Lạc nội mạc tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Lạc nội mạc tử cung là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến ở độ tuổi sinh sản. Không chỉ khiến người bệnh khó chịu với những cơn đau vùng bụng, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Theo đó, việc tìm hiểu lạc nội mạc tử cung là gì, nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị sẽ là việc giúp bảo vệ sức khỏe của chị em được tốt nhất.
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Trước khi tìm hiểu về lạc nội mạc tử cung là gì chị em cần biết thế nào là nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc bao phủ buồng tử cung của nữ giới, chúng nằm trên bề mặt tử cung, ngăn cách với lớp cơ tử cung. Nội mạc tử cung sẽ chịu tác động của hormone trong chu kỳ kinh của người phụ nữ. Chính vì vậy, mỗi kỳ kinh, nếu quá trình thụ thai không diễn ra, lớp niêm mạc này sẽ bong ra và trôi ra ngoài cùng với máu kinh.
Do một số nguyên nhân khác nhau, thay vì chảy ra ngoài cùng máu kinh thì các lớp niêm mạc này, cụ thể là các mảnh mụn của lớp nội mạc lại chảy ngược vào trong các vị trí như buồng trứng, ống dẫn trứng, trực tràng, ruột già, bàng quang… gây nên tình trạng lạc nội mạc tử cung.
Điều đáng chú ý đó là lớp niêm mạc đi lạc này khi ở lại những bộ phận bên ngoài tử cung chúng vẫn sẽ phát triển, bong ra và chảy máu khi đến kỳ kinh nguyệt. Chúng có thể gây viêm nhiễm và chảy máu ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lý này phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, ít gặp ở phụ nữ đã mãn kinh. Độ tuổi phổ biến nhất là 30-40, nhưng cũng có thể gặp ở các bé gái >8 tuổi.
Lạc nội mạc tử cung thường có liên quan tới toàn bộ vòi trứng (ống dẫn trứng) buồng trứng, ruột, các mô trong sàn chậu. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nữ giới sau này.
Các loại lạc nội mạc tử cung thường gặp
Trên thực tế, các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào từng vị trí lớp niêm mạc tử cung đi lạc để phân chia ra các loại khác nhau. Cụ thể:
- Lạc nội mạc tử cung buồng trứng: Có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên buồng trứng.
- Lạc nội mạc tử cung trong cơ: Là tình trạng lớp nội mạc di chuyển vào trong cơ tử cung. Bệnh gặp ở phụ nữ sinh sản và sẽ biến mất sau tuổi mãn kinh.
- Lạc nội mạc tử cung thành bụng: Đây là dạng hiếm gặp của bệnh, lúc này các lớp niêm mạc di chuyển vào thành bụng và lưu trú tại đây.
- Lạc nội mạc tử cung dạng u nang: Là tình trạng các lớp niêm mạc tử cung di chuyển đến vùng buồng trứng.
Ở mỗi loại người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng và nguy cơ khác nhau. Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường chị em nên chủ động đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định đúng bệnh để có cách điều trị phù hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh thường gặp
Hiện nay, y học học vẫn chưa thể xác định được rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên, trong quá trình khám chữa bệnh các bác sĩ có đưa một số giả thiết về nguyên nhân gây bệnh như sau:
- Di truyền: Khoa học cho rằng, nếu mẹ bị bệnh thì khả năng con gái cũng sẽ mắc phải.
- Do sự trào ngược của máu kinh: Thay vì thoát ra ngoài máu kinh sẽ chảy ngược lên ống dẫn trứng hoặc khu vực chậu.
- Giai đoạn phát triển phôi: Các tế bào nội mạc tử cung lúc này có thể bị rơi ra ngoài tử cung sau đó đi lạc đến các cơ quan xung quanh.
- Hệ miễn dịch bất thường: Hệ miễn dịch sẽ không phát hiện và phá hủy được các lớp niêm mạc phát triển bên ngoài buồng tử cung.
- Ngoài ra, lạc nội mạc do sẹo để lại do phẫu thuật, sự biến đổi của tế bào phúc mạc, tế bào nội mạc tử cung dịch chuyển…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như: Chưa từng sinh con, tử cung bất thường, có kinh trước 12 tuổi, có tiền sử bị viêm vùng chậu, tử cung có hình dạng bất thường.
Triệu chứng lạc nội mạc tử cung
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lý này có thể gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Và dưới đây là những dấu hiệu thường gặp nhất mà các chị em nên chú ý:
- Xuất hiện cơn đau vùng chậu mãn tính, nhất là trước và trong kỳ kinh nguyệt.
- Đau khi giao hợp, có thể đau trong hoặc sau khi giao hợp.
- Đau khi đi tiểu hoặc di chuyển.
- Máu kinh ra nhiều bất thường, có thể ra máu ồ ạt lúc hành kinh hoặc ở giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
- Rối loạn đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn.
- Người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi, đầy hơi buồn nôn, nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt.
