Nấm Linh Chi - Tác Dụng Và Cách Dùng Thảo Dược Trị Bệnh
Nấm linh chi được biết đến với vai trò thúc đẩy khả năng miễn dịch, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Bên cạnh đó, các chiết xuất của thảo dược cũng mang lại nhiều tác dụng có lợi đối với tim mạch và bệnh tiểu đường.
+ Tên khác: Vạn niên nhung, tiên thảo, nấm thần linh, bất lão thảo, thần tiên thảo, cỏ huyền diệu, vạn niên hoặc nấm trường thọ
+ Tên khoa học: Ganoderma lucidum
+ Tên tiếng Anh: Lingzhi mushroom
+ Họ: Nấm lim Ganodermataceae
Đặc điểm thực vật về nấm linh chi
Nấm linh chi là một trong những loại thảo dược hóa gỗ. Cây thường sống 1 năm hoặc có thể lâu hơn. Ban đầu mới mọc, nấm có màu trắng sữa nhưng khi già chúng chuyển sang màu nâu sậm, nâu đỏ hoặc đỏ vàng.
Về hình thái bên ngoài, nấm linh chi có mũ nấm hình tròn méo, bề mặt hơi nhăn nheo. Ở một số loại, cây có hình giống sừng hươu hoặc quả thận.
Phân loại nấm linh chi và công dụng
Theo các chuyên gia, nấm linh chi có 5 màu khác nhau, bao gồm màu vàng, xanh, đỏ, tím và đen. Dựa vào màu sắc mà nấm được phân thành 5 loại. Mỗi loại sẽ có những tác động vào nội tạng khá nhau. Cụ thể như:
- Nấm thanh chi (màu xanh): Nấm có vị toan bình, có tác dụng bổ can khí, an thần, nhân thứ và sáng mắt. Thường xuyên sử dụng giúp thân thể thoải mái và nhẹ nhàng.
- Hắc chi (nấm có màu đen): Có tác dụng ích thận khí, đồng thời giúp đầu óc thư giãn, sản khoái và tinh tường
- Hoàng chi (nấm màu vàng): Có công dụng an thần, ích trì khí và trung hòa
- Hồng chi (màu đỏ): Nấm còn được gọi với tên khác là xích chi. Nấm có vị đắng, có tác dụng ích tâm khí và tăng trí tuệ
- Bạch chi (màu trắng): Giúp nhớ lâu và ích phế khí
- Tử chi (màu tím đỏ): Dược liệu có tác dụng ích tinh, bảo thần, làm đẹp da và làm cứng gân cốt
Trong tất cả các loại nấm linh chi này, hồng chi là loại nấm được sử dụng rộng rãi nhất vì chứa dược tính mạnh.
Phân bố và môi trường sống của nấm linh chi
Nấm linh chi là thảo dược sinh trưởng và phát triển trên thân cây gỗ mục trong môi trường ẩm thấp, rừng kín. Thông thường, dược liệu được tìm thấy nhiều ở những vùng rừng rậm, có độ cao dưới 1500 m, khí hậu ẩm mát.
