Bệnh Lupus ban đỏ là gì? Triệu chứng, Điều trị & Chăm sóc
Bệnh Lupus ban đỏ là một dạng bệnh tự miễn xảy ra phổ biến. Bệnh có khả năng tác động và làm ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan bên trong cơ thể. Nếu không sớm chẩn đoán và điều trị, người bệnh có nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Bạn nên hiểu và nắm rõ thông tin về căn bệnh này để có biện pháp phòng bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời cho chính mình và người thân.
Bệnh Lupus ban đỏ là gì?
Bệnh Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mạn tính. Bệnh xuất hiện không rõ nguyên nhân. Khi mắc bệnh, nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ bị tác động và bị tổn thương. Đối với những trường hợp nặng, không có biện pháp điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Thông thường, bên trong cơ thể sẽ tồn tại hệ miễn dịch giúp chống lại sự xâm nhập và phát triển của những tác nhân lạ như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên đối với bệnh Lupus ban đỏ nói riêng và các bệnh tự miễn nói chung, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ bị rối loạn và mất khả năng phân biệt tốt – xấu, quen – lạ.
Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch sẽ nhầm lẫn những tế bào của cơ thể là yếu tố lạ. Sau đó nó tấn công các yếu tố này bằng cách sinh ra những kháng thể tác động và chống lại hầu hết các cơ quan.
Bệnh còn được gọi là Lupus ban đỏ hệ thống. Từ “Lupus” mang ý nghĩa là chó sói (một từ Latin). Từ này chỉ những vết ban có màu đỏ đặc trưng ở mặt tương tự như hình vết cắn của chó sói. Đối với từ “hệ thống”, nó chỉ việc bệnh tác động và làm ảnh hưởng đến hầu hết những cơ quan bên trong cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh Lupus ban đỏ
Cho đến hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến bệnh Lupus ban đỏ hình thành và phát triển. Tuy nhiên tồn tại một số giả thuyết tạm chấp nhận từ các chuyên gia: Lupus ban đỏ là hệ quả của sự tác động, tương tác qua lại của nhiều yếu tố.
Trong số các yếu tố, một số yếu tố đóng vai trò nổi bật hơn, đó là:
- Môi trường: Bệnh hình thành do tiếp xúc với các loại hóa chất, các tác nhân nhiễm khuẩn, ánh sáng mặt trời.
- Di truyền: Những người có gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) bị Lupus ban đỏ thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
- Nội tiết: Lupus ban đỏ là bệnh xuất hiện phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra việc sử dụng một số loại thuốc như phenytoin, penicillamine, isoniazid, sulfonamide, hydralazine, procainamide có thể hình thành bệnh lý tương tự như Lupus nên dễ nhầm lẫn với bệnh Lupus thực sự. Bên cạnh đó việc sử dụng những loại thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là đóng vai trò trong việc thúc đẩy quá trình phát triển bệnh nặng thêm hay khởi động bệnh.
Triệu chứng của bệnh Lupus ban đỏ
Vì là một bệnh hệ thống nên Lupus ban đỏ có biểu hiện ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó những triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện một cách đột ngột hoặc xảy ra một cách từ từ sau nhiều năm hay nhiều tháng.
Đối với da
Đây là triệu chứng xảy ra phổ biến và thường dễ nhận thấy nhất. Có đến ¾ tổng số người mắc bệnh nhận thấy trên da xuất hiện những ban đỏ bất thường. Trong đó, trên mặt xuất hiện hồng ban có dạng hình cánh bướm là biểu hiện rất đặc trưng của bệnh Lupus.
Ngoài ra các tổn thương còn hình thành trên những vùng hở khác. Cụ thể như bàn tay, cổ… Nhìn chung những tổn thương này rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp tiến triển lâu dài, sang thương có khả năng bị teo đi ở phần giữa. Chính vì thế, chúng còn được gọi là hồng ban dạng đĩa. Trên da, một số thương tổn khác có thể quá sản phì đại.
Đối với một số trường hợp khác, tổn thương da xuất hiện do Lupus còn có hình dạng là những bọng nước, dát xuất huyết. Vùng hầu họng, niêm mạc trong miệng dễ bị lở loét nhưng không kèm theo biểu hiện đau. Tóc dễ gãy, vàng và rụng nhiều.
