiến triển âm thầm trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm tùy từng trường hợp. Biểu hiện đầu tiên là cảm giác ngứa nhẹ. Mức độ ngứa sẽ tăng lên khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Bên cạnh đó, một số trường hợp sẽ bị rát da. Ngoài ra, ở vùng da bị ngứa hoặc rát còn có những mảng vảy nhỏ li ti. Nó dễ bị tróc ra khi dùng tay cào nhẹ.
Song song đó, sắc tố trên da bắt đầu có sự biến đổi theo từng mảng. Màu của nó có thể trắng hoặc sậm hơn nhiều so với những vùng da còn lại. Những đốm da đổi màu thường có hình tròn hoặc bầu dục. Đường kính dao động từ 1 – 3cm. Các biểu hiện bệnh có sự phân biệt tại các vị trí như:
Lang ben ở mặt
Xuất hiện chủ yếu ở 2 bên má vùng gần tai và cằm cổ. Da mặt xuất hiện các đốm trắng hoặc đỏ có ranh giới rõ ràng và phân biệt với vùng da lân cận. Các đốm lang ben ở mặt thường nhỏ, xuất hiện rải rác và ít liên kết thành mảng. Bề mặt các đốm lang ben thường có 1 lớp vảy như phấn khi cạo ra.
Lang ben ở lưng
Vùng giữa lưng và gần gáy cổ là vị trí dễ bị lang ben. Các đốm, mảng lang ben ở lưng thường có màu trắng. Kích thước đốm lang ben ở lưng thường to hơn ở mặt và dễ liên kết thành từng mảng lớn. Bị lang ben ở lưng người bệnh thường gây ngứa ngáy, khó chịu vì đây là vùng dễ tiết mồ hôi.
Lang ben ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị lang ben dễ lan rộng và dễ tổn thương hơn người lớn. Đối với trẻ có làn da trắng đốm lang ben thường có xu hướng đậm màu hơn. Trẻ có da sẫm màu đốm lang ben trắng xuất hiện sáng màu hơn. Vị trí trẻ thường bị bệnh là mặt, lưng, ngực… Lang ben loang rộng, gây ngứa, bong tróc da khiến bé khó chịu, hay quấy khóc.
Biểu hiện khi xét nghiệm cận lâm sàng
Nếu các tổn thương trên da là dấu hiệu của bệnh lang ben thì kết quả xét nghiệm cận lâm sàng sẽ như sau:
- Vùng da bị tổn thương phát sáng huỳnh quang màu xanh lá mạ khi dùng đèn wood chiếu vào;
- Có sự xuất hiện của nấm ở lớp vảy da bị bong tróc khi soi dưới kính hiển vi;
- Mẫu xét nghiệm trong dung dịch KOH 10% tìm thấy các các sợi nấm và bào tử vách dày;
Để kết luận một trường hợp nào đó có bị lang ben hay không, bác sĩ phải kết hợp giữa dấu hiệu lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Bạn không nên chỉ dựa vào các biểu hiện bên ngoài để kết luận rồi tự ý điều trị bệnh này ở nhà. Bởi thực tế có khá nhiều bệnh ngoài da dễ nhầm lẫn với lang ben. Cụ thể là một số bệnh như: hắc lào, chàm khô, vảy phấn hồng Gibert, bạch biến, phong thể 1, giang mai thời kỳ II…
Xem thêm: Cách phân biệt bệnh lang ben và bệnh bạch biến đúng nhất
Lang ben có lây không? có nguy hiểm không?
Hoạt động của vi nấm chỉ gây biến đổi sắc tố da ở lớp biểu bì. Vì thế, nó không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng nhiều đến sự tự tin khi giao tiếp. Điều đáng quan tâm hơn là đa số các trường hợp mắc bệnh trong độ tuổi thanh thiếu niên – độ tuổi có nhiều biến đổi mạnh mẽ trong tâm sinh lý. Ngoài ra, tình trạng ngứa rát còn khiến người bệnh cảm thấy khó chịu khi tham gia các hoạt động dùng nhiều sức lực và tiết nhiều mồ hôi.
Mặt khác, lang ben rất dễ lây lan sang các vùng da lân cận và lây cho người khác. Con đường lây nhiễm lang ben từ người bệnh sang người thường khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Tác nhân lây nhiễm chính là vi nấm gây lang ben trên da. Cụ thể, các con đường lây nhiễm bệnh lang ben bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp da chạm da với vùng da bị lang ben của người bệnh
- Mặc chung quần áo, dùng chung khăn, dao cạo râu với người bị lang ben thì sẽ bị nhiễm bệnh này.
