Lupus ban đỏ dạng đĩa – Đặc điểm và phương pháp điều trị
Lupus ban đỏ dạng đĩa là bệnh tự miễn chủ yếu gây tổn thương ngoài da. Triệu chứng của bệnh ít khi gây ngứa ngáy nhưng thường dai dẳng, diễn tiến theo đợt và dễ tái phát. Lupus ban đỏ nói chung và lupus ban đỏ dạng đĩa nói riêng đều không thể chữa trị hoàn toàn. Việc sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp chăm sóc chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa sự xuất hiện của các tổn thương mới.
Lupus ban đỏ dạng đĩa là gì?
Lupus ban đỏ dạng đĩa (Discoid Lupus Erythematosus) là một thể của bệnh lupus ban đỏ, bên cạnh lupus ban đỏ hệ thống. Lupus ban đỏ dạng đĩa là bệnh tự miễn chủ yếu chỉ gây tổn thương ở da nên khá lành tính và có thể kiểm soát thông qua chế độ chăm sóc, điều trị đúng cách.
Tổn thương da do lupus ban đỏ hệ thống xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng nguyên tấn công vào các mô da khỏe mạnh. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, một số yếu tố môi trường và nồng độ nội tiết tố bất ổn.
Lupus ban đỏ hệ thống và lupus ban đỏ dạng đĩa thường gặp ở phụ nữ, tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới. Bên cạnh đó, sự khởi phát của bệnh còn có liên quan đến yếu tố cơ địa và di truyền.
Nguyên nhân gây lupus ban đỏ dạng đĩa
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa cẫn chưa được xác định. Tuy nhiên sau khi sinh thiết da và tìm hiểu cơ chế bệnh, các nhà khoa học cho biết đây là chứng bệnh tự miễn – xảy ra khi hệ miễn dịch tự tạo ra kháng nguyên nhằm đối kháng với các mô da khỏe mạnh.
Phần lớn người mắc bệnh lý này đều bắt nguồn từ yếu tố di truyền. Sau đó, các tác nhân từ môi trường và một số yếu tố nội sinh có thể kích hoạt triệu chứng bùng phát.
Theo thống kê, bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường xảy ra ở những nhóm đối tượng sau:
- Người Mỹ gốc Phi
- Người trong độ tuổi từ 25 – 50
- Nữ giới
- Tiền sử gia đình mắc bệnh lupus ban đỏ hoặc các bệnh tự miễn khác
Các yếu tố kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát:
- Tiếp xúc với ánh nắng có cường độ mạnh
- Stress, căng thẳng thần kinh
- Sức khỏe và thần kinh suy nhược
- Mất ngủ kéo dài
- Rối loạn nội tiết tố
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm
Dấu hiệu nhận biết & Đặc điểm của bệnh
1. Triệu chứng nhận biết
Tổn thương da do lupus dạng đĩa có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên trên thực tế, thương tổn xảy ra chủ yếu ở lòng bàn chân, cổ, ngực, lòng bàn tay, mặt,…
Các triệu chứng nhận biết bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa, bao gồm:
- Xuất hiện các phát ban da có màu hồng nhạt đến màu đỏ và có hình tròn rất đặc trưng
- Tổn thương da có các vảy dày trên bề mặt và hơi có dầu
- Ban da có gờ cao hơn so với những vùng da xung quanh
- Ngoài viền có các vảy sừng dính chặt
- Tổn thương da có thể gây phồng rộp, đặc biệt là ở các đầu ngón tay và quanh khuỷu tay
- Sau khi bong vảy, da có xu hướng mỏng, màu sắc tối hoặc sáng hơn vùng da xung quanh
- Nếu xuất hiện ở vùng da đầu, nang tóc có thể bị tổn thương và dẫn đến chứng rụng tóc nhiều
- Móng tay giòn, cong và biến dạng
Thông thường, tổn thương da do bệnh lý này thường không gây ngứa. Tuy nhiên ở một số trường hợp, da có thể bị ngứa ngáy nhẹ trong một thời gian ngắn.
2. Đặc điểm của bệnh
Tổn thương da do lupus dạng đĩa thường khởi phát và diễn tiến theo từng đợt. Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, triệu chứng có thể thuyên giảm mà không để lại biến chứng.
Tuy nhiên tổn thương da có khả năng bùng phát mạnh khi có các yếu tố kích thích. Vì vậy bên cạnh việc điều trị, bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa tái phát.
Hình ảnh lupus ban đỏ dạng đĩa
Lupus ban đỏ dạng đĩa có nguy hiểm không?
Lupus ban đỏ dạng đĩa được đánh giá là bệnh tự miễn có mức độ nhẹ và gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, tổn thương da do bệnh lý này cũng không gây ngứa ngáy, khó chịu nên rất ít trường hợp có tổn thương thứ phát và nhiễm trùng.
