Bệnh sỏi gan: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách chữa
Sỏi gan (hay còn gọi là sỏi trong gan) là một trong các bệnh lý nguy hiểm về gan. Nếu không xử lý sớm, bệnh có thể gây biến chứng như viêm gan, xơ gan, viêm mủ đường mật… thậm chí là ung thư gan, ung thư đường mật. Do đó, việc hiểu rõ về bệnh và nắm được các cách chữa sỏi gan là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
Bệnh sỏi gan là gì?
Sỏi gan (hay sỏi trong gan) là tình trạng sỏi nằm ở đường dẫn mật nhỏ trong nhu mô gan hoặc ống gan phải, trái. Đa số sỏi trong gan là sỏi sắc tố. Một số trường hợp chứa cả xác giun đũa hoặc có nhiều sán nhỏ bám xung quanh.
Đây là căn bệnh dễ gặp nhưng ít khi được quan tâm như sỏi mật, sỏi thận. Bệnh thường thấy ở độ tuổi trung niên trở lên, với tỉ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới.
Về bản chất, sỏi ở gan cũng giống như sỏi mật. Đôi khi sỏi mật có thể hình thành trong các ống gan, nên được gọi là sỏi gan.
Có 2 loại sỏi chính: Sỏi Bilirubin và sỏi Cholesterol. Những người Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam) thường mắc phải loại sỏi Bilirubin. Trong khi đó, loại sỏi Cholesterol thường thấy nhiều ở các nước Châu Âu.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu
Bệnh sỏi gan hình thành do một số nguyên nhân chủ yếu dưới đây:
Nhiễm trùng dịch mật: Các vi khuẩn như E.coli, Bacteroides, Klebsiella… tấn công, tiết ra men làm thay đổi khả năng hòa tan của Bilirubin, khiến chúng tích tụ với nhau kèm một số thành phần khác, tạo ra sỏi.
- Tích lũy chất độc hại trong gan lâu ngày.
- Chức năng gan suy giảm.
- Sự bất thường của Cholesterol trong gan và axit mật.
- Ăn uống thiếu chất gây suy dinh dưỡng (nhất là người ăn ít đạm và mỡ).
- Sử dụng nhiều các loại thuốc tổng hợp.
- Do mật tích tụ trong gan lâu ngày, dẫn đến ứ trệ và gây ra sỏi.
- Giun đi ngược từ ruột lên đường mật, dẫn đến viêm nhiễm
- Nguyên nhân khác: Do di truyền, thiếu máu huyết tán, dị dạng đường mật bẩm sinh, u đường mật trong gan…
Dấu hiệu điển hình của bệnh sỏi trong gan
Khi bị sỏi trong gan, tùy từng mức độ, vị trí và kích thước sỏi mà các triệu chứng bệnh sẽ khác nhau. Với giai đoạn nhẹ, mới xuất hiện sỏi, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau nhẹ ở ở vùng hạ sườn phải. Các biểu hiện có thể bị nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày.
Khi chuyển sang giai đoạn nặng, sỏi di chuyển, người bệnh sẽ gặp các dấu hiệu:
- Đau quặn ở sườn phải: Cơn đau đột ngột, thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi người bệnh ăn nhiều đồ dầu mỡ.
- Cơn đau có thể lan lên vai phải hoặc sau lưng.
- Sốt cao: Người bệnh bị sốt nóng và rét run, nhiệt độ cơ thể lên đến 39 – 40 độ C.
- Vàng da và mắt: Do Bilirubin tích tụ, mật bị tắc dẫn đến hiện tượng vàng mắt, vàng da. Khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và chữa trị.
- Triệu chứng khác: Phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu, chán ăn, giảm cân nhanh, đổ mồ hôi đêm…
Sỏi gan có nguy hiểm không?
Gan là cơ quan nội tạng có chức năng loại bỏ chất độc cho cơ thể, đồng thời sản xuất dịch mật. Khi có sỏi trong gan sẽ cản trở dịch mật di chuyển, các chất độc ứ trệ từ đó làm tổn thương gan và các bộ phận khác.
Theo các chuyên gia, bệnh sỏi gan nếu không được chữa trị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, như:
- Gây các bệnh về gan: Sỏi gan khiến men gan tăng cao, từ đó dẫn đến các bệnh như viêm gan, xơ gan, nặng hơn là ung thư gan.
- Nhiễm khuẩn huyết và choáng nhiễm khuẩn: Khi gặp phải biến chứng này, người bệnh sẽ có hiện tượng sốt cao, rét run, choáng, mệt mỏi.
- Viêm mủ đường mật: Đây là biến chứng phổ biến của bệnh. Nếu viêm mủ lâu ngày, thường xuyên tái diễn có thể gây chít hẹp đường mật, áp xe gan, tăng huyết áp tĩnh mạch…
- Ung thư đường mật: Tỉ lệ người gặp biến chứng này do sỏi gan chiếm khoảng 3 – 4%.
Sỏi gan nên ăn gì, kiêng gì?
Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, người bị sỏi gan nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Cụ thể:
Thực phẩm nên ăn
- Uống nhiều nước: Người bệnh nên bổ sung khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Việc bổ sung nhiều nước hàng ngày giúp hòa tan chất độc và tăng cường đào thải độc tố.
- Bổ sung nhiều rau xanh, đặc biệt là rau xanh đậm, rau mầm hoặc rong biển. Các loại thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, giúp đào thải các chất độc gây hại cho gan.
- Ăn nhiều ngũ cốc như bánh mì, yến mạch, ngũ cốc nguyên cám… chứa nhiều chất xơ, làm chậm quá trình hấp thụ chất béo và đường sau khi ăn.
- Ăn nhiều trái cây tươi, nhất là những loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi… chứa chất oxy hóa, Anthocyanin và Polyphenols, giúp bảo vệ gan, ngăn ngừa ung thư.
- Nên ăn nhiều dầu dừa, bơ, oliu… Đây là những thực phẩm chứa nhiều chất béo thực vật, tốt cho hệ tiêu hóa và tăng tiết dịch mật.
- Ăn nhiều thịt nạc lợn, cá, thịt gia cầm bỏ da.
- Nên ăn nhiều các loại đậu vì chứa nhiều chất đạm thực vật.
Sỏi gan kiêng ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, người bệnh cần chú ý kiêng những thực phẩm dưới đây:
- Không nên ăn đồ chiên, xào nhiều dầu mỡ, bởi những thực phẩm này có thể gây đau quặn mật, chậm tiêu, đầy chướng bụng…
- Thực phẩm nhiều đường như nước ép, đường tinh, trái cây khô, đường thực phẩm… có thể khiến người bệnh mắc gan nhiễm mỡ.
- Đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo hydro hóa một phần làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, sỏi mật và khiến tình trạng bệnh sỏi gan thêm trầm trọng.
- Đồ ăn chứa nhiều muối như món kho, dưa muối…chứa lượng natri cao, khiến gan đang bị tổn thương không xử lý hết hoàn toàn.
- Hạn chế ăn chất đạm động vật có trong thịt đỏ, sữa, trứng…
Người bệnh sỏi gan nên chú ý ăn chín uống sôi, ăn uống sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh khi ăn, không ăn đồ tái sống để tránh tiêu chảy hoặc táo bón. Đồng thời tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Ngoài việc nên ăn gì kiêng gì, người bệnh cũng cần chú ý tập thể dục thường xuyên để rèn luyện sức khỏe, giảm ứ trệ, tăng nhu mô động mật. Đồng thời tăng sức đề kháng để cơ thể chống chọi với bệnh tật. Một số môn thể thao phù hợp dành cho người bị sỏi gan như: Đi bộ, chạy chậm, tập dưỡng sinh, yoga…
Những cách chữa sỏi gan phổ biến
Để lựa chọn được cách chữa trị phù hợp và hiệu quả, trước hết mọi người cần xác định chính xác tình trạng bệnh. Để chẩn bệnh, ngoài việc khám lâm sàng, sỏi gan còn được phát hiện thông qua các biện pháp sau:
- Siêu âm
- Chụp CT scan
- Chụp MRCP (chụp mật cộng hưởng từ)
- Thực hiện một số xét nghiệm sinh hóa chức năng gan (TQ, ALT, Bilirubin…), chức năng thận (BUN), xét nghiệm máu.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chữa bệnh sỏi gan, tùy theo mức độ bệnh mà mọi người có thể tham khảo lựa chọn một trong các cách điều trị dưới đây:
Chữa bệnh sỏi gan bằng Tây y
Với những trường hợp bệnh nhẹ, đường kính sỏi dưới 5mm, bệnh nhân sẽ được bác sĩ khuyên thay đổi lối sống và tái khám định kỳ, đồng thời sử dụng thuốc chữa sỏi gan.
Loại thuốc chủ yếu được sử dụng là thuốc làm tan sỏi. Tuy nhiên, thuốc này chỉ có tác dụng với sỏi Cholesterol kích thước nhỏ, còn đối với sỏi Bilirubin thì gần như không có hiệu quả.
Một số bệnh nhân bị viêm nhiễm, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng viêm, giảm đau…
Các trường bệnh bệnh nặng hơn, đường kính sỏi trên 5mm, người bệnh sẽ được khuyên áp dụng một trong các phương pháp phẫu thuật sau:
- Nội soi tán sỏi qua da: Đây là cách chữa sỏi gan phổ biến nhất hiện nay. Biện pháp này được thực hiện bằng cách tạo 1 đường hầm vừa phải xuyên qua thành bụng tới gan, ống mật chủ, sau đó đưa ống nội soi vào để tán sỏi. Phương pháp này có ưu điểm là tẩy được sỏi trong gan, xử lý được tình trạng hẹp đường mật, ít chảy máu, vết mổ nhỏ… Tuy nhiên, do các kỹ thuật nội soi khó và phức tạp nên đòi hỏi bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó thời gian thực hiện lâu và có thể gây biến chứng như tràn máu ổ bụng, viêm phúc mạc, chảy máu đường mật…
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Biện pháp này giúp kéo sỏi xuống tá tràng, được sử dụng trong trường hợp sỏi có cả trong ống mật và gan. Ưu điểm của phương pháp ERCP là thực hiện nhanh, an toàn, ít xâm lấn, giải quyết nhanh ứ trệ dịch mật. Tuy nhiên, cách chữa này thích hợp với điều trị sỏi đường mật, hiệu quả chữa sỏi gan thấp. Bên cạnh đó, ERCP không áp dụng được với bệnh nhân bị xơ hóa đường mật, sỏi có kích thước trên 2cm, đường mật hẹp hoặc sỏi nằm sâu bên trong gan.
