Ung Thư Cổ Tử Cung: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến xảy ra ở nữ giới, bệnh nguy hiểm nhưng có thể được chữa khỏi nếu sớm phát hiện. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân không biết mình mắc bệnh ở giai đoạn đầu do không có dấu hiệu nổi bậc đi kèm. Ở giai đoạn muộn, ung thư có thể không được chữa khỏi. Ngoài ra tế bào ung thư có xu hướng di căn và đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Chiều dài của cổ tử cung khoảng 5cm, cơ quan này nằm giữa âm đạo và tử cung. Cổ tử cung được xem là bức tường phòng thủ đầu tiên với nhiệm vụ chống lại các tác nhân lây truyền qua đường tình dục. Đầu mở của cổ tử cung nối liền với âm đạo, được bao phủ và bảo vệ bởi một lớp mô mỏng được tạo thành từng những tế bào.
Ung thư cổ tử cung xảy ra ở biểu mô tuyến cổ tử cung hoặc tế bào gai. Đây là bệnh lý ác tính hình thành và tiến triển khi những tế bào ở cổ tử cung đột ngột gặp vấn đề và phát triển bất thường, từ đó tạo ra một khối u ác tính trong cổ tử cung. Chúng có xu hướng nhân lên không kiểm soát và nhanh chóng xâm lấn khu vực xung quanh. Ở trường hợp nặng tế bào ung thư có thể di căn xa đến những bộ phận quan trọng khác trong cơ thể.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Theo các chuyên gia virus Human Papillomavirus (HPV) chính là nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh ung thư cổ tử cung tiến triển. Kết quả thống kê cũng cho thấy có đến 99% trường hợp bị ung thư cổ tử cung là do nhiễm loại virus này. Trong các nguyên nhân gây bệnh HPV tuýp 16 và 18 chiếm 70% trường hợp.
Khi tiếp xúc da với da virus Human Papillomavirus có thể lây lan từ người này sang người khác. Bên cạnh đó loại virus này còn có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng đường hậu môn, âm đạo, thậm chí quan hệ bằng tay và miệng.
Trên thực tế có hơn 140 tuýp virus Human Papillomavirus (HPV) được tìm thấy trên cơ thể người và có khoảng 40 tuýp HPV là nguyên nhân chính làm phát sinh các bệnh ở cơ quan sinh dục. Trong đó HPV tuýp 16 và tuýp 18 được xác định là hai tuýp HPV nguy hiểm nhất. Sau khi xâm nhập chúng có thể nhanh chóng lây nhiễm sâu vào tử cung của người phụ nữ. Sau khi phát triển chúng tác động và làm thay đổi mô tử cung. Từ đó gây bệnh ung thư cổ tử cung.
Hai tuýp HPV 16 và 18 cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Cụ thể: Ung thư hậu môn, ung thư âm đạo, ung thư dương vật… Có khoảng 90% trường hợp bị sùi mào gà (mụn cóc) ở cơ quan sinh dục do virus HPV 2 tuýp 6 và 11, nhất là nam giới. Những loại virus Human Papillomavirus khác có thể gây ung thư cuống họng và ung thư ở dương vật.
Hầu như tất cả mọi người đều bị nhiễm virus Human Papillomavirus trong độ tuổi sinh hoạt tình dục ít nhất 1 lần trong đời. Trong đó có khoảng 50% bệnh nhân bị nhiễm HPV tuýp 16 và tuýp 18.
Khi bị HPV xâm nhập, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhanh chóng được kích hoạt để ngăn ngừa và chống lại sự lây nhiễm này. Mặc dù vậy không phải tất cả trường hợp cơ thể đều phòng vệ thành công. Nếu HPV tuýp 16 và tuýp 18 xâm nhập, nữ giới sẽ có nguy cơ cao bị ung thư trong tương lai.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung
Những yếu tố được liệt kê dưới đây đã được chứng minh là có khả năng kích hoạt tế bào bình thường chuyển thành tế bào bất thường hay thậm chí là những tế bào ung thư. Cụ thể:
- Quan hệ tình dục với nhiều người: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người phụ nữ có nhiều hơn hai bạn tình trong 1 năm hoặc nhiều hơn 7 bạn tình trong đời sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm HPV. Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn khi nữ giới quan hệ tình dục khi còn ở tuổi vị thành niên. Nguyên nhân là do những tế bào mô cổ tử cung ở độ tuổi này chưa trưởng thành nên cực kỳ nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi có tác động.
