Viêm phế quản phổi: Nguy hiểm khôn lường nếu không điều trị kịp thời
Viêm phế quản phổi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất về đường hô hấp. Bệnh thường gặp ở những người có hệ thống miễn dịch kém, không có khả năng kháng lại các virus, vi khuẩn và phần lớn là ở trẻ em. Hãy cùng tìm hiểu xem bệnh viêm phế quản phổi nguy hiểm như thế nào và cách điều trị bệnh dứt điểm trong bài viết dưới đây nhé!
Viêm phế quản phổi là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Phế quản là ống dẫn khí ở đường hô hấp dưới, có vai trò lọc và dẫn khí xuống phổi. Phế quản bao gồm các nhánh nhỏ hơn là tiểu phế quản và phế nang. Khi virus và vi khuẩn tấn công vào phế quản, tiểu phế quản và phế nang sẽ dẫn đến tình trạng sưng và phù nề niêm mạc, các túi khí chứa nhiều mủ và đọng dịch, tạo thành bệnh viêm phế quản phổi.
Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, người bị bệnh sẽ có nguy cơ bị rối loạn trao đổi khí, viêm nhiễm dẫn tới phù nề, thu hẹp ống khí gây khó thở, thậm chí là suy hô hấp. Nguy hiểm hơn, nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như:
- Áp xe phổi: Vi khuẩn lây lan sang phổi hình thành những ổ nhiễm trùng, sưng mủ tại nhu mô phổi.
- Viêm phổi: Phổi bị virus và vi khuẩn tấn công khiến tổ chức xung quanh phổi bao gồm túi phế nang, ống phế nang, tiểu phế quản đều bị nhiễm trùng.
- Tràn dịch màng phổi: Phổi bị ứ đọng nhiều dịch khiến bệnh nhân bị suy kiệt, chuyển biến nặng có thể dẫn đến tử vong
- Nhiễm trùng huyết: hệ miễn dịch bị vi khuẩn virus tấn công, mất chức năng lọc khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Ở giai đoạn nặng, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời thì khả năng tử vong là tương đối cao. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, mỗi năm có khoảng 51.811 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Đây cũng là một căn bệnh có khả năng lây lan từ người sang người thông qua đường hô hấp.
Những đối tượng thường mắc viêm phế quản phổi
Người có sức đề kháng yếu sẽ tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và mắc bệnh viêm phế quản phổi.
Viêm phế quản phổi ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp nhất, trong đó có viêm phế quản phổi. Đặc biệt trẻ em trong nhóm sau có tỷ lệ mắc cao hơn:
- Dưới 1 tuổi, đẻ non hoặc bị suy dinh dưỡng
- Mắc các bệnh viêm đường hô hấp mãn tính
- Mắc bệnh nhiễm khuẩn: cúm, ho gà, sởi…
Trẻ bị viêm phế quản phổi cũng có quá trình diễn tiến nhanh, phức tạp hơn so với người lớn nên cực kỳ nguy hiểm. Bởi trẻ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, khả năng kháng lại các virus và vi khuẩn còn rất yếu. Hệ mạch máu lại phức tạp và đan xen như mạng nhện, khiến vi khuẩn dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác, gây nhiễm trùng tại các cơ quan kế cận. Phế quản ngắn và hẹp nên khi bị phù nề sẽ khiến trẻ bị khó thở, nghiêm trọng hơn là suy hô hấp.
Viêm phế quản phổi ở người lớn
Người lớn thường ít mắc bệnh hơn trẻ em. Những vẫn có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc phải như:
- Trên 65 tuổi
- Thường xuyên hút thuốc lá
- Bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
- Bị tiểu đường, suy tim, suy gan
- Hệ thống miễn dịch kém (mắc bệnh rối loạn tự miễn dịch) hoặc bị phá hủy (do HIV)
- Dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (hóa trị, ghép tạng, sử dụng thuốc kháng sinh steroid thời gian dài)
- Tiếp xúc với môi trường có nhiều người bệnh viêm phế quản phổi
Triệu chứng viêm phế quản phổi
Viêm phế quản phổi được chia thành 2 giai đoạn là khởi phát và toàn phát với những biểu hiện cụ thể như sau:
Viêm phế quản phổi khởi phát:
Ở giai đoạn khởi phát, bệnh có những triệu chứng không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm, cảm lạnh:
- Sốt nhẹ tăng dần
- Hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi
Chuyển sang giai đoạn khởi phát đột ngột, các triệu chứng về đường hô hấp dần xuất hiện:
- Sốt cao
- Khó thở
- Ho liên tục, có thể ho khan hoặc ho có đờm
- Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, nôn mửa
Viêm phế quản phổi toàn phát
Đây là giai đoạn bệnh trở nặng, hệ hô hấp có những dấu hiệu bất thường và triệu chứng nhiễm khuẩn rõ rệt hơn:
- Sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt
- Ho từng tiếng hoặc thành cơn, có thể ho khan hoặc ho có đờm đặc
- Khó thở, thở khò khè, lồng ngực co thắt mạnh
- Cơ thể tím tái, co giật
- Sốt cao hoặc không sốt và hạ thân nhiệt (triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ suy dinh dưỡng). Trường hợp nhiễm độc nặng có thể xuất hiện da tái, môi khô, lưỡi bẩn.
