Dâm Dương Hoắc - 9 Tác Dụng Thần Kỳ Cho Sức Khỏe Nam Giới
Dâm dương hoắc có vị cay tính bình, có tác dụng bổ thận tráng dương, chữa các bệnh lý về thận và liệt dương. Ngoài ra, dược liệu cũng được sử dụng phổ biến để cải thiện ham muốn và chức năng tình dục.
- Tên gọi khác: Hoàng liên tổ, Tam chi cửu diệp thảo, Thiên lưỡng kim, Khí trượng thảo, phỏng trượng thảo, Tiên linh tỳ, Cương tiền
- Tên khoa học: Epimedium macranthum Morr. & Decne
- Họ: Hoàng mộc (Hoàng liên gai) – Berberidaceae
Mô tả cây Dâm dương hoắc
1. Đặc điểm sinh thái
Dâm dương hoắc là vị thuốc thuộc họ Hoàng mộc, thuộc dạng cây thân thảo, cao dưới 1 mét, hoa màu trắng, có cuống dài. Dâm dương hoắc có nhiều loại khác nhau và đều được ứng dụng để làm thuốc, bao gồm:
- Dâm dương hoắc lá bản to, có tên khoa học là Epimedium macranthum Morr et Decne. Đây là cây có thân nhỏ, cao khoảng 40 cm, lá thường phổ biến trên ngọn cây. Mỗi cây thường có 3 cành và mỗi cành có lá. Lá thường có hình tim hoặc hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa nhỏ nhọn như gai, dài 12 cm và rộng 10 cm. Mặt dưới lá có màu xanh xám, mặt trên có màu vàng nhẵn. Lá có vị đắng và mùi tanh.
- Dâm dương hoắc lá hình tim, có tên khoa học là Epimedium brevicornu Maxim. Cây có hình dáng tương tự như Dâm dương hoắc lá to. Tuy nhiên, lá cây có hình tim, dài khoảng 5 cm và rộng 6 cm.
- Dâm dương hoắc lá mác, với tên khoa học là Epimedium sagittum. Cây có đặc điểm sinh thái tương tự như Dâm dương hoắc lá to. Tuy nhiên, lá cây hình trứng, dài, có dạng giống mũi tên, chiều dài khoảng 15 cm và rộng khoảng 5 cm, đầu lá nhọn, gốc lá hình tên.
2. Phân bố
Dâm dương hoắc được tìm thấy phổ biến ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, dược liệu được tìm thấy ở các vùng núi cao như Hoàng Liên Sơn, Sapa và Hòa Bình.
3. Bộ phận sử dụng dược liệu
Lá, rễ Dâm dương hoắc được ứng dụng để làm dược liệu.
3. Thu hái – Sơ chế
Thu hái dược liệu vào mùa hè (khoảng tháng 5) hoặc mùa thu đều được. Khi thu hoạch lá cần chọn những là màu lục tro hoặc lục vàng, cứng giòn. Những lá ẩm, đen, mốc, nát vụn được xem là có chất lượng dược liệu kém.
Sau khi thu hái mang về rửa sạch, phơi khô, bảo quản.
Cách bào chế dược liệu Dâm dương hoắc:
- Sử dụng kéo để cắt hết phần gai ở biên lá, sao đó cắt lá thành nhiều mảnh nhỏ như sợi tơ, rây sạch các mảnh vụn là được.
- Rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ, sao qua. Có thể tẩm qau rượu rồi sao để tăng chất lượng dược liệu.
- Chích Dâm dương hoắc, dùng rễ và lá cắt hết gai xung quanh. Dùng mỡ dê đun đến khi chảy ra, lọc bỏ phần cặn, cho Dâm dương hoắc vào, sao đến khi mỡ thấm hết vào lá thì lấy ra ngay, để nguội là được. Tỷ lệ khi chích Dâm dương hoắc là 50 kg dược liệu sử dụng 12.5 kg mỡ dê.
4. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao.
5. Thành phần hóa học
Thành phần phổ biến được tìm thấy trong dược liệu bao gồm:
- Icaritin-3-O-α-rhamnoside
- Anhydroicaritin-3-O-α-rhamnoside
- Epimedin A, B, C
- Saponin
- Quercetin
- Quercetin-3-O-D-glucoside
- Sagittatoside
- Vitamin A
- Palmitic acid
- Linoleic acid
- Tanin
- Olivil
Vị thuốc Dâm dương hoắc
1. Tính vị
Theo Trấn Nam Bản Thảo: Tính hơi ấm, vị cay nồng.
Theo Bản Kinh: Tính hàn, vị cay.
Theo Trung Dược học: Tính ấm, vị ngọt, cay.
Theo Dược Tính Luận: Tính bình, vị ngọt.
2. Quy kinh
Theo Trấn Nam Bản Thảo, Trung Dược Đại Từ Điển, Trung Dược Học: Quy vào kinh Thận và Can.
Theo Bản Thảo Kinh Sơ: Quy vào Túc thiếu âm (Thận), thủ Quyết âm (Tâm bào), túc Quyết âm (Can).
Theo Bản Thảo Cương Mục: Quy vào kinh túc Dương Minh (Vị), Mệnh môn, Dương minh (Đại trường), Tam tiêu.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng kích thích sản sinh nội tiết tố nam, kích thích sản xuất tinh trùng, cải thiện tình trạng xuất tinh sớm.
- Tác dụng hạ Lipid trong máu và đường huyết.
- Tác dụng hạ huyết áp, tăng cường lưu lượng máu đến động mạch vành, hỗ trợ làm giãn mạch ngoại vi, tăng lượng máu đến tứ chi, cải thiện vi tuần hoàn, làm giãn các mạch máu ở não và tăng cường máu lên não, cải thiện đau đầu, đau nửa đầu.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch và các tác dụng song phương điều tiết.
- Hỗ trợ cải thiện ho, hen suyễn, tiêu đờm và an thần.
- Tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, ức chế tụ cầu trắng, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao, kháng Histamine.
- Tác dụng tiêu diệt virus bại liệt, tăng trưởng phôi xương đùi (thí nghiệm trên gà).
- Tác dụng lợi tiểu nếu sử dụng với liều lượng thích hợp.
Theo y học cổ truyền:
- Ôn thận, tráng dương, cường gân cốt.
- Tăng khả năng hoạt động của tinh hoàn, tăng sản xuất tinh dịch, tăng cường ham muốn tình dục ở nam giới.
- Ích khí lực, lợi tiểu tiện.
- Bồi bổ lưng gối, cường tâm lực, làm mạnh tim.
- Khứ phong trừ thấp, cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp.
- Cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh, chống viêm, kháng khuẩn.
Chủ trị:
- Âm nuy tuyệt thương, bất lực, rối loạn cương dương ở nam giới.
- Lở loét hạ bộ, xích ung, loa dịch, vết thương chảy máu, mủ.
- Điều trị lao khí, lãnh phong, nam giới tuyệt dương bất khởi (bất lực), nữ tử tuyệt âm vô tử (vô sinh hiếm muộn).
- Trị tay chân tê liệt, gân co rút, nhức mỏi cơ thể, đau lưng mỏi gối.
- Chữa người già thường hay choáng váng, đãng trí.
- Cải thiện tình trạng thiên phong (liệt nửa người), tay chân không có cảm giác, tê liệt.
- Điều trị tiểu buốt, thận hư, liệt dương, gân cơ co rút, lưng gối không có sức lực, phong thấp đau nhức.
4. Đối tượng sử dụng Dâm dương hoắc
Nam giới thận yếu, bất lực, liệt dương, yếu sinh lý, vô sinh, loãng tinh, di tinh, không có tinh trùng, tinh trùng lạnh, hiếm muộn.
Người cao huyết áp.
Người hay mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh, thường hay mệt mỏi.
Nữ giới lãnh cảm, tình dục lạnh nhạt, suy giảm ham muốn, âm đạo khô, thiếu chất bôi trơn.
Người cao tuổi tay chân yếu lạnh, đau lưng, mỏi gối, phong thấp, thoái hóa khớp.
5. Cách dùng – Liều lượng
Dâm dương hoắc có thể sử dụng để ngâm rượu, làm thành viên hoàn hoặc nấu thành cao đều được. Ngoài ra, có thể sắc lấy nước dùng để ngâm rửa ngoài da.
Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 4 – 12 g mỗi ngày. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Công dụng chữa bệnh từ Dâm dương hoắc
1. Bài thuốc bổ thận tráng dương
Cần chuẩn bị:
- Dâm dương hoắc, Hoàng tinh, Hoài sơn, Thục địa, Tử hà xa, Tiền mao, Tang thầm, Thỏ ty tử, mỗi vị đều 15 g
- Sơn thù du 12 g
- Thận dê, 2 quả
Mang tất các các vị thuốc trên thái nhỏ, hầm ngừ, chia thành 2 – 3 lần, dùng ăn trong ngày.
2. Điều trị xuất tinh sớm, đau lưng, mỏi gối, thận yếu tiểu đêm nhiều
Bài thuốc gồm các dược liệu:
- Dâm dương hoắc, Sơn thù nhục, Hoài sơn, Ích trí nhân, Phá cố chỉ, Thỏ ty tử, Ngưu tất, Phục linh, Thục địa, Hồ lô ba, Ba kích thiên, Lộc nhung, mỗi vị đều 500 g.
- Trầm hương 60 g
- Nhục thung dung 250 g
Mang tất cả các vị thuốc phơi khô, nghiền nhỏ, rây mịn. Sau đó gia thêm mật ong làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt đậu đen. Mỗi lần dùng uống 10 gram.
3. Điều trị thận yếu, tỳ thống, phong thấp
- Bài thuốc thứ nhất:
Sử dụng Dâm dương hoắc 100 g, rửa sạch, thái nhỏ ngâm trong 500 ml rượu trong 15 – 20 ngày. Mỗi ngày dùng uống 2 lần, mỗi lần 10 ml.
- Bài thuốc thứ hai:
Sử dụng Dâm dương hoắc 120 g, Ngũ gia bì, Nhãn nhục 100 quả, ngâm cùng 2 lít rượu trắng trong 20 – 30 ngày. Mỗi ngày dùng uống 2 lần, mỗi lần khoảng 15 – 20 ml.
4. Bài thuốc chữa di tinh, liệt dương
Cần chuẩn bị:
- Dâm dương hoắc, Cẩu khỉ, Thỏ ty tử, Nhục thung dung, mỗi vị đều 12 g
- Cam thảo 3 g
- Đại táo 3 quả
- Đương quy, Đỗ trọng, mỗi vị đều 8 g
- Ba kích, Sa sâm, mỗi vị đều 16 g
Chia các vị thuốc trên thành nhiều phần bằng nhau. Mỗi ngày sắc uống một thang, liên tục trong một tháng.
5. Chữa rối loạn cương dương, liệt dương, bất lực
- Bài thuốc thứ nhất:
Dùng Dâm dương hoắc 9 g, Hoàng hoa viễn chí (tươi) 30 g, Kim anh tử (tươi) 60 g, Thổ đình quế 24 g, sắc thành thuốc, dùng uống.
- Bài thuốc thứ hai:
Dùng Dâm dương hoắc, Cửu thái tử, Lộc giác sương, mỗi vị đều 20 g, Thục địa 40 g, sắc thành thuốc dùng uống mỗi ngày một thang.
- Bài thuốc thứ ba:
Sử dụng Dâm dương hoắc 40 g, Tiên mao 20 g, sắc thành thuốc, dùng uống.
- Bài thuốc thứ tư:
Dùng Dâm dương hoắc 10 g, Cam thảo 4 g, Gừng sống 3 lát, sắc với 200 ml nước, đến khi cạn còn 50 ml thì dùng uống, mỗi ngày 1 lần.
6. Chữa mắt mờ, sinh màng
Sử dụng Dâm dương hoắc, Sinh vương qua (chọn loại Qua lâu nhỏ có màu hồng), 2 vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 4 g với nước tràn, mỗi ngày 3 lần.
7. Chữa mắt kém, chỉ nhìn được tầm gần sau khi bệnh
Dùng Dâm dương hoắc 40 g, Đạm đậu xị 100 hạt, sắc cùng 1.5 chén nước, đến khi còn một chén thì dùng uống.
8. Chữa ho, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn
Dùng Dâm dương hoắc và Ngũ vị tử, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, hòa với mật làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng uống 30 viên, với nước gừng ấm.
9. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, phong tê thấp, tay chân co quắp, gân cốt cứng tê dại
Dùng Dâm dương hoắc 20 g, Uy linh tiên 12 g, Quế chi, Xuyên khung, Thương nhĩ tử, mỗi vị 8 g, sắc thành thuốc, dùng uống.
Một số lưu ý khi dùng Dâm dương hoắc
Một số đối tượng không nên sử dụng Dâm dương hoắc bao gồm:
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Bệnh nhân bị hạ huyết áp
- Người có nhu cầu tình dục mạnh
- Người huyết âm hư hỏa vượng, môi khô, họng khát, lưỡi khô đỏ, thường hay táo bón, sốt về chiều, gầy nhỏ, kém dinh dưỡng
Một số tác dụng phụ phổ biến của dược liệu:
- Gây khó thở nghiêm trọng khi dùng quá liều
- Co thắt đường hô hấp và hệ thống tiêu hóa
- Gây chảy máu mũi
- Miệng khô, lưỡi đắng, khát nước, rát cổ họng
- Choáng váng, đau đầu, chóng mặt
- Buồn nôn và nôn
Dâm dương hoắc là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc cải thiện sức khỏe và khả năng tình dục ở nam giới. Tuy nhiên, khi sử dụng vị thuốc người dùng nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan, vui lòng liên hệ với người có chuyên môn.
Ngày Cập nhật 30/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!