Nấm Móng Tay Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị An Toàn
Nấm móng tay ở trẻ em thường xảy ra do nhiễm nấm sợi tơ Dermatophytes và nấm hạt men Candida. Bệnh lý này có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, sưng đau và ứ mủ kéo dài. Nếu không tiến hành điều trị, móng tay của trẻ có thể bị hư tổn nặng và ăn mòn hoàn toàn.
Nấm móng tay ở trẻ em và dấu hiệu nhận biết
Nấm móng tay ở trẻ em là tình trạng móng bị hư tổn do sự xâm nhập của các loại nấm men, trong đó chủ yếu là nấm sợi tơ Dermatophytes và nấm hạt men Candida. Thông thường, các loại vi nấm này tồn tại trên bề mặt với da với số lượng hạn chế và hầu như không gây tổn thương thực thể.
Tuy nhiên khi có các điều kiện thích hợp, vi nấm có thể phát triển, bùng phát mạnh, gây nhiễm trùng móng và thượng bì da. Nấm móng tay là bệnh da liễu khá phổ biến, có mức độ nhẹ và hầu như không gây biến chứng nặng nề.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nấm móng tay ở trẻ nhỏ:
- Bề mặt móng sần sùi, xuất hiện các đốm nhỏ và có phủ lớp bột mịn màu trắng
- Móng đổi thành màu trắng đục, ngả vàng hoặc màu nâu đen
- Vùng da xung quanh ửng đỏ, ngứa, viêm hoặc có thể mưng mủ
- Móng tay biến đổi hình dạng, bị ăn mòn và bốc mùi hôi khó chịu
- Một số loại nấm men có thể tấn công vào niêm mạc da dưới móng khiến móng dày sừng, bị mủn và ăn mòn
Mặc dù nấm móng tay ở trẻ nhỏ không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị, vi nấm có thể phát triển mạnh gây hư hại móng hoàn toàn và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân gây nấm móng tay ở trẻ em
Nấm móng tay xảy ra khi nấm hạt men Candida và nấm sợi to Dermatophytes xâm nhập vào vùng da xung quanh, sau đó di chuyển xuống vùng niêm mạc dưới móng và gây nhiễm trùng.
Các yếu tố kích thích nấm men phát triển và gây ra bệnh nấm móng tay ở trẻ em, bao gồm:
- Vệ sinh kém: Hầu hết trẻ nhỏ đều chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân. Do đó, mồ hôi và bụi bẩn có thể tích tụ bên trong móng, tạo điều kiện cho nấm men phát triển và gây nhiễm trùng.
- Do hoạt động vui chơi: Trẻ nhỏ thường ưa thích việc khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh. Vì vậy trẻ hay có thói quen cầm nắm, đào bới đất cát, nghịch nước… Tuy nhiên các hoạt động này có thể khiến tay bị trầy xước, ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập và gây tổn thương móng.
- Lây nhiễm từ người lớn: Ngoài ra, trẻ bị nấm móng tay cũng có thể do lây từ người lớn thông qua hoạt động nắm tay, va chạm trực tiếp hoặc lây gián tiếp thông qua các vật dụng như dụng cụ cắt móng, bao tay,…
- Cắt móng tay quá sát: Nhiều phụ huynh có thói quen cắt móng sát để hạn chế tình trạng trẻ cào cấu vào da và mặt. Tuy nhiên móng tay cắt quá sát có thể khiến da bị trầy xước và tổn thương. Hơn nữa, vi nấm và vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào vết trầy và gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
Bệnh nấm móng tay ở trẻ em có nguy hiểm không?
Nấm móng tay ở trẻ em là bệnh da liễu khá phổ biến, có mức độ nhẹ và hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ngứa ngáy, đau rát, viêm sưng và khó chịu kéo dài. Các triệu chứng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ, hoạt động ăn uống và sinh hoạt của trẻ. Đối với trẻ lớn, nấm móng tay còn tác động xấu đến ngoại hình và tâm lý của trẻ.
Mặc dù không gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nấm móng tay thường tiến triển dai dẳng và mất nhiều thời gian để điều trị (ít nhất 3 – 6 tháng). Trong trường hợp chậm trễ hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể gây ra một số ảnh hưởng như:
- Nhiễm khuẩn móng
- Móng hư hại và bị ăn mòn hoàn toàn
- Vi nấm lây nhiễm sang các móng khỏe mạnh và gây nấm móng toàn bộ 10 ngón tay
Các phương pháp điều trị nấm móng tay ở trẻ em
Sau khi có kết quả chẩn đoán, phụ huynh nên cho trẻ điều trị trong thời gian sớm nhất. Điều trị kịp thời và đúng cách có thể kiểm soát hoạt động của nấm men, giảm tổn thương móng và rút ngắn thời gian điều trị.
Một số phương pháp chữa nấm móng tay ở trẻ em được áp dụng phổ biến, bao gồm:
1. Điều trị y tế
Thông thường, nấm móng được điều trị bằng cách sử dụng thuốc bôi kết hợp thuốc uống. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc đường uống. Vì vậy, phụ huynh chỉ cho trẻ dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh nấm móng ở trẻ em, bao gồm:
- Dung dịch Castellani: Castellani có tác dụng sát trùng, giảm ngứa ngáy và cải thiện hiện tượng viêm ở vùng da xung quanh móng. Loại thuốc này tương đối an toàn và có thể sử dụng cho trẻ nhỏ.
- Cồn iot 10%: Trước khi dùng thuốc, cần ngâm móng tay của trẻ trong nước ấm 50 độ. Sau đó cạo bỏ phần mỏng bị mủn rồi thoa thuốc vào. Cồn iot 10% có tác dụng sát khuẩn, giảm viêm và ức chế hoạt động của nấm men.
