Bé 3 tuổi bị sâu răng cửa có đáng lo? Nên làm gì?
Bé 3 tuổi bị sâu răng cửa thường do thói quen ăn đồ ngọt, vệ sinh răng miệng kém hoặc do di truyền từ mẹ. Sâu răng cửa ở trẻ có thể khiến răng rụng sớm, ảnh hưởng đến khuôn răng và sự phát triển của răng trưởng thành. Trong một số trường hợp, mầm răng có thể bị hư hại hoàn toàn và không thể mọc răng vĩnh viễn.
Bé 3 tuổi bị sâu răng cửa do đâu?
Sâu răng cửa có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Bệnh gây tổn thương men răng, gây hư hại ngà răng và phát sinh các triệu chứng khó chịu như đau nhức, ê buốt, sưng lợi, răng xuất hiện chấm đen/ lỗ hổng,…
Nếu sâu răng cửa xảy ra ở bé 3 tuổi, nguyên nhân có thể do:
- Tính chất răng: So với răng của người trưởng thành, răng sữa có kích thước nhỏ, men và ngà răng mỏng hơn. Chính vì vậy, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây sâu răng.
- Thói quen ăn uống: Trẻ nhỏ 3 tuổi thường có thói quen ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt có gas,… Các loại thực phẩm và đồ uống này có thể làm tăng hình thành mảng bám và tạo điều kiện để hại khuẩn bùng phát mạnh.
- Vệ sinh răng miệng kém: Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh răng miệng và chưa thực sự biết cách chải răng đúng cách. Vệ sinh răng miệng kém kết hợp với chế độ ăn nhiều đường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sâu răng cửa ở bé 3 tuổi.
- Di truyền: Nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ bị sâu răng sớm có thể là hệ quả do mẹ mắc các vấn đề nha khoa trong thời gian mang thai. Các bệnh lý này làm tăng nguy cơ sinh non, ảnh hưởng đến sự phát triển men răng và thể trạng của trẻ.
- Thói quen dùng răng cắn đồ vật: Trẻ 3 tuổi thường có thói quen dùng răng cắn đồ chơi, vật dụng cá nhân, quần áo,… Thói quen này có thể gây hư hại men răng và tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập.
Nhận biết sâu răng cửa ở trẻ nhỏ
Sâu răng cửa ở trẻ 3 tuổi có các biểu hiện như sau:
- Sâu răng cửa thường phát triển ở kẽ răng và chân răng. Vì vậy dấu hiệu đầu tiên bạn có thể nhận biết là sự xuất hiện của các chấm đen và lỗ hỗng ở kẽ răng, mặt sau của răng và chân răng.
- Vùng lợi bao quanh có xu hướng sưng viêm, đỏ thẫm và chảy máu – nhất là sau khi chải răng.
- Trẻ có thể quấy khóc và chán ăn do răng gây đau nhức
- Với những trẻ bị sâu răng nặng, răng cửa có thể bị lung lay và mẻ thành từng mảnh.
Bé 3 tuổi bị sâu răng cửa có đáng lo?
Sâu răng cửa ở bé 3 tuổi thường không quá nghiêm trọng. Nếu xử lý đúng cách, tình trạng sâu răng sẽ được kiểm soát hoàn toàn và không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của răng trưởng thành.
Tuy nhiên trong trường hợp không điều trị đúng cách, răng sữa có thể rụng sớm khiến khuôn răng bị lệch lạch, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của răng trưởng thành và cấu trúc hàm.
Ngoài ra, vi khuẩn gây sâu răng có thể tấn công vào tủy răng và mô mềm xung quanh khiến mầm răng bị hư hại và tổn thương nặng nề. Trong trường hợp xấu nhất, răng trưởng thành có khả năng không thể mọc và dẫn đến tình trạng mất răng vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, sâu răng cửa ở trẻ 3 tuổi còn ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, vui chơi và giao tiếp. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ quấy khóc, suy giảm sức khỏe, sụt cân và mất ngủ.
Các biện pháp khắc phục sâu răng cửa ở trẻ 3 tuổi
Để tránh phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nha khoa. Bác sĩ sẽ xem xét mức độ tổn thương của răng nhằm đề xuất biện pháp điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng khoa học.
1. Điều trị y tế
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát bề mặt răng và đề nghị chụp X-Quang để đánh giá tình trạng tổn thương. Sau đó dựa vào kết quả chẩn đoán, bé có thể được chỉ định các biện pháp sau:
- Kem đánh răng chứa fluoride: Nếu sâu răng ở trẻ có mức độ nhẹ, bạn có thể cho trẻ dùng kem đánh răng chứa fluoride để thúc đẩy quá trình tái khoáng và tăng độ chắc khỏe cho răng.
- Thuốc bôi chứa kháng sinh: Ngoài ra, nha sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi chứa kháng sinh để ức chế vi khuẩn và làm chậm quá trình hủy khoáng. Loại thuốc này được sử dụng bằng cách chấm trực tiếp lên phần răng bị sâu và hư hại.
- Trám răng: Nếu sâu răng cửa ở bé 3 tuổi gây lỗ hổng và làm biến dạng răng, nha sĩ sẽ tiến hành nạo bỏ phần răng sâu và hàn trám bằng vật liệu nhân tạo. Biện pháp này giúp điều trị sâu răng dứt điểm, phục hồi hình dáng và chức năng của răng.
- Nhổ răng: Với những trường hợp sâu răng gây hư hại và biến dạng răng nghiêm trọng, bác sĩ có thể nhổ răng để tránh gây thương tổn đến mầm răng, mô nướu và các răng khác. Trẻ sau khi nhổ răng vẫn có khả năng mọc răng trưởng thành như bình thường.
2. Chăm sóc và phòng ngừa
Song song với các biện pháp điều trị, bạn có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng và phòng ngừa sâu răng tái phát cho trẻ với các chăm sóc khoa học như:
- Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách (chải theo chiều dọc, chải cả mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của răng). Đồng thời cần dặn dò trẻ chải răng 2 – 3 lần/ ngày.
- Có thể cho trẻ súc miệng với nước muối sau khi đánh răng để làm sạch răng miệng toàn diện.
- Bạn nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng cho trẻ nhằm ngăn ngừa mảng bám và vôi răng hình thành.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng khô miệng do giảm bài tiết nước bọt. Tình trạng này có thể khiến hại khuẩn phát triển mạnh và gây ra các vấn đề nha khoa.
- Hạn chế cho trẻ dùng nước ngọt có gas và bánh kẹo. Thay vào đó nên cho trẻ ăn sữa chua và trái cây tươi để tránh gây hại đến sức khỏe răng miệng.
- Dặn dò trẻ không được dùng răng cắn đồ chơi và vật dụng cứng.
- Bổ sung canxi và khoáng chất cho bé thông qua chế độ dinh dưỡng.
- Chú ý biểu hiện của con trẻ và chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nha khoa trong trường hợp cần thiết.
Bé 3 tuổi bị sâu răng cửa có nguy cơ mắc các bệnh nha khoa và mất răng vĩnh viễn. Vì vậy khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện bất thường, phụ huynh nên chủ động đưa con trẻ đến gặp bác sĩ Nha khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Cách chữa sưng nướu răng giúp giảm đau nhanh chóng
Ngày Cập nhật 10/01/2020