Bệnh Viêm Niệu Đạo: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị
Bệnh viêm niệu đạo là tình trạng ống dẫn tiểu bị viêm, đoạn nối từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Tình trạng viêm nhiễm khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau khi đi tiểu, thường xuyên muốn đi tiểu khẩn cấp, khó bắt đầu đi tiểu, đau khi quan hệ tình dục… Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên nhiễm vi khuẩn dẫn đến viêm niệu đạo là nguyên nhân chủ yếu. Đối với trường hợp này, bệnh nhân thường được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh.
Bệnh viêm niệu đạo là gì?
Bệnh viêm niệu đạo là tình trạng ống dẫn tiểu có dấu hiệu bị viêm nhiễm. Niệu đạo được xác định là ống dẫn nước tiểu, đoạn nối từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Ngoài ra đối với nam giới, niệu đạo ngay tại dương vật cũng chính là con đường ra khỏi tinh dịch của cơ thể.
Đối với bệnh viêm niệu đạo, đau khi đi tiểu là triệu chứng chính. Triệu chứng này khiến bệnh nhân luôn có cảm giác khó chịu và cáu gắt. Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng bệnh dễ xảy ra do sự tác động của vi khuẩn. Đối với trường hợp này, bệnh sẽ được khắc phục bằng thuốc kháng sinh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm niệu đạo
Hầu hết các trường hợp bị viêm niệu đạo là do sự xâm nhập và tác động của vi khuẩn vào niệu đạo từ da xung quanh âm đạo hoặc lỗ niệu đạo phía đầu dương vật.
Những loại vi khuẩn thường làm phát sinh tình trạng viêm niệu đạo gồm:
- Vi khuẩn E.coli và những loại vi khuẩn khác xuất hiện trong phân
- Neisseria gonorrhoeae còn có tên gọi khác là Gonococci hoặc Gonococcus. Đây chính là một loại vi khuẩn Gram âm, gây ra bệnh lậu và có khả năng lây truyền qua đường tình dục.
- Nhiễm Chlamydia gây ra bởi loại vi khuẩn có tên Chlamydia trachomatis. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục xảy ra phổ biến.
Nguyên nhân khác:
- Ngoài các loại vi khuẩn nêu trên, virus herpes simplex (HSV-1 và HSV-2) cũng có khả năng xâm nhập và gây viêm niệu đạo.
- Trichomonas là một sinh vật đơn bào có thể gây viêm niệu đạo và lây truyền qua đường tình dục.
Những tình trạng nhiễm trùng lây truyền thông qua đường tình dục như nhiễm Chlamydia và lậu thường bị giới hạn ngay tại niệu đạo. Tuy nhiên những tác nhân gây bệnh này có thể làm phát sinh bệnh viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease) do có khả năng lây lan đến cơ quan sinh sản của người phụ nữ.
Đối với nam giới, đôi khi việc nhiễm Chlamydia và lậu có thể dẫn đến nhiễm trùng mào tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh vô sinh nam.
Bệnh viêm niệu đạo thường là hệ quả của những tình trạng nhiễm trùng qua đường sinh dục (STIs – sexually transmitted infections). Cụ thể như bệnh chlamydia, bệnh lậu, nhiễm herpes simplex (siêu vi trùng bệnh viêm da). Những trường hợp này xảy ra phổ biến hơn ở nam giới có hoạt động tình dục và còn trẻ.
Những vi sinh vật khác có thể gây nhiễm trùng niệu đạo mặc dù bị giới hạn và không lây nhiễm qua đường sinh dục. Cụ thể như bệnh viêm niệu đạo có thể xảy ra bởi những loại vi khuẩn bình thường sinh sống và hoạt động ở cơ quan sinh dục. Đôi khi nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc nhiễm trùng bàng quang hay những ca phẫu thuật đường tiết niệu có thể gây viêm niệu đạo.
Đối tượng nguy cơ của bệnh viêm niệu đạo
Bệnh viêm niệu đạo sẽ xảy ra phổ biến hơn trong những trường hợp dưới đây:
1. Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể làm tăng khả năng xảy ra và tiến triển của hội chứng niệu đạo. Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm niệu đạo gồm bệnh lậu, mycoplasma và chlamydia bộ phận sinh dục.
2. Thực phẩm
Những chất có trong thành phần của một số loại thực phẩm có thể bài tiết vào xâm nhập vào nước tiểu, đồng thời gây kích thích niệu đạo. Nguy cơ mắc bệnh viêm niệu đạo sẽ tăng cao bởi những loại thực phẩm sau:
- Rượu
- Những loại đồ uống hoặc thực phẩm có chứa caffeine
- Thức ăn cay hoặc nóng.
Những sản phẩm xà phòng chứa hương liệu có thể gây kích ứng cho niệu đạo. Ngoài ra những loại hóa chất trong các sản phẩm vệ sinh cá nhân, xà phòng và biện pháp tránh thai có thể gây kích ứng niệu đạo ở một số trường hợp. Điển hình như:
- Bao cao su
- Gel ngừa thai
- Sản phẩm vệ sinh
- Thuốc thụt rửa hoặc thuốc xịt vệ sinh phụ nữ
- Xà phòng thơm, sữa tắm bong bóng và sữa tắm.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Những người có tiền sử bị nhiễm trùng tiểu có thể tái mắc viêm niệu đạo. Nguyên nhân là do trong quá trình hồi phục sau khi xảy ra nhiễm trùng, niệu đạo rất nhạy cảm.
4. Quan hệ tình dục
Việc hoạt động tình dục một cách thô bạo có thể khiến niệu đạo bị hỏng, nhất là ở phụ nữ. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm niệu đạo.
Những yếu tố nguy cơ khác cho tình trạng nhiễm trùng niệu đạo gồm:
- Có tiền sử mắc bệnh STI
- Hoạt động tình dục nhưng không sử dụng bao cao su
- Nhiễm khuẩn ở thận hoặc bàng quang
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
- Niệu đạo hẹp hoặc có vấn đề về cấu trúc giải phẫu khác
- Phụ nữ đã sinh nhiều con.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm niệu đạo
Đau khi đi tiểu (khó đi tiểu) là triệu chứng chính của bệnh viêm niệu đạo. Ngoài cảm giác đau rát khi đi tiểu, những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết khác của bệnh viêm niệu đạo gồm:
- Người bệnh thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu khẩn cấp hoặc cần đi tiểu
- Có cảm giác đau khi quan hệ tình dục
- Khó để bắt đầu đi tiểu
- Đau, ngứa ngáy hoặc khó chịu khi không đi tiểu được
- Có máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch đối với nam giới
- Chất dịch có màng nhầy hoặc chất dịch trong tiết ra từ âm đạo hoặc dương vật
- Có cảm giác rát bỏng và đau khi tiểu tiện
- Có cảm giác khó chịu hoặc ngứa ở niệu đạo – ống dẫn tiểu.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm niệu đạo
Bệnh viêm niệu đạo có thể nhanh chóng khỏi từ việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu nhiễm trùng niệu đạo không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, khó khăn trong việc khắc phục, kéo dài thời gian điều trị.
Cụ thể tình trạng nhiễm trùng có thể nhanh chóng lây lan sang nhiều phần khác của đường tiết niệu, trong đó có bàng quang, thận và niệu quản. Mặc dù những tình trạng này có thể được chữa bằng những đợt dùng kháng sinh với liệu cao hơn nhưng những cơ quan khác có thể bị tổn thương nếu không nhanh chóng điều trị.
Các tình trạng nhiễm trùng không được sớm chữa trị có thể lây lan đến máu. Từ đó làm phát sinh chứng nhiễm trùng huyết và gây tử vong.
Ngoài ra các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thường xuyên gây viêm niệu đạo có thể khiến hệ thống sinh sản bị hỏng.
Đối với nữ giới, tình trạng viêm niệu đạo có thể dẫn đến viêm vùng chậu (PID) với biểu hiện đau đớn, đau khi quan hệ tình dục hoặc đau vùng chậu liên tục, có thể dẫn đến vô sinh. Những người phụ nữ bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục nếu không được điều trị sẽ có khả năng mang thai ngoài tử cung, đồng thời đe dọa đến tính mạng.
Đối với nam giới, bệnh viêm niệu đạo có thể làm phát sinh tình trạng viêm đau hoặc hẹp một phần của niệu đạo do sẹo, hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt dẫn đến đi tiểu đau. Chính vì những lý do nêu trên, những người có niệu đạo bị viêm cần thăm khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Đường lây truyền bệnh viêm niệu đạo
Những vi sinh vật lây lan qua đường sinh dục dẫn đến viêm niệu đạo sẽ lây qua người lành khi quan hệ tình dục bằng miệng, giao hợp ở hậu môn hoặc ở âm đạo mà không dùng bao cao su hoặc sử dụng những biện pháp bảo vệ khác.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm niệu đạo
Nhiều loại vi khuẩn làm phát sinh bệnh viêm niệu đạo có thể nhanh chóng truyền sang người khác khi quan hệ tình dục. Chính vì thế, việc hoạt động tình dục an toàn được xác định là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu và quan trọng đối với bệnh viêm niệu đạo.
Nguy cơ bị viêm nhiễm niệu đạo sẽ giảm đáng kể bằng những biện pháp dưới đây:
- Khám sức khỏe định kỳ
- Tránh quan hệ tình dục với nhiều người
- Nên dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
- Bảo vệ sức khỏe của người khác. Trong trường hợp phát hiện bản thân mắc những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, người bệnh cần thông báo với những người có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Bên cạnh việc quan hệ tình dục an toàn, bạn nên áp dụng thêm những cách nâng cao sức khỏe của đường tiết niệu. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm nhiễm ở cơ quan này. Đồng thời tránh tình trạng viêm nhiễm làm ảnh hưởng đến niệu đạo và những bộ phận liên quan. Cụ thể:
- Uống nhiều nước mỗi ngày
- Xây dựng thói quen đi tiểu ngay sau khi tham gia vào các hoạt động tình dục
- Tránh sử dụng những loại thực phẩm có tính axit
- Tránh tiếp xúc với những chất diệt tinh trùng, nhất là khi đã biết những chất này có khả năng gây kích thích niệu đạo.
Biện pháp giảm rủi ro bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục dẫn đến viêm niệu đạo
Sử dụng bao cao su để quan hệ tình dục an toàn hơn. Khi dùng đúng cách, bao cao su dành cho nữ giới và bao cao su dành cho nam giới có thể làm giảm nguy cơ lây truyền các bệnh nhiễm trùng qua đường sinh dục khi tham gia vào các hoạt động quan hệ ở âm đạo, bằng miệng hoặc ở hậu môn.
Tuy nhiên bao cao su thường không mang lại hiệu quả cao trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục thông qua tiếp xúc giữa da với da. Cụ thể như các mụn cóc ở bộ phận sinh dục (human papillomavirus, viết tắt HPV – siêu vi trùng papilloma ở người), siêu vi trùng bệnh viêm da (herpes simplex), bệnh giang mang (khi có vết lở loét).
Những điều quan trọng khi dùng bao cao su gồm:
- Không dùng bao cao su hết hạn sử dụng
- Không dùng bao cao su rách hoặc bị thủng
- Để bao cao su tránh xa những vật sắc nhọn
- Dùng bao cao su mới mỗi khi quan hệ tình dục
- Bao cao su nên được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng
- Không dùng lại bao cao su cũ
- Tránh sử dụng bao cao su cùng với thuốc diệt tinh trùng có thành phần là nonoxynol-9 (N-9)
- Không sử dụng hai bao cao su cùng một lúc.
Bệnh viêm niệu đạo được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh viêm niệu đạo, bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi về các triệu chứng ở hiện tại và lấy tiền sử bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy đau khi đi tiểu, bác sĩ có thể dự đoán rằng bệnh nhân đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngay trong khi chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có thể được yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
Những xét nghiệm dưới đây có thể giúp bác sĩ chuyên khoa xác nhận chẩn đoán nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm niệu đạo. Cụ thể:
- Khám thực thể, bao gồm khám trực tràng, khám bụng và khám bộ phận sinh dục.
- Xét nghiệm nước tiểu tìm kiếm sự có mặt của chlamydia, vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây bệnh lậu hoặc những loại vi khuẩn khác.
- Tiến hành kiểm tra những chất dịch bất thường tồn tại ở niệu đạo dưới kính hiển vi
- Thông thường xét nghiệm máu sẽ không được thực hiện trong quá trình chẩn đoán bệnh viêm niệu đạo. Tuy nhiên đối với những trường hợp có nghi ngờ bị HIV/AIDS hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện.
Phương pháp điều trị bệnh viêm niệu đạo
Đối với những viêm niệu đạo do vi khuẩn, tình trạng viêm nhiễm có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Loại thuốc này có thể được chỉ định với nhiều loại khác nhau. Thông thường, không thể xác định chính xác những sinh vật gây viêm niệu đạo. Tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định một hoặc nhiều loại kháng sinh sử dụng kết hợp với nhau để nâng cao khả năng điều trị nhiễm trùng.
Trong thời gian sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm niệu đạo do vi khuẩn, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa để được điều trị một cách hiệu quả. Trong trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc uống, người bệnh cần uống hết tất cả số thuốc được cho.
Trong trường hợp nhiễm trùng lây qua đường sinh dục, người bệnh cùng những người bạn tình nên tiến hành kiểm tra và điều trị. Lưu ý trong suốt quá trình điều trị bệnh viêm niệu đạo, người bệnh cần tránh quan hệ tình dục bằng miệng, đồng thời không quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo trong thời gian 7 ngày sau khi bệnh nhân cùng với (những) người bạn tình bắt đầu điều trị viêm nhiễm bằng thuốc kháng sinh.
Trong trường hợp người bị viêm niệu đạo do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cùng với những người bạn tình của người bệnh không tuân thủ phác đồ chữa bệnh, không hoàn tất việc điều trị quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh mà không dùng bao cao su hoặc bỏ sót thuốc không uống, thì khả năng cao tái nhiễm trùng sẽ xảy ra hoặc có nguy cơ người bệnh truyền vi khuẩn gây hại cho người khác.
Viêm niệu đạo là bệnh lý không quá nguy hiểm. Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn nếu được sớm thăm khám và khắc phục kịp thời bằng những loại kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên những tác nhân gây bệnh có khả năng lây truyền cho bạn tình và làm tổn thương những cơ quan khác. Đồng thời có thể gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong ở trường hợp không chữa kịp thời.
Chính vì thế nếu có dấu hiệu khó tiểu, đau khi đi tiểu hay quan hệ bị đau, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và điều trị đúng cách. Từ đó tránh gây nguy hiểm.