Nấm linh chi được trồng phổ biến ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Việt Nam. Ở nước ta, dược liệu mọc nhiều ở các khu vực rừng Phú Quốc, Tiên Phước. Ngoài ra, có thể tìm thấy ở các tỉnh thành sau:
- Lào Cai
- Tam Đảo
- Sapa
- Lâm Đồng
- Hà Tĩnh
- Vườn quốc gia Bến En – Thanh Hóa
Thành phần hóa học của nấm linh chi
Các nhà khoa học cho biết, có khoảng 28% nấm trường thọ là Carbohydrate, 59% là chất xơ, 5% là chất béo và 8% là protein thô. Bên cạnh đó, dược liệu còn chứa nhiều hoạt chất sinh học khác nhau, cụ thể:
- Terpenoids
- Phenol
- NucleotidePpolysacarit
- Glycoprotein
- Steroid
- Axit Ganoderic
- Axit Ganodermic
- Axit Oleic
- Gecmani
- Ganodosteron
- Ganoderans
- Adenosine
- Beta-D-glucan
Ngoài các thành phần này ra, các nhà nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã tìm thấy trong nấm trường thọ chứa nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình chuyển hóa của cơ thể như:
- Đồng
- Sắt
- Magie
- Canxi
- Natri
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản nấm linh chi
- Bộ phận dùng: Mũ, cuống nấm
- Thu hái: Nấm linh chi sau khi đạt được độ trưởng thành nhất định sẽ được thu hoạch về làm thuốc. Cách thu hái dược liệu và cắt sát gốc
- Chế biến: Thảo dược sau khi thu hái có thể dùng tươi hoặc khô. Đối với dược liệu khô, khi hái về đem rửa sạch và sấy khô
- Bảo quản: Thảo dược khô bảo quản ở nơi khô thoáng để ngăn ngừa nấm mốc
Tính vị và qui kinh của nấm linh chi
- Tính vị: Tính ấm và vị nhạt
- Qui kinh: Phế, Tâm, Can và Thận
Tác dụng của nấm linh chi
Theo Y học cổ truyền, nấm trường thọ có những tác dụng chính như:
- Bổ can chí
- Tăng trí nhớ
- An thần
- Tư bổ cường tráng
Vì vậy, thảo dược thường chủ trị các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, hụt hơi, tức ngực, hồi hộp hoặc ra mồ hôi nhiều. Bên cạnh đó, nấm còn giúp ăn ngon và cải thiện chứng mất ngủ.
Theo Y học hiện đại, dược liệu có những tác dụng nổi bật sau:
+ Tăng cường hệ thống miễn dịch
Một trong những tác dụng quan trọng của nấm linh chi là giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Từ đó, giúp chống nhiễm trùng và ung thư.
+ Thúc đẩy sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu cho biết, nấm trường thọ có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol xấu và tăng mức cholesterol tốt trong máu. Bên cạnh đó, các dược chất chứa trong thảo dược này có khả năng tác động tích cực đến não bộ, hệ tuần hoàn máu và tim mạch. Đặc biệt, nấm trường thọ có khả năng làm giảm độ kết dinh của máu. Do đó, cải thiện tình trạng tắc mạch máu đến tim, giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến bộ phận này.
+ Giúp kiểm soát lượng đường trong máu (hạ đường huyết)
Chiết xuất của nấm linh chi có tác dụng chống tiểu đường. Trong các nghiên cứu trên chuột cho thấy, thành phần hóa chất có trong nám có tác dụng làm tăng nồng độ insulin và giảm đường trong huyết tương. Do đó, chúng có tác dụng hạ đường huyết, ngăn chặn bệnh tiểu đường phát triển và gây biến chứng ở thận.
+ Tác dụng chống mệt mỏi và chữa trầm cảm
Nấm trường thọ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể và làm giảm mệt mỏi do căng thẳng. Để kiểm tra tác dụng về khả năng giảm stress và chống trầm cảm của nấm, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng ở 132 đối tượng bị suy nhược thần kinh với các biểu hiện chóng mặt và đau đầu. Kết quả cho thấy triệu chứng mệt mỏi ở những người này có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt sau 8 tuần sử dụng dược liệu.
Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện sau khi dùng nấm linh chi dưới dạng bột khoảng 4 tuần. Quan trọng hơn, dấu hiệu trầm cảm và tình trạng lo lắng sau khi dùng thảo dược giảm dần.
+ Chống ung thư
Nghiên cứu ống nghiệm cho thấy, nấm linh chi có khả năng tiêu diệt và cản trở tế bào ung thư phát triển và di căn. Trên thực tế, có một số thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú và kết quả cho thấy có khoảng 59% người bệnh sống sót sau khi tiêu thụ nấm linh chi theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy, dược liệu có tác dụng có lợi đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Chúng có khả năng giúp ngăn chặn bệnh phát triển theo chiều hướng xấu.
Mặt khác, nấm linh chi còn được nghiên cứu và ứng dụng trong việc điều trị ung thư đại trực tràng. Dược liệu này có tác dụng làm giảm số lượng và kích thước của khối u ở ruột già. Do đó, giúp ngăn ngừa bệnh di căn sang các bộ phận khác.
Nấm linh chi chữa bệnh gì?
Thảo dược được sử dụng với các mục đích sau:
- Điều trị bệnh cao huyết áp
- Cải thiện chứng mất ngủ, ăn uống kém
- Làm thuốc trợ tim, chống xơ vữa thành động mạch
- Điều trị các bệnh lý liên quan đến gan như gan nhiễm mỡ hoặc viêm gan mãn tính
- Chữa bệnh viêm phế quản
- Trị bệnh viêm thận
- Giúp giảm cân, chống béo phì
- Chữa suy nhược thần kinh kéo dài
- Trị viêm khớp hoặc đau nhức xương khớp
- Điều trị bệnh tiểu đường
- Làm chậm quá trình lão hóa da, giúp da trở nên đẹo
- Chống lão hóa
- Chữa bệnh liên quan đến dạ dày, tá tràng
- Tăng cường chức năng hoạt động của nang thượng thận
Cách sử dụng nấm linh chi
Nấm trường thọ thường dùng dưới dạng tươi hoặc khô với nhiều hình thức sử dụng khác nhau. Cụ thể như:
+ Sắc nước nấm linh chi uống
- Sử dụng 50 gram nấm linh chi rửa sạch
- Cho nấm vào ấm sắc chung với 1 lít nước
- Sau khi nước sôi để khoảng 2 – 3 phút rồi tắt bếp
- Sau 5 – 10 phút bật lửa và tiếp tục đun sôi
- Khi nước thuốc cạn còn 800 ml, tắt bếp và lọc lấy nước
- Phần nấm đem thái thành từng lát nhỏ và đổ thêm nước vào nấu lần 2
- Thực hiện tương tự với lần nấu 3
- Sau 3 lần nấu sẽ thu được 2 lít nước thuốc
- Chờ nước nguội cho vào chai và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, dùng dần
Nước sắc nấm linh chi có tác dụng làm đẹp da và mượt tóc.
+ Hãm trà
Có thể sử dụng nấm dưới dạng bột, tháo lát hoặc vụn để hãm trà. Cách chế trà linh chi đơn giản như sau:
- Trà nấm linh chi và hoàng kỳ: Sử dụng linh chi và hoàng kỳ, mỗi vị có lượng bằng nhau. Đem dược liệu đi tán vụn và trộn đều. Mỗi ngày dùng 10 gram hãm trong nước sôi khoảng 20 phút rồi uống. Tiêu thụ thường xuyên loại trà này giúp chữa rối loạn lipid, bổ khí ích tỳ và trị suy nhược cơ thể
- Trà nấm linh chi và cam thảo: Dùng 120 gram nấm và 1000 gram cam thảo đem phơi khô và tán vụn. Mỗi ngày dùng 20 – 30 gram hãm với nước sôi khoảng 20 phút và uống. Có thể uống thay trà nhằm giúp chữa suy nhược thần kinh, cơ thể hoặc cải thiện triệu chứng viêm gan mạn tính. Đồng thời giúp tăng cường chức năng thận.
- Trà linh chi và nhân sâm: Sử dụng 5 gram nhân sâm và 10 gram nấm đem thái vụn và hãm nước sôi uống. Trà này có tác dụng cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh và cơ thể. Đồng thời giúp hỗ trợ điều trị huyết áp thấp và thiểu năng tuần hoàn não. Tuy nhiên, chúng không sử dụng ở người mắc bệnh huyết áp cao
- Trà linh chi kết hợp ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng): Sử dụng 10 – 15 gram bột linh chi trộn với ngân nhĩ đem hãm trong nước sôi. Sau khoảng 20 phút hãm có thể uống được. Trà thảo dược nấm linh chi và mộc nhĩ trắng có tác dụng an thần ích trí, tư âm nhuận phế và chỉ khái trừ đàm. Do đó, rất hữu ích đối với bệnh nhân bị hen phế quản, viêm phế quản mạn và suy nhược thần kinh.
+ Ngâm rượu
- Dùng 200 gram nấm trường thọ khô đem thái lát hoặc để nguyên đều được
- Cho nấm vào bình thủy tinh và đổ ngập rượu (khoảng 2 lít rượu có trắng 39 độ cồn)
- Đậy kín nắp và ngâm trong 30 ngày. Trong quá trình ngâm thi thoảng nên lắc bình để rượu giúp giải phóng dược chất có lợi trong nấm
Rượu nấm trường thọ nên uống sau bữa ăn để tăng tác dụng và giảm nguy cơ rượu gây kích ứng dạ dày. Mỗi ngày chỉ nên uống 1 – 2 ly nhỏ, tương đương 5 – 10 ml.
+ Chế biến món ăn
Có thể thêm nấm trường thọ vào thực đơn ăn hàng ngày thông quá cách chế biến món ăn. Một số món ăn bổ dưỡng từ nấm giúp tăng sức đề kháng và thúc đẩy tốc độ bình phục bệnh ở người già và người mới ốm dậy như canh nấm, súp hoặc các món hầm mềm,….
Liều lượng dùng nấm linh chi
Không giống như các loại thảo dược hoặc chất bổ sung khác, liều sử dụng của nấm trường thọ thường thay đổi dựa trên mục đích dùng. Thông thường, liều dùng nấm tươi dao động từ 25 – 100 gram.
Tuy nhiên, khi sử dụng dưới dạng chiết xuất khô, liều lượng dùng nên thấp hơn khoảng 10 lần. Cụ thể, liều sử dụng mỗi ngày có thể từ 2.5 – 10 gram hoặc 1.5 – 9 gram.
Trong một số trường hợp, liều khuyến cáo có thể thấp hơn nhiều so với liều nêu trên. Do đó, bạn nên trao đổi với thầy thuốc về liều lượng trị bệnh trước khi dùng.
Bài thuốc chữa bệnh từ nấm linh chi
+ Điều trị bệnh viêm phế quản
- Cách 1: Dùng nấm trường thọ đem tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 2 gram hòa chung với nước ấm và uống. Ngày uống 2 – 3 lần.
- Cách 2: Sử dụng nấm hãm trà và uống
- Cách 3: Sắc nước nấm cô đặc thành siro. Mỗi lần uống 3 ml. Mỗi ngày uống 3 lần
- Cách 4: Sử dụng 10 gram nấm linh chi sắc chung với 10 gram bách hợp và 8 gram trần bì. Uống đều đặn mỗi ngày cho đến khi triệu chứng viêm phế quản giảm dần.
+ Giúp lưu thông khí huyết ở bệnh nhân mắc bệnh đau tim
- Cách 1: Sử dụng 60 gram linh chi, 30 gram nhân sâm và 90 gram huyết căn. Tất cả các thảo dược sau khi nghiền mịn thành bột hòa tan với nước ấm và uống. Ngày dùng 2 lần.
- Cách 2: Chuẩn bị 60 gram linh chi, 30 gram tam thất, 30 gram sâm hoa kỳ và 45 gram huyết căn. Đem nghiền mịn, trộn đều và bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần uống nên hòa tan với nước ấm. Ngày uống 2 lần.
+ Trị suy nhược thần kinh, cơ thể mệt mỏi
Sử dụng cúc hoa, lá sen, chùm bao, nấm linh chi và lá vông nem, mỗi vị có liều lượng bằng nhau (từ 6 – 8 gram). Tất cả dược liệu sau khi rửa sạch đem hãm trà uống.
+ Chữa đau thắt ngực, huyết áp cao, xơ cứng mạch máu hoặc đột quỵ
Dùng 9 gram linh chi, 12 gram cẩu tích, 12 gram hoàng tinh, 6 gram hạt cây tơ hồng, 12 gram mộc miên, 6 gram cửu tiết xương bồ và 12 gram bạch thược. Đem sắc và chia ra làm 3, uống trước khi ăn 1 tiếng.
+ Chữa đau dạ dày
Mỗi ngày dùng 2 – 3 gram bột linh chi pha với nước sôi và uống mỗi khi ngủ dậy.
+ Hỗ trợ chữa bệnh ung thư vú
Dùng linh chi vương hay còn gọi là nấm hoàng chi, rễ cây bá bệnh, nấm hồng nhi và xạ đen rừng, mỗi vị bằng nhau. Tất cả các vị thuốc đem sắc với 1 lít nước. Sau 60 phút sắc, chia thuốc ra uống 2 – 3 lần trong ngày. Để kiểm soát bệnh cần kiên trì sử dụng 2 – 3 tháng.
+ Làm đẹp da
Dùng bột linh chi trộn với mật ong và đắp mặt. Thực hiện 2 – 3 lần trong tuần.
+ Chữa mụn nhọt
Chuẩn bị 150 gram linh chi, 150 rau má, 30 gram bồ công anh, 50 gram chó đẻ, 150 gram cây cỏ mực và 30 gram biền súc. Tất cả các dược liệu đem sao vàng, khử thổ và sắc chung với 1.5 lít nước. Sau khi sắc khoảng 30 phút, lọc lấy 500 ml rồi tiếp tục sác. Sau khi thuôc cạn còn 500 ml, lọc lấy nước 2 và trộn với nước 1, chia uống 3 lần trong ngày.
+ Trị bệnh tiểu đường
- Cách 1: Dùng 20 gram bột linh chi hãm trong 1.5 lít nước sôi khoảng 1 tiếng. Dùng nước này thay trà uống trong ngày
- Cách 2: Sử dụng 10 – 20 gram linh chi đem thái mỏng và nấu với 1.5 lít nước. Sau khi nước sôi, hạ lửa và tiếp tục đun 40 phút cho nước thuốc cô lại. Chia thuốc ra uống nhiều lần trong ngày.
+ Tăng cường chức năng gan
- Cách 1: Dùng 12 gram linh chi, 15 gram nữ trinh tử và 9 gram kê nội kim sắc chung với 1 lít nước. Sau khi sắc 60 phút, lọc thuốc, chia đều và uống.
- Cách 2: Chuẩn bị 10 gram linh chi, 10 gram xích thước, 4 gram đại hoàng, 12 gram bồ công anh, 10 gram ngải thảo, 20 gram hổ trượng, 10 gram bạch lạp thụ tử và 12 gram tỳ giải. Mỗi ngày 1 thang sắc uống vào buổi sáng và tối. Uống liên tục trong 15 ngày.
+ Giúp tăng cường sinh lực nam giới
Ngâm 30 gram nấm linh chi, 5 gram tam thất và 5 gram đơn sâm trong 0.5 lít rượu trắng. Có thể dùng rượu thuốc sau 30 ngày ngâm. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần sử dụng từ 10 – 15 ml.
+ Cải thiện chứng mất ngủ hoặc ăn uống kém
Dùng 10 gram linh chi sắc chung với 10 gram tang thầm và 10 gram long nhãn. Mỗi ngày uống 1 thang, sử dụng liên tục từ 5 – 7 thang giúp ngủ và ăn ngon miệng hơn.
Một số câu hỏi về nấm linh chi
Nấm linh chi có gây tác dụng phụ không?
Nấm linh chi nổi tiếng mang lại nhiều tác dụng có lợi đối với sức khỏe nhưng dược liệu cũng có thể gây nên các vấn đề sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách. Theo một số nghiên cứu cho hay, người sử dụng nấm linh chi liên tục trong 4 tháng thường có nguy cơ gặp phải phản ứng phụ cao gấp hai lần so với đối tượng dùng giả dược.
Mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng phản ứng phụ của nấm có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa hoặc khó chịu ở dạ dày. Bên cạnh đó, các dược chất chứa trong thảo dược có thể làm khô miệng, chảy máu cam, ngứa mũi hoặc đau họng, đau bụng.
Ngoài ra, đối với những người có cơ địa dị ứng, việc hít phải bào tử nấm có thể gây dị ứng dẫn đến ngứa và nổi ban trên da. Chưa kể đến, sử dụng nấm dưới dạng bột trong thời gian dài có thể tác động xấu đến gan.
