Đau nhức xương khớp khi mang thai và cách giảm đau
Đau nhức xương khớp khi mang thai là tình trạng thường xuyên xuất hiện. Theo các chuyên gia, tình trạng này xuất hiện phổi biến ở tuần thứ 18 của thai nhi. Đau lưng, đau xương chậu, đau vai gáy, đau xương cụt, đau cổ là những cơn đau nhức mà mẹ bầu hay gặp. Cơn đau xảy ra khiến mẹ bầu thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, ảnh hưởng đến tâm lý và thai nhi.
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp khi mang thai
Trong thời kỳ mang thai, bất kỳ dấu hiệu về sức khỏe nào cũng cần đặc biệt lưu lý và quan tâm. Bao gồm cả bệnh xương khớp cũng như chứng đau nhức xương khớp.
Khi mang thai, cơ thể của người mẹ phải chuyển một lượng lớn canxi sang thai nhi để bào thai có thể khỏe mạnh và phát triển hệ thống xương khớp. Điều này khiến cho lượng canxi tồn tại trong cơ thể của người mẹ suy giảm một cách trầm trọng. Nhất là khi mẹ bầu không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể từ những bữa ăn. Ngoài ra, khả năng hấp thụ canxi cũng suy giảm ở những người mắc bệnh về đường tiêu hóa mãn tính.
Tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai thường liên quan đến khung xương chậu. Bởi đây là một bộ phận đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng đỡ thai nhi từ khi mang thai cho đến khi sinh nở. Cụ thể như:
- Ở tuần thứ 18 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu có hiện tượng “đạp” bên trong bụng mẹ khiến mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đau đớn, khó chịu. Tần suất đạp của bé sẽ tăng cao khi càng về cuối những tuần của thai kỳ. Đây là nguyên nhân khiến mẹ bầu khá mệt mỏi, đau và suy nhược.
- Từ tháng thứ 5 trở lên, tử cung của phụ nữ mang thai sẽ phát triển lớn. Từ đó gây chèn ép lên khung xương chậu gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
- Khi mang thai, tư thế nằm của bé sẽ khiến cho người mẹ luôn có cảm giác đau nhức tại vùng xương chậu. Từ tuần thứ 32 trở lên, thai nhi di chuyển, đầu bé hướng về khe chậu tạo nên cảm giác khó chịu cho người mẹ. Đồng thời gây nên những cơn đau đớn.
Ngoài ra, tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai còn hình thành do một số nguyên nhân sau:
- Tăng cân: Trong thời gian mang thai, tăng cân là nguyên nhân phổ biến khiến những cơn đau nhức xương khớp hình thành. Thông thường, tăng cân trong thai kỳ sẽ khiến mẹ bầu bị đau hông, đau mắt cá chân và đau đầu gối. Đặc biệt là ở những người mang thai lần đầu tiên.
- Nằm ngủ sai tư thế: Tư thế ngủ cũng là một yếu tố khiến trạng thái vật lý thay đổi khi mang thai và dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp. Sau khi ngủ dậy, việc nằm ngủ sai tư thế sẽ tạo nên cảm giác tê bì ở tay và chân. Đồng thời kèm theo những cơn đau nhức tại vùng hông.
- Suy tuyến giáp: Tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai có thể xuất hiện khi bạn bị suy tuyến giáp. Tình trạng này tương đối nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Đồng thời không phát sinh biến chứng cho cơ thể của mẹ bầu và thai nhi.
- Thay đổi nội tiết tố: Nội tiết tố sẽ thay đổi khi bạn mang thai. Từ đó làm nới lỏng các khớp xương và hệ thống dây chằng tồn tại ngay tại cột sống và vùng xương chậu. Điều này khiến cho người mẹ thường xuyên đối mặt với tình trạng đau đớn khi ngồi, đau đớn khi đứng hoặc khi di chuyển.
- Yếu tố nghề nghiệp: Ngày nay nhiều phụ nữ mang thai vẫn đi làm bình thường cho đến khi sinh nở. Điều này giúp mẹ bầu không bị nhàm chán, cảm thấy thư giãn hơn so với việc ở nhà. Tuy nhiên sẽ có một số công việc khiến phụ nữ mang thai thường xuyên cảm thấy đau đớn. Cụ thể như những công việc cần ngồi lâu, ít vận động (nhân viên văn phòng), đứng bán hàng quá nhiều… Điều này xuất hiện là do khi đứng nhiều, ngồi nhiều và ít vận động, đôi chân và cột sống của bạn sẽ chịu nhiều áp lực từ trọng lượng của cơ thể. Từ đó làm tăng mức độ đau và tần suất xuất hiện những cơn đau.
Những chứng đau nhức xương khớp thường gặp khi mang thai
Những chứng đau nhức xương khớp thường gặp khi mang thai gồm:
Đau nhức vùng thắt lưng
Bất kỳ những biến đổi nào trong thời kỳ đang mang thai cũng có khả năng tác động làm ảnh hưởng đến xương cột sống thắt lưng và lượng dây chằng tồn tại ngay ở vị trí này. Xương cột sống thắt lưng được xác định là đoạn từ xương đốt sống cụt cho đến xương cùng cụt. Khi đó dây chằng có thể bị chèn ép, xương cột sống phải chịu nhiều áp lực khiến cho tình trạng đau nhức xương khớp diễn ra.
Đau vùng thắt lưng khi mang thai còn xuất hiện do trọng lượng cơ thể tăng cao dẫn đến chèn ép và làm gia tăng áp lực cho cột sống. Bên cạnh đó, trong thời kỳ mang thai, các hormone sẽ làm giãn và làm mềm vùng chậu hông, khớp cùng, khớp mu khiến cho khung xương chậu biến đổi. Đồng thời làm tăng độ rộng giúp việc mang thai trở nên dễ dàng hơn nhưng đôi khi tạo ra những cơn đau bất thường.
Đa phần thai phụ sẽ cảm thấy cơn đau thắt lưng, đau vùng chậu thường xuyên xuất hiện và dữ dội hơn vào ba tháng cuối thai kỳ. Trong trường hợp sinh thai to, cơn chuyển dạ kéo dài có thể xuất hiện cơn đau nặng nề tại vùng xương chậu và vùng xương cùng.
Hạ canxi máu gây nên cơn Tétani
Cơn Tétani là tên gọi biểu hiện cho tình trạng cơ bắp và hệ thống dây thần kinh bị tác động và bị kích thích quá mức khiến cơn đau xuất hiện nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên hơn.
Việc thường xuyên bị nghén, nôn nhiều khi mang thai sẽ làm cơ thể mất nước, mất điện giải. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cơn Tétani hình thành và phát triển. Khi mắc phải chứng Tétani, phụ nữ mang thai sẽ nhận thấy cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu. Bao gồm: Tay chân nặng nề, dị cảm, các cơ đột ngột bị co cứng…
Ngoài ra, tình trạng co cơ ở mặt hay co cơ ở chân sẽ dẫn đến hiện tượng khó thở do co thắt cơ trơn ở ruột hoặc co thắt khí quản. Hơn thế, ở trường hợp này, thai phụ sẽ thường xuyên hoảng hốt, lo lắng. Bên cạnh đó nồng độ canxi trong máu cũng giảm nhanh.
Viêm bao gân
Khi mang thai, phụ nữ sẽ thường xuyên đối mặt với tình trạng đau ở khớp ngón tay, đau ở khớp cổ tay. Điều này xuất hiện là do viêm mỏm châm quay, viêm mỏm chân trụ…
Chính vì điều trên, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ cần tránh vặn, xoắn quá mức hoặc vận động mạnh ở cổ tay. Đối với những trường hợp có cơn đau nghiêm trọng, bạn có thể giảm đau bằng cách ngâm tay trong nước ấm hoặc sử dụng vật lý trị liệu mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn nên thăm khám bác sĩ để có những phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Đau khớp do viêm cân gan bàn chân
Cơ gan chân được xác định là một mô bền nằm ở dưới xương chân. Cơ này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối những ngón chân và xương gót chân với mục đích giúp bàn chân duy trì độ cong. Bên cạnh đó, cơ gan chân còn mang chức năng bảo vệ các khớp khỏi những tác động từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể.
Khi trọng lượng cơ thể của thai phụ tăng cao, cơ gan chân sẽ bị tác động, bị kéo căng dẫn đến tình trạng viêm. Đồng thời kéo theo những cơn đau nhức nghiêm trọng ở những vị trí gần gót chân. Cơn đau sẽ nặng nề hơn vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Đau mắt cá
Đối với những phụ nữ mang thai có vòm chân thay đổi kích cỡ, cân gan chân bị kéo giãn quá mức, cả hai chân đều sẽ có dấu hiệu biến dạng. Trong thời gian này, mắt cá của thai phụ cũng không thể duy trì được độ phẳng sinh lý dẫn đến tình trạng đau nhức và tê bì xương khớp, đau và tê bì mắt cá chân. Đồng thời làm thai phụ thay đổi dáng đi, khả năng di chuyển bị hạn chế một cách đáng kể.
Đau đầu gối
Một khi khớp mắt cá có dấu hiệu bị lệch ra khỏi đường thẳng sinh lý, ống xương và xương bàn chân sẽ bị tác động nên có xu hướng xoay vào bên trong. Bên cạnh đó, xương chậu và xương đùi cũng bị tác động dẫn đến sai lệch khớp gối.
Ngoài ra, khi di chuyển, trọng lực sẽ phân bố không đồng đều. Từ đó dẫn đến hiện tượng ma sát giữa các đầu xương, dây chằng tạo nên cảm giác đau nhức. Trong trường hợp này, khớp gối cũng sẽ có nguy cơ cao bị thoái hóa khiến cơn đau nhức ngày càng nghiêm trọng hơn.
Biện pháp giảm đau nhức xương khớp khi mang thai
Tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai xuất hiện khá phổ biến và tạo nên nhiều ảnh hưởng xấu đến tinh thần, khả năng đi lại và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tuy nhiên bạn vẫn có thể giảm đau và phòng ngừa cơn đau tái phát bằng một số biện pháp dưới đây:
Tập luyện thường xuyên nâng cao sự linh hoạt và khả năng chịu đựng của xương khớp
Việc thường xuyên áp dụng những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, bơi lội, chạy bộ chậm… có thể nâng cao sự linh hoạt và khả năng chịu đựng của xương khớp. Bên cạnh đó việc thường xuyên luyện tập còn giúp bạn làm giảm co thắt cơ và giúp xương khớp trở nên chắc khỏe hơn. Đồng thời cải thiện tốt chức năng của cột sống.
Việc luyện tập thể dục ngay cả khi mang thai hoặc khi khỏe mạnh đều được các chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa xương khớp khuyến khích. Bởi đây là một phương pháp nâng cao sức khỏe xương khớp và giảm đau hiệu quả bằng việc giảm áp lực lên dây chằng và hệ thống xương khớp.
Có chế độ ăn uống phù hợp giúp xương khớp luôn chắc khỏe, giảm đau nhức, tốt cho cơ thể của mẹ bầu và thai nhi
Một trong những nguyên nhân chính hình thành nên bệnh đau nhức xương khớp khi mang thai là do thai phụ có chế độ ăn uống không phù hợp, không khoa học, thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Không chỉ khi mang thai mà ngay cả khi cơ thể bình thường, bạn cũng cần bổ sung cho mình những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bằng việc xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh.
Đặc biệt để xương khớp luôn chắc khỏe, tốt cho cơ thể của mẹ bầu và thai nhi, bạn cần ăn nhiều thực phẩm giàu canxi (sữa, tôm, cá, cua…), vitamin D và magiê. Việc bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể sẽ giúp bạn phòng ngừa những bệnh lý về xương khớp, cải thiện cơn đau. Đồng thời giúp hoàn thiện quá trình xây dựng hệ cơ xương khớp ở thai nhi.
Lượng vitamin D khi được đưa vào cơ thể sẽ nâng cao khả năng hấp thụ canxi, tốt cho cơ thể và tốt cho hệ xương. Tương tự như canxi, magiê cũng mang tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức, phòng ngừa các bệnh về xương khớp và giúp cho hệ cơ xương khớp luôn chắc khỏe.
Ngoài việc bổ sung canxi, vitamin D và magiê, để nâng cao sức khỏe tổng thể cho cả mẹ bầu và thai nhi, phụ nữ mang thai cũng cần bổ sung thêm những loại thực phẩm giàu vitamin C (rau có màu xanh đậm, cam, quýt, bưởi, dây tây và một số quả chín có màu vàng đỏ khác), chất sắt (trứng, thịt, các loại đậu đỗ…), omega 3 (cá hồi, cá ngừ, cá mồi…)
Massage giúp mẹ bầu thư giãn và cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp
Massage là một trong những phương pháp được nhiều bệnh nhân tin tưởng và lựa chọn trong việc cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp. Để cải thiện hiện tượng co cứng khớp, giúp dây chằng thoát khỏi sự chèn ép, hệ cơ xương khớp được thư giãn và giảm đau, bạn chỉ cần thực hiện một vài động tác đơn giản. Bao gồm: Nắn, xoa, chà ở những vị trí đang bị đau.
Ngoài những tác dụng nêu trên, việc phụ nữ mang thai thường xuyên thực hiện các động tác massage sẽ giúp tinh thần thư giãn, tạo nên cảm giác dễ chịu, thoải mái. Đồng thời nâng cao sự linh hoạt của xương khớp và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Sử dụng thuốc giảm đau nhức xương khớp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Việc sử dụng thuốc giảm đau có thể tạo cảm giác dễ chịu, giúp cải thiện tốt tình trạng đau nhức xương khớp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên những loại thuốc này có thể gây nên nhiều tác dụng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Chính vì thế, bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi đau nhức dữ dội, cơn đau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại hoặc khả năng vận động bị suy giảm.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai chỉ được phép sử dụng thuốc giảm đau khi có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời phải có hướng dẫn liều dùng và cách sử dụng. Ngoài ra để đảm bảo tối đa mức độ an toàn, trước khi quyết định sử dụng thuốc, bạn và bác sĩ điều trị cần phải cân nhắc kỹ và chắc chắn rằng những lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra.
Bên cạnh những biện pháp giảm đau nêu trên, phụ nữ mang thai cần tránh tăng cân quá nhiều và nên tắm nắng sớm bằng cách đi dạo từ 6 giờ đến 7 giờ sáng để tổng hợp lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Đau nhức xương khớp khi mang thai không phải là bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không có những biện pháp giảm đau thích hợp, tình trạng đau nhức có thể khiến khả năng đi lại bị ảnh hưởng, khả năng vận động bị hạn chế, cơ thể mệt mỏi và suy nhược. Hơn thế, tinh thần và sức khỏe tổng thể của thai phụ cũng sẽ suy giảm, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. Do đó, ngay khi cơn đau xuất hiện, bạn nên khám bác sĩ và có những biện pháp giảm đau hiệu quả.
Ngày Cập nhật 06/09/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!