- Salicylic acid: Salicylic acid có khả năng sát trùng và giảm dày sừng da. Thuốc được sử dụng để loại bỏ các tế bào chết và tăng mức độ hấp thu của các loại thuốc khác.
- Thuốc kháng nấm dạng bôi: Các loại thuốc kháng nấm dạng bôi nhóm allylamine, polyenes và azole được sử dụng trực tiếp lên móng và vùng da xung quanh để ức chế hoạt động của nấm men. Nhóm thuốc này được sử dụng từ 2 – 3 lần/ ngày trong ít nhất 3 tháng.
- Thuốc kháng histamine H1: Loại thuốc này được sử dụng để cải thiện tình trạng ngứa ngáy do nấm móng tay gây ra. Thuốc kháng histamine H1 tương đối an toàn và có thể dùng cho cả trẻ nhỏ.
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau Paracetamol được cân nhắc sử dụng khi móng bị hư hại, sưng viêm, đỏ rát và gây đau nhiều. Nếu trẻ lớn hơn 12 tuổi, có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…
- Thuốc kháng nấm đường uống: Hầu hết nấm móng tay đều có đáp ứng kém với điều trị tại chỗ. Vì vậy đối với trẻ lớn hơn 12 tuổi, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các loại thuốc kháng nấm đường uống như Itraconazole, Fluconazole, Griseofulvin, Terbinafine,…
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được chỉ định trong trường hợp móng bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Bác sĩ sẽ dựa vào chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng, độ tuổi của từng trường hợp,… để chỉ định loại kháng sinh phù hợp.
Các loại thuốc điều trị nấm móng tay ở trẻ nhỏ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, phụ huynh cần tuân thủ loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng được bác sĩ chỉ định.
2. Tận dụng thảo dược
Đối với trẻ dưới 12 tuổi, bác sĩ chủ yếu chỉ định các loại thuốc điều trị tại chỗ. Tuy nhiên các loại thuốc này có mức độ hấp thu hạn chế và thường không đem lại hiệu quả như mong đợi. Trong trường hợp này, phụ huynh có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên để ức chế nấm men và hỗ trợ điều trị bệnh cho con trẻ.
Các loại thảo dược có tác dụng điều trị nấm móng tay ở trẻ, bao gồm:
- Sử dụng tỏi: Hoạt chất allicin trong tỏi có khả năng chống viêm, kháng khuẩn và ức chế nấm men. Do đó, phụ huynh có thể dùng dịch ép từ tỏi hoặc rượu tỏi để chữa bệnh nấm móng ở trẻ nhỏ.
- Dầu dừa: Dầu dừa có tác dụng làm dịu da, nuôi dưỡng móng và hỗ trợ ức chế nấm men do có chứa hàm lượng axit béo và chất chống oxy hóa dồi dào. Để làm giảm bệnh nấm móng ở trẻ em, bạn có thể thoa dầu dừa lên móng từ 2 – 3 lần/ ngày. Ngoài khả năng ức chế vi nấm, dầu dừa còn giúp phục hồi bề mặt móng bị hư tổn và làm chậm quá trình ăn mòn.
- Dùng giấm táo: Axit acetic trong giấm táo đã được chứng minh về khả năng diệt khuẩn, sát trùng và ức chế nấm men. Ngoài ra, các hoạt chất lên men trong nguyên liệu này còn có tác dụng chống viêm, giảm ngứa ngáy và khó chịu. Để chữa bệnh nấm móng, nên hòa giấm táo với nước theo tỷ lệ 1:1, sau đó thoa trực tiếp lên móng và rửa lại sau 10 phút. Thực hiện mẹo chữa này từ 3 – 4 lần/ ngày trong ít nhất 1 tháng.
Các biện pháp chữa nấm móng ở trẻ em bằng thảo dược tự nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy, mẹ nên kết hợp với việc sử dụng thuốc cho trẻ để ức chế hoàn toàn vi nấm và điều trị bệnh dứt điểm.
Chăm sóc và phòng ngừa nấm móng tay ở trẻ
Bên cạnh các phương pháp điều trị, phụ huynh nên kết hợp với các mẹo chăm sóc và phòng ngừa nấm móng tay cho trẻ như:
- Giữ vệ sinh cơ thể – đặc biệt là ở vùng móng và kẽ tay.
- Nên vô trùng dụng cụ cắt móng tay trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, cần cắt móng tay cho trẻ thường xuyên, hạn chế để móng quá dài hoặc cắt quá sát.
- Dặn dò trẻ vui chơi trong nhà, tránh tiếp xúc với nguồn nước và đất cát.
- Sau khi vui chơi, nên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Giặt bao tay, quần áo, mền gối,… của trẻ với nước ấm, sau đó phơi dưới ánh nắng để loại bỏ vi nấm hoàn toàn. Nên thực hiện biện pháp này trong và sau khi điều trị để giảm tình trạng tái nhiễm.
- Tuyệt đối không cho trẻ gãi cào lên móng và vùng da xung quanh. Để giảm ngứa, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng thuốc hoặc chườm đá.
- Khuyến khích trẻ ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể ức chế hiện tượng nhiễm trùng do nấm và rút ngắn thời gian điều trị.
- Không cho trẻ sử dụng chung vật dụng cá nhân với người lớn.
Nấm móng tay ở trẻ em không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị và xử lý, bệnh có thể tiến triển dai dẳng, gây ngứa ngáy kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt. Do đó, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Tham khảo thêm: Nấm móng tay có lây không? Có nguy hiểm không?
Ngày Cập nhật 05/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!