- Mổ sỏi gan: Sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có nhiều sỏi trong gan và ống gan, hoặc sỏi quá to. Các kỹ thuật mổ hở gồm lấy sỏi bằng rọ, đặt stent tại vị trí ống mật bị tắc, tán sỏi qua ống mềm… Tuy nhiên cần lưu ý, biện pháp này không áp dụng cho bệnh nhân tim mạch hoặc rối loạn đông máu.
- Phẫu thuật cắt một phần gan: Đây là giải pháp cuối cùng khi áp dụng tất cả các biện pháp trên không hiệu quả. Biện pháp này được chỉ được trong trường hợp đường mật bị chít hẹp do xơ hóa, sỏi nằm sâu trong nhu mô gan, sỏi nằm trong ống thùy gan gây teo, viêm mãn tính…
Lưu ý, người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Bởi sau khi gan bị cắt một phần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng đào thải độc tốc và sản xuất dịch mật…
Điều trị sỏi gan tại nhà
Những bệnh nhân mới phát hiện bị bệnh có thể điều trị tại nhà bằng việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học. Đồng thời áp dụng cách tẩy sỏi trong gan mật bằng phương pháp tự nhiên từ đu đủ, dứa, chanh, giấm táo, quả sung, nước ép lê, bồ công anh, hoa đu đủ đực…
- Đu đủ xanh chữa sỏi gan mật: Dùng 1 quả đu đủ xanh, cắt bỏ đầu đuôi, giữ nguyên vỏ, khoét bỏ hạt. Cho muối vào trong và nấu cách thủy đến khi mềm nhừ. Ăn mỗi ngày 1 quả.
- Chanh và dầu oliu tẩy sỏi gan mật: Lấy 6 quả chanh vắt lấy nước cốt và 6 thìa dầu oliu, hòa tan vào 3 bát nước đun sôi để nguội. Uống 1 – 2 lần/ngày.
- Nước ép táo và giấm táo: Hòa một thìa giấm táo với 1 ly nước ép táo, uống mỗi ngày.
Chú ý: Cách chữa sỏi gan tại nhà đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả thấp, bệnh không khỏi triệt để do sử dụng nguyên liệu đơn lẻ. Mặt khác, phương pháp này chỉ mang tính truyền miệng, không được kiểm chứng khoa học.
Chữa sỏi gan bằng Đông y
Theo y học cổ truyền, sỏi gan thuộc chứng Hoàng đản, Hiếp thống, nguyên nhân gây bệnh là do can khí uất kết, dịch mật bị ứ đọng, ăn uống không phù hợp hoặc do giun sán… Cơ chế điều trị của Đông y tập trung điều trị từ gốc, loại bỏ sỏi gan, tăng cường chức năng can thận và nâng cao sức khỏe.
Để chữa bệnh, Đông y sử dụng các bài thuốc kết hợp nhiều thảo dược tự nhiên, được gia giảm theo tỉ lệ nhất định. Tùy theo mức độ bệnh, kích thước sỏi mà các lương y sẽ bốc thuốc phù hợp.
Một số thảo dược thường sử dụng trong các bài thuốc Đông y gồm: Kim ngân hoa, nhân trần, trái sung, nấm linh chi, bồ công anh, hạ khô thảo, kim tiền thảo… Các vị thuốc này có công dụng bổ gan, lợi mật, tẩy sỏi gan, tăng vận động đường mật, ngăn ngừa sỏi hình thành và tái phát.
Đông y được coi là phương pháp chữa bệnh vừa an toàn, vừa đem lại hiệu quả cao, có thể loại bỏ, lấy sỏi trong gan mật không cần phải phẫu thuật. Người bệnh có thể yên tâm sử dụng thuốc trong thời gian dài mà không sợ tác dụng phụ hay ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, thuốc Đông y phát huy tác dụng chậm, đòi hỏi người bệnh cần kiên trì sử dụng. Bên cạnh đó, thuốc cần đun sắc lỉnh kỉnh tốn thời gian, vị khó uống.
Sỏi gan là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể thể khắc phục và chữa khỏi. Do đó, ngay khi gặp các dấu hiệu bất thường, mọi người nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và chẩn bệnh, từ đó lựa chọn được phương pháp chữa trị phù hợp.