Viêm da là gì? Các dạng thường gặp, cách điều trị và phòng ngừa
Hiện tại có hơn 20% dân số Việt Nam mắc các bệnh viêm da. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu các thông tin về bệnh để có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Bệnh viêm da là gì?
Bệnh viêm da là thuật ngữ chung dùng để chỉ các bệnh lý gây viêm, tổn thương bề mặt da. Khi mắc bệnh, da thường khô, viêm, sưng, đỏ và rất dễ bị tổn thương.
Các bệnh viêm da có thể gây ngứa rát bề mặt da và khó chịu nhẹ ở một số người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng, gây đau rát, viêm sưng bề mặt da.
Các loại bệnh viêm da có thể phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh thường không nguy hiểm và có thể điều trị thuốc hoặc các biện pháp chăm sóc tại nhà. Bên cạnh đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu da nhiễm trùng, đau đớn hoặc khu vực viêm da lan rộng, vui lòng đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
Triệu chứng chung của các bệnh viêm da
Các triệu chứng chung của bệnh viêm da có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Triệu chứng thường phụ thuộc vào loại viêm da và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng chung như:
- Nổi mề đay mẩn ngứa, phát ban ngoài da
- Nổi các mụn nước li ti
- Da khô, có thể nứt nẻ
- Ngứa nhẹ hoặc nghiêm trọng
- Thay đổi màu da sang đỏ hoặc hồng nhạt
- Đau bên mặt da, đau nhói như kim châm chích trên da
- Sưng, viêm
Các dạng bệnh viêm da thường gặp
Các nhiều loại bệnh viêm da với nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh có thể tìm hiểu thông tin về một số bệnh viêm da phổ biến như:
1. Viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là loại bệnh viêm da phổ biến nhất, thường có liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường sống, dị ứng thực phẩm, thay đổi nội tiết tố và các yếu tố liên quan khác.
Bệnh thường phổ biến ở trẻ em và có xu hướng được cải thiện dần khi trẻ trưởng thành. Ngoài ra, viêm da dị ứng ở trẻ em cũng làm tăng nguy cơ viêm mũi dị ứng và hen suyễn ở trẻ.
Một số dấu hiệu nhận biết viêm da dị ứng bao gồm:
- Phát ban, đặc biệt là ở các nếp gấp cơ thể như khuỷu tay hoặc mặt trong đầu gối
- Vùng da ở nơi bị ảnh hưởng có thể sáng màu hoặc tối màu và dày hơn da ở những nơi khác.
- Vùng da bị tổn thương có thể bị rò rỉ dịch nếu người bệnh vô tình gãi hoặc làm trầy da. Ngoài ra, gãi có thể làm da bị nhiễm trùng.
- Trẻ em có thể bị viêm da dị ứng ở da đầu và má.
2. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da phản ứng khi tiếp xúc với một số chất, tác nhân được xem là vô hại trong môi trường. Có hai loại viêm da tiếp xúc là:
- Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da tiếp xúc nhiều lần với các chất gây kích ứng như chất tẩy rửa, chất kiềm, kim loại nặng, thuốc lá,…
- Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi cơ thể dị ứng với một số chất cụ thể. Các chất dị ứng phổ biến thường là keo, nhựa cao su, thuốc kháng sinh tại chỗ, thuốc nhuộm quần áo,…
Một số dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc bao gồm:
- Da bị ngứa, đỏ, bỏng, châm chích
- Xuất hiện các vết sưng, bỏng rát
- Xuất hiện mụn nước chứa các chất lỏng. Mụn nước có thể vỡ ra và đóng vảy sau một thời gian.
- Theo thời gian, da có thể dày lên, hình thành vảy và vết sạm da.
3. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một loại viêm viêm da phổ biến và có liên quan đến hoạt động miễn dịch quá mức của cơ thể gây ra. Bệnh thường gây ra ngứa, khô da và có thể kèm theo các mụn nước li ti ở vùng da bị tổn thương.
Một số dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa như sau:
- Ngứa da từ nhẹ đến nghiêm trọng và có xu hướng nghiêm trọng vào ban đêm.
- Xuất hiện nhiều mảng da xám, đặc biệt là ở tay, chân, cổ, ngực, mặt, bên trong khuỷu tay và đầu gối.
- Da có thể trở nên rất khô, rò rỉ và chảy dịch.
4. Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là bệnh gây ra các mảng da đỏ, vảy và gàu, thường hay xuất hiện trên da đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện ở mặt và ngực. Đây là bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và có xu hướng tự cải thiện sau vài tuần hoặc vài tháng.
Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm da tiết bã bao gồm:
- Vùng da bệnh trở nên nhờn, có thể đổi sang màu đỏ.
- Da bệnh và khu vực lân cận có thể bị ngứa.
- Nếu bệnh xảy ra ở da đầu, người bệnh có thể bị rụng tóc.
5. Viêm da thần kinh
Viêm da thần kinh có thể gây ra các mảng dày, có vảy và nổi cao hơn vùng da lân cận. Bệnh thường phổ biến ở những người đã có các bệnh viêm da khác như chàm hoặc viêm da cơ địa.
Một số dấu hiệu nhận biết phổ biến bao gồm:
- Xuất hiện các các mảng da dày, có vảy hình thành trên cánh tay, chân, sau gáy, da đầu, dưới chân, mu bàn tay hoặc bộ phận sinh dục.
- Ngứa hoặc rất ngứa ở khu vực tổn thương, đặc biệt là khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc ngủ.
- Nếu người bệnh gãi, vùng da bệnh có thể chảy máu, dịch và gây nhiễm trùng.
6. Viêm da ứ máu
Viêm da ứ máu xảy ra khi chất dịch rò rỉ ra khỏi các tĩnh mạch và tác động lên da. Bệnh thường xảy ra ở những người có vấn đề về lưu lượng máu ở chân. Nếu các van vận chuyển máu về tim gặp vấn đề, máu có thể dồn xuống bàn chân. Tình trạng này khiến chân sưng to, gây giãn tĩnh mạch, đỏ, ngứa và đau trên bề mặt da.
Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Sưng chân, đặc biệt là bàn chân khi đi bộ.
- Đau chân hoặc cảm thấy nặng ở chân.
- Vùng da bị tổn thương có thể trở nên khô và ngứa.
- Người bệnh cũng có thể bị giãn tĩnh mạch, lở loét ở mu bàn chân và lòng bàn chân.
Biện pháp điều trị các bệnh viêm da phổ biến
Các bệnh viêm da thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện trong một thời gian. Tuy nhiên, bệnh cũng có xu hướng tái phát nếu không có biện pháp điều trị hợp lý. Do đó, nếu gặp các vấn đề về viêm da, người bệnh có thể tham khảo một số cách điều trị như:
1. Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc điều trị viêm da phụ thuộc vào loại viêm da, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các bệnh viêm da bao gồm:
- Thuốc kháng Histamine như Diphenhydramine (Benadryl) có thể kiểm soát cơn ngứa.
- Kem hoặc thuốc mỡ có chứa Corticosteroid có tác dụng giảm ngứa.
- Thuốc chứa Steroid như Prednison (Rayos) thông qua đường uống đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn.
- Các chất ức chế Calcineurin như Tacrolimus (Protopic) và Pimecrolimus (Elidel) có thể làm giảm phản ứng miễn dịch gây đỏ da, ngứa.
- Thuốc kháng sinh có các trường hợp nhiễm trùng da.
Tình trạng bệnh có thể được cải thiện sau khoảng 3 tuần sau khi sử dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc điều trị viêm da cần được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn.
2. Quang trị liệu các bệnh viêm da
Quang trị liệu hoặc liệu pháp ánh sáng là việc sử cho vùng da bệnh tiếp xúc với ánh sáng phân cực như Polychromatic, tia Laser, đèn Điốt phát quang, đèn huỳnh quang, đèn lưỡng cực, ánh sáng toàn quang. Năng lượng ánh sáng này được chiếu vào da theo một thời gian quy định để điều trị và cải thiện tình trạng viêm da.
Quang trị liệu được xem là biện pháp điều trị an toàn, hiệu quả và không để lại các biến chứng sau điều trị. Tuy nhiên, chi phí thực hiện tương đối cao.
3. Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp cải thiện tại nhà, như:
- Chườm một miếng vải ướt lên vùng da bệnh có thể giảm ngứa và giảm khó chịu. Ngoài ra, người bệnh có thể thêm Baking soda vào bồn tắm để cải thiện các triệu chứng.
- Nếu da bị trầy xước hoặc tổn thương, người bệnh có thể băng vùng da bệnh để tránh gây kích ứng và nhiễm trùng.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng và áp lực công việc cao.
- Thực hành các biện pháp điều trị tại nhà như massage, xoa bóp, châm cứu để cải thiện các triệu chứng.
- Thay đổi chế độ ăn uống, tránh các loại thực phẩm dễ gây kích ứng và có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng bệnh. Bổ sung vitamin D có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
Việc điều trị các bệnh viêm da phụ thuộc vào loại viêm da, tình trạng bệnh và khả năng hấp thụ thuốc của người bệnh. Thời gian và hiệu quả điều trị có thể không giống nhau ở các đối tượng bệnh. Do đó, điều quan trọng là người cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Biện pháp ngăn ngừa các bệnh viêm da
Hầu hết các loại viêm da phát triển ở những người có làn da nhạy cảm và chỉ có thể được ngăn ngừa bằng cách tránh các chất gây kích ứng. Do đó, những người có cơ địa nhạy cảm hoặc có nguy cơ viêm da cao, có thể xem xét các biện pháp ngăn ngừa viêm da bao gồm:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà và nơi làm việc để tránh không khí quá khô.
- Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, làm bằng chất liệu tự nhiên để tránh gây ma sát và tổn thương da.
- Tránh sử dụng các loại đồ trang sức liên quan đến Niken hoặc kim loại nặng khác. Chọn trang sức bằng thép hoặc vàng để tránh gây kích ứng da.
- Tắm nước ấm thay vì nước nóng để tránh khô da.
- Sử dụng xà phòng nhẹ nhàng, không chứa chất gây kích ứng. Nếu có thể, hãy chọn xà phòng dành riêng cho người có da nhạy cảm.
- Dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt là sau khi tắm xong để khóa ẩm để tránh khô da.
Viêm da là bệnh phổ biến và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó tìm hiểu các thông tin cơ bản về bệnh là cách tốt nhất để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hợp lý. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan.