Rối loạn lo âu: Dấu hiệu, nguyên nhân và hướng điều trị
Rối loạn lo âu đang là một tình trạng rối loạn cảm xúc phổ biến hiện nay. Biểu hiện đặc trưng của chứng rối loạn này là lo lắng và căng thẳng – những trạng thái cảm xúc bình thường của con người. Tuy nhiên, vấn đề là các trạng thái này diễn ra thường xuyên và trong cả những tình huống không hề nguy hiểm. Vậy rối loạn lo âu là gì? Hãy cùng tìm hiểu tổng quan về hội chứng này trong bài viết dưới đây.
Rối loạn lo âu là bệnh gì?
Chứng rối loạn lo âu là một bệnh rối loạn cảm xúc phổ biến. Người bệnh sẽ có biểu hiện lo lắng quá mức với xác suất thường xuyên, kể cả những trường hợp rất đỗi bình thường. Lo lắng, sợ hãi cũng không tự mất đi mà chúng sẽ chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác khiến con người cứ mãi mắc kẹt trong sự giằng xé tâm can, bi quan, lạc lõng.
Rối loạn lo âu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân và có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày của họ về cả thể chất lẫn tinh thần. Lo lắng liên tục cản trở các hoạt động của người bệnh, kèm theo những phản ứng thái quá và khiến họ không thể tự chủ hành vi của mình.
Rối loạn lo âu được phân thành nhiều dạng phổ biến bao gồm:
- Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): bệnh nhân có những biểu hiện lo lắng thái quá về nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày mà không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn hoảng sợ: bệnh nhân luôn trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, sợ hãi, lo lắng. Hoảng sợ có thể đến rất nhanh, kéo dài từ 5 – 20 phút với tần suất 1 – 2 lần/ tháng hoặc có thể vài lần trong 1 tuần.
- Rối loạn lo âu xã hội: người bệnh sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp, trong các cuộc gặp gỡ vì sợ người khác đánh giá hoặc soi mói.
- Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi: Được đặc trưng với biểu hiện thường xuyên sợ hãi dữ dội vì một đối tượng hoặc một vấn đề cụ thể nào đó không gây nguy hiểm trong thực tế. Điển hình là sợ máu, sợ độ cao,…
- Lo lắng chia ly: được mô tả là một những cảm giác lo lắng, bất an khi tách rời với một người thân yêu.
- Im lặng chọn lọc: khiến trẻ nhỏ không thể nói được trong vài trường hợp cụ thể trong khi vẫn có thể nói chuyện bình thường khi ở nhà hoặc khi không ai để ý.
Dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn cảm xúc điển hình, đồng nghĩa với việc nó có những biểu hiện rõ ràng mà chúng ta có thể nhận biết được. Người bệnh cũng đối mặt với những vấn đề về thể chất có tác động không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ.
Những dấu hiệu chung khi bị rối loạn lo âu là:
- Luôn trong trạng thái lo lắng, hoảng sợ.
- Không cảm thấy an toàn hoặc chắc chắn về bất cứ điều gì.
- Tim đập nhanh và thường xuyên khó thở.
- Khó ngủ, mệt mỏi, căng thẳng tột độ.
- Mất tập trung, đứng ngồi không yên.
- Rối loạn đường tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy
- Run rẩy, cảm thấy ớn lạnh thường xuyên.
- Lặp lại các hành vi như rửa tay, cắn móng tay, kiểm tra khóa cửa,…hoặc thường nhắc về một ám ảnh trong quá khứ.
- Khó giữ bình tĩnh, không thể tự chủ hành vi của mình.
Các triệu chứng ở mức độ nhẹ hay bị nhầm lẫn với những trường hợp lo lắng, căng thẳng bình thường của cuộc sống. Trạng thái lo lắng thường nhật chỉ xuất hiện khi con người nhận thấy trường hợp nguy hiểm hoặc áp lực, và sẽ kết thúc khi vấn đề được giải quyết. Còn triệu chứng của rối loạn lo âu rất khó kiểm soát và sẽ vẫn tiếp diễn kể cả khi không có gì đáng lo ngại. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với bệnh nhân mắc rối loạn lo âu tổng quát (GAD).
Nguyên nhân mắc chứng rối loạn lo âu do đâu?
Rối loạn lo âu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân mà các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc khảo sát họ đã tìm ra một số vấn đề có liên quan trực tiếp với chứng bệnh tâm lý này.
