Sỏi niệu quản: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị HIỆU QUẢ
Bệnh sỏi niệu quản tuy không quá phổ biến như sỏi thận nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong thời gian ngắn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để nhận biết? Nguyên nhân bệnh là từ đâu? Phương pháp trị bệnh nào mang tới hiệu quả thực sự? Tham khảo bài viết dưới đây để có thêm thông tin về sỏi niệu quản bệnh học.
Sỏi niệu quản là gì? Đối tượng có nguy cơ cao mắc sỏi niệu quản?
Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có chiều dài khoảng 25cm, với đường kính từ 2 – 4mm, càng về cuối kích thước niệu quản càng nhỏ lại. Sỏi niệu quản hay còn gọi là sỏi kẹt niệu quản. Đây là hiện tượng sỏi thận xuống niệu quản, tức là viên sỏi di chuyển từ vị trí thận xuống vị trí niệu quản và mắc kẹt ở đó. Tại đây, nó sẽ gây tắc nghẽn dòng nước tiểu, cản trở quá trình bài tiết của cơ thể. Điều này có thể khiến thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng gây hại tới sức khỏe của người bệnh. Có thể nói, đây chính là dạng nguy hiểm nhất trong tất cả các bệnh về sỏi tiết niệu.
Niệu quản chia thành 2 nhánh, vì thế thường xuất hiện bệnh sỏi niệu quản trái và sỏi niệu quản phải. Ngoài ra, sỏi còn xuất hiện ở 3 vị trí niệu quản hẹp thường gặp sau đây:
- Vị trí nối từ bể thận vào niệu quản (⅓ niệu quản trên)
- Vị trí nối từ niệu quản vào bàng quang (⅓ niệu quản giữa)
- Vị trí phía trước động mạch chậu (⅓ niệu quản dưới)
Việc chia nhỏ vị trí sỏi được áp dụng để việc điều trị bệnh trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, người ta cũng phân chia theo kích thước viên sỏi nhằm tìm ra phương pháp chữa thích hợp. Thông thường, sỏi niệu quản phổ biến ở một số kích thước sau:
- Sỏi niệu quản 1 – 5mm (3-15F)
- Sỏi niệu quản 2mm (6F)
- Sỏi niệu quản 3 – 4mm (9-12F)
- Sỏi niệu quản 4mm (12F)
- Sỏi niệu quản 4 – 6mm (12 – 18F)
- Sỏi niệu quản 10mm (30F)
Đối tượng có một trong những đặc điểm sau đây sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh sỏi niệu quản:
- Bệnh sử gia đình: Nếu người thân trong gia đình của bạn bị sỏi niệu quả thì bạn có khả năng cao cũng mắc căn bệnh này.
- Không bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày: Những người ra nhiều mồ hôi hoặc không bổ sung lượng nước cần thiết mỗi ngày để thúc đẩy hoạt động của hệ bài tiết đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Một chế độ ăn giàu natri sẽ làm gia tăng lượng canxi trong nước tiểu. Từ đây, cũng làm tăng nguy cơ bị sỏi niệu quản.
- Béo phì: Tình trạng thừa cân với kích thước vòng 2 quá lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng của bệnh
Sỏi niệu quản là bệnh lý thường gặp hiện nay. Khi sỏi mới hình thành, sỏi chưa gây ra triệu chứng gì quá nổi bật. Trong giai đoạn này, nếu phát hiện và điều trị nội khoa kịp thời sẽ mang lại hiệu quả lên tới 80%. Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh sỏi niệu quản mà người bệnh có thể tham khảo:
- Đau âm ỉ vùng hố thắt lưng và hông: Những cơn đau âm ỉ từ vùng lưng lan dần xuống bụng dưới theo đường di chuyển của sỏi là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh sỏi niệu quản khi mới ở giai đoạn đầu (khi viên sỏi còn nhỏ).
- Đau quặn thận: Sỏi từ thận rơi xuống niệu quản sẽ gây ra những cơn đau đột ngột. Người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội theo từng cơn quặn thận. Cơn đau sẽ lan từ vùng thắt lưng tới vùng bụng dưới, thậm chí ở cả khu vực bộ phận sinh dục. Thời gian đau có thể kéo dài đến hàng giờ đồng hồ và khiến người bệnh vô cùng khó chịu.
- Tiểu buốt, tiểu rắt: Tăng tần suất đi tiểu nhưng nước tiểu ít, cảm giác mót tiểu ngay cả khi vừa mới xong. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy đau rát và khó chịu mỗi lần đi tiểu.
- Tiểu ra máu: Nước tiểu xuất hiện màu sắc bất thường như màu đỏ, màu hồng, nâu sẫm,… do viên sỏi trong lúc di chuyển đã cọ xát vào niêm mạc gây chảy máu và thường có mùi hôi rất khó chịu. Triệu chứng này thường đi kèm với bệnh viêm đường tiết niệu.
- Tiểu ra mủ, nước tiểu đục trong trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu kèm với một vài biểu hiện sau: sốt cao, buồn nôn, ớn lạnh, nôn mửa,…
- Tiểu ra sỏi: Tuy dấu hiệu này hiếm gặp nhưng mang lại giá trị chẩn đoán.
Nguyên nhân bệnh sỏi niệu quản
Nguyên nhân chính của sỏi niệu quản là do sỏi rơi từ thận xuống niệu quản và gây tắc nghẽn đường ống dẫn nước tiểu của cơ thể. Sỏi hình thành ở niệu quản cũng có nhưng rất ít gặp, chỉ xảy ra trong điều kiện niệu quản hẹp hay có túi thừa. Ngoài ra, sỏi niệu quản còn xuất hiện do một vài căn nguyên cơ bản sau đây:
- Dị dạng niệu quản: Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ ứ đọng nước tiểu gây lắng đọng tinh thể kết tụ thành sỏi niệu quản tại chỗ. Một số dị dạng niệu quản hay gặp như niệu quản sau tĩnh mạch chủ, niệu quản phình to, niệu quản tách đôi…
- Nước tiểu bị bão hòa lượng muối canxi: do lượng canxi trong cơ thể tăng đột ngột khiến quá trình hấp thụ canxi ở ruột và tái hấp thụ ở ống thận diễn ra nhanh chóng.
- Nước tiểu bị bão hòa lượng oxalat: Khi bệnh nhân bị ngộ độc vitamin C hoặc ăn những thực phẩm chứa quá nhiều oxalat như đậu bắp, củ dền, cải xoăn…
- Giảm citrat niệu
- Tổn thương niệu quản do phẫu thuật hoặc thủ thuật khác gây nên.
- Hậu quả của các bệnh lý khác: bệnh gout, tuyến giáp, giang mai
Sỏi niệu quản có nguy hiểm không?
Sỏi niệu quản không phải là căn bệnh khó chữa. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm sau đây:
- Ứ nước tại thận làm giãn đài bể thận: Do sỏi làm tắc nghẽn đường nước tiểu xuống bàng quang khiến chúng không thể ra ngoài. Từ đó, gây ứ nước tại thận, làm giãn đài bể thận và lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của thận.
- Viêm nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Trong quá trình di chuyển, viên sỏi làm tổn thương niêm mạc niệu quản, kích thích vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm. Một vài biểu hiện kèm theo như là: sốt cao, rét run, hố thắt lưng căng đau. Trong một vài trường hợp còn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết.
- Suy thận cấp: Tình trạng này xảy ra khi kích thước viên sỏi quá lớn, có thể gây tắc hoàn toàn đường niệu quản, dần dần dẫn đến vô niệu.
- Suy thận mạn: Viêm đường tiết niệu kéo dài dẫn đến suy thận mạn. Tình trạng này có thể khiến các tế bào thận tổn thương khó phục hồi.
Các kĩ thuật thường gặp chẩn đoán tình trạng bệnh
Khi nhận thấy bản thân hay người thân trong gia đình xuất hiện một trong những triệu chứng bên trên, bạn nên ngay lập tức liên hệ bác sĩ hoặc những cơ sở có chuyên môn cao để tiến hành thăm khám. Thông thường, bạn sẽ được chẩn đoán thông qua những phương pháp sau:
- Xét nghiệm nước tiểu và máu: Đường tiết niệu bị nhiễm trùng dễ gây albumin trong nước tiểu. Việc xét nghiệm nước tiểu sẽ cho biết kết quả hồng cầu, thậm chí cả bạch cầu và vi trùng. Xét nghiệm máu giúp bác sĩ theo dõi chức năng hoạt động của thận. Từ đó, đánh giá tình trạng nhiễm trùng niệu quản xem liệu có quá nhiều lượng canxi hoặc axit uric trong máu hay không.