Khả năng lây lan nhanh chóng sang vùng da lân cận và sang người khác cũng là 1 trong những yếu tố khiến lang ben trở nên nguy hiểm, khó chữa trị dứt điểm. Để hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan và những ảnh hưởng tiêu cực, người bệnh nên chủ động điều trị ngay khi nhận thấy các biểu hiện lang ben xuất hiện trên da.
Cách trị dứt điểm lang ben
Điều trị lang ben không phức tạp. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc bệnh này thì lại là một bài toán khó. Bệnh rất dễ tái phát ngay khi có điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển. Đặc biệt là ở nhóm đối tượng dễ mắc bệnh (người ra nhiều mồ hôi và da dầu).
Các phương pháp điều trị bệnh này bao gồm Tây y, Đông y và một số phương pháp dân gian. Kết hợp với đó là chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ áp dụng cách điều trị khác nhau. Bên cạnh đó, cùng một phương pháp nhưng hiệu quả với từng người sẽ rất khác nhau. Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị gồm: cách chăm sóc da, sinh hoạt, ăn uống, cơ địa và một số yếu tố khác. Dưới đây là 1 số cách trị lang ben thường được áp dụng:
Sử dụng thuốc trị lang ben theo Tây y
Tây y sử dụng thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân để cải thiện triệu chứng lang ben. Tùy vào kết quả chẩn đoán bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị thích hợp.
Thuốc điều trị tại chỗ
Phương pháp này dùng cho người bệnh nhẹ. Cụ thể là trường hợp các tổn thương trên da mới xuất hiện, diện tích nhỏ và chỉ khu trú ở một vùng nhất định. Các bước chữa lang ben tác dụng tại chỗ gồm:
- Tắm bằng Sastid bar: Thuốc làm tróc lớp sừng, hạn chế da tiết chất nhờn và có tác dụng sát khuẩn. Loại xà phòng này thường được chỉ định tắm mỗi ngày 1 lần và dùng liên tục trong khoảng 3 tuần;
- Bôi kem trị nấm: Thường dùng là Ketoconazole;
- Dùng kem dưỡng ẩm và làm mềm da;
- Trường hợp da bị trầy xước (do gãi) sẽ dùng thuốc mỡ để làm lành vết thương và chống nhiễm trùng.
Thuốc điều trị toàn thân
Các loại thuốc và phương pháp điều trị toàn thân áp dụng cho trường hợp bệnh nặng. Bên cạnh đó, những người có cơ địa không đáp ứng tốt với các loại thuốc điều trị tại chỗ cũng có thể áp dụng theo các phương pháp điều trị toàn thân. Cụ thể, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng các loại như:
- Dùng thuốc kháng nấm dạng uống: Tiêu biểu là Gricin, Fluconazole, Itraconazole hoặc Ketoconazole;
- Kết hợp với đó là một số thuốc bôi chống nấm, thuốc mỡ và kem làm mềm da với liều lượng và hoạt tính sinh học mạnh.
Thuốc điều trị lang ben tái phát
Những người hay tái phát phát lang ben sẽ cần đến điều trị dự phòng, nhất là khi điều kiện thời tiết nóng ẩm. Các biện pháp này gồm:
- Dùng Selenium sulfide 2,5% hoặc ketoconazole 2% tắm gội toàn thân mỗi tháng 1 lần;
- Uống Itraconazole mỗi tháng 1 lần, mỗi lần 200mg. Uống vào những tháng cao điểm nắng nóng trong năm.
*Lưu ý: Việc sử dụng thuốc chữa lang ben cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng hoặc sử dụng thuốc sai cách có thể tiềm ẩn tác dụng phụ. Trong đó, rạn da, teo da, giãn mạch, kháng thuốc, nhờn thuốc khiến bệnh nặng hơn. Đặc biệt thận trong khi sử dụng thuốc làm cách trị lang ben ở trẻ nhỏ.
Cách trị lang ben tại nhà từ các loại thảo dược
Bên cạnh dùng thuốc tân dược, người ta còn sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên để chữa lang ben. Hầu hết các phương pháp này đều có nguồn gốc từ dân gian. Không có nhiều công trình khoa học làm rõ công dụng của các cách điều trị. Tuy nhiên, kết quả từ thực tế cho thấy những cách này giúp giảm nhẹ 1 số triệu chứng.
Tương tự như các loại thuốc tân dược, hiệu quả của cách dùng thảo dược chữa lang ben khác nhau tùy từng người. Đồng thời, để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng. Dưới đây là một số phương pháp dùng thảo dược chữa lang ben phổ biến và được đánh giá cao về hiệu quả.
