Nấm da đầu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị dứt điểm
Nấm da đầu là bệnh lý da liễu có khả năng lây lan nhanh. Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị sớm. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tránh bệnh chuyển nặng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Nấm da đầu là gì?
Theo các chuyên gia, da thường chứa một lượng nhỏ nấm. Thông thường, các loại nấm này đều không gây nên bất kỳ biểu hiện viêm nào. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thích hợp, loại nấm này phát triển mạnh và gây nhiễm trùng.
Nhiễm trùng nấm có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nhưng, bệnh thường xuất hiện ở những khu vực ẩm ướt, thường xuyên ra nhiều mồ hôi như đầu.
Nấm da đầu có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi, bao gồm cả nam và nữ. Bệnh thường xuất hiện với tình trạng ngứa rát, khó chịu ở đầu. Không những thế, bệnh còn gây phát ban, tróc vảy và rụng tóc ở đầu.
Bệnh nếu không được điều trị kịp thời không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động xấu đến thẩm mỹ và chất lượng sống của bệnh nhân. Vì vậy, khi thấy triệu chứng nấm da đầu, bệnh nhân nên đến bệnh viện chuyên khoa da liễu thăm khám.
Nguyên nhân gây bệnh nấm da đầu
Thủ phạm gây nấm da đầu chủ yếu là nấm Candida và Dermatophytes gây nên. Hai loại nấm này thường sinh trưởng và phát triển mạnh ở nơi ẩm ướt như da đầu. Chính vì vậy, nếu người bệnh có thói quen lười gội đầu hoặc ưa thích thay đổi kiểu tóc mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng nhân lên và gây bệnh. Bên cạnh đó, bệnh xảy ra cũng có thể là do lây nhiễm nấm từ thú cưng như chó, mèo hoặc một số loại khác.
Ngoài nguyên nhân này ra, bệnh hình thành có thể do các yếu tố sau:
- Sử dụng chung khăn tắm, lược hoặc đồ dùng cá nhân với bệnh nhân mắc bệnh
- Da đầu bị tổn thương, có những vết cắt nhỏ nhưng không được xử lý tốt
- Dùng dầu gội hoặc sản phẩm chăm sóc tóc kém chất lượng, chứa nhiều hóa chất độc hại
- Chế độ ăn uống không lành mạnh gây thiếu hụt dưỡng chất
- Sử dụng thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài
Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh nấm da đầu
Một số yếu tố thúc đẩy góp phần tăng khả năng nhiễm nấm da đầu ở người bệnh như:
- Nguồn nước ô nhiễm
- Mắc các bệnh lý ngoài da khác như bệnh vẩy nến, chốc, á sừng,…
- Bệnh suy giáp, tiểu đường
- Đang mang thai
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Tuổi tác: Dưới 5 tuổi hoặc trên 55 thường có nguy cơ nhiễm trùng nấm cao
- Thường xuyên sử dụng thuốc ngừa thai hoặc thuốc kháng sinh, thuốc corticosteroid
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh nấm da đầu
Nhiễm nấm da đầu thường xuất hiện với các triệu chứng điển hình sau:
- Ngứa rát ở da đầu: Thường xuyên gội đầu với nguồn nước bẩn có chứa vi nấm thường có khả năng nhiễm bệnh cao
- Nổi phát ban đỏ hoặc tím trên da đầu
- Khu vực bị bệnh xuất hiện các lớp vảy trắng như gàu, những lớp vảy này có thể bị bong ra
- Mọc mụn trắng hoặc vàng, chứa đầy mủ trên da đầu
- Da đầu bị ẩm, nhờn rít
Trong trường hợp bệnh chuyển nặng, nấm có thể gây viêm loét da đầu trên diện rộng. Ở một số đối tượng, bệnh diễn ra trong thời gian dài cộng với việc thường xuyên gãi ngứa hoặc sử dụng thuốc bôi có thể khiến nang tóc bị ảnh hưởng. Lâu dần, tóc bị yếu đi và dễ bị gãy rụng. Đặc biệt, tóc thường rụng nhiều khi người bệnh chải hoặc gội đầu. Bên cạnh đó, bệnh còn gây sốt, đau đầu hoặc sưng hạch bạch huyết trên cổ.