- Mang thai nhiều lần hoặc mang thai sớm: Việc nữ giới mang thai và sinh con sớm, khi những cơ quan sinh dục trong cơ thể chưa phát triển toàn diện (trước năm 17 tuổi) sẽ làm phát sinh nhiều tổn thương cho cơ quan sinh sản, trong đó có cổ tử cung. Bên cạnh đó những người mang thai nhiều lần (trên 4 lần) sẽ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn so với những người khác.
- Hút thuốc lá: Thành phần nicotine trong thuốc lá có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Đồng thời gây stress oxy hóa dẫn đến mất cân bằng cách gen sinh ung thư.
- Suy giảm miễn dịch: Hệ thống miễn dịch của cơ thể người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nhận dạng và tiêu diệt tế bào ung thư. Chính vì thế nguy cơ mắc bệnh ung thư sẽ tăng cao khi bị suy giảm miễn dịch.
- Lạm dụng thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên việc dùng thuốc trong thời gian dài hoặc lạm dụng thuốc sẽ khiến người bệnh đối mặt với nhiều tác dụng phụ không mong muốn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của nữ giới. Đặc biệt nguy cơ mắc bệnh phụ khoa tăng cao, trong đó có bệnh ung thư cổ tử cung.
- Có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, lậu, nhiễm chlamydia… sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Điều này xuất hiện là do các bệnh lý khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, làm tổn thương đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HPV xâm nhập và phát triển trong cổ tử cung, sau đó gây bệnh.
- Một số yếu tố khác: Vệ sinh cá nhân kém, lạc nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung mãn tính…
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung
Tương tự như những loại ung thư khác, triệu chứng cũng như những dấu hiệu thay đổi liên quan đến cổ tử cung diễn biến thầm lặng trong giai đoạn đầu. Chính vì thế hầu như các trường hợp đều không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn sớm.
Theo các chuyên gia, khi dấu hiệu xuất hiện một cách rõ ràng có thể những tế bào ung thư đã phát triển và lan rộng. Việc áp dụng các phương pháp điều trị trong giai đoạn này vẫn có hiệu quả nhưng tốn kém và rất phức tạp, cụ thể bệnh nhân có thể phải tiến hành phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
Đối với những trường hợp được chỉ định phẫu thuật trong giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ cổ tử cung, buồng trứng, tử cung, mô và những hạch bạch huyết lân cận. Phương pháp điều trị này có thể khiến nữ giới mất khả năng làm mẹ.
Người bệnh có thể nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung thông qua những dấu hiệu điển hình sau:
- Dịch tiết âm đạo bất thường
Dịch tiết âm đạo bất thường, chuyển sang màu sắc khác khi bị ung thư cổ tử cung. Cụ thể như dịch tiết có màu xám đục, tiết dịch nhiều hơn bình thường kèm theo mùi hôi.
- Chảy máu âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo bất thường được xác định là dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh ung thư cổ tử cung. Tình trạng chảy máu âm đạo có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân quan hệ tình dục, chảy máu sau hành kinh, chảy máu sau mãn kinh, chảy quá nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt, số ngày hành kinh kéo dài.
- Đau vùng chậu
Đau vùng chậu cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết khả thi nhất của bệnh ung thư cổ tử cung. Đối với trường hợp này khả năng cao tế bào ung thư đã di chuyển tới xương chậu. Do đó nữ giới cần thường xuyên quan sát những triệu chứng bất thường và đặc biệt chú ý khi có cảm giác đau nhiều ở vùng xương chậu nhưng không do kỳ kinh, đau khi đi tiểu hoặc đi khi quan hệ tình dục.
- Thay đổi thói quen đi tiểu
Khi bị ung thư cổ tử cung người bệnh sẽ có dấu hiệu thay đổi thói quen đi tiểu. Cụ thể như thường xuyên buồn tiểu, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu gấp…
- Sưng đau ở chân
Khi khối u ác tính gia tăng kích thước, các mạch máu cùng các dây thần kinh ở vùng chậu sẽ bị chèn ép gây ra cảm giác đau và sưng chân. Đặc biệt bệnh nhân sẽ nhận thấy cơn đau kéo dài dai dẳng. Cơn đau có thể biến mất trong một vài ngày nhưng càng nặng hơn khi xuất hiện trở lại.