1. Yếu tố di truyền
Rối loạn lo âu có thể di truyền thông qua cấu trúc gen. Theo nghiên cứu của đại học Wisconsin-Madison, cấu trúc gen có tác động đến chức năng thần kinh và có thể dẫn đến lo âu thời thơ ấu. Kết quả là, các triệu chứng của trầm cảm và rối loạn lo âu tăng lên đáng kể.
Khi cha mẹ mắc bệnh rối loạn tâm thần, thì con cái sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này. Không những vậy, nguy cơ này còn cao hơn gấp 5 lần so với người khác.
2. Yếu tố sinh hóa của hệ thống thần kinh
Một số nghiên cứu chỉ ra các triệu chứng rối loạn lo âu có thể xuất phát từ những vấn đề bên trong hệ thống thần kinh. Một số khu vực của não liên quan đến cảm xúc và hành vi hoạt động quá mức dẫn tới rối loạn quá trình truyền thông tin bên trong não. Ngoài ra, lý do còn bắt nguồn từ sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thông tin như serotonin và noradrenaline – là những chất kiểm soát và điều chỉnh tâm trạng con người.
3. Môi trường căng thẳng
Định nghĩa này bao gồm những sự kiện ám ảnh trong quá khứ mà người bệnh đã từng chứng kiến hoặc đã trải qua. Các sự kiện trong đời thường tăng nguy cơ rối loạn tâm lý bao gồm lạm dụng tình dục hoặc bỏ rơi lúc nhỏ, cái chết của một người thân hay bị tấn công hoặc nhìn thấy cảnh tượng chết chóc, bạo lực.
Ngoài ra, những áp lực từ nhiều vấn đề cộng dồn theo thời gian mà con người chưa thể giải quyết hoặc luôn ám ảnh trong tâm trí cũng có thể tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu. Những ví dụ phổ biến nhất là căng thẳng công việc, áp lực kinh tế, sự ra đi của người thân,…
4. Lạm dụng thuốc an thần hoặc chất kích thích
Lạm dụng thuốc an thần để giảm căng thẳng có thể gây phản tác dụng và khiến triệu chứng trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, sử dụng nhiều rượu và chất gây nghiện cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rối loạn lo âu.
5. Điều kiện y tế
Một số điều kiện y tế được chứng minh là có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và có liên quan đến các chứng rối loạn tâm thần. Cụ thể là những bệnh lý gây rối loạn sự hoạt động của các cơ quan bên trong làm thay đổi các yếu tố sinh lý và môi trường bên trong, tác động phần nào đến tâm lý người bệnh.
Những điều kiện y tế làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu, bao gồm:
- Bệnh tim: những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về rối loạn tâm thần và trầm cảm.
- Rối loạn nội tiết tố: làm thay đổi các hormone bên trong cơ thể dẫn đến phát triển các triệu chứng rối loạn lo âu.
- Những căn bệnh mãn tính: khiến con người lo lắng, buồn phiền dai dẳng, có thể kéo theo những căn bệnh về tinh thần.
Các biến chứng của bệnh rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu không chỉ dừng lại ở những cảm xúc lo lắng, sợ hãi mà nhiều người vẫn nghĩ. Nó có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường.
Các biến chứng của bệnh rối loạn lo âu là:
- Trầm cảm hoặc các bệnh về rối loạn tâm thần.
- Các vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng,…
- Đau đầu mãn tính.
- Hành vi mất kiểm soát phải cách ly xã hội.
- Tự thương, tự sát .
Các vấn đề về sức khỏe tinh thần luôn có mối liên hệ trực tiếp đến sức khỏe thể chất con người. Chính vì vậy, khi có những triệu chứng biểu hiện rối loạn lo âu, bệnh nhân cần tìm đến các chuyên gia để được chẩn đoán sớm và đề ra phương án điều trị thích hợp.
Chẩn đoán và điều trị chứng rối loạn lo âu
Mặc dù không thể xét nghiệm để chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu nhưng việc khám sức khỏe tổng quát sẽ cung cấp một bệnh án đầy đủ hỗ trợ việc chẩn đoán các vấn đề liên quan. Sau đó, người bệnh có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý, được đánh giá, khảo sát và chẩn đoán bệnh. Nhờ vậy, các chuyên gia có thể lập phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Hiện nay, các phương pháp điều trị các bệnh rối loạn cảm xúc bao gồm cả chứng rối loạn lo âu bao gồm điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý và điều chỉnh lối sống cho người bệnh.
