Cách chăm sóc nướu răng khỏe mạnh phòng ngừa bệnh nha chu
Nướu (lợi) là bộ phận quan trọng trong cấu trúc răng miệng. Tuy nhiên nhiều người chỉ chú trọng vào việc vệ sinh răng mà bỏ qua bộ phận này. Tình trạng chăm sóc nướu qua loa, không đúng cách có thể gây bệnh viêm lợi, viêm nha chu và tăng nguy cơ mất răng.
Vì sao phải chăm sóc nướu răng?
Nướu (lợi) là cơ quan cấu thành nha chu – tổ chức nâng đỡ và bảo vệ răng. Cơ quan này tồn tại ở dạng niêm mạc, có màu hồng san hô, bao phủ hàm trên và hàm dưới của khoang miệng.
Nướu bao phủ và giữ kín chân răng nhằm giảm ma sát với thức ăn và ngăn ngừa hại khuẩn xâm nhập vào xương ổ răng. Khi nướu bị tổn thương, răng thường có xu hướng lung lay, đau nhức và dễ phát triển các vấn đề nha khoa nghiêm trọng.
Chính vì vậy bạn cần chăm sóc răng kết hợp với mô nướu nhằm bảo vệ và duy trì sức khỏe răng miệng một cách toàn diện. Bên cạnh đó, chăm sóc nướu đúng cách còn cải thiện mặt thẩm mỹ của răng và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa sau:
- Viêm nướu răng: Viêm nướu răng là bệnh lý liên quan đến mô nướu thường gặp nhất. Bệnh xảy ra khi hại khuẩn trong khoang miệng tăng lên và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Bệnh lý này có thể khiến nướu sưng đỏ, chảy máu, loét, đau nhức răng khi nhai và hơi thở có mùi.
- Bệnh nha chu: Bệnh nha chu là giai đoạn tiến triển nặng của viêm nướu răng. Nha chu là tổ chức nâng đỡ răng, bao gồm mô nướu, xương ổ răng, gai lợi,… Do đó khi tổ chức này bị tổn thương, răng có thể bị hư hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ, hoạt động nhai và tăng nguy cơ mất răng.
- Áp xe răng: Áp xe răng là biến chứng của bệnh nha chu không được điều trị triệt để. Bệnh lý này xảy ra khi hại khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng và hình thành ổ mủ. Ổ áp xe có khả năng vỡ, gây hư hại chân răng và phát sinh các biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, tiêu xương ổ răng và áp xe não.
Chăm sóc mô nướu đúng cách và khoa học không chỉ giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan trên mà còn hạn chế nhiễm trùng lây lan chéo và gây ra các vấn đề về răng như sâu răng, viêm tủy răng,…
Hướng dẫn chăm sóc nướu răng đúng cách
Nướu là một bộ phận quan trọng, có vai trò bảo vệ và nâng đỡ chân răng. Vì vậy bạn nên chú trọng việc chăm sóc nướu (lợi) nhằm duy trì sức khỏe răng miệng và giảm thiểu nguy cơ phát triển các vấn đề nha khoa.
1. Chú trọng bước vệ sinh răng miệng
Thói quen chải răng thông thường không thể làm sạch và loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và mảng bám có trong khoang miệng. Mảng bám không được làm sạch tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, gây ra quá trình khoáng hóa, tạo vôi răng và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.
Vì vậy bạn nên xây dựng quy trình vệ sinh răng miệng đúng cách với các bước sau đây:
- Chải răng 2 – 3 lần ngày với bàn chải có lông mềm. Khi chải răng, cần đặt bàn chải nằm giữa răng và nướu để làm sạch hoàn toàn mảng bám ở răng và hại khuẩn tích tụ ở mô nướu.
- Nên lựa chọn bàn chải có mặt chải cho lưỡi và má trong. Sau khi chải răng, nên sử dụng mặt sau của bàn chải chà nhẹ lên phần lưỡi và má trong để loại bỏ hại khuẩn và thức ăn thừa tích tụ.
- Với những kẽ răng khuất và khó làm sạch, sử dụng chỉ nha để làm sạch hoàn toàn mảng bám sinh học.
- Cuối cùng, dùng nước súc miệng chứa dung dịch diệt khuẩn và khoáng chất để tiêu diệt vi khuẩn và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Ngoài ra khi vệ sinh răng miệng, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Tuyệt đối không chải răng ngay sau khi ăn vì thời điểm này độ pH trong khoang miệng chưa ổn định. Nếu chải răng trong thời điểm này, men răng có thể bị hư hại, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nướu, nha chu và bệnh sâu răng.
- Mô nướu mềm và khá nhạy cảm, vì vậy khi chải răng bạn nên thao tác nhẹ nhàng. Chải răng mạnh có thể khiến nướu chảy máu, tổn thương, làm mòn men răng và gây tụt lợi.
- Thời gian chải răng chỉ nên kéo dài từ 2 – 3 phút. Chải răng quá lâu có thể làm hư hại men, nướu răng và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.
2. Cạo vôi răng 6 tháng/ lần
Vôi răng là kết quả do quá trình khoáng hóa mảng bám sinh học. Thông thường, mảng bám dễ bị loại bỏ thông qua việc chải răng và dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên vôi răng có kết cấu cứng, bám chặt vào chân răng nên rất khó để làm sạch hoàn toàn. Chính vì vậy vi khuẩn Streptococcus mutans có xu hướng xâm nhập vào vôi răng, bài tiết axit và độc tố gây hư hại men răng và mô nướu.
Thói quen cạo vôi răng 6 tháng/ lần có thể làm sạch hoàn toàn cao răng ứ đọng, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, bảo vệ sức răng miệng nói chung và mô nướu nói riêng. Ngoài ra, cạo vôi răng thường xuyên còn giúp giữ hàm răng trắng sáng, cải thiện tình trạng răng ố vàng và xỉn màu.
3. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Bên cạnh thói quen vệ sinh răng miệng, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm chăm sóc nướu và răng một cách toàn diện. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học có thể duy trì hàm răng chắc khỏe, sáng màu và giảm các bệnh lý liên quan đến răng và mô nướu như bệnh nha chu, sâu răng,…
Chế độ ăn uống khoa học giúp chăm sóc và bảo vệ mô nướu:
- Cần uống đủ 2 lít nước/ ngày. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể có thể kích thích bài tiết nước bọt, giảm số lượng hại khuẩn và hỗ trợ loại bỏ thức ăn thừa bám trong kẽ răng.
- Bổ sung nhóm thực phẩm có tác dụng làm sạch mảng bám như sữa chua, rau xanh và trái cây. Hạn chế các thực phẩm và đồ uống làm tăng hình thành mảng bám như thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột, các loại hạt, nước ngọt có gas,…
- Nên ăn chậm nhai kỹ, hạn chế ăn/ uống đồ quá nóng/ lạnh, cay, chua và thực phẩm khô cứng. Các loại thực phẩm và đồ uống này có thể gây hư hại men răng, tổn thương mô nướu và tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa.
- Cung cấp thực phẩm chứa thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe răng miệng như canxi, fluoride, axit amin, vitamin C, D, E,…
- Hạn chế thực phẩm có màu đậm như thực phẩm chứa phẩm màu nhân tạo, cà phê và trà đặc. Các thực phẩm này có thể khiến răng ố vàng và làm giảm chức năng thẩm mỹ của răng miệng.
4. Thay đổi thói quen xấu
Ngoài chế độ dinh dưỡng và các biện pháp vệ sinh răng miệng, sức khỏe của nướu còn phụ thuộc vào một số thói quen hàng ngày. Để bảo vệ mô nướu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa, bạn nên thay đổi một số thói quen sau:
- Tuyệt đối không dùng tăm xỉa răng. Thói quen này có thể khiến răng thưa, gây chảy máu mô nướu và tạo điều kiện để hại khuẩn xâm nhập, gây viêm nướu hoặc viêm nha chu.
- Không dùng răng để cạy nắp, cắn/ xé bao bì. Các hoạt động này không chỉ gây hư hại men răng mà còn làm tăng áp lực lên mô nướu, gây đau nhức và chảy máu.
- Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, bạn nên luyện tập thể thao và giải tỏa căng thẳng để cải thiện. Nghiến răng kéo dài có thể khiến men răng bị hư tổn và gây kích thích mô nướu.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá vì các thành phần độc hại trong khói thuốc có thể khiến răng ố vàng và kích thích hại khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh.
5. Thăm khám nha khoa định kỳ
Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần là biện pháp chăm sóc nướu quan trọng mà nhiều người bỏ qua. Việc thăm khám thường xuyên có thể giúp nha sĩ xác định tình trạng răng miệng, các vấn đề bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.
Các bệnh lý nha khoa (sâu răng, viêm nha chu và viêm nướu) thường có tiến triển chậm và ít khi gây ra triệu chứng điển hình trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy nếu không tiến hành thăm khám thường xuyên, bệnh lý có thể tiến triển nặng nề, gây hư hại mô nướu nghiêm trọng và tăng nguy cơ mất răng.
Bài viết đã tổng hợp cách chăm sóc nướu khỏe mạnh giúp ngăn ngừa bệnh nha chu, viêm nướu và một số vấn đề nha khoa khác. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc có thể dễ dàng bảo vệ sức khỏe răng miệng nói chung và mô nướu nói riêng.
Tham khảo thêm: Vi