- Chụp x quang sỏi niệu quản: Phương pháp này giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí, kích thước và hình dáng của viên sỏi trong đường tiết niệu. Tùy vào từng mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh chụp x quang bộ niệu không chuẩn bị đối với những trường hợp nhẹ, có khả năng tự đào thải sỏi ra bên ngoài hoặc chụp x quang hệ niệu có cản quang (UIV) khi xác định bệnh nhân cần phải điều trị can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật.
- Siêu âm ổ bụng: Phương pháp này tuy không mô tả được chính xác vị trí của sỏi nhưng siêu âm lại giúp bác sĩ quan sát rõ tình trạng ứ nước tại thận cũng như hình dáng sỏi niệu quản, đặc biệt là sỏi kém cản quang.
- Chụp CT: Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính CT- Scan được áp dụng trong trường hợp muốn xác định viên sỏi niệu quản và mức độ gây tắc nghẽn. Từ đó, đưa ra đánh giá chức năng thận.
Các phương pháp điều trị bệnh
Bệnh sẽ hạn chế gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kích thước, hình dáng cũng như vị trí của sỏi mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe và điều kiện của từng bệnh nhân cũng là yếu tố chi phối đến việc lựa chọn phương pháp chữa trị sỏi niệu quản. Hiện nay, có 3 phương pháp phổ biến được nhiều người bệnh tin dùng hiện nay, đó là: Tây y, mẹo dân gian và y học cổ truyền.
Tây Y chữa sỏi niệu quản
Hiện nay, một trong những phương pháp chữa sỏi niệu quản được nhiều người quan tâm là áp dụng y học hiện đại. Nếu kích thước sỏi nhỏ, người bệnh có thể lựa chọn điều trị nội khoa với thuốc. Trong trường hợp nặng hơn, bác sĩ sẽ tư vấn can thiệp kĩ thuật để đẩy nhanh hiệu quả chữa trị.
Điều trị nội khoa
Đây là phương pháp sử dụng thuốc Tây để hỗ trợ đưa sỏi ra ngoài theo đường bài tiết. Thông thường, bạn sẽ được kê những loại thuốc giảm đau sỏi niệu quản và hỗ trợ quá trình đào thải sỏi tự nhiên:
- Thuốc giảm đau, chống viêm: paracetmol, thuốc giảm đau chống viêm không steroid… giúp xoa dịu những cơn đau quặn thận dữ dội do sỏi gây ra.
- Thuốc giãn cơ trơn, chống co thắt: T huốc ức chế alpha – adrenergic hay thuốc chẹn kênh canxi giúp giãn rộng đường niệu quản để viên sỏi di chuyển ra ngoài dễ dàng hơn.
- Thuốc ức chế hình thành sỏi: Tùy vào từng loại sỏi mà bác sĩ sẽ kê những loại thuốc riêng biệt. Thông thường, chúng ta dễ mắc phải 4 loại sau: Sỏi canxi, sỏi struvite, sỏi acid uric, sỏi cystine.
