Cây Sương Sâm: Vị Thuốc Với Nhiều Tác Dụng Tuyệt Vời
Cây sương sâm thường được sử dụng làm thạch. Tác dụng nổi bật nhất của nó là thanh nhiệt. Bên cạnh đó, loại cây này còn được dùng để chữa sốt do nhiệt, kiết lỵ; vết bỏng; tăng sức đề kháng cho phụ nữ đang mang thai; hỗ trợ điều trị bệnh lý về gan, huyết áp, thận và dạ dày…
Mô tả đặc điểm cây sương sâm
Các loại sương sâm
Sương sâm là tên gọi chỉ hai nhóm thực vật khác loài nhưng cùng họ (Menispermaceae – họ Tiết dê). Cả hai có nhiều đặc điểm và công dụng giống nhau. Để dễ phân biệt, dân gian gọi là sương sâm trơn và sương sâm lông.
+ Sương sâm trơn (Tiliacora triandra) còn có tên gọi khác là: dây xanh leo, dây xanh ba nhị, xanh tam, sâm sâm. Cây thuộc loài T. triandra.
+ Sương sâm lông (Cyclea barbata) còn được gọi là lá mối. Cây thuộc loài C. barbata.
Đặc điểm các thành phần của cây sương sâm
Sương sâm trơn
Sương sâm trơn thuộc loài thực vật thân leo và sống lâu năm. Phần thân có thể có lông mịn hoặc không lông. Lá có màu xanh lục đậm khi già và nhạt khi còn non. Lá hình xoan, dài từ 6 – 11cm và rộng từ 2 – 4cm.
Cây có hoa màu vàng và mọc thành cụm. Hoa mọc ra từ nách lá hoặc ở thân. Mỗi hoa có 6 cánh. Mùa hoa thường diễn ra từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Quả hạch đỏ. Kích thước quả dài từ 7 – 10mm và rộng 6 – 7mm.
Sương sâm lông
Loại này cũng thuộc cây leo. Thân cây có lông dày. Nhánh có khía rãnh. Lá hình trái tim và có lông ở mặt dưới, mặt trên nhẵn. Cuốn lá ngắn hơn phiến. Kích thước của lá dài từ 6 – 10cm, rộng 4 – 9cm.
Hoa mọc thành cụm ở nách lá và có đặc điểm phân nhánh. Các nhánh này có thể dài đến 7cm. Hoa màu vàng và có hình quả trứng. Quả tròn, màu đỏ và có lông. Đường kính khoảng 5mm. Nó có hạch lồi và 8 u sần.
Môi trường sống của sương sâm
Cây sương sâm là loài thực vật bản địa của vùng Đông Nam Á. Nó thường mọc hoang trong rừng hoặc được tìm thấy ở những vùng núi đá vôi với độ cao khoảng 300m. Trong hai loài sương sâm thì loài sương sâm lông được sử dụng phổ biến hơn. Đồng thời, nó cũng được trồng nhiều hơn so với sương sâm trơn.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
Toàn bộ các thành phần của cây sương sâm đều có giá trị dược liệu. Tuy nhiên, người ta thường chỉ dùng lá của loại cây này. Nó được thu hái quanh năm. Kể từ thời điểm trồng, sau 3 – 4 tháng là có thể thu hoạch. Người ta chọn hái những lá già (có màu xanh đậm) vì có giá trị dược liệu nhiều hơn lá non.
Trong ẩm thực, sương sâm được một số nước (đơn cử là Lào) dùng như một loại rau cho món lẩu chua. Ở Việt Nam, loại cây này chủ yếu dùng làm thạch để ăn. Xét về độ ngon khi làm thạch thì sương sâm lông được đánh giá cao hơn. Bởi nó cho thạch mịn, cứng và dai hơn so với sương sâm trơn.
Tính vị và thành phần hóa học của sương sâm
Sương sâm trơn
+Tính vị: Tính mát, vị ngọt và hơi độc.
+Thành phần hóa học: Đang được nghiên cứu. Một số kết quả ban đầu cho biết trong loại cây này có chứa alcaloid. Đây là hợp chất tự nhiên chứa Nitơ. Nó được ứng dụng chữa một số bệnh như sốt rét và chống loạn nhịp tim. Tuy nhiên, đây là chất có dược tính mạnh và có thể gây độc cơ thể khi dùng với liều lượng nhiều.
Sương sâm lông
+Tính vị: Tính mát, vị đắng và hơi độc.
+Thành phần hóa học: Nhiều chất pectin (một loại chất xơ). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số hoạt chất khác trong loại cây này như: hayatin và cissamparein (thuộc alcaloid); menismin và pereirin. Vị đắng của cây là do cissampelin (một loại hoặc alcaloid) hoặc pelosin với tỷ lệ 0,5%.
Công dụng của cây sương sâm với sức khỏe
Sương sâm trơn
- Thanh nhiệt cơ thể;
- Hỗ trợ hoạt động của gan;
- Điều trị táo bón;
- Hỗ trợ giảm cân;
- Chữa vết bỏng;
- Cầm máu khi bị đứt tay, chân;
Những công dụng này đến từ khả năng chống oxy hóa, kháng viêm và sát khuẩn từ các thành phần trong lá cây. Đa số những tác dụng của sương sâm trơn được truyền miệng trong dân gian.
Sương sâm lông
- Chữa nóng do nhiệt;
- Chữa lỵ;
- Tiêu độc;
- Cải thiện các vấn đề tiêu hóa: khó tiêu, bụng bị trướng và đau;
- Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý liên quan đến gan, huyết áp và dạ dày;
- Hỗ trợ giảm cân;
- Thanh nhiệt và tăng cường sức đề kháng cho phụ nữ đang mang thai.
Bài thuốc chữa bệnh với cây sương sâm
Những bài thuốc Đông y chữa bệnh chủ yếu dùng sương sâm lông. Nó có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng một số vị thuốc Đông y khác.
Cách dùng sương sâm chữa một số vấn đề về tiêu hóa, sốt và cơ xương
Dùng 50g lá cây sương sâm lông ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì vò nát với một ít nước lạnh. Vắt lấy nước cốt rồi chờ khoảng 1 giờ đồng hồ để nước đông lại thành thạch. Khi ăn bạn có thể cho vào đó một ít nước đá và đường.
Cách dùng này có thể chữa cảm mạo (do nắng nóng) và tiểu tiện khó khăn. Bên cạnh đó, nó còn cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp và chữa huyết áp cao.
Bài thuốc chữa đau bụng và khó tiêu
Nguyên liệu gồm: rễ sương sâm, hạt tiêu và gừng. Tỷ lệ các thành phần là 4:5:6. Trộn đều các nguyên liệu với mật ong đến khi thành bột nhão. Nặn thành viên. Mỗi ngày uống khoảng 0,2g. Dùng liên tục nhiều ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Bài thuốc dùng sương sâm chữa tiểu đường, khô miệng và táo bón
Bạn cần chuẩn bị 60g lá sương sâm, 30g rau đắng và 45g lá cây rung rúc. Tất cả nguyên liệu dùng ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì cho vào nồi nấu. Đổ nước ngập lá. Đun với lửa lớn. Khi nước sôi thì đun thêm khoảng 5 – 10 phút rồi tắt bếp. Lượng thuốc sắc được chia thành nhiều lần và dùng hết trong ngày. Chú ý, nên uống khi nước còn ấm.
Lưu ý khi sử dụng cây sương sâm
Cây sương sâm (cả loại trơn và có lông) đều có độc tính. Dù lượng độc tính ít nhưng bạn cũng cần thận trọng khi dùng với liều lượng nhiều. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc khi chữa bệnh bằng loại dược liệu này.
Bên cạnh đó, sương sâm có tính hàn, nếu bạn ăn hoặc uống quá nhiều nước từ lá cây có thể dẫn đến tiêu chảy. Nếu dùng dạng thạch, các chuyên gia khuyên mỗi ngày bạn không nên ăn quá 2 ly.
Ngoài ra, nếu muốn dùng dạng thạch, bạn nên tự mua nguyên liệu về tự chế biến. Nguyên nhân là bạn không thể biết chắc được người bán dùng loại nào để làm thạch. Đồng thời, yếu tố vệ sinh cũng là một vấn đề bạn cần cân nhắc kỹ.
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!