Đối với tim
Khi mắc bệnh, bệnh nhân có thể bị đau ngực, khó thở tương tự như viêm màng tim, viêm cơ tim. Đối với những trường hợp có bệnh phát triển mạnh có thể dẫn đến suy tim.
Đối với phổi
Những triệu chứng của bệnh viêm màng phổi, viêm phổi cũng thường xuyên xuất hiện và có khả năng gây suy hô hấp.
Đối với khớp
Khi mắc bệnh Lupus ban đỏ, viêm khớp là một biểu hiện thường xuyên xuất hiện. Tình trạng này khiến cho bệnh nhân khó có thể đi lại và vận động.
Đối với máu
Đa số những bệnh nhân mắc bệnh Lupus ban đỏ đều mắc chứng thiếu máu. Những biểu hiện của tình trạng thiếu máu có thể xuất hiện từ mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng. Cụ thể như da xanh, môi tái, niêm nhạt, hạn chế khả năng gắng sức.
Khi thực hiện xét nghiệm huyết đồ có thể nhận thấy giảm cả ba dòng máu. Gồm bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.
Đối với thận
Viêm thận xảy ra do bệnh Lupus là một chẩn đoán thường xuyên gặp phải trong nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Bệnh nhân đến khám có thể do tiểu ra máu, tiểu đục, tăng huyết áp, phù toàn thân. Khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu sẽ nhận thấy nhiều điều bất thường. Đôi khi bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn thực hiện sinh thiết thận để xác chẩn.
Đối với tâm thần kinh
Một số bệnh nhân khi mắc bệnh Lupus ban đỏ sẽ có biểu hiện giảm tri giác, mất phương hướng, mất trí nhớ. Đôi khi tình trạng co giật toàn thân hay đau đầu dữ dội cũng sẽ xuất hiện. Trong trường hợp sử dụng thuốc corticoid với liều cao và sử dụng kéo dài có thể làm nặng hơn triệu chứng tâm thần kinh.
Thực tế trên lâm sàng, ngoài những triệu chứng nêu trên, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện để thăm khám vì những biểu hiện không đặc hiệu. Cụ thể như cơ thể mệt mỏi, sút cân, sốt nhẹ âm ỉ, chán ăn, ăn không ngon miệng, rụng tóc, đau các khớp nhỏ, viêm loét miệng kéo dài. Thậm chí nhiều trường hợp khác bệnh nhân đến khám chỉ vì rối loạn kinh nguyệt, đau mỏi cơ.
Những triệu chứng của bệnh Lupus ban đỏ thường xuất hiện và diễn biến thành các đợt cấp tính, chúng xuất hiện xen kẽ ở những thời gian lui bệnh. Ở giai đoạn đầu của bệnh Lupus, các triệu chứng có xuất hiện nhưng thường xuất hiện một cách mơ hồ tương tự như nhiều bệnh lý khác. Chính vì thế, từ thời điểm bệnh hình thành và có các triệu chứng đầu tiên cho đến khi phát hiện và chẩn đoán được bệnh lý thì đã chậm trễ vài năm.
Phương pháp chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ
Để chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ, bác sĩ chuyên khoa sẽ bắt đầu tìm hiểu từ bệnh sử. Sau đó khám lâm sàng và làm xét nghiệm máu.
Những xét nghiệm máu có thể thực hiện, gồm:
- Xét nghiệm đo tốc độ lắng của hồng cầu (ESR)
- Xét nghiệm kháng khuẩn kháng nhân (ASA)
- Xét nghiệm công thức máu (CBC)
- Xét nghiệm nước tiểu.
Việc tiến hành đo tốc độ lắng của hồng cầu sẽ cho ra được kết quả biểu hiện mức độ viêm. Xét nghiệm công thức máu có thể cho ra được kết quả xác định số tế bào tiểu cầu và hồng cầu.
Ngoài ra bác sĩ chuyên khoa cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm anti-dsDNA. Phương pháp này chuyên được dùng để chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ.
Phương pháp điều trị bệnh Lupus ban đỏ
Không có biện pháp nào giúp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh Lupus ban đỏ. Tuy nhiên nếu người bệnh áp dụng đúng phương pháp chữa trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa thì có thể kiểm soát được sự phát triển của bệnh và các triệu chứng. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi trong đợt cấp của bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần có một chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý nhằm phòng ngừa tình trạng teo cơ, co cứng khớp.
Trong quá trình điều trị bệnh Lupus ban đỏ, bác sĩ chuyên khoa có thể cho bạn sử dụng những loại thuốc sau:
Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid
Những loại thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid như Naproxen, Nimesulide, Ibuprofen, Aspirin… sẽ mang đến hiệu quả chữa bệnh tốt đối với những triệu chứng xảy ra ở khớp và cơ.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng liều cao có thể khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có thể dễ dàng xảy ra khi sử dụng thuốc. Do đó người bệnh cần ăn no trước khi uống thuốc.
Thuốc corticosteroid
Thuốc corticosteroid mang tác dụng chống viêm mạnh hơn so với nhiều loại thuốc khác. Tuy nhiên thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid và nhiều loại thuốc khác. Do đó, loại thuốc này chỉ được bác sĩ sử dụng trong những trường hợp bệnh nặng và những tổn thương đã xảy ra ở nội tạng.
Khi sử dụng thuốc corticosteroid, người bệnh có thể mắc phải một số tác dụng phụ gồm: Ức chế tuyến thượng thận, tăng nguy cơ nhiễm trùng, rạn da, loãng xương, tăng đường máu, viêm loét dạ dày tá tràng… Chính vì gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nên thuốc được chỉ định uống một lần vào mỗi buổi sáng sau khi ăn.
Thuốc chống sốt rét
Thuốc chống sốt rét có thể được bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng trong điều trị Lupus ban đỏ để kiểm soát các triệu chứng. Cụ thể như thuốc Chloroquine và thuốc Hydroxychloroquine sẽ mang tác dụng tốt đối với những tổn thương xảy ra ở khớp và da.
Thuốc ức chế miễn dịch
Những loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch như Cyclosporine (Sandimmun), Azathioprine (Imuran), Cyclophosphamide (Endoxan)… có khả năng kiểm soát tốt bệnh Lupus nhưng lại mang nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Chính vì thế, loại thuốc này chỉ được dùng trong điều trị những trường hợp bệnh nặng và dùng cho các bệnh nhân không có đáp ứng với thuốc Corticosteroid đơn thuần.
Chế độ sinh hoạt và chăm sóc dành cho người bị Lupus ban đỏ
Ngoài việc sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để hỗ trợ tốt quá trình điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh Lupus ban đỏ phát triển.
- Người bệnh cần tránh sang chấn tâm lý, có một cuộc sống lành mạnh, tăng cường vận động
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tia tử ngoại tồn tại trong ánh nắng mặt trời. Bởi đây là nguyên nhân khiến bệnh khởi phát hoặc tác động và làm nặng thêm những đợt cấp của bệnh.
- Người bệnh tuyệt đối không được ngưng sử dụng thuốc một cách đột ngột. Đặc biệt là ngưng dùng thuốc corticosteroid. Bởi hoạt động này cũng là nguyên nhân chính gây ra đợt cấp của bệnh.
- Không hút thuốc. Bởi thuốc lá có thể làm trầm trọng hơn những triệu chứng của bệnh Lupus xảy ra tại mạch máu và tim mạch của bạn. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Nghỉ ngơi vừa đủ. Khi mắc bệnh, bạn sẽ nhận thấy cơ thể mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi và không nghỉ ngơi. Chính vì thế bạn chỉ nên nghỉ vừa đủ. Thay vì nằm bạn cần cố gắng vận động nhẹ nhàng.
- Người bị Lupus ban đỏ cần có chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học. Bổ sung vào khẩu phần ăn của mình thực phẩm giàu omega-3, vitamin D. Người bệnh cần kiêng sử dụng một số loại thực phẩm không tốt nếu bệnh Lupus kèm theo huyết áp cao, vấn đề về tiêu hóa, suy thận. Cụ thể như thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt, rượu bia, thức uống có caffein…
Như vậy bệnh Lupus ban đỏ là một bệnh lý không thể điều trị dứt điểm được. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể được kiểm soát nếu bệnh nhân tuân thủ đúng quy định trong quá trình điều trị bệnh. Ngoài ra, bạn cần có một thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và một lối sống lành mạnh. Đồng thời tránh những tác nhân từ môi trường, không tự ý ngưng dùng thuốc. Điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh phát triển và gây biến chứng nguy hiểm.