Bệnh có triệu chứng gần giống với viêm phổi nên thường bị nhầm lẫn. Việc chẩn đoán đúng phải dựa trên phương pháp xét nghiệm để xác định chủng loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng điển hình như: Ho có đờm màu xanh hoặc màu vàng, sốt cao, ớn lạnh, đau ngực, đôi môi xanh vì thiếu oxy, buồn nôn, nôn mửa…
Đặc biệt bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ngay từ khi phát hiện những triệu chứng bất thường của bệnh, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân viêm phế quản phổi
Phần lớn các trường hợp bị bệnh là do virus xâm nhập, sau đó phát triển thành bội nhiễm vi khuẩn tại phế nang và các tổ chức xung quanh. Một số trường hợp là do cả virus và vi khuẩn tấn công cùng lúc. Nhiễm trùng phế quản phổi do nấm và ký sinh trùng thì ít gặp hơn. Các tác nhân chính gây bệnh có thể kể đến như:
- Virus: Adenovirus, Rhinovirus, virus cúm, virus hợp bào (RSV), virus sởi
- Vi khuẩn: Khuẩn phế cầu, khuẩn liên cầu, khuẩn E.coli, Streptococcus pneumoniae và Haemophilus cúm loại b (Hib)
Nấm: Aspergillus và Candida albicans - Ký sinh trùng: Pneumocystis carinii
Ngoài ra, các yếu tố như môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá độc hại cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập đến phế quản. Các loại virus, vi khuẩn thông qua đường hô hấp (mũi và cổ họng) tràn xuống phế quản phổi khiến cho chất lỏng, tế bào bạch cầu và các mảnh vụn ứ đọng lại làm rối loạn trao đổi khí trong phế quản.
Các phương pháp điều trị viêm phế quản phổi
Viêm phế quản phổi có thể điều trị bằng cả thuốc tây y hoặc đông y tùy vào tình hình diễn tiến và thể trạng của người bệnh.
Điều trị bằng Tây y
Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Tùy vào chủng vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn dùng các loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn phù hợp nhất. Phác đồ điều trị thường dùng các loại thuốc:
- Do vi khuẩn: Người chưa dùng thuốc kháng sinh sẽ điều trị bằng Ampicillin phối hợp với Amikacin hoặc Bruramycin. Nếu đã dùng kháng sinh rồi thì sử dụng Augmentin hoặc Tarcefoksym kết hợp Amikacin.
- Do virus: Trường hợp nhẹ bác sĩ sẽ chỉ kê thuốc điều trị triệu chứng, trường hợp nặng có thể kê thêm thuốc kháng virus.
- Do nấm: Thuốc chống nấm kết hợp thuốc trị triệu chứng
- Điều trị triệu chứng: Thuốc giãn phế quản, thuốc long đờm và thuốc hạ sốt paracetamol được sử dụng cho bệnh nhân bị ho nhiều và sốt. Bệnh nhân hô hấp khó khăn phải sử dụng đến oxy trị liệu.
Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc kháng sinh phải tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo Bác sĩ Lê Phương – Giám đốc chuyên môn tại Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng Đông y Việt Nam: “Thuốc kháng sinh nếu dùng không đúng liều lượng có thể khiến vi khuẩn tạo thành “hàng rào” bảo vệ chống lại thuốc và gây ra hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc sau này”. Khi cơ thể bị kháng thuốc, việc điều trị các bệnh sau này sẽ trở nên rất khó khăn, tỷ lệ tử vong càng gia tăng do thuốc không còn hiệu quả. Nguy hiểm hơn, đây cũng là sai lầm của rất nhiều người bị bệnh thường mắc phải.
Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh có thể gây ra một số tác dụng phụ trực tiếp như:
- Rối loạn hệ tiêu hóa
- Suy thận
- Liệt cơ cấp
- Mất thính giác
Đặc biệt, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và nguy cơ gây dị tật ở thai nhi. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em dưới 1 tuổi, khả năng bị rối loạn khuẩn đường ruột là rất cao. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài, không kịp bù nước và điện giải có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chăm sóc trẻ viêm phế quản phổi như thế nào tốt nhất?
Khi bé bị viêm phế quản phổi, ngoài việc sử dụng các phương pháp điều trị tích cực, cha mẹ cần lưu ý những điểm quan trọng trong chăm sóc trẻ sau đây:
- Bù nước cho trẻ: cho trẻ uống nhiều nước trong ngày để phòng ngừa hiện tượng sung huyết và khử nước. Với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho bé bú nhiều lần hơn trong ngày vì sữa mẹ có thể nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ: vi khuẩn thường từ mũi họng tràn xuống phế quản nên cha mẹ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ mũi họng cho con 2-3 lần/ngày để diệt trừ vi khuẩn, đồng thời thông mũi thường xuyên giúp con dễ thở hơn khi bị bệnh.
- Tăng cường thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch: cha mẹ nên cho con ăn các thực phẩm giàu vitamin C tăng cường sức đề kháng, các loại rau xanh lá đậm nhiều khoáng chất.
- Hạn chế các thực phẩm gây hại: đồ dầu mỡ, nhiều đường, thực phẩm cay nóng, thực phẩm tái sống…
- Tránh cho con trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: nhiều khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá…
Viêm phế quản phổi ở giai đoạn khởi phát có thể không gây nguy hiểm. Nhưng một khi chuyển biến sang giai đoạn toàn phát thì rất dễ gây biến chứng và tử vong. Do đó bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm, dứt điểm ngay từ đầu. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu hơn về bệnh viêm phế quản phổi và biết cách lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Ngày Cập nhật 07/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!