1. Liệu pháp tâm lý
Tâm lý trị liệu là phương pháp trò chuyện cùng với các chuyên gia tâm lý với mục đích giúp bệnh nhân hiểu rõ về bản thân và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Chuyên gia tâm lý có kỹ năng chuyên môn cao, được đào tạo các liệu pháp và kỹ thuật để hỗ trợ điều trị tâm lý cho bệnh nhân.
Các chuyên gia sẽ đưa ra lộ trình điều trị riêng cho từng bệnh nhân với sự kết hợp của các phương pháp tiếp cận sau:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là loại liệu pháp tâm lý phổ biến nhất. Phương pháp này giúp nhận ra cách suy nghĩ và hành vi dẫn đến cảm giác lo lắng, căng thẳng của chứng rối loạn lo âu. Từ đó, bệnh nhân sẽ nỗ lực thay đổi chúng.
- Liệu pháp phơi nhiễm: áp dụng cho những bệnh nhân gặp rối loạn lo âu do những ám ảnh trong quá khứ. Liệu pháp này đưa bệnh nhân vào các tình huống đó để xóa bỏ dần những ám ảnh bên trong họ.
- Liệu pháp thư giãn: Các chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng các bài tập thư giãn và hình ảnh giúp bệnh nhân có thể quên đi căng thẳng, lo lắng hàng ngày, giúp bệnh nhân bình tĩnh, ổn định hơn.
- Liệu pháp trò chơi: áp dụng cho trẻ nhỏ bằng các trò chơi đếm số hay xếp hình, giúp các bé tập trung hơn, đồng thời giúp giảm căng thẳng, sợ hãi và những ám ảnh hiện tại.
- Liệu pháp nhóm: Bệnh nhân sẽ tham gia các nhóm để học hỏi được những kỹ năng để vượt qua rối loạn tâm lý và biết cách tự chủ cảm xúc, từ đó có thể kiểm soát tốt cuộc sống.
2. Điều trị bằng thuốc
Thực tế, những trạng thái cảm xúc lo lắng, căng thẳng, sợ hãi quá mức có thể được kìm hãm lại bởi một số loại thuốc ổn định tinh thần. Tuy nhiên, thuốc thường được chỉ định trong các trường hợp mãn tính và có thể kèm theo một số tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, khô miệng, buồn nôn,…
Tùy vào mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc điều trị rối loạn lo âu như:
- Thuốc chống trầm cảm (phổ biến nhất là thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc)
- Thuốc an thần
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc tăng cường chức năng thần kinh, thuốc bổ não
Đối với bệnh nhân lớn tuổi, cần tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và loại thuốc sử dụng vì nhóm đối tượng này có khả năng cao bị các tác dụng phụ do các vấn đề khác về sức khỏe. Riêng các trường hợp trẻ nhỏ, dùng thuốc không được khuyến nghị vì có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Làm sao để giảm nguy cơ mắc rối loạn lo âu
Nếu bạn đang có những áp lực, căng thẳng hoặc những ám ảnh trong cuộc sống, bạn có thể áp dụng một số cách để kiểm soát cảm xúc và giảm nguy cơ mắc rối loạn lo âu.
Cách giảm nguy cơ mắc rối loạn lo âu hiệu quả:
- Kiểm tra các loại thuốc đang sử dụng: Nếu đang phải làm bạn với một vài loại thuốc an thần hoặc chống trầm cảm, hãy kiểm tra kỹ thành phần của chúng. Tốt nhất vẫn nên lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia và sử dụng đúng liều lượng được khuyến nghị.
- Sống lành mạnh và khoa học: Chế độ ăn có liên quan trực tiếp đến sức khỏe sinh lý và cả tâm lý của bạn. Hãy ăn uống lành mạnh để giảm căng thẳng, lo lắng. Kèm theo đó, tập thể dục thường xuyên cũng rất tốt trong việc giảm triệu chứng rối loạn lo âu.
- Gặp gỡ bạn bè nhiều hơn: Những người độc thân và ít giao du bạn bè sẽ đối mặt với nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn những người khác. Vì vậy, hãy đi chơi, trò chuyện với bạn bè nhiều hơn, sẽ giúp giảm mức độ lo lắng trong cuộc sống và ngoài xã hội.
Rối loạn lo âu là một chứng bệnh nguy hiểm tiềm ẩn nhiều vấn đề về sức khỏe mà chúng ta khó có thể lường trước. Điều quan trọng là bệnh này có thể được điều trị nếu được chẩn đoán sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Không chỉ vậy, hãy học cách giải quyết căng thẳng, kiểm soát cảm xúc để cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc!