Buồng trứng đa nang là gì? Dấu hiệu, khả năng mang thai và cách điều trị hiệu quả
Buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh hiếm muộn ở nữ giới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu buồng trứng đa nang là gì, nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng tránh sẽ giúp chị em bảo vệ được sức khỏe sinh sản của mình tốt nhất.
Buồng trứng đa nang là gì? Có nguy hiểm không?
Buồng trứng đa nang (hội chứng buồng trứng đa nang) – Tên tiếng Anh: Polycystic ovary syndrome (PCOS) hay còn được gọi là đa nang buồng trứng hoặc hội chứng Stein-Leventhal.
Đây được biết đến là một rối loạn nội tiết phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Đặc trưng của hội chúng này đó là trong buồng trứng lớn có nhiều nang nhỏ, và chúng chỉ được phát hiện qua hình ảnh siêu âm.
Buồng trứng đa nang ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của chị em phụ nữ nếu như mắc phải. Bên cạnh đó bệnh còn gây ra một số nguy hại khác như: Béo phì, di truyền bệnh sang cho con, ung thư nội mạc tử cung, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, tác động xấu tới chu kỳ kinh nguyệt…
Nguyên nhân buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang thường bắt nguồn từ yếu tố rối loạn nội tiết tố hoặc di truyền. Thậm chí ở nhiều trường hợp, y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì các nguyên nhân gây đa nang buồng trứng bao gồm:
- Di truyền: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đa nang buồng trứng. Nếu như gia đình có mẹ, chị gái, em gái mắc bệnh thì nguy cơ bạn bị bệnh cao hơn người bình thường.
- Do kháng insulin hoặc rối loạn hội chứng trao đổi chất: Khi hàm lượng insulin dư thừa sẽ kích hoạt buồng trứng sản xuất hormone nam giới nhiều hơn, kết quả là mất cân bằng nội tiết, sự phát triển và rụng trứng thất thường, hình thành nên các nang trong buồng trứng.
- Hàm lượng hormone nam giới cao: Hormone nam giới Androgen nếu tăng cao sẽ ngăn buồng trứng rụng trứng ở mỗi chu kỳ kinh nguyệt, khiến nữ giới mọc nhiều lông, mụn.
- Lối sống và môi trường: Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất, lối sống ít vận động, không lành mạnh, căng thẳng kéo dài, thức khuya… có thể dẫn tới rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ mắc đa nang buồng trứng.
Ngoài ra, có nhiều giả thiết cho rằng một chế độ ăn uống quá nhiều đường, tinh bột, đồ ăn nhanh, nước có gas, nước ngọt… cũng có thể gây ra hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ giới.
Do các nhà khoa học chưa xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh nên thường chỉ điều trị tập trung vào các vấn đề mà hội chứng này gây ra.
Dấu hiệu buồng trứng đa nang?
Trên thực tế, dấu hiệu bệnh ở mỗi người sẽ có sự khác nhau do sự thay đổi hormone khác nhau. Tuy nhiên, những dấu hiệu của bệnh mà các chị em có thể quan sát và nhận biết những bất thường của mình đó là:
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt của chị em không đều, ngắn hoặc kéo dài trên 35 ngày; kinh loãng, máu kinh có màu đen, mất kinh…
- Tăng cân, béo phì: Có đến 80% nữ giới mắc hội chứng này bị béo phì, chủ yếu là béo bụng.
- Gặp các vấn đề về da: Người bệnh bị nổi mụn ở mặt, lưng, ngực… Ngoài ra có thể xuất hiện vùng da màu đỏ, đen, nâu nhạt ở vùng da cổ, ngực, đùi…
- Rậm lông, rụng tóc: Người bệnh thường rậm lông ở mặt (ria mép), ngực, cằm, ngón tay, ngón chân, hay bị rụng tóc, hói đầu.
- Mệt mỏi, gặp vấn đề về giấc ngủ: Khó khăn khi đi vào giấc ngủ, có thể bị ngưng thở khi ngủ.
- Đau bụng, đau vùng chậu, lưng dưới: Cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói, từ nhẹ đến dữ dội, gần giống với đau bụng kinh.