**Lưu ý: Có những trường hợp người bệnh không có bất cứ biểu hiện nào. Điều này khiến chị em gặp khó khăn trong việc nhận biết bệnh dựa vào các dấu hiệu lâm sàng.
Chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung
Hiện nay có nhiều cách chữa bệnh lý này giúp chị em khắc phục các triệu chứng cũng như cải thiện khả năng sinh sản. Trước khi đưa ra phương pháp chữa trị đúng bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân, mức độ bệnh.
Các bước chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh chính là cách để bác sĩ biết được nguyên nhân, tình trạng bệnh, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp nhất. Cụ thể các bước chẩn đoán bệnh như sau:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bệnh, mức độ cơn đau, tiền sử gia đình, thuốc đang sử dụng… để chẩn đoán sơ bộ.
- Khám khung chậu: Giúp bác sĩ phát hiện các nguyên nhân gây đau vùng chậu như bất thường ở đường sinh dục, u buồng trứng.
- Thực hiện chẩn đoán hình ảnh bao gồm: Siêu âm, soi ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ.
Cách điều trị lạc nội mạc tử cung phổ biến
Bệnh phụ khoa phổ biến này có thể được chữa trị bằng phương pháp Tây y hoặc Đông y. Tùy vào nguyên nhân, tình trạng bệnh cũng như mong muốn của người bệnh. Cụ thể:
Điều trị bằng Tây y
Hiện nay, y học hiện đại có thể khắc phục bệnh lý này bằng các loại thuốc hoặc biện pháp xâm lấn:
- Điều trị bằng thuốc: Các thuốc phổ biến được bác sĩ chỉ định gồm thuốc giảm đau, thuốc nội tiết tố (thuốc tránh thai, thuốc chỉ có progestin và thuốc chủ vận hormone tiết ra gonadotropin), thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Khi hấp thụ các thuốc này sẽ giúp chị em khắc phục triệu chứng bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, khi dùng có thể xuất hiện những tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn…
- Điều trị bằng biện pháp xâm lấn: Một số biện pháp xâm lấn thường áp dụng trong điều trị lạc nội mạc tử cung như:
- Phẫu thuật cắt bỏ phần nội mạc tử cung đi lạc, bảo tồn tử cung và buồng trứng của người mẹ để đảm bảo còn khả năng mang thai, tăng tỉ lệ thụ thai.
- Phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật thông thường tùy vào mức độ bệnh.
- Kỹ thuật nút mạch.
- Can thiệp nội mạch.
- Điều trị vô sinh: Nếu người bệnh có dấu hiệu vô sinh bác sĩ sẽ tư vấn áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có con như: Thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo…
Chữa lạc nội mạc tử cung bằng Đông y
Đông y cũng là phương pháp phổ biến để khắc phục bệnh lý này mà nhiều chị em lựa chọn. Nguyên tắc điều trị của Đông y chính là xác định đúng nguyên nhân, thể bệnh để từ đó đưa ra bài thuốc phù hợp.
Theo đó, Đông y phân chia bệnh thành các thể chính đó là: Thế khí hư huyết ứ, thể hàn ngưng huyết, thể nhiệt uất huyết ứ, thận hư huyết ứ. Với nguyên lý chữa bệnh một cách toàn diện cho người bệnh nên các bài thuốc Đông y sẽ điều trị từ bên trong. Tác động vào đúng căn nguyên, khác phục triệu chứng, đồng thời tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, tăng tỉ lệ thụ thai.
Đặc biệt, với nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên nên các bài thuốc này đảm bảo an toàn, không gây tác dụng phụ cho người bệnh dù uống trong thời gian dài.
Cách phòng tránh lạc nội mạc tử cung hiệu quả
Bất cứ một bệnh lý phụ khoa nào đều có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản của chị em. Vì thế, chủ động phòng tránh bệnh là việc làm cần thiết. Theo đó, các bác sĩ chuyên khoa đưa ra lời khuyên cho các chị em như sau:
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như các loại rau củ, gừng, nghệ, các loại hạt.
- Hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, thức ăn nhanh, thịt đỏ, món ăn nhiều muối.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nhưng không được quá sức để tránh cơ thể bị mất nước.
- Nghỉ ngơi hợp lý, điều độ, ngủ đủ giấc và đúng giờ.
- Hạn chế sử dụng các đồ uống, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, caffeine.
- Chăm sóc vùng kín đúng cách, lựa chọn đúng loại dung dịch vệ sinh phụ nữ và tuyệt đối không được lạm dụng.
- Thực hiện khám phụ khoa định kỳ 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm 1 lần để phát hiện sớm bất thường ở cơ quan sinh sản, khắc phục kịp thời.
Như vậy, trên đây là những thông tin cơ bản nhất về lạc nội mạc tử cung mà chị em cần đặc biệt lưu ý. Đây là bệnh có mối quan hệ với vô sinh, hiếm muộn nên chị em phải chủ động thăm khám khi có dấu hiệu bệnh mà chúng tôi nêu ở trên giúp bảo vệ thiên chức làm mẹ thiêng liêng của mình.