Bên cạnh các biểu hiện nêu trên, dược liệu còn gây nhiều triệu chứng phản ứng khác. Do đó, nếu có bất kỳ thắc mắc về tác dụng phụ của nấm linh chi, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nấm linh chi có tương tác với thuốc không?
Khi sử dụng nấm trường thọ, bạn không nên kết hợp chung với các loại thuốc và thảo dược sau đây:
+ Thuốc làm chậm đông máu
Một số loại thuốc làm chậm đông máu, bao gồm thuốc chống huyết khối hoặc thuốc đông máu có thể làm tăng nguy cơ tương tác thuốc khi kết hợp chung với nấm trường thọ. Dựa theo dược tính, thảo dược có tác dụng làm chậm quá trình đông máu. Do đó, nếu dùng chung với thuốc làm chậm đông máu sẽ làm tăng khả năng chảy máu hoặc bầm tím.
Một số thuốc làm chậm đông máu không nên phối trộn chung với nấm trường thọ:
- Dalteparin (Fragmin®)
- Ibuprofen (Advil® và Motrin®)
- Clopidogrel (Plavix®)
- Enoxaparin (Lovenox®)
- Warfarin (Coumadin®)
- Diclofenac (Voltaren® và Cataflam®)
- Naproxen (Anaprox® và Naprosyn®)
- Heparin
+ Thuốc trị cao huyết áp
Nấm linh chi có tác dụng hạ huyết áp. Do đó, không sử dụng chung với thuốc điều trị bệnh cao huyết áp. Tránh sử dụng dược liệu với các loại thuốc huyết áp cao sau:
- Valsartan (Diovan®)
- Captopril (Capoten®)
- Losartan (Cozaar®)
- Hydrochlorothiazide (HydroDIURIL®)
- Enalapril (Vasotec®)
- Amlodipine (Norvasc®)
- Furosemide (Lasix®)
- Diltiazem (Cardizem®)
Những đối tượng nào không nên dùng nấm linh chi?
Nấm linh chi nếu biết cách sử dụng đúng liều và lượng thường đem lại lợi ích sức khỏe cao và không gây tác dụng phụ đối với người sử dụng. Tuy nhiên, ở những đối tượng có các vấn đề sức khỏe sau nên thận trọng khi dùng nấm để tránh những ảnh hưởng không mong muốn.
- Người bị rối loạn xuất huyết: Bệnh nhân bị rối loạn xuất huyết nếu sử dụng nấm ở liều cao có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khiến bệnh thêm trầm trọng
- Người chuẩn bị phẫu thuật: Nấm có tác dụng làm chậm quá trình đông máu. Do đó, trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên ngưng sử dụng nấm ít nhất 2 tuần.
- Bệnh nhân mắc bệnh rối loạn đông máu hay giảm tiểu cầu: Nguy cơ chảy máu cao ở bệnh nhân bị rối loạn đông máu tăng cao sau khi sử dụng nấm linh chi. Do đó, để kiểm soát tình trạng bệnh, các bạn không nên dùng dược liệu này chữa bệnh
- Người mắc bệnh huyết áp thấp: Dược liệu có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, khi sử dụng ở người bệnh huyết áp thấp sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Chưa có thông tin chính xác về mức độ an toàn của nấm linh cho ở thai phụ và mẹ cho bé bú sữa. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe và sự phát triển của cả mẹ và bé, chị em không nên sử dụng nấm linh chi khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ
Ngoài ra, trẻ em dưới 2 tuổi hoặc người thường xuyên bị chóng mặt, nôn ói,… cũng không nên sử dụng dược liệu này điều trị bệnh. Đặc biệt, tránh dùng nấm trường thọ ở người có cơ địa dị ứng hoặc thuộc thể hàn.
Nấm linh chi là nguồn cung cấp dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu về dược liệu cho đến nay vẫn còn hạn chế. Do đó, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về dược tính, cách sử dụng cũng như liều dùng mỗi khi sử dụng.
→ Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 30/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!