- Thuốc kháng sinh: Thường dùng trong điều trị sỏi struvite để đẩy lùi vi khuẩn cũng như ngăn viên sỏi tăng thêm về kích thước. Một số loại thường được dùng là tetracyliin, cephalosporiin…
Điều trị can thiệp
Đối với các trường hợp đã điều trị nội khoa quá 2 tuần mà không có biến chuyển, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng các kĩ thuật xâm lấn. Ngày nay, y học hiện đại ngày càng phát triển, hầu hết các thủ thuật đều ít để lại biến chứng. Một vài thủ thuật thường được áp dụng trong chữa sỏi niệu quản:
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Tán sỏi qua da
- Tán sỏi ngược dòng
- Phẫu thuật lấy sỏi bằng nội soi
- Phẫu thuật lấy sỏi bằng phương pháp mổ
- Phẫu thuật cắt thận
Sỏi niệu quản nếu để càng lâu tình trạng bệnh sẽ càng nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe. Lúc này, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn vì phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ: vừa lấy sỏi vừa điều trị biến chứng. Điều này là trở ngại lớn trong việc áp dụng các kĩ thuật hiện đại ngày nay. Vì thế, người bệnh nên chủ động đi thăm khám và điều trị kịp thời để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chữa bệnh sỏi niệu quản tại nhà
Bên cạnh việc áp dụng Y học hiện đại chữa sỏi niệu quản, người bệnh cũng có thể lựa chọn phương pháp chữa bệnh tại nhà theo mẹo dân gian. Phương pháp này cũng được rất nhiều bệnh nhân tin dùng bưởi độ lành tính, an toàn cũng như tiết kiệm chi phí. Dưới đây là một số cách chữa sỏi niệu quản tại nhà mà mọi người có thể áp dụng:
Sử dụng đu đủ chữa bệnh
Đu đủ là loại quả có vị ngọt, tính mát giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, kiện tỳ, nhuận tràng,… có tác dụng đẩy lùi sỏi thận, sỏi tiết niệu hiệu quả.
Chuẩn bị: 1 quả đu đủ bánh tẻ (không quá già cũng không quá non), vỏ xanh, còn nhiều nhựa.
Cách tiến hành:
- Đem đu đủ đi rửa sạch, cắt bỏ đầu đuôi, bỏ hạt và lấy ruột
- Hấp cách thủy đu đủ đến khi chín mềm rồi cho thêm ít muối.
- Ăn mỗi ngày một quả sau bữa ăn để tránh ảnh hưởng đến dày. Thực hiện liên tục trong vòng từ 7-10 ngày để thấy được hiệu quả.
Chữa sỏi niệu quản với trái dứa
Trái dứa (khóm/ thơm) ngoài công dụng nấu ăn còn có tác dụng đào thải độc tố bị đọng lại trong đường tiết niệu.
Nguyên liệu: 1 quả dứa, 1 ít phèn chua
Cách thực hiện:
- Hấp cách thủy một quả dứa cùng phèn chua trong vòng khoảng 3 tiếng
- Ăn cả quả và phần nước trong vòng 1 tuần liên tiếp.
Chữa sỏi niệu quản theo y học cổ truyền
Theo YHCT, nguyên nhân chính dẫn đến sỏi niệu quản là do nhiệt hạ tiêu. Ngoài ra, khí huyết ứ trệ ở thận và thận hư cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Khắc phục được nhược điểm dễ gây ra tác dụng phụ của thuốc Tây, Y học cổ truyền được nhiều bệnh tin dùng bởi độ lành tính cũng như chi phí tiết kiệm. Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc chữa sỏi niệu quản sau đây:
Bài thuốc số 1
Nguyên liệu: Sinh địa 12gr, Mộc thông 16gr, Cam thảo tiêu 10gr, Trúc diệp 16gr, Sa tiền tử 10gr, Kim tiền thảo 20gr, Kê nội kim 10gr.
Cách tiến hành:
- Sắc toàn bộ nguyên liệu trên với 500ml nước
- Uống 1 ngày 1 thang cho đến khi tình trạng bệnh thuyên giảm.
Bài thuốc số 2
Nguyên liệu: Kim tiền thảo 30gr, Tỳ giải 30gr, Dành dành 20gr, Ý dĩ nhân 20gr, vỏ Núc nác 16gr, Mộc thông 12gr, Mã đề 20gr, Cam thảo đất 16gr, Xương bồ 8gr, Quế chi 4gr
Cách tiến hành:
- Rửa sạch tất cả các nguyên liệu, thái nhỏ rồi đem đi sao vàng hạ thổ
- Đun nhỏ lửa với 4 bát nước, đến khi cạn còn 2 bát thì đổ nước vào đun tiếp
- Uống nhiều lần trong ngày, liên tục trong vòng từ 2 -3 tháng cho đến khi thấy có kết quả.
Trên đây là những thông tin cơ bản xoay quanh bệnh sỏi niệu quản. Hi vọng bài viết sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh cũng như dễ dàng hơn trong việc phát hiện và lựa chọn phương pháp điều trị kịp thời.