Ngoài các triệu chứng này ra, người bệnh còn gặp phải các biểu hiện khi nấm Candida lây lan, gây khó chịu sau:
- Cơ thể mệt mỏi
- Gặp vấn đề ở hệ tiêu hóa
- Gây bệnh tưa miệng với biểu hiện tổn thương trắng và đau ở miệng
- Đau xoang
- Ảnh hưởng đến đường tiết niệu hoặc kích thích bộ phận sinh dục
Nấm da đầu có lây lan không?
Theo các chuyên gia da liễu, nấm da đầu là bệnh lý lây nhiễm. Bệnh có thể lây từ vùng da này sang vùng da khác hoặc từ người này sang người khác. Bệnh thường lây nhiễm trực tiếp qua da khi tiếp xúc gần gũi với người bệnh. Thông thường, ở trẻ có độ tuổi từ 3 – 7 thường có khả năng lây lan bệnh nhanh hơn ở người lớn. Đặc biệt là trẻ đang theo học các lớp mầm hoặc lá.
Bên cạnh đó, bệnh có thể lây từ người sang người khi dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn lau đầu, khăn tắm hoặc mũ,… Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây nhiễm từ động vật sang người. Hình thức lây bệnh chủ yếu là khi người bệnh ôm hoặc nựng chó, mèo nhiễm bệnh hay đụng vào đồ vật chúng từng tiếp xúc.
Điều trị bệnh nấm da đầu
Bệnh nấm da đầu thường có biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý ngoài da khác như gàu, vẩy nến hoặc viêm da tiết bã. Do đó, để điều trị đúng bệnh, bác sĩ cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh triệu chứng lâm sàng, nhân viên y tế thường sử dụng mẫu mô ở da đầu hoặc tóc đem đi soi kính hiển vi để tìm tế bào nấm.
Chữa nấm da đầu bằng thuốc điều trị tại chỗ
Thông thường, sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra phương án chữa trị phù hợp với từng đối tượng bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm nấm da đầu đều được điều trị bằng thuốc tại chỗ ở dạng thuốc mỡ, bọt hoặc dầu gội.
Một số loại thuốc điều trị nấm da đầu thường được sử dụng như:
- Fluconazole (Diflucan): Thuốc thuộc nhóm thuốc kháng nấm azole, thường được nhân viên y tế chỉ định phòng ngừa và điều trị bệnh nhiễm nấm. Fluconazole (Diflucan) hoạt động theo cơ chế ức chế sự hình thành và phát triển của các loại nấm trong cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương do nấm gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp ở mỗi người. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định sử dụng ở người có cơ địa mẫn cảm với thành phần chứa trong thuốc.
- Terbinafine: Thuốc thuộc nhóm kháng nấm, được sản xuất dưới dạng kem bôi ngoài da. Terbinafine thường được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm nấm men ở da, nhất là nấm Candida. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ ngứa hoặc mẩn đỏ tại vị trí bôi thuốc. Do đó, khi sử dụng, bệnh nhân cần điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Naftifine: Là thuốc kháng nấm, có tác dụng tiêu diệt và ức chế sự phát triển của một số loại nấm nhạy cảm. Naftifine thường được bác sĩ kê đơn điều trị một số bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng nấm da. Thế nhưng, không nên sử dụng thuốc thường xuyên và kéo dài tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Ketoconazole: Thuốc hoạt động trên cơ chế ức chế sự phát triển của nấm gây bệnh. Ketoconazole kháng nấm phổ rộng nên có tác dụng trên nhiều loại nấm. Vì vậy, thuốc thường được chỉ định điều trị bệnh nấm xuất hiện ở da đầu.
- Các loại thuốc điều trị nấm da đầu khác: Oxiconazole, Clotrimazole, Econazole, Miconazole,…
Trong trường hợp bệnh chuyển nặng, các loại thuốc nêu trên không giúp kiểm soát triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân một số loại thuốc điều trị khác có công dụng mạnh hơn. Cụ thể như:
- Amphotericin B: Là thuốc kháng sinh chống nấm, thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân nhiễm nấm ở mức độ nghiêm trọng, có thể gây tử vong
- Nystatin: Thuốc có tác dụng chữa nấm ở niêm mạc, dùng theo đường uống.
Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại dầu gội đầu trị nấm sau đây:
- Nizoral
- Selenium
- Ketoconazole
- Thái Dương
Liệu pháp tự nhiên giúp kiểm soát nấm da đầu tại nhà
Bệnh nấm da đầu có thể điều trị dễ dàng bằng các biện pháp điều trị không kê đơn. Bên cạnh đó, để kiểm soát triệu chứng bệnh ngay tại nhà, bệnh nhân cũng có thể áp dụng các mẹo từ tự nhiên sau đây:
- Giấm táo: Nguyên liệu có tác dụng kháng nấm, đồng thời giúp loại bỏ nấm gây nhiễm trùng. Người bệnh có thể trộn 1 chén giấm táo với 2 cốc nước ấm. Sau đó, dùng hỗn hợp nước này gội đầu. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần mỗi tuần để nhận được kết quả điều trị như mong muốn.
- Dầu Neem: Có tác dụng chống nấm và chống nhiễm trùng. Vì vậy, bệnh nhân có thể sử dụng loại dầu tự nhiên này để cải thiện nấm da đầu. Cách thực hiện đơn giản sau, bệnh nhân dùng 2 muỗng tinh dầu Neem trộn đều với 1 muỗng canh dầu dừa. Sau đó, bôi hỗn hợp này lên tóc và da dầu, massage nhẹ nhàng. Sau khi bôi khoảng 30 phút, gội lại đầu bằng dầu gội nhẹ. Áp dụng 2 – 3 lần/ tuần.
- Chanh: Dược liệu có tính kháng khuẩn có tác dụng điều trị nhiễm nấm ở da đầu. Bệnh nhân sử dụng 1 muỗng nước cốt chanh hòa tan trong 1 cốc nước. Dùng hỗn hợp nước này thoa đều lên da đầu và tóc. Sau đó 10 – 15 phút, tắm và gội lại đầu bằng dầu gội. Thực hiện 2 – 3 lần mỗi tuần.
- Dầu dừa: Sau khi làm ướt tóc, bệnh nhân sử dụng 1 – 2 muỗng canh dầu dừa thoa đều lên tóc và da đầu. Nhẹ nhàng massage trong vòng 3 – 5 phút. Cuối cùng gội lại đầu bằng dầu gội có chất tẩy rửa nhẹ. Thực hiện ít nhất 1 tuần 1 lần.
- Dầu thầu dầu: Trộn 1 muỗng dầu thầu dầu ép lạnh với 1 muỗng dầu dừa. Thoa đều hỗn hợp này lên da đầu và tóc. Chờ khoảng 30 phút rồi gội lại đầu bằng nước sạch và dầu gội. Thực hiện mỗi tuần 1 – 2 lần.
Biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng nấm da đầu
Bệnh nấm da đầu có khả năng tái phát mạnh. Do đó, để ngăn ngừa bệnh quay trở lại và gây nhiễm trùng, bệnh nhân nên thực hiện theo các mẹo sau đây:
- Thường xuyên tắm rửa, gội đầu sạch sẽ mỗi ngày
- Lựa chọn dầu gội đầu phù hợp với da đầu, tránh sử dụng các dòng sản phẩm chứa chất kích ứng hoặc chất bảo quản
- Giữ cho da đầu luôn luôn sạch và khô. Đặc biệt, sau khi tắm xong nên sấy hoặc lau khô
- Có chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng. Nên hạn chế ăn nhiều tinh bột hoặc uống quá nhiều rượu, bia hoặc chất kích thích
- Tránh lạm dùng thuốc kháng viêm steroid hoặc thuốc kháng sinh
- Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn
- Không nên đội mũ hoặc trùm kín đầu thường xuyên
- Không nên dùng chung đồ vật hoặc đồ dùng cá nhân với người bệnh
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi bị bệnh
- Không gãi hoặc cào mạnh lên da đầu để tránh gây tổn thương da đầu, tạo điều kiện cho nấm phát triển
Nấm da đầu là bệnh lý da liễu phổ biến. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng khi mắc bệnh, người bệnh cần nhanh chóng điều trị để kiểm soát triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, việc chữa trị sớm cũng là cách giúp ngăn chặn nấm lây lan sang các bộ phận da lành khác trên cơ thể.
→ Có thể bạn quan tâm: