Bé bị viêm lợi nhiệt miệng và cách điều trị an toàn
Viêm lợi và nhiệt miệng ở trẻ nhỏ trong một số trường hợp có thể gây nhiễm trùng toàn khoang miệng và dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm khác. Chính vì thế, tự trang bị một ít kiến thức về cách điều trị khi bé bị viêm lợi, nhiệt miệng luôn rất cần thiết.
Biểu hiện bé bị viêm lợi, nhiệt miệng
Viêm lợi và nhiệt miệng là tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Nhất là trong giai đoạn mọc răng. Nó có thể là do tác động từ những thay đổi sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là do bệnh lý. Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này cũng như cách điều trị, bạn cần biết viêm lợi và nhiệt miệng ở trẻ nhỏ là gì và dấu hiệu nhận biết tình trạng này.
Biểu hiện của viêm lợi và nhiệt miệng khác nhau vì không giống về bản chất. Tuy nhiên, chúng cũng có một số điểm chung đó là khiến trẻ vô cùng khó chịu, khó ăn và dễ bị mất ngủ.
Viêm lợi ở trẻ nhỏ
Viêm lợi (viêm nướu) là tình trạng sưng đỏ của lợi. Nó có thể kèm cảm giác đau hoặc không. Viêm lợi ở trẻ nhỏ thường chia thành 2 giai đoạn với biểu hiện như sau:
+ Giai đoạn một: Ngoài tình trạng sưng đỏ, lợi còn rất dễ bị chảy máu;
+ Giai đoạn hai: Nhiễm trùng lợi với sự xuất hiện của nốt trắng chứa dịch nhầy bên trong. Má sưng, miệng có mùi hôi và đau nhức hàm. Cùng với đó, các dấu hiệu viêm lợi ở giai đoạn đầu vẫn sẽ tiếp diễn sang giai đoạn 2 nhưng ở mức độ và tần suất nhiều hơn.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm lợi dễ biến chuyển thành viêm nha chu, gây sâu răng hoặc các vấn đề khác về răng miệng. Hậu quả có thể gây rụng răng, tổn thương tủy, thậm chí nhiễm trùng tế bào ở cấp mô.
Nhiệt miệng ở trẻ nhỏ
Nhiệt miệng là vết loét ở mô mềm bên trong má hoặc môi. Đôi khi xuất hiện ở lưỡi hoặc nướu. Vết loét màu trắng và hơi mọng nước. Nó thường có kích thước nhỏ (khoảng 1 – 2mm) và nông. Một số trường hợp vết loét ở miệng có thể có đường kính 10mm. Những vết loét lớn này chủ yếu bắt nguồn từ vết nhỏ khi có thêm một vài yếu tố tác động.
Thông thường, tình trạng nhiệt miệng sẽ kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày và có thể tự lành. Chúng cũng không để lại sẹo. Nếu can thiệp đúng cách thì quá trình này sẽ nhanh hơn. Đồng thời, bé cũng đỡ phải chịu cảnh đau rát khi ăn uống và trong các sinh hoạt hằng ngày.
Nguyên nhân khiến bé bị viêm lợi, nhiệt miệng
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Không vệ sinh, đánh răng quá mạnh hoặc chải răng không sạch…
- Trong giai đoạn mọc răng;
- Nóng trong người;
- Ăn quá nhiều đồ cay nóng hoặc đồ quá lạnh;
- Bệnh về răng miệng: viêm tủy răng, viêm nha chu, sâu răng ở trẻ em;
- Hệ miễn dịch yếu;
- Vi khuẩn, nấm hoặc virus tấn công: Khuẩn HSV, HHV; virus VZV hoặc CMV;
- Ăn uống thiếu chất: Đặc biệt là thiếu sắt và vitamin B12;
- Trẻ bị căng thẳng quá mức
- Suy giảm chức năng gan: Khiến các độc tố ở miệng không thể loại bỏ hoàn toàn. Chúng tích tụ lâu ngày gây viêm lợi hoặc nhiệt miệng;
Trường hợp viêm lợi, nhiệt miệng ở trẻ cần đến bác sĩ
Đa số các trường hợp bé bị viêm lợi, nhiệt miệng có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần phải điều trị tại cơ sở nha khoa và dùng thuốc kháng sinh. Cụ thể, khi tình trạng viêm lợi hoặc nhiệt miệng kéo dài hơn 10 ngày nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Đồng thời, trẻ quấy khóc, bỏ ăn (hoặc bỏ bú) và mệt mỏi.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, việc dùng thuốc tân dược luôn phải được chỉ định của bác sĩ. Nhất là khi trẻ bị viêm lợi, dùng đến thuốc kháng sinh là cần thiết. Tuy nhiên, đây lại là con dao hai lưỡi. Nếu dùng không đúng cách sẽ làm cho tình trạng viêm nhiễm thêm trầm trọng.
Súc miệng bằng tinh dầu sả tại nhà chữa viêm lợi và nhiệt miệng cho trẻ
Tinh dầu sả có khả năng kháng viêm và diệt khuẩn khá tốt. Đồng thời nó còn chữa được tình trạng hôi miệng do viêm lợi hoặc nhiệt miệng gây ra.
Loại tinh dầu này an toàn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để không gây kích ứng nướu răng, bạn cần pha loãng nó trước khi sử dụng. Mỗi lần súc miệng dùng 2 – 3 giọt tinh dầu pha với 225ml nước. Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần.
Ngoài tinh dầu sả, bạn có thể dùng nước củ cải trắng để súc miệng cho trẻ. Cách này vừa an toàn vừa dễ tìm nguyên liệu. Hoặc cách đơn giản nhất là pha loãng nước muối với nước ấm. Cách này giúp diệt khuẩn và làm sạch miệng nhưng dễ khiến trẻ bị đau rát.
Phương pháp dân gian chữa viêm lợi, nhiệt miệng cho trẻ
Trong dân gian truyền tai nhau nhiều cách chữa viêm lợi và nhiệt miệng cho trẻ. Điểm chung của các cách này là nguyên liệu dễ tìm, chi phí thấp, lành tính và hiệu quả cho nhiều trường hợp. Tuy nhiên, trước khi áp dụng kinh nghiệm dân gian, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia. Bởi một vài cách thức vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng. Đồng thời, nó có thể không phù hợp với thể trạng một số bé.
+ Trị viêm lợi và nhiệt miệng cho bé bằng bài thuốc lục nhất tán
Chuẩn bị: 6 phần hoạt thạch (bột talc – một loại khoáng sản); 1 phần cam thảo và 1 thìa mật ong.
Thực hiện: Trộn các nguyên liệu lại với nhau để tạo thành hỗn hợp sệt. Dùng tăm bông thấm hỗn hợp này thoa lên chỗ bị viêm hoặc nhiệt miệng. Mỗi ngày thoa 2 – 3 lần.
+ Đắp ngô thù du lên gan bàn chân trị nhiệt miệng và viêm lợi cho trẻ
Chuẩn bị một ít ngô thù du (quả thù du chín đã mang đi phơi khô). Cà nhuyễn quả này thành bột mịn. Mỗi lần dùng cần 2 muỗng nhỏ bột ngô thù du pha với giấm ăn (đã đun sôi). Cho lượng giấm vào bột vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền sệt.
Dùng hỗn hợp này thoa vào gan bàn chân của bé. Sau đó dùng băng gạc cố định lại hoặc cho trẻ mang tất. Trong khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ thì tháo thuốc và vệ sinh chân cho trẻ. Mỗi ngày thực hiện 1 lần. Thời điểm tốt nhất là trước khi trẻ đi ngủ.
Phương pháp chữa nhiệt miệng và viêm lợi cho trẻ bằng bài thuốc lục nhất tán hay ngô thù du có nguồn gốc từ dân gian và đã được Đông y ghi chép lại. Nghĩa là hiệu quả của nó đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh thì vẫn nên thận trọng hỏi ý kiến của thầy thuốc.
+ Mật ong làm dịu vết loét hoặc sưng viêm
Mật ong có tính sát khuẩn rất tốt. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ làm lành vết thương. Mật ong an toàn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn dưới 1 tuổi thì không được dùng mật ong.
Cách điều trị như sau: Lấy tăm bông thấm một ít mật ong nguyên chất. Thoa lên chỗ bị viêm hoặc loét. Cảm giác đau rát sẽ nhanh chóng được dịu xuống. Mỗi ngày nên thoa mật ong cho trẻ từ 3 – 4 lần.
+ Cỏ mực giúp trẻ chữa viêm lợi và nhiệt miệng
Công dụng chữa viêm lợi và nhiệt miệng của cỏ mực đến từ khả năng thanh nhiệt. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống viêm và cầm máu. Loại thảo dược này thường mọc hoang khá nhiều ở các vùng nông thôn.
Nếu trong vườn nhà có cỏ mực, bạn hãy hái khoảng 1 nắm. Lưu ý chỉ dùng phần lá. Sau khi rửa sạch thì giã nát rồi vắt lấy nước cốt. Hòa nước này với một thìa nhỏ mật ong. Trộn đều rồi dùng tăm bông thấm nước hỗn hợp thoa lên chỗ bé bị viêm lợi, nhiệt miệng. Mỗi ngày thoa 2 – 3 lần. Còn 1 lưu ý quan trọng nữa là cách chữa trị này có dùng mật ong nên không thích hợp cho trẻ dưới 1 tuổi.
+ Rau ngót chữa viêm lợi và nhiệt miệng cho trẻ
Tương tự như cỏ mực, rau ngót cũng có tác dụng thanh nhiệt rất tốt. Vì thế, nó được ứng dụng giúp trẻ chữa viêm lợi và nhiệt miệng. Rau ngót không khó tìm như cỏ mực nên nó được sử dụng phổ biến hơn.
Bạn cần một nắm lá rau ngót. Sau khi rửa sạch thì giã nát. Vắt lấy nước cốt rồi bỏ bã. Dùng nước này thoa vào vị trí bị viêm và loét của bé. Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần.
+ Cháo cát căn chữa viêm lợi và nhiệt miệng cho trẻ
Món cháo này ngoài tác dụng chữa viêm lợi và nhiệt miệng còn có tác dụng giảm táo bón. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 50g bột cát căn (củ sắn dây) và 100g gạo tẻ. Nấu với nhiều nước đến khi gạo nhừ. Chia lượng cháo nấu được thành 3 – 4 lần ăn hết trong ngày. Dùng món cháo này liên tục nhiều ngày mới có được kết quả như mong muốn. Lưu ý đừng ăn khi cháo quá nóng.
+ Ngậm trái cây hoặc lá có vị chát chữa viêm lợi và nhiệt miệng cho trẻ
Vị chát từ một số loại trái cây hoặc thảo dược có tác dụng kháng khuẩn và tiêu viêm. Đồng thời, nó còn có tác dụng khử mùi hôi ở miệng. Lưu ý là chỉ nên ngậm trong khoảng 5 phút rồi nhổ bỏ, không được nuốt dù nguyên liệu đó có thể ăn được. Các loại trái cây hoặc lá có vị chát thường dùng để chữa viêm lợi và nhiệt miệng cho trẻ là: chè xanh; nước ép từ lá rau diếp cá hoặc lá húng chanh; nước ép quả sung…
Lưu ý chung trong chăm sóc bé bị viêm lợi, nhiệt miệng
- Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì hãy tăng cường cữ bú;
- Trẻ từ độ tuổi ăn dặm trở lên: Ưu tiên những thức ăn dạng lỏng và mềm. Chế biến món ăn không được quá cay hoặc quá mặn;
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Ngoài nước lọc cần bổ sung thêm nước từ các loại trái cây giàu vitamin C;
- Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng, quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ;
- Tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ và sinh hoạt điều độ;
- Không để trẻ dùng tay hoặc vật sắc nhọn cho vào miệng.
Phòng viêm lợi, nhiệt miệng cho trẻ
- Trẻ từ độ tuổi ăn dặm trở lên cần được hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách ngày 2 lần.
- Nếu có thức ăn thừa dính trong răng, hãy dùng chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng. Lưu ý, chỉ nên dùng chỉ nha khoa 1 lần/ 1 ngày;
- Bàn chải đánh răng cho trẻ cần chọn loại có thiết kế phù hợp và có lông mềm. Nhớ thay mới bàn chải sau 3 tháng sử dụng.
- Kem đánh răng cho trẻ nên chọn loại có chứa fluor. Thành phần này rất tốt cho sự chắc khỏe của răng và lợi;
- Kiểm tra răng định kỳ 6 tháng/1 lần cho trẻ ở cơ sở nha khoa.
Ngày Cập nhật 10/01/2020