- Rối loạn kinh nguyệt
Đối với những người phụ nữ bình thường, chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài trong khoảng từ 28 đến 32 ngày, thời gian hành kinh giao động trong khoảng từ 3 đến 5 ngày. Đối với một số nữ giới, thời gian hành kinh có thể xê dịch thêm khoảng 1 đến 2 ngày và nữ giới không cần phải quá lo lắng nếu nó diễn ra đều đặn.
Tuy nhiên nếu các cơ quan sinh dục gặp vấn đề, người bệnh có thể gặp một số vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, cụ thể như thời gian hành kinh lâu hơn, có thể đến sớm hoặc muộn hơn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, loại trừ nguyên nhân thay đổi chế độ sinh hoạt, stress, ăn uống thiếu lành mạnh thì rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung hoặc dấu hiệu của những bệnh phụ khoa nguy hiểm khác. Chính vì thế người bệnh cần tiến hành thăm khám càng sớm càng tốt khi bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
- Khó thở
Khó thở được xác định là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Lúc này tế bào ung thư đã lan rộng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây ra những tổn thương sâu. Từ đó làm phát sinh tình trạng suy hô hấp và tắc nghẽn phế quản khiến người bệnh hụt hơi, khó thở.
Những giai đoạn phát triển của bệnh ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung phát triển với những giai đoạn sau:
- Giai đoạn 0
Giai đoạn 0 chính là giai đoạn khởi phát và sớm nhất của bệnh ung thư cổ tử cung. Trong giai đoạn này thường không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào . Ung thư cổ tử cung giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này những tế bào bất thường chỉ vừa mới xuất hiện và tiến triển trong lớp lót bề mặt của cổ tử cung, chưa lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể và chưa ăn sâu xuống mô chính.
- Giai đoạn I
Trong giai đoạn I, tế bào ung thư đã phát triển và có dấu hiệu xâm lấn mô chính của cổ tử cung. Lúc này bệnh nhân có thể phải tiến hành xạ trị hoặc phẫu thuật cắt một phần hay toàn bộ tử cung. Trong trường hợp cắt bỏ quá nhiều mô, khả năng sinh sản của nữ giới có thể suy giảm nghiêm trọng hoặc mất đi. Nguyên nhân là do mô sẹo có thể làm hẹp cổ tử cung, ngăn chặn quá trình gặp nhau của trứng và tinh trùng.
- Giai đoạn II – III
Trong giai đoạn II – III khối u ung thư có dấu hiệu phát triển mạnh, lan đến âm đạo, vùng chậu và những mô xung quanh cổ tử cung. Đối với trường hợp này bệnh nhân buộc phải tiến hành xạ trị kết hợp với hóa trị, đồng thời không thể bảo tồn được chức năng sinh sản. Ở một số trường hợp bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật nhưng thường phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và tử cung kết hợp thêm hai phương pháp là xạ trị và hóa trị.
- Giai đoạn IV
Giai đoạn IV là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh ung thư cổ tử cung. Lúc này khối u đã phát triển với kích thước rất lớn, lan ra ngoài vùng chậu và di chuyển đến những bộ phận gần đó. Cụ thể như trực tràng, bàng quang hoặc di căn xa đến những cơ quan quan trọng khác như gan, phổi, xương…
Trong giai đoạn IV bệnh nhân không thể điều trị dứt điểm ung thư. Các phương pháp được áp dụng chủ yếu làm giảm triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung sẽ nhanh chóng tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân không điều trị kịp thời và đúng cách. Ngoài ra khối u ác tính xâm lấn đến những cơ quan lân cận sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bao gồm:
- Vô sinh
Tế bào ung thư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cổ tử cung, trong khi đó đây chính là nơi tinh trùng và trứng phát triển. Trong thời gian chữa bệnh ung thư, vì nhiều lý do khiến bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung buộc phải cắt cổ tử cung để làm giảm tối đa nguy cơ tử vong. Chính điều này khiến khả năng sinh sản của bệnh nhân mất đi. Bên cạnh đó bệnh nhân cũng có thể bị mãn kinh sớm nếu buồng trứng bị cắt đi.
- Ảnh hưởng đến tâm lý
Bệnh ung thư cổ tử cung được xác định là nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc dẫn đến trầm cảm. Bên cạnh đó bệnh còn là nguyên nhân khiến hạnh phúc của nhiều gia đình tan vỡ, tác động xấu đến đời sống của gia đình và cá nhân.