Dùng rau răm chữa lang ben
Chuẩn bị 1 nắm lá rau răm ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì giã nát và vắt lấy nước cốt. Dùng nước này thoa lên vùng da bị lang ben. Chờ cho nước lá thấm vào da trong khoảng 1 giờ đồng hồ thì rửa lại với nước sạch. Thực hiện mỗi ngày 2 – 3 lần và kiên trì trong một thời gian ngắn sẽ khỏi bệnh.
Chữa lang ben bằng củ riềng
Bạn cần 1 củ riềng tươi. Sau khi rửa sạch thì giã nhuyễn. Vắt lấy nước cốt rồi cho vào đó thêm một vài giọt nước cốt chanh. Dùng nước này bôi lên da bị bệnh và để khô tự nhiên. Rửa lại da bằng nước sạch sau khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ.
Dùng trái chuối xanh chữa lang ben
Bài thuốc dân gian này không chỉ chữa bệnh hắc lào hiệu quả mà nó còn có tác dụng với lang ben. Cách thực hiện rất đơn giản. Bạn lấy 1 trái chuối xanh còn tươi (loại nào cũng được). Sau khi rửa sạch thì cắt nó ra thành từng lát mỏng rồi đắp lên da. Lưu ý là không cần rửa lại chuối đã cắt lát với nước. Chờ trong khoảng 2 giờ đồng hồ thì rửa lại da bằng nước sạch.
*Lưu ý: Các cách chữa lang ben tại nhà chỉ là giải pháp giảm nhẹ các biểu hiện và phù hợp khi bệnh nhẹ. Do dược tính thấp nên hầu như mẹo dân gian không có tác dụng điều trị triệt để bệnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng sai cách hoặc không đảm bảo vệ sinh có thể gây viêm da, bội nhiễm. Người bệnh nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Những lưu ý quan trọng khi điều trị lang ben
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan – Trưởng khoa Da liễu Trung tâm Thuốc dân tộc, để điều trị lang ben hiệu quả người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
Về cách sử dụng thuốc
Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nhất là thuốc Tây y. Dùng đúng chỉ dẫn sẽ giúp người bệnh tránh được tác dụng phụ không mong muốn khiến bệnh nặng hơn. Việc lạm dụng thuốc khiến việc điều trị tiếp theo gặp khó khăn, lang ben dễ tái phát.
Thận trọng khi điều trị lang ben cho trẻ em
Da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng và tổn thương bởi sự tấn công của vi khuẩn, nấm và một số tác nhân khác. Việc điều trị lang ben cho đối tượng này cần thực hiện theo những chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho bé dùng, kể cả những loại không kê đơn và dùng ngoài da.
Trường hợp bị lang ben cần liên hệ với bác sĩ
Trong quá trình điều trị, nếu thấy có một trong các dấu hiệu dưới đây, bạn cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để có biện pháp điều trị tốt hơn:
- Biểu hiện của bệnh không thuyên giảm;
- Có dấu hiệu viêm nhiễm da;
- Gặp tác dụng phụ của thuốc;
- Vùng da bị lang ben lan rộng;
- Tái phát bệnh.
Lang ben kiêng gì và cách phòng bệnh tái phát
Lang ben rất dễ lây lan và dễ tái phát khi gặp điều kiên thuận lợi. Chính vì vậy, trong và sau khi điều trị người bệnh cần thực hiện các biện pháp kiêng kỵ, dự phòng lây lan và tái phát bệnh. Người bệnh cần kiêng kỵ những vấn đề sau:
- Tránh làm việc hoặc sinh hoạt trong môi trường quá nóng và ẩm;
- Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời khi nắng gắt;
- Nếu lao động và tập luyện ra nhiều mồ hôi thì cần chú ý lau khô và vệ sinh da đúng cách;
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác. Đặc biệt là người đang mắc các bệnh về da;
- Tránh để da tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời;
- Tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng, ngứa da và các chất kích thích.
Bên cạnh đó, người bị lang ben nên xây dựng cho mình chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để hỗ trợ điều trị và phòng tránh lây lan, tái phát như:
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Chú ý bổ sung thêm các loại rau củ quả tươi để nâng cao sức đề kháng;
- Thường xuyên giặt hoặc phơi chăn màn dưới ánh nắng mặt trời;
- Lau sạch nước trên cơ thể sau khi tắm mới mặc quần áo;
- Khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu bệnh lang ben, cần đến cơ sở y tế kiểm tra.
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh lang ben và cách điều trị hiệu quả. Để được đội ngũ bác sĩ YHCT đầu ngành tư vấn và hướng dẫn điều trị bệnh lang ben hoàn toàn bằng thảo dược, người bệnh và bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc.