Lao Màng Phổi: “Thủ Phạm” Gây Tràn Dịch Màng Phổi Cần Xử Lý Sớm
Lao màng phổi là căn bệnh phổ biến chỉ đứng sau lao phổi, lao hạch ở nước ta, chiếm khoảng 25 – 27% trường hợp mắc bệnh lao ngoài phổi. Bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh cần chủ động điều trị và ngăn ngừa bệnh sớm ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên.
Lao màng phổi là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Bệnh lao được chia thành hai nhóm là lao phổi và lao ngoài phổi. Trong đó, lao màng phổi thuộc nhóm bệnh lao ngoài phổi cùng với lao hạch, lao màng bụng, lao màng não, lao xương khớp, lao tiết niệu.
Lao màng phổi là bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra, khiến người bệnh xuất hiện tình trạng tràn dịch màng phổi. Ở Việt Nam, khoảng 80% người bị tràn dịch màng phổi có nguyên nhân xuất phát từ bệnh lao màng phổi. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng độ tuổi phổ biến nhất là từ 16 đến 30 tuổi và ở nữ nhiều hơn nam.
Khi được chẩn đoán mắc bệnh, rất nhiều bệnh nhân lo lắng không biết lao màng phổi có nguy hiểm hay không. Giải đáp cho vấn đề này, bác sĩ Lê Phương – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Thừa kế & Ứng dụng Đông y Việt Nam chia sẻ: “Lao màng phổi không nguy hiểm bằng lao phổi nhưng bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như tràn dịch, tràn khí, viêm mủ, hình thành ổ cặn, dày, dính dịch nhiều ở màng phổi nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời”. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan trong việc phòng tránh cũng như điều trị nếu phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh lao màng phổi.
Nguyên nhân gây bệnh lao màng phổi
Tất cả các dạng bệnh lao đều có chung một nguồn gốc là trực khuẩn lao người Mycobacterium tuberculosis, lao màng phổi cũng không ngoại lệ. Một số ít trường hợp mắc bệnh là do vi khuẩn lao không điển hình hoặc vi khuẩn lao bò thông qua việc uống sữa bò chưa được tiệt trùng.
Sự xuất hiện của vi khuẩn tạo thành bệnh lao màng phổi chủ yếu là do biến chứng của lao nguyên phát. Số ít trường hợp là thứ phát từ lao phổi do vỡ hang lao vào khoang màng phổi. Khi cơ thể xuất hiện chủng bệnh, kháng nguyên vi khuẩn lao phản ứng với tế bào lympho T đã được hoạt hóa tạo ra phản ứng viêm quá mẫn muộn và hình thành dịch trong phổi.
Các vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển hơn khi có các yếu tố thuận lợi sau:
- Trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin BCG
- Chấn thương lồng ngực
- Nhiễm lạnh đột ngột
- Người mắc bệnh suy giảm miễn dịch
- Người bị lao sơ nhiễm nhưng phát hiện muộn và chưa điều trị đúng cách
- Người chăm sóc, tiếp xúc nhiều với bệnh nhân bị lao phổi nhưng không thực hiện các biện pháp phòng tránh
Lao màng phổi có lây không?
Trả lời băn khoăn lao màng phổi có lây không, bác sĩ Lê Phương cho biết: “Lao phổi lây bệnh qua đường hô hấp do vi khuẩn lao xuất hiện trong dịch đờm. Còn lao màng phổi không lây lan vì các vi khuẩn này xuất hiện ở ngoài phổi, không bị đưa ra ngoài môi trường xung quanh. Bệnh nhân bị lao màng phổi đơn thuần không có khả năng truyền nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, lao màng phổi có kèm theo lao phổi thì lại khác. Loại vi khuẩn này sẽ bị đưa ra ngoài môi trường thông qua dịch đờm và chất thải của người bệnh. Nếu tiếp xúc với chất dịch này thì người khỏe mạnh sẽ bị nhiễm bệnh”.
Ngoài ra, cũng có nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng: “Bị lao màng phổi có đi làm được không?” do sợ bệnh có thể truyền nhiễm cho người khác giống lao phổi. Bác sĩ Lê Phương thì có thể khẳng định rằng: Bệnh nhân hoàn toàn đi làm được trong trường hợp lao màng phổi không đi kèm với bệnh lao phổi.
Tuy nhiên, điều này còn phải căn cứ vào sức khỏe của người bệnh, xem xét thể trạng có đáp ứng được mức độ nặng nhọc của công việc hay không. Bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nên nghỉ dưỡng và tích cực điều trị để bệnh nhanh khỏi hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân có thể quay lại làm việc như bình thường.
Triệu chứng lao màng phổi
Lao màng phổi được nhận định là căn bệnh khó chẩn đoán qua các biểu hiện lâm sàng. Bởi các triệu chứng có thể xuất hiện rầm rộ nhưng đôi khi cũng tiến triển thầm lặng.
Giai đoạn khởi phát
Các triệu chứng của lao màng phổi có thể khởi phát trong khoảng 1 tuần (cấp tính) hoặc 1 tháng (bán cấp). Bệnh nhân có thể xuất hiện đồng thời các triệu chứng:
- Đau ngực đột ngột
- Sốt cao từ 39 đến 40 độ C
- Khó thở
- Ho khan nhiều
Khoảng 30% bệnh nhân sẽ có diễn biến triệu chứng từ từ như đau ngực liên tục, sốt nhẹ về chiều tối, ho khan, khó thở tăng dần. Đôi khi, bệnh sẽ khởi phát với các triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, khó nhận biết, chỉ được phát hiện khi chụp X-quang phổi.
Giai đoạn toàn phát:
- Dấu hiệu toàn thân: Người bệnh thường mệt mỏi, xanh xao, giảm cân không rõ nguyên nhân, sốt liên tục (38 – 40 độ C), mạch đập nhanh, huyết áp hạ, buồn nôn, nước tiểu ít.
- Dấu hiệu cơ năng: Khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ bị sốt, có cảm giác ớn lạnh, ăn uống kém dẫn đến suy nhược cơ thể. Cảm giác đau ngực có thể ít đi nhưng vẫn bị khó thở liên tục và triệu chứng này ngày càng tăng lên. Bệnh nhân có cảm giác dễ thở hơn nếu như nằm nghiêng sang một bên hoặc dựa vào tường.
- Dấu hiệu thực thể Khi có tràn dịch màng phổi, ở bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng: Lồng ngực bên tràn dịch vồng lên; Di động lồng ngực giảm hơn so với bên lành; Khe gian sườn giãn rộng; Sờ thấy rung thanh giảm; Gõ đục phần dưới của ngực; Nghe phổi có rì rào phế nang giảm hay mất hẳn, tiếng cọ màng phổi.
Các biểu hiện lâm sàng nghèo nàn có thể khiến bệnh dễ bị nhầm lẫn với viêm phổi cấp, viêm phế quản, giãn phế quản… Đồng thời hiện tượng tràn dịch màng phổi có thể đến từ các nguyên nhân khác như ung thư màng phổi nguyên phát hay di căn, viêm mủ màng phổi, viêm tụy, do virus, viêm khớp dạng thấp và các bệnh collagenose nên cần chẩn đoán phân biệt bằng các phương pháp và xét nghiệm chuyên sâu khác.
Chẩn đoán lao màng phổi như thế nào? Điều trị bệnh ra sao?
Lao màng phổi cần được chẩn đoán chính xác mới có thể xây dựng được phác đồ điều trị đúng đắn, hạn chế những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Ngoài những dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu khác:
- X-quang phổi và chụp CT: Quan sát hiện tượng tràn dịch màng phổi ở người bệnh, xem xét có khoảng bao nhiêu dịch tràn, vị trí tràn dịch như thế nào (rãnh liên thùy, trung thất, màng phổi nách, trên cơ hoành), dự đoán tính chất của dịch (nhiều fibrin, đóng vách, mủ)…
- Chọc hút dịch màng phổi: Dịch điển hình có màu vàng chanh, trong, ít khi có màu hồng (không bao giờ có màu đỏ máu), có thể xuất hiện mủ, màu đục…
- Sinh thiết màng phổi: Lấy mẫu làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm tổn thương lao đặc hiệu.
- Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng ít, tỷ lệ bạch cầu lympho cao, tốc độ lắng máu tăng.
Các phương pháp này sẽ cung cấp thông tin để bác sĩ:
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh liên quan đến tràn dịch màng phổi
- Nhận định chính xác vấn đề bệnh nhân mắc lao màng phổi đơn thuần hay có kèm theo cả lao phổi.
Trên cơ sở này, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thực tế, lao màng phổi nguyên phát có thể tự phục hồi trong vòng 1-4 tháng nếu không tiến hành chữa trị. Nhưng phần lớn bệnh nhân sẽ bị tái nhiễm bệnh với một dạng lao nguy hiểm hơn.
Do đó, bệnh nhân nên tiến hành điều trị chuyên sâu ngay từ đầu để hồi phục thể trạng sức khỏe tốt nhất và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Quá trình điều trị sẽ kéo dài trong khoảng 6-8 tháng tùy vào trường hợp cụ thể.
Lao màng phổi chủ yếu được điều trị nội khoa. Trong trường hợp diễn tiến bệnh xấu, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp cả điều trị ngoại khoa.
1. Thuốc điều trị bệnh lao màng phổi
Lao màng phổi được điều trị theo hai giai đoạn là tấn công và duy trì, bằng các thuốc chữa lao đặc hiệu như: isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), streptomycin (S), ethambutol (E). Tùy vào từng độ tuổi, thể trạng và diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn sử dụng một trong ba phác đồ sau:
Phác đồ 2HRZE/4RHE: Chỉ định cho người lớn và chưa bị kháng thuốc.
- Giai đoạn tấn công: Trong 2 tháng đầu, mỗi ngày bệnh nhân dùng 4 loại thuốc H, R, Z, E.
- Giai đoạn duy trì: Trong 4 tháng sau, mỗi ngày bệnh nhân dùng 3 loại thuốc R, H, E
Phác đồ 2HRZE/4RH: Chỉ định cho trẻ em và chưa bị kháng thuốc
- Giai đoạn tấn công: Trong 2 tháng đầu, mỗi ngày bệnh nhân dùng 4 loại thuốc H, R, Z, E.
- Giai đoạn duy trì: Trong 4 tháng sau, mỗi ngày bệnh nhân dùng 3 loại thuốc R, H.
Phác đồ 2SHRZE/1HRZE/5R3H3E3: Chỉ định cho bệnh nhân tái phát, thất bại, điều trị lại sau bỏ trị, tiền sử điều trị khác, không rõ tiền sử điều trị.
- Giai đoạn tấn công: Trong 2 tháng đầu, mỗi ngày bệnh nhân dùng 5 loại thuốc S, H, R, Z, E. Trong 1 tháng tiếp theo, mỗi ngày bệnh nhân dùng 4 loại thuốc, H, R, Z, E.
- Giai đoạn duy trì: Trong 5 tháng sau, bệnh nhân dùng 3 loại thuốc R, H, E cách ngày, 3 lần/tuần.
Bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh mỗi ngày trong suốt 6-8 tháng. Điều này sẽ khiến hệ miễn dịch và cơ quan nội tạng bị suy yếu nghiêm trọng như suy gan, suy thận, xuất huyết, giảm thị lực, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết nếu có các triệu chứng bất thường khi dùng thuốc. Một số biểu hiện cần chú ý là sốt liên tục trong vài ngày, da và mắt bị vàng, nước tiểu màu sẫm, dễ bị tím bầm hoặc chảy máu…
Lưu ý: Khi bệnh nhân mắc lao màng phổi có kèm theo lao màng tim thì cần dùng đến Corticosteroid. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc Corticosteroid có vai trò như thế nào trong điều trị lao màng phổi. Nhưng thực tế cho thấy Corticosteroid chỉ giảm các triệu chứng (sốt, đau ngực, khó thở…) chứ không làm thay đổi tình trạng dày dính màng phổi.
2. Hút dịch màng phổi
Song song với việc diệt trừ vi khuẩn lao, bệnh nhân cần được hút dịch màng phổi càng sớm càng tốt. Thủ thuật này cần được thực hiện theo nguyên tắc: dẫn lưu dịch màng phổi kín, vô trùng, hút không quá nhiều và quá nhanh. Điều này sẽ hạn chế được các tai biến khi hút dịch màng phổi như sốc, tràn khí, chảy máu, bội nhiễm…
3. Vật lý trị liệu
Khi dịch được hút hết, người bệnh phải tập thở mỗi ngày trong khoảng 3 tháng để phục hồi chức năng hô hấp. Bác sĩ Phục hồi chức năng sẽ hướng dẫn bài tập cụ thể cho từng trường hợp bệnh nhân. Trong đó bài tập chủ yếu là tập thở cơ hoành và kết hợp điều chỉnh tư thế để làm tăng độ giãn nở của phổi.
4. Phẫu thuật điều trị lao màng phổi
Bệnh nhân chỉ thực hiện phẫu thuật khi diễn tiến bệnh theo chiều hướng xấu, xuất hiện các biến chứng như ổ cặn màng phổi, bội nhiễm gây rò mủ màng phổi, dày dính màng phổi nhiều. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần có sự can thiệp của các thủ thuật:
- Mở màng phổi
- Bóc tách màng phổi
- Rửa màng phổi
Chăm sóc bệnh nhân lao màng phổi và cách phòng tránh
Để đảm bảo việc điều trị lao màng phổi có hiệu quả, bệnh nhân cần chú ý những điều quan trọng sau:
Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc điều trị
Vi khuẩn lao rất dễ kháng thuốc và khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều lần. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vàng trong điều trị: dùng thuốc đúng liều – dùng thuốc đều đặn – dùng thuốc đủ thời gian. Việc phá vỡ các nguyên tắc điều trị này chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tử vong vì bệnh hiện nay.
Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Bệnh nhân bị lao màng phổi cần phải đảm bảo duy trì được chế độ dinh dưỡng tốt trong suốt quá trình điều trị bệnh. Bên cạnh việc ăn uống đủ chất, cân bằng bốn nhóm thực phẩm đường – đạm – vitamin – khoáng chất – chất béo, người bệnh cũng nên lưu ý:
- Lao màng phổi kiêng gì: Bệnh nhân nên kiêng thực phẩm chứa nhiều đường, thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh (mỡ động vật), thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng hoặc dễ gây dị ứng, mề đay. Đặc biệt, bệnh nhân phải hoàn toàn kiêng rượu, bia, thuốc lá, hạn chế uống cafe và trà đặc.
- Bệnh lao màng phổi nên ăn gì: Bệnh nhân cần được bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, các loại trà giúp giải độc mát gan, thực phẩm chứa nhiều kẽm và selen…
Lao màng phổi hoàn toàn phòng tránh được nếu bạn đọc ghi nhớ và thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm phòng vắc xin: Hiện nay lao màng phổi có thể phòng ngừa bằng vắc xin BCG. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tiêm chủng đầy đủ cho trẻ ngay từ khi sinh ra.
- Vệ sinh sạch sẽ: Bạn đọc cần đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. Hãy vệ sinh nhà cửa bằng các chất tẩy rửa có tính sát trùng, diệt khuẩn
- Có lối sống lành mạnh: Việc xây dựng một lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh là cách tốt nhất để nâng cao sức khỏe của hệ miễn dịch.
Lao màng phổi không quá nguy hiểm nếu người bệnh được phát hiện sớm và phối hợp điều trị tích cực. Hãy đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa nếu như bạn nhận thấy các triệu chứng cảnh báo bệnh. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!