- Suy thận
Trong nhiều trường hợp bị ung thư cổ tử cung, khối u ung thư có thể chen vào niệu quản, đồng thời chặn dòng nước tiểu ra khỏi thận. Điều này khiến nước tiểu tích tụ lâu ngày dẫn đến thận sưng, làm tăng nguy cơ gây sẹo và khiến chứng năng của thận bị suy giảm.
- Chảy máu
Trong trường trường hợp tế bào ung thư lan vào âm đạo, bàng quang và ruột, người bệnh có thể bị chảy máu. Tình trạng chảy máu có thể xảy ra ở trực tràng, âm đạo hoặc đoạn đi tiểu lẫn máu.
Ngoài ra theo các chuyên gia, tỉ lệ sống trên 5 năm của những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung đạt 92% nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm. Đối với những trường hợp có tế bào ung thư đã lan vào các cơ quan hoặc những mô xung quanh, tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân là 56%. Trong trường hợp tế bào ung thư đã di căn xa, tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân là 17%.
Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều trải qua đầy đủ 4 giai đoạn. Trong nhiều trường hợp ung thư chỉ dừng lại ở giai đoạn 2 hoặc 3. Chính vì thế nữ giới nên thường xuyên tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung để sớm phát hiện bệnh lý và kịp thời áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp.
Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
Trong trường hợp phát hiện và chữa bệnh kịp thời, bệnh ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi. Vì thế việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 6 tháng/ lần là điều vô cùng quan trọng. Quá trình tầm soát sẽ giúp nữ giới sớm phát hiện những bất thường, ung thư cổ tử cung hay các bệnh ung thư phụ khoa khác để kịp thời điều trị. Việc chữa trị sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi bệnh tiến triển mạnh.
Chỉ có một cách duy nhất để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung là tiêm vắc xin chống virus Human Papillomavirus (HPV). Loại vắc xin này được đánh giá là có khả năng hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây ung thư, mụn cóc sinh dục và tiền ung thư. Bên cạnh đó vắc xin HPV cũng được đánh giá là khá an toàn. Các bác sĩ khuyến cáo, từ 9 đến 26 tuổi là độ tổ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất để tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó nữ giới cũng cần áp dụng những biện pháp tự bảo vệ bản thân khi quan hệ tình dục. Đồng thời giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là vào những thời điểm nhạy cảm như sau kỳ kinh, trong kỳ hành kinh, sau khi quan hệ tình dục, sau khi vận động vận động thể lực.
Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh ung thư giảm đáng kể khi người bệnh áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động và không hút thuốc lá. Nguyên nhân là do nữ giới có thể nâng cao hệ thống miễn dịch bằng cách ăn uống đều độ, duy trì cân nặng, ăn nhiều trái cây, rau quả và thường xuyên hoạt động thể chất. Điều này giúp làm giảm nguy cơ gây bệnh của virus HPV và làm thay đổi đặc tính của những tế bào bất thường trong tử cung.
Đối với những người thường xuyên hít khói thuốc lá hoặc hút thuốc lá, hệ miễn dịch sẽ suy giảm, tăng tốc độ loạn sản cổ tử cung và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao gấp 14 lần so với thông thường. Vì thế nữ giới cần loại bỏ thói quen hút thuốc là và không hít khói thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Biện pháp chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung
Thông thường bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng xét nghiệm Pap để tìm kiếm và phát hiện những tế bào bất thường trong cổ tử cung. Từ đó áp dụng các phương pháp ngăn chặn những tế bào bất thường tiến triển thành ung thư.
Ngoài ra người bệnh có thể được yêu cầu xét nghiệm Pap cùng lúc với xét nghiệm HPV để sàn lọc ung thư cổ tử cung. Đồng thời giúp bác sĩ chuyên khoa theo dõi nếu kết quả xét nghiệm Pap của nữ giới có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó các bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu hơn như sinh thiết để chẩn đoán bệnh lý.
Sau khi bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành đánh giá mức độ lan rộng của bệnh và kích thước của ung thư. Quá trình chẩn đoán này có thể bao gồm những xét nghiệm sau:
- Khám phụ khoa: Bệnh nhân được kiểm tra buồng trứng, tử cung, các cơ qua khác gần cổ tử cung, có thể bao gồm khám trực tràng.
- Nội soi bàng quang: Để nhìn vào bên trong, kiểm tra bàng quang và niệu đạo, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi bàng quang.
- Nội soi đại tràng: Dùng dụng cụ nội soi để kiểm tra toàn bộ đại tràng.
Hầu hết các loại ung thư, bao gồm cả ung thư cổ tử cung đều có giai đoạn từ I đến IV. Ung thư càng lan rộng khi con số càng thấp. Đối với ung thư cổ tử cung, ung thư ở giai đoạn 0 có tên gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (CIS). Đối với giai đoạn này, những tế bào ung thư chỉ hiện diện và phát triển ở lớp trên cùng của cổ tử cung. Tế bào ung thư không đi sâu vào những lớp của mô cổ tử cung và không lan đến những cơ quan khác.
Những giai đoạn còn lại (ung thư giai đoạn II, III và IV) được gọi là ung thư xâm lấn. Đối với những giai đoạn ung thư này, tế bào ung thư đã tiến triển và xâm lấn vào những lớp sâu hơn của cổ tử cung hoặc đã lan rộng đến nhiều cơ quan khác.
Để điều trị ung thư, bệnh nhân có thể được chỉ định phương pháp phẫu thuật (cắt một phần hoặc cắt toàn bộ tử cung), xạ trị, hóa trị liệu (điều trị bằng thuốc diệt ung thư). Dựa vào giai đoạn ung thư, bác sĩ chuyên khoa sẽ đề ra phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân.
Sau khi điều trị ung thư, bệnh nhân có thể được đề nghị thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm này được thực hiện thường xuyên trong vài năm đầu để kiểm soát và đảm bảo rằng tất cả các t bào ung thư trong cơ thể đã được loại bỏ.
Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Sau khi có kết quả chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét tình trạng và đề ra phác đồ điều trị thích hợp nhất. Thông thường bệnh sẽ được điều trị bằng 3 phương pháp gồm phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
1. Phẫu thuật chữa ung thư cổ tử cung
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung. Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và nhu cầu sinh sản của nữ giới, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định phẫu thuật bảo tồn hoặc không bảo tồn khả năng sinh sản. Cụ thể:
Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản
Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản được dùng cho những bệnh nhân bị ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ, ở dạng khu trú, chưa di căn đến hạch bạch huyết và chưa xâm lấn qua lớp tế bào đáy của biểu mô. Trong trường hợp nữ giới có ý định sinh con, bác sĩ sẽ chỉ định một trong những biện pháp phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản như sau:
- Cắt vòng dây điện LEEP: Đối với phương pháp phẫu thuật cắt vòng dây điện LEEP, bác sĩ sẽ sử dụng dao điện LEEP để tác động và cắt bảo quản tử cung có khối u của nữ giới theo hình chóp nón. Sau đó đưa khối u ra khỏi cơ thể, tiến hành sát khuẩn âm đạo, cuối cùng đưa bệnh nhân đến phòng hồi sức. Chi phí phẫu thuật cắt vòng dây điện LEEP tương đối thấp, cầm máu tốt, xuất viện sau mổ từ 1 đến 4 tiếng, sinh hoạt bình thường sau 1 tuần phẫu thuật. Tuy nhiên không thể áp dụng phương pháp này cho những người bị rối loạn đông máu, đang mang thai, bị tiểu đường, huyết áp hoặc tim mạch.
- Phẫu thuật tia laser: Đối với phương pháp phẫu thuật tia laser, bác sĩ chuyên khoa sẽ dùng một chùm tia laser với nhiệt lượng cao để tác động và tiêu diệt những khối u, tế bào bất thường thông qua âm đạo. Đồng thời thu thập và phân tích những mảnh mô bất thường ở cổ tử cung. Điều này giúp đảm bảo quá trình điều trị bệnh diễn ra an toàn và suôn sẻ. Phương pháp phẫu thuật tia laser tương đối nhanh và đơn giản. Tuy nhiên hiệu quả chữa ung thư của phương pháp này không cao, mặc dù trong giai đoạn đầu nhưng khối u khó được loại bỏ hoàn toàn, bệnh có thể tái phát sau một thời gian.
Phẫu thuật không bảo tồn khả năng sinh sản
Đối với những trường hợp phát hiện ung thư giai đoạn muộn, khối u đã phát triển với kích thước lớn, tế bào ung thư xâm lấn vào lớp biểu mô tử cung, di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể hoặc đã lây lan đến hạch bạch huyết, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện những phương pháp triệt để hơn, không thể bảo tồn khả năng sinh sản.
Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và mức độ di căn của tế bào ác tính, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ tử cung hoặc một hay tất cả những cơ quan trong vùng chậu để tính mạng được bảo toàn. Điều này khiến người bệnh không còn khả năng mang thai tự nhiên.
- Phẫu thuật cắt tử cung: Bệnh nhân có thể được mổ hở ổ bụng hoặc mổ nội soi tùy thuộc vào kích thước của khối u. Nếu khối u có kích thước nhỏ, người bệnh sẽ được chỉ định mổ nội soi để làm giảm tối đa mức độ tổn thương cho cơ thể, đồng thời giảm mất máu trong quá trình phẫu thuật. Thông thường bệnh nhân có thể xuất viện sau phẫu thuật nội soi từ 3 đến 5 ngày. Nếu tế bào ung thư xâm lấn đến các hạch bạch huyết và những cơ quan khác hay khối u quá lớn, người bệnh sẽ được yêu cầu mổ hở ổ bụng để quan sát khối u, loại bỏ hết các tế bào bệnh. Đối với phương pháp mổ hở bệnh nhân sẽ có thời gian phục hồi lâu hơn (khoảng 7 đến 10 ngày sau mổ) do mất nhiều máu và gây đau đớn.
- Phẫu thuật cắt tử cung triệt để: Tùy thuộc vào mức độ lan rộng của tế bào ung thư cổ tử cung mà bác sĩ có thể chỉ định cắt cả phần cổ, thân tử cung hoặc thậm chí một số vùng lân cận như một phần âm đạo, vòi trứng, buồng trứng… để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn các cơ quan vùng chậu: Bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, âm đạo, bàng quang, trực tràng khi tế bào ung thư đã lan ra vùng bụng dưới. Phương pháp điều trị này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khiến bệnh nhân phải tạo bàng quang và âm đạo nhân tạo nên ít được sử dụng.
2. Xạ trị ung thư cổ tử cung
Xạ trị ung thư cổ tử cung là phương pháp tác động vào tế bào ung thư bằng chùm tia X bức xạ năng lượng cao với mục đích tiêu diệt và ức chế tế bào ung thư. Có hai phương pháp xạ trị gồm:
- Xạ trị bằng máy chiếu xạ bên trong cơ thể: Xạ trị bằng máy chiếu xạ bên trong cơ thể là phương pháp tiêu diệt trực tiếp tế bào ung thư bằng một loại máy rất nhỏ được đặt gần tử cung. Phương pháp này phù hợp với những trường có khối u chưa di căn sâu hay phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
- Xạ trị bằng máy chiếu xạ bên ngoài cơ thể: Bác sĩ chuyên khoa sẽ đặt máy chiếu xạ bên ngoài cơ thể và chiếu xung quanh vào tử cung. Để ức chế sự di căn của tế bào ung thư, bệnh nhân phải thực hiện phương pháp này 1 lần/ ngày, mỗi tuần 5 lần.
Người bệnh có thể được chỉ định cả hai phương pháp xạ trị trên nếu tế bào ung thư đã xâm lấn sang hạch bạch huyết và các cơ quan khác để kiểm soát khối u. Tuy nhiên bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ gồm tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng dưới, đau khi quan hệ, bàng quang bị kích thích…
3. Hóa trị chữa ung thư cổ tử cung
Việc chỉ định phương pháp hóa trị chữa ung thư cổ tử cung đồng nghĩa ung thư đã đến giai đoạn cuối, bệnh nhân có khả năng tử vong cao. Lúc này xạ trị và phẫu thuật không còn mang lại nhiều hiệu quả do khối u đã di căn xa đến những cơ quan khác trong cơ thể. Phương pháp này chủ yếu được thực hiện nhằm giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống.
Hóa trị chữa ung thư được thực hiện bằng cách dùng một loại hóa chất ở dạng truyền tĩnh mạch hoặc dạng uống đưa vào trong cơ thể . Loại hóa chất này có khả năng tác động vào khắp cơ quan trong cơ thể để loại bỏ tế bào ung thư. Tuy nhiên hóa trị thường gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể do có dược tính mạnh. Cụ thể như nhiệt miệng, rụng tóc, buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy.
Trong quá trình điều trị người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ và giữ tinh thần lạc quan để có kết quả khả quan nhất.
Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm, khó phát hiện ở giai đoạn đầu và có tỉ lệ tử vong hàng đầu ở nữ giới. Do đó người bệnh cần chủ động trong việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, tầm soát ung thư định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khi bệnh xuất hiện. Điều này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe và tính mạng.