Tuy nhiên nếu tổn thương do lupus ban đỏ dạng đĩa xảy ra quá nhiều lần, vùng da này có khả năng bị đổi màu vĩnh viễn, hình thành sẹo hoặc thậm chí làm tăng nguy hói đầu.
Bên cạnh đó theo thống kê, có khoảng 5% bệnh nhân bị lupus ban đỏ dạng đĩa có thể phát triển thành lupus ban đỏ hệ thống. Khác với lupus dạng đĩa, lupus hệ thống không chỉ gây tổn thương da mà còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và có nguy cơ tử vong rất cao.
Chính vì vậy, bệnh nhân bị lupus dạng đĩa nên chủ động điều trị và phòng ngừa nhằm giảm tổn thương da, ngăn ngừa biến chứng và hạn chế tiến triển của bệnh.
Chẩn đoán và điều trị lupus ban đỏ dạng đĩa
Trước khi tiến hành các biện pháp điều trị, bạn buộc phải thực hiện các xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh sau:
1. Chẩn đoán
Chẩn đoán lupus ban đỏ dạng đĩa bao gồm quan sát biểu hiện thực thể và xét nghiệm cận lâm sàng. Sau khi quan sát tổn thương da và loại trừ nguy cơ mắc bệnh lupus hệ thống, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm sau:
- Sinh thiết da: Sinh thiết da ở bệnh nhân lupus dạng đĩa sẽ nhận thấy có xuất hiện kháng nguyên IgE.
- Xét nghiệm máu: Trong trường hợp không nhận thấy IgE trong da, bác sĩ có thể xét nghiệm máu nhằm tìm kháng nguyên trong huyết thanh.
2. Điều trị
Lupus ban đỏ nói chung và lupus ban đỏ dạng đĩa nói riêng đều không thể chữa trị hoàn toàn. Việc sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp chăm sóc chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa sự xuất hiện của các tổn thương mới, tăng sức đề kháng cho da và hạn chế thâm sẹo.
Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị lupus ban đỏ dạng đĩa:
- Thuốc bôi chứa corticoid: Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm và hạn chế tổn thương da lan rộng. Tuy nhiên sử dụng corticoid có thể gây dày sừng nang lông, mỏng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng,…
- Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ: Với những trường hợp gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc bôi chứa corticoid, bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế calcineurin như thuốc mỡ Tacrolimus và Kem Pimecrolimus. Nhóm thuốc này ức chế miễn dịch tại chỗ nhằm làm giảm tổn thương da và ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Tuy nhiên sử dụng thuốc ức chế calcineurin trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.
- Tiêm corticosteroid: Trong trường hợp tổn thương da xảy ra trên diện rộng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid (Prednisolon) để giảm viêm và kiểm soát triệu chứng.
- Thuốc chống sốt rét: Ngoài ra bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc chống sốt rét như Chloroquine, Hydroxychloroquine và Quinacrine để kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra các vấn đề về thị lực.
- Các loại thuốc khác: Trong một số trường hợp đáp ứng kém, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc có hiệu lực mạnh hơn như Methotrexate, Dapsone, Mycophenolate, Isotretinoin,…
Các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tái phát
Sử dụng thuốc chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng. Do đó bạn nên thực hiện đồng thời với các biện pháp chăm sóc nhằm tăng tác dụng điều trị và hạn chế tần suất dùng thuốc. Bởi lạm dụng thuốc trong một thời gian dài có thể gây ra các rủi ro và biến chứng nặng nề.
Các biện pháp chăm sóc và ngăn ngừa tái phát cho bệnh nhân lupus ban đỏ dạng đĩa, bao gồm:
- Ánh nắng mặt trời là yếu tố chủ yếu gây bùng phát tổn thương da. Vì vậy bạn nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng – đặc biệt là trong thời gian ánh nắng có cường độ mạnh.
- Luôn luôn sử dụng kem chống nắng có SPF từ 50 trở lên để bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của tia UV.
- Nên sử dụng dù, nón và áo khoác khi phải di chuyển và hoạt động dưới trời nắng.
- Cần thông báo với dược sĩ về tình trạng sức khỏe trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Việc sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh,… có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng và tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
- Tránh hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động.
- Nên sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho da. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế trang điểm khi không cần thiết.
Lupus ban đỏ dạng đĩa là bệnh da liễu xảy ra do hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch. Mặc dù không có khả năng điều trị dứt điểm nhưng bạn có thể kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh nếu có biện pháp chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan, tổn thương da có thể lan tỏa rộng, gây sẹo thâm, rụng tóc vĩnh viễn và tăng nguy cơ tiến triển thành lupus ban đỏ hệ thống.