Cách chữa ngứa da vào mùa đông hiệu quả tại nhà
Ngứa da vào mùa đông thường xảy ra do da thiếu ẩm, dẫn đến tình trạng bong tróc, dễ kích ứng và ngứa ngáy. Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể khởi phát do nổi mề đay, dị ứng thời tiết và viêm da cơ địa. Để giảm ngứa da và cải thiện các triệu chứng đi kèm, nên tăng cường dưỡng ẩm cho da, nâng cao sức đề kháng và sử dụng thuốc khi cần thiết.
Vì sao da bị ngứa vào mùa đông?
Da bị ngứa vào mùa đông là tình trạng khá phổ biến, thường xảy ra ở người có làn da khô bẩm sinh hoặc người có cơ địa nhạy cảm. Ngứa da khi trời chuyển lạnh có thể đi kèm với tình trạng da đỏ, viêm sưng, bong tróc, nổi sẩn,… Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị viêm nặng, gây phù nề và đau rát nghiêm trọng.
Tình trạng ngứa da vào mùa đông có thể xảy ra do nguyên nhân sinh lý hoặc các nguyên nhân bệnh lý sau đây:
1. Nguyên nhân sinh lý
Da bị ngứa vào mùa đông thường xảy ra do độ ẩm thấp khiến da mất nước và giảm bài tiết dầu. Thông thường, bề mặt da được bao phủ bởi một lớp dầu mỏng, có chức năng duy trì độ ẩm, cân bằng độ pH và bảo vệ da khỏi các yếu tố kích thích.
Tuy nhiên thời tiết khô hanh quá mức có thể khiến lớp màng này bị phá vỡ, khiến da khô, bong tróc và dễ kích ứng hơn. Hơn nữa khi thời tiết chuyển lạnh, các mao mạch ở trung bì da có thể bị co lại, làm giảm lưu lượng máu lưu thông đến da và kích thích triệu chứng ngứa ngáy.
Thông thường ngứa da sinh lý thường đi kèm với tình trạng khô, bong tróc và hơi đỏ nhẹ. Trường hợp này hiếm khi gây phát ban, sẩn ngứa hay mề đay và thường có dấu hiệu thuyên giảm sau khi thời tiết ấm lên.
2. Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh nguyên nhân sinh lý, ngứa da có thể là biểu hiện của các bệnh lý da liễu như nổi mề đay, viêm da cơ địa hay dị ứng thời tiết. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh và độ ẩm thấp kích thích hệ miễn dịch tạo kháng nguyên (IgE), phóng thích histamine vào da và làm bùng phát triệu chứng của các bệnh da liễu nói trên.
- Nổi mề đay do lạnh: Mề đay do lạnh xảy ra khi da nổi các sẩn phù, ban đỏ có ranh giới rõ ràng, thường gây ngứa và châm chích nhẹ. Bệnh thường khởi phát sau khi tiếp xúc với nước đá lạnh hoặc do nhiệt độ giảm thấp đột ngột.
- Dị ứng thời tiết lạnh: Dị ứng thời tiết lạnh xảy ra khi nhiệt độ và độ ẩm giảm đột ngột. Bệnh thường gây tổn thương da tương tự nổi mề đay đi kèm với một số triệu chứng khác như chảy nước mũi, ngứa mũi, ho, đau họng,…
- Viêm da cơ địa: Viêm da cơ địa là một dạng viêm da mãn tính, có liên quan đến yếu tố di truyền và cơ địa nhạy cảm. Bệnh lý này có thể khởi phát do thời tiết lạnh hoặc do căng thẳng, nhiễm trùng, suy nhược,… Viêm da cơ địa gây tổn thương da kèm theo triệu chứng ngứa, sưng viêm và đau rát.
- Một số bệnh lý khác: Ngoài ra, tình trạng ngứa da vào mùa đông còn có thể xảy ra do bệnh chàm tổ đỉa, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, vảy nến,…
Mẹo chữa ngứa da vào mùa đông ngay tại nhà
Da khô, ngứa và bong tróc vào mùa đông là tình trạng khá phổ biến. Ngoài triệu chứng ngứa, châm chích và đau rát, da khô kéo dài còn có thể làm bùng phát các bệnh lý mãn tính, gây hình thành nếp nhăn và tăng tốc độ lão hóa da.
Vì vậy khi nhận thấy da ngứa nhẹ, bạn nên thực hiện các mẹo cải thiện tại nhà sau đây:
1. Dưỡng ẩm và chăm sóc da
Da khô và thiếu độ ẩm chính là nguyên nhân trực tiếp làm phá vỡ lớp màng bảo vệ da, tăng mức độ nhạy cảm và gây ngứa. Vì vậy bạn nên dưỡng ẩm và chăm sóc da để giảm ngứa ngáy, phục hồi màng lipid và hạn chế tình trạng bong tróc, khô ráp.
- Nên vệ sinh da mặt và da toàn thân bằng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn và tế bào chết mà không làm da bị khô và kích thích.
- Dưỡng ẩm cho da 2 lần/ ngày. Vào mùa đông, bạn nên lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu dày để làm giảm tình trạng thoát hơi nước.
- Hoặc có thể tận dụng tinh dầu tự nhiên như dầu argan, dầu dừa, dầu ô liu,… nhằm dưỡng ẩm cho da và cải thiện tình trạng ngứa.
- Bên cạnh đó bạn cần bổ sung đủ 2 lít nước/ ngày nhằm duy trì độ ẩm và hạn chế tình trạng bong tróc.
- Với những người có làn da quá khô, có thể sử dụng các viên uống cấp nước cho da để cải thiện tình trạng khô và ngứa ngáy.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để tăng độ ẩm trong không khí, giảm khô da và hạn chế bùng phát các bệnh da liễu mãn tính.
2. Giữ ấm cơ thể và nâng cao sức đề kháng
Thời tiết chuyển lạnh không chỉ ảnh hưởng đến làn da mà còn khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh và suy giảm sức đề kháng. Đây là yếu tố thuận lợi khiến các bệnh lý da liễu bùng phát mạnh. Chính vì vậy ngoài việc dưỡng ẩm và chăm sóc da, bạn cần giữ ấm cơ thể và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao thể trạng và cải thiện sức đề kháng.
- Giữ ấm cơ thể khi di chuyển và hoạt động ngoài trời. Biện pháp này không chỉ giảm nguy cơ nhiễm lạnh mà còn bảo vệ da, làm giảm tình trạng thoát hơi nước và giảm mức độ nhạy cảm của da với các yếu tố bên ngoài.
- Nên bổ sung các loại thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe và hệ miễn dịch như cam, quýt, ngũ cốc, cá hồi, trứng, sữa,… Hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể kiểm soát triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa, dị ứng thời tiết lạnh và nổi mề đay.
- Vào mùa đông, bạn nên dành thời gian luyện tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Thói quen lười vận động khi thời tiết chuyển lạnh có thể khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh và bùng phát các bệnh da liễu mãn tính.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và làm việc quá sức.
3. Sử dụng thuốc không kê toa
Trong trường hợp da ngứa nhiều hoặc đi kèm với triệu chứng nổi sẩn, phát ban, phù nề,… bạn có thể dùng các loại thuốc không kê toa sau:
- Thuốc kháng histamine H1: Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn giải phóng histamine vào da, từ đó làm giảm triệu chứng ngứa, nổi sẩn và sưng viêm. Tuy nhiên khi dùng thuốc kháng histamine H1, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như an thần, khô miệng, buồn ngủ,…
- Thuốc chống viêm không steroid: Với những trường hợp da bị viêm nặng và gây phù nề, bạn có thể dùng một số loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac,… Tuy nhiên chỉ nên sử dụng nhóm thuốc này trong khoảng 2 – 3 ngày theo liều lượng được dược sĩ hướng dẫn.
- Thuốc bôi chứa corticoid: Thuốc bôi chứa corticoid có thể giảm nhanh tình trạng sưng viêm và ngứa da. Tuy nhiên thuốc có thể khiến da bị mỏng, teo và dày sừng nang lông,… Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có đã tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.
Phòng ngừa ngứa da vào mùa đông bằng cách nào?
Da bị ngứa và bong tróc vào mùa đông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên triệu chứng này có thể khiến da mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến ngoại hình và tăng nguy cơ bùng phát các bệnh da liễu.
Vì vậy khi thời tiết chuyển lạnh, bạn nên chủ động áp dụng những biện pháp ngăn ngừa như:
- Nên mặc áo khoác, mang giày bít, quấn khăn và đeo bao tay khi di chuyển ngoài trời.
- Dưỡng ẩm cho da thường xuyên, đồng thời cần tránh tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng.
- Thay đổi các sản phẩm chăm sóc da, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên, ít tạo bọt và không chứa hương liệu tổng hợp.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm và dùng lò sưởi nếu thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
- Uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm lành mạnh.
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và cà phê.
Ngứa da vào mùa đông – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngứa da vào mùa đông thường xảy ra do nguyên nhân sinh lý hoặc do dị ứng thời tiết lạnh và nổi mề đay. Tuy nhiên trong trường hợp triệu chứng phát sinh do viêm da cơ địa hoặc bệnh chàm, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp. Bởi các bệnh lý này thường có tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và có nguy cơ bội nhiễm cao.
Tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau:
- Da xuất hiện vết ban kèm mụn nước nhỏ, có chảy dịch tiết và phù nề
- Tổn thương gây ngứa dữ dội kèm nóng rát
- Da sưng nóng, tụ mủ và lở loét
- Tình trạng trên da không có đáp ứng sau 3 ngày điều trị tại nhà
Bài viết đã tổng hợp các nguyên nhân và hướng dẫn một số cách chữa ngứa da vào mùa đông có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên trong trường hợp ngứa da dữ dội, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các biện pháp điều trị chuyên sâu.
Có thể tham khảo thêm: Ngứa da ở cổ: Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục
Ngày Cập nhật 05/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!