Viêm tiểu phế quản bội nhiễm – căn bệnh đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ!
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới mà trẻ nhỏ thường mắc phải. Trong trường hợp điều trị không đúng cách và bị tái phát bệnh trở lại có thể dẫn đến khả năng bị kháng thuốc và gây khó khăn cho đợt điều trị tiếp theo.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Bội nhiễm là tình trạng xuất hiện thêm nhiễm trùng mới tại cơ quan đã bị nhiễm trùng trước đó. Tình trạng này thường diễn ra khi người bệnh đã bị virus, vi khuẩn tấn công một lần, sau đó lại có thêm các chủng loại khác xuất hiện khiến cấp độ nhiễm trùng tăng lên.
Cơ chế gây viêm tiểu phế quản bội nhiễm cũng như vậy. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do virus tấn công vào tiểu phế quản đầu tiên, sau đó vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng bội nhiễm.
Mặc dù viêm phế quản bội nhiễm là một bệnh cấp tính nhưng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Tiểu phế quản bị nhiễm trùng nhiều lần sẽ dẫn đến khả năng kháng thuốc cao, gây khó khăn trong điều trị và trẻ nhỏ gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng:
- Áp xe phổi
- Xẹp phổi
- Suy hô hấp
- Tràn khí màng phổi
- Rối loạn nhịp tim
- Hen phế quản
Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh viêm đường hô hấp dưới ở trẻ như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản… Virus này khi xâm nhập vào hệ hô hấp ở người trưởng thành thường bị hệ miễn dịch ức chế nên ít có khả năng gây bệnh. Còn ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, virus này có khả năng bùng phát rất mạnh và giúp cho các loại vi khuẩn khác hoạt động dễ dàng hơn.
Thông thường, sau khi virus hợp bào hô hấp (RSV) tấn công, các loại vi khuẩn như khuẩn phế cầu, liên cầu, Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae… ký sinh trong mũi họng của trẻ sẽ tràn xuống tiểu phế quản gây bội nhiễm.
Một số đối tượng trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao gồm:
- Trẻ sinh non dưới 37 tuần
- Trẻ sơ sinh được 12 tuần tuổi
- Bị tật bẩm sinh/giải phẫu đường hô hấp
- Bệnh phổi mãn tính
- Bệnh lý thần kinh – cơ
- Suy giảm hệ miễn dịch
Triệu chứng bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ nhỏ
Ở giai đoạn ủ bệnh, trẻ thường có những dấu hiệu tương tự như bệnh cảm lạnh: hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, ho. Sau thời gian ủ bệnh từ 4-6 ngày, hội chứng nhiễm khuẩn và viêm đường hô hấp sẽ rõ rệt hơn:
- Sốt cao
- Khó thở, thở khò khè, thở nhanh
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Ho han hoặc ho đờm (xanh hoặc vàng)
- Đau rát họng
- Mệt mỏi, chán ăn, trẻ sơ sinh dễ bỏ bú
Trong trường hợp trẻ bị ho kéo dài, sốt cao liên tục, tim đập nhanh, cơ thể tím tái thì bệnh đang chuyển biến rất nặng. Cha mẹ cần đưa trẻ đến viện ngay lập tức để điều trị kịp thời, tránh biến chứng và tử vong.
Chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm như thế nào? Phương pháp điều trị hiệu quả
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ em sẽ có những triệu chứng tương đồng với viêm phổi, hen, trào ngược thực quản, ho gà…. Vì vậy, bác sĩ phải chẩn đoán phân biệt dựa vào:
- X-quang lồng ngực: Xác định tỷ lệ ứ khí, thâm nhiễm phổi do viêm hoặc xẹp khu trú, đông đặc phân thùy, xẹp thùy trên phải và trái…
- Xét nghiệm siêu vi: Xác định chủng loại virus và vi khuẩn gây bệnh
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem số lượng tế bào bạch cầu có gia tăng hay không
Điều trị viêm tiểu phế quản cấp bội nhiễm theo tây y
Phác đồ tây y chữa viêm tiểu phế quản cấp bội nhiễm sẽ tập trung vào điều trị các triệu chứng và diệt khuẩn. Một số loại thuốc thường dùng gồm:
- Thuốc diệt khuẩn: nhóm penicillin, Cephalosporin, quinolon, macrolid
- Thuốc hạ sốt: Acetaminophen
- Thuốc giảm ho: nhóm histamin
- Thuốc loãng đờm: Carbocistein, Acetylcystein, Bromhexin
- Khí dung: salbutamol, adrenalin
Theo các chuyên gia, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nên cần thận trọng trong sử dụng thuốc. Bé bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm sử dụng các loại thuốc kháng khuẩn là cần thiết nhưng thuốc điều trị triệu chứng có thể bỏ qua. Thay vào đó, cha mẹ nên thực hiện các liệu pháp tự nhiên như vỗ rung để trị ho, làm loãng đờm bằng việc cho bé uống nhiều nước hay bú sữa, hạ sốt bằng khăn…
Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh thường gặp nhất ở trẻ là tình trạng rối loạn khuẩn đường ruột gây tiêu chảy kéo dài, trường hợp không kịp bù nước và điện giải có thể khiến trẻ tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc các chứng như nôn mửa, phát ban, co thắt phế quản, sốc phản vệ toàn thân…
Chữa viêm tiểu phế quản bội nhiễm bằng mẹo dân gian
Mặc dù không có tính đặc hiệu như các phác đồ trị bệnh chuyên sâu nhưng mẹo dân gian làm giảm các triệu chứng khó chịu cho trẻ nhỏ do bệnh gây ra. Cha mẹ nên sử dụng bài thuốc có thành phần là các nguyên liệu tự nhiên, an toàn với trẻ như:
- Gừng và mật ong: xay nhuyễn gừng với mật ong rồi pha với nước lọc cho bé uống mỗi ngày. Lưu ý: không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc.
- Lá trầu không và gừng: Lá trầu không và gừng giã nhuyễn, ngâm trong nước sôi khoảng 30 phút sau đó bỏ bã và chắt lấy nước cốt cho trẻ uống mỗi ngày.
- Quất hấp đường phèn: quất cắt nhỏ, sau khi trộn cùng với đường phèn thì đem hấp cách thủy trong khoảng 15 phút.
Các bài thuốc dân gian chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng còn khả năng diệt khuẩn thì tương đối kém. Bởi các thành phần trong bài thuốc không phải thảo dược đặc trị bệnh. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để phối hợp điều trị bệnh bằng mẹo dân gian với thuốc kháng khuẩn, giúp bé giảm phụ thuộc vào thuốc kháng sinh hơn.
Những lưu ý quan trọng trong chăm sóc bé bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm một khi bị tái phát hoặc biến chứng dễ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ do khả năng kháng thuốc cao. Do đó cha mẹ cần lưu ý trong chăm sóc và phòng ngừa tái phát bệnh ở trẻ:
- Cho trẻ uống nhiều nước trong ngày để bù nước và làm loãng đờm, trẻ sơ sinh nên cho bú sữa mẹ nhiều hơn bình thường.
- Thông thoáng mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, chú ý hút sạch nước mũi trước khi nhỏ mũi để tránh bị viêm mũi ngược.
- Không sử dụng các loại thuốc ức chế ho khiến cho bệnh trở nặng hơn vì các virus và vi khuẩn bị cản lại trong phế quản
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: hoa quả, rau xanh, nước ép trái cây
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm gây viêm và kích thích hệ hô hấp: đồ cay nóng, đồ dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm lạnh…
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất, khói thuốc lá. Khi cho trẻ đến nơi công cộng nên sử dụng khẩu trang.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng ở trẻ nhỏ. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và nhận phác đồ điều trị phù hợp.
Ngày Cập nhật 07/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!