Cây Mã Đề - Tác Dụng Chữa Bệnh Và Cách Sử Dụng
Cây mã đề từng bị xem là một loại cỏ dại. Ít ai biết rằng loại cây này có tác dụng thanh nhiệt và lợi tiểu rất tốt. Đồng thời, khi kết hợp cùng một số vị thuốc Đông y, mã đề còn chữa nhiều bệnh về phổi, thận và gan.
+Tên khoa học: Plantago asiatica L.
+Tên gọi khác: Mã tiền á, Xa tiền.
+Họ: Plantaginaceae (mã đề).
Mô tả cây mã đề
Đặc điểm thực vật
Cây mã đề thuộc loài thân thảo, cao khoảng 10cm và sống lâu năm. Lá mã đề mọc từ gốc và không có cuốn. Phiến lá hình như chiếc thìa. Gân lá hình cung, đồng quy ở hai đầu.
Hoa mã đề mọc thành từng chùm dài, xuất phát từ gốc. Mỗi cành dài tương ứng với chiều cao của lá và có màu nâu. Hoa thuộc loại lưỡng tính, thụ phấn nhờ gió. Nó nở vào tháng 7 và tháng 8 hằng năm. Quả mã đề chứa nhiều hạt màu đen rất nhỏ. Hạt được khuếch tán nhờ gió.
Phân loại khoa học
Có nhiều cách phân loại cây mã đề, ở Việt Nam, người ta thường xếp chúng thành 2 nhóm lớn. Cả hai đều có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên loại Plantago asiatica được đánh giá là có nhiều giá trị dược liệu hơn. Cụ thể là:
- Loại lá lớn, được trồng phổ biến. Tên khoa học là Plantago major. Nó có 3 phân loài gồm: major; intermedia và winteri.
- Loại lá nhỏ, thường mọc hoang có tên khoa học là Plantago asiatica;
Môi trường sống của mã đề
Môi trường sống của mã đề khá đa dạng. Người ta tìm thấy nó ở đồng bằng, vùng ven biển hoặc trên núi cao. Cây tái sinh bằng nhánh và hạt. Khả năng sinh trưởng mạnh mẽ khiến mã đề bị xếp vào nhóm cây xâm nhập nguy hiểm ở một số nước.
Đến nay nguồn gốc của loại cây này vẫn chưa được làm rõ. Nó có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới. Từ những vùng có khí hậu ôn đới như châu Âu đến vùng nhiệt đới khô hạn như Châu Phi. Riêng loài Plantago asiatica, các nhà nghiên cứu cho rằng nó có nguồn gốc ở Nam Á (Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc…) với khí hậu cận nhiệt đới.
Thành phần sử dụng
Trừ rễ, tất cả các thành phần của mã đề đều được sử dụng làm thực phẩm hoặc dược liệu. Khi dùng làm món ăn, người ta thường dùng phần lá non (ăn sống hoặc chế biến cùng các thực phẩm khác).
Tên gọi các bộ phận của mã đề khi dùng làm dược liệu như sau:
- Hạt khô: Xa tiền tử (Semen plantaginis);
- Toàn bộ cây (trừ rễ) ở dạng khô: Mã đề thảo (Herba plantaginis);
- Lá mã đề: Còn gọi là Folium plantaginis. Có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô.
Tính vị và thành phần hóa học của mã đề
Cây mã đề có tính hàn và vị ngọt. Tác dụng của nó đi vào kinh, can, thận và bàng quang. Thành phần hóa học của cây này khác nhau tùy từng thành phần. Cụ thể:
- Trong lá: Có nhiều vitamin A. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng lượng vitamin này trong 100g lá mã đề tương đương 1 củ cà rốt. Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra hàm lượng lớn carotene, vitamin C và K.
- Toàn thân: Chứa glucozit. Chất này khi hấp thụ vào cơ thể sẽ thủy phân ra đường (thường là glucozo) và
- Heterozit (cũng là một hợp chất hữu cơ nhưng không có tính đường). Glucozit có khả năng kết dính và tốt cho hoạt động của tim.
- Trong hạt: Gồm axit plantenolic, adenine và choline. Đây đều là những chất cấu tạo nên màng tế bào, tham gia vào quá trình vận chuyển chất béo và hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
Những giá trị dược liệu quý ít ai ngờ tới từ cây mã đề
Tại Việt Nam, mã đề được ứng dụng chữa nhiều bệnh lý. Cụ thể là:
- Đối với hệ bài tiết: Làm thuốc lợi tiểu, chữa phù thũng;
- Hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở ngũ tạng: Phong nhiệt ở phổi, ho lâu ngày; viêm cầu thận, sỏi thận;
- Tác dụng với hệ tiêu hóa: Chữa tiêu chảy và lỵ;
- Ngoài ra, mã đề còn là vị thuốc có tác dụng cầm máu, chữa chảy máu cam và chữa huyết áp cao. Đặc biệt, dùng trà mã đề có thể giảm đáng kể tình trạng thèm thuốc lá. Nhờ đó, khả năng bỏ thuốc lá thành công được nâng lên gấp nhiều lần so với bình thường.
Ứng dụng chữa bệnh của mã đề trên thế giới
Không chỉ riêng nước ta, giá trị dược liệu của mã đề đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và ứng dụng. Tiêu biểu là tại Ấn Độ, hạt của loài cây này được bào chế thành thuốc nhuận tràng (Isabgol). Bên cạnh đó, hạt mã đề còn được bổ sung trong một số loại ngũ cốc để giảm lượng đường. Ngoài ra, tại Bulgaria, lá của loại cây này được bào chế thành thuốc chống nhiễm trùng cho các vết thương hở.
Các bài thuốc với cây mã đề
Dùng mã đề chữa bệnh về thận và đường tiết niệu
Mã đề được dùng toàn bộ thân ở dạng khô. Kết hợp với đó các các thảo dược Đông y. Thuốc được dùng dạng sắc lấy nước uống. Thuốc sắc xong chia thành 2 lần, uống hết trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang, liên tục trong khoảng 5 ngày đến 1 tuần.
- Thành phần các vị thuốc chữa viêm cầu thận mạn tính gồm: 16g mã đề; hoàng bá, phục linh, rễ cỏ tranh và hoàng liên (mỗi loại 12g); mộc thông, bán hạ chế, trư linh, hoạt thạch (mỗi vị 8g).
- Bài thuốc chữa viêm đường tiết niệu cấp tính: 30g rễ cỏ tranh; mã đề, kim tiền thảo và cỏ nhọ nồi (mỗi loại 20g); bồ công anh, hoàng cầm, dành dành và ích mẫu (mỗi loại 15g); 6g cam thảo.
- Sỏi bàng quang và sỏi đường tiết niệu: mã đề kết hợp với rau diếp cá và kim tiền thảo (mỗi loại 30g). Nếu không có rau diếp cá, bạn có thể thay thế bằng rễ cỏ tranh. Khối lượng mỗi vị thuốc là 20g.
- Chữa bí tiểu: Hạt mã đề sắc lấy nước uống. Khối lượng một lần sắc thuốc là 12g. Có thể bổ sung thêm một ít lá mã đề.
- Bài thuốc chữa viêm bể thận cấp tính: mã đề tươi, rễ cỏ tranh và cây bấc đèn. Riêng bài thuốc này dùng các nguyên liệu ở dạng tươi khi sắc lấy nước uống. Mỗi loại 50g.
- Bài thuốc dùng mã đề chữa tiểu ra máu: Có hai cách:
Cách 1: Dùng lá mã đề tươi kết hợp với ích mẫu. Mỗi loại 12g. Mang các vị thuốc giã nát rồi vắt lấy nước cốt uống;
Cách 2: Lấy hạt mã đề khô giã nát, dùng khăn bọc lại rồi sắc lấy nước. Dùng nước sắc từ hạt cây này đem nấu cháo hạt kê. Ngoài công dụng chữa tiểu ra máu, cách dùng này còn giúp cơ thể thanh nhiệt và sáng mắt.
Cách chữa các bệnh về hệ tiêu hóa từ mã đề
- Đối với tình trạng tiêu chảy cấp tính, bạn dùng lá mã đề kết hợp với rau má và cỏ nhọ nồi. Mỗi thứ một nắm tay, dùng ở dạng tươi và mang sắc lấy nước uống.
- Trường hợp tiêu chảy mạn tính, các vị thuốc sẽ có chút thay đổi. Cụ thể gồm rau má, đẳng sâm, cam thảo và cát cân (mỗi loại 12g). Mã đề dùng dạng hạt khô với khối lượng 8g. Kết hợp cùng với các vị thuốc này còn thêm 8g cúc hoa.
- Còn với những trường hợp bị lỵ (cấp và mạn tính), có thể dùng mã đề tươi kết hợp cùng rau sam. Mỗi loại 30g và uống như trà hằng ngày.
Các bài thuốc chữa bệnh về phổi và phế quản với mã đề
- Trị ho và giúp tiêu đờm: 10g mã đề; cam thảo và cát cánh mỗi loại 2g. Nguyên liệu dùng ở dạng khô đem đi sắc lấy nước uống.
- Hỗ trợ điều trị viêm phế quản: Hạt mã đề sắc lấy nước uống. Khối lượng mỗi thang thuốc uống trong 1 ngày từ 6 -12g.
Các bài thuốc với cây mã đề chữa những bệnh thường gặp
Tiêu chảy ở trẻ nhỏ có nguyên nhân do sởi: Hạt mã đề sao nóng rồi sắc lấy nước uống. Có thể cho thêm mộc thông hoặc rau dừa nước nếu trẻ bị bí tiểu.
Chữa phù thũng (tích tụ nước ở các mô): Mã đề tươi 30g; phục linh bì, vỏ bí xanh (mỗi loại 20g) và 15g đại phúc bì. Mang các nguyên liệu sắc lấy nước uống trong ngày.
Trị huyết áp cao: 30g mã đề tươi kết hợp với 20g hạ thảo khô; ích mẫu thảo, hạt mồng đã sao đen (mỗi loại 12g). Sắc lấy nước uống.
Chữa tình trạng rụng tóc: đốt thành than mã đề khô. Trộn than này với giấm rồi đậy kín trong khoảng 1 tuần. Sau đó thoa nó lên vùng da đầu bị rụng tóc.
Trị ngứa và đau bộ phận sinh dục: Dùng một nắm hạt mã đề nấu lấy nước. Dùng nước này ngâm và rửa thường xuyên bộ phận sinh dục.
Món ăn từ cây mã đề vừa tốt cho sức khỏe vừa có tác dụng chữa bệnh
Ngoài cách kết hợp với các bị thuốc Đông y, mã đề còn được dùng trong ẩm thực. Các món ăn có nguyên liệu từ loại cây này vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe và có thể chữa được một số bệnh.
+Lá mã đề tươi dùng như một loại rau ăn sống hoặc nấu canh với tôm, thịt có tác dụng thanh nhiệt và lợi tiểu
+Người bị nóng gan và mật khiến da bị nổi mụn có thể dùng lá mã đề nấu canh hoặc xào với gan lợn. Hoặc dùng lá mã đề tươi giã nhuyễn rồi đắp lên da bị mụn.
Lưu ý khi sử dụng mã đề làm dược liệu
Mã đề được đánh giá là loại thảo dược lành tính. Tuy nhiên, dùng quá nhiều loại cây này (dù là món ăn hay dược liệu) đều tác động không tốt đến sức khỏe. Bởi nó có thể khiến cơ thể mất nước.
Đối với người đi tiểu nhiều, hay tiểu đêm, thận yếu hoặc trẻ nhỏ thường xuyên tiểu dầm cần hạn chế dùng mã đề vào buổi chiều tối. Nguyên nhân là nó kích thích bàng quang và gây tiểu nhiều lần khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Ngoài ra, một số tài liệu cho rằng mã đề không được dùng cho phụ nữ đang mang thai. Đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu. Bởi nó có thể gây sảy thai.
Cuối cùng, mã đề là loại cây có tính hàn, vì thế bạn không nên dùng nó khi đang sử dụng chất kích thích (rượu, cà phê và thuốc lá). Ngoài ra những loại gia vị gây nóng cũng không nên dùng chung với loại cây này.
Ngày Cập nhật 30/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!