- Khó khăn khi mang thai hoặc bị hiếm muộn: Nếu đã kết hôn, đời sống chăn gối bình thường, không dùng biện pháp tránh thai nhưng không có thai bạn nên đi thăm khám ngay.
Đó là những biểu hiện, triệu chứng mà chị em có thể cảm nhận. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra siêu âm nếu bị buồng trứng đa nang chị em sẽ có những dấu hiệu khác như: Không có nang trứng lớn, kích thước đồng đều nhau, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) cao >10 ng/ml.
Các triệu chứng này thường ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt là tác động xấu tới khả năng mang thai của người phụ nữ.
Buồng trứng đa nang có con được không?
Như chúng tôi đã đề cập, một trong những triệu chứng nổi bật của đa nang buồng trứng là khó mang thai hoặc hiếm muộn. Theo đó bệnh tác động nhất định tới sức khỏe sinh sản của nữ giới.
Người bị hội chứng buồng trứng đa nang vẫn có thể có con, theo nhiều số liệu thống kê cho thấy có tới 17% trường hợp bị bệnh vẫn có thể có con tự nhiên và bình thường. Còn lại có thể có con sau khi thực hiện một số biện pháp chuyên khoa.
Chính vì vậy vậy, nếu mắc bệnh chị em cũng không nên quá lo lắng, những phương pháp hỗ trợ điều trị sẽ giúp chị em mang thai và được làm mẹ.
Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý một điều rằng vì buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khó thụ thai nên càng để lâu thì nguy cơ hiếm muộn, vô sinh sẽ càng cao.
Theo bác sĩ Hà lý giải, khi bị buồng trứng đa nang trứng sẽ không phát triển đến kích thước nhất định, không được rụng, không phóng noãn bình thường nên khả năng thụ tinh sẽ khó khăn và thấp hơn rất nhiều so với những người không mắc bệnh.
Mặt khác, nếu chị em bị buồng trứng đa nang trong thời gian mang thai thì nguy cơ sảy thai, sinh non là rất cao. Bởi vì, các nang trứng hình thành với số lượng lớn, gây xoắn buồng trứng, chèn ép, gây áp lực lên thai nhi và khiến cho thai nhi bị long dính ra khỏi tử cung, thai nhi rất có thể bị đẩy ra ngoài.
Cách điều trị buồng trứng đa nang hiệu quả hiện nay
Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh mà có những cách điều trị bệnh khác nhau. Chưa kể, một bệnh nhân cũng có thể được áp dụng một hoặc nhiều cách khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất. Trong đó những phương pháp được áp dụng nhiều đó là:
1. Đa nang buồng trứng vẫn có thai tự nhiên nếu ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý
Một trong những cách khắc phục buồng trứng đa nang để có thai tự nhiên đó chính là ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao đều đặn, giảm cân phù hợp. Cụ thể:
- Nếu trường hợp bạn bị béo bụng, bạn nên giảm cân để cải thiện sự rụng trứng, tăng khả năng thụ thai. Giảm cân theo đúng chỉ định của bác sĩ, tốt nhất là bạn hãy kết hợp một chế độ ăn giàu chất xơ, ít đường, tinh bột, vận động hợp lý.
- Hạn chế thức khuya, phải đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày, không để cơ thể trong tình trạng căng thẳng hay lo âu.
2. Sử dụng hormone và thuốc
Sau khi tiến hành các kiểm tra, thăm khám, xác định tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ sẽ xem xét các loại thuốc phù hợp nhất. Thông thường, các loại thuốc được sử dụng cho điều trị bệnh gồm:
- Clomiphene: Thuốc tăng khả năng sinh sản;
- Letrozole: Thuốc kích thích rụng trứng;
- Metformin: Thuốc kích thích rụng trứng, làm giảm lượng insulin;
- Gonadotropins: Đây là thuốc dạng tiêm có tác dụng kích thích sự rụng trứng, đồng thời giúp trứng phát triển.
- Hormone Progestin: Hormone này sẽ giúp chu kỳ của chị em ổn định hơn, làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Thuốc ngừa thai.
Các thuốc này có thể giúp chị em cải thiện được triệu chứng bệnh nhưng nó chỉ mang lại hiệu quả 50%. Đặc biệt là các thuốc nội tiết nếu được sử dụng nhiều sẽ gây ra u nang, u xơ.
3. Cách chữa bằng phương pháp ngoại khoa
Nếu việc dùng thuốc không đạt hiệu quả trong quá trình khắc phục buồng trứng đa nang thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa.
Có 2 phương pháp được sử dụng phổ biến là khoan buồng trứng và nội soi đốt điểm buồng trứng.
Cả hai cách đều có thể kiểm soát được triệu chứng bệnh nhanh chóng, giúp rụng trứng đều đặn, tuy nhiên chỉ mang tính chất tạm thời. Đặc biệt với phương pháp đốt điểm buồng trứng, sau điều trị có thể tiềm ẩn tác dụng phụ là gây suy buồng trứng.
4. Thụ tinh nhân tạo
Trong trường hợp không có cách điều trị nào phù hợp thì thụ tinh trong ống nghiệm – IVF được đánh giá là phương pháp tối ưu để hỗ trợ sinh sản. Bác sĩ sẽ lấy trứng, tinh trùng để tiến hành thụ tinh trong phòng thí nghiệm.
Sau đó bác sĩ sẽ đưa phôi vào tử cung của người phụ nữ để có thể phát triển thành thai nhi. Lúc này tỉ lệ mang thai sẽ tùy thuộc vào độ tuổi cũng như khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Buồng trứng đa nang nên ăn gì mới tốt?
Chế độ ăn uống có liên quan tới việc hình thành buồng trứng đa nang ở các chị em. Chính vì thế, điều chỉnh chế độ ăn uống, nên ăn gì và không nên ăn gì là điều mà chị em phải lưu ý. Chị em nên bổ sung các thực phẩm sau và thực đơn của mình.
- Các loại rau có màu xanh đậm: Ví dụ như rau chân vịt, bông cải xanh, cải xoăn… Do chứa nhiều vitamin như C, K, E, B, cùng các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như sắt, canxi, kali, magie… sẽ giúp bạn kiểm soát được các triệu chứng bệnh hiệu quả.
- Bổ sung các loại rau củ có màu sắc như khoai lang, cà chua, cà tím, cà rốt, ớt chuông… những loại rau củ này chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
- Các thực phẩm chứa chất béo tốt như các loại hạt, dầu oliu, cá ngừ, cá hồi, bơ.
- Thực phẩm có tính kháng viêm như cải xoăn, cà chua, hạnh nhân, quả óc chó…
- Các loại trái cây giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ như việt quất, cam, dưa hấu, bưởi, ổi, táo, kiwi… cũng là những thực phẩm bạn chị em nên bổ sung.
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn ở trên chị em hãy lưu ý không nên hấp thụ các thực phẩm như: đồ cay nóng, mỡ động vật, tinh bột, đường, đồ uống kích thích… bởi các thực phẩm này vừa không tốt cho sức khỏe, vừa ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh.
Cách phòng tránh buồng trứng đa nang
Đa nang buồng trứng không phải bệnh nguy hiểm nhưng nó lại gây khó khăn cho việc mang thai ở người phụ nữ. Do vậy, để bảo vệ thiên chức làm mẹ thiêng liêng của mình, chị em nên lưu ý cách phòng bệnh sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều chất xơ, rau xanh, chất xơ, trái cây… hạn chế tinh bột, đường.
- Tập thể dục thường xuyên để giữ lượng đường huyết trong máu được ổn định, đồng thời giữ insulin ở mức thấp nhất, ngăn ngừa kháng insulin…
- Tránh căng thẳng, stress, bớt lo âu. Hãy giải tỏa căng thẳng, stress bằng cách vui chơi cùng bạn bè, người thân, tập yoga, suy nghĩ tích cực.
- Không hút thuốc lá cũng như hạn chế tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc.
- Kiểm soát cân nặng, không để cơ thể ở tình trạng thừa cân, béo phì bằng cách kiểm tra cân nặng thường xuyên, không hấp thụ nhiều đồ ăn nhanh, nước có ga, nước ngọt…
Hi vọng rằng, bài viết này đã giúp chị em hiểu hơn về hội chứng buồng trứng đa nang – một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Hiểu được cách điều trị, phòng ngừa như thế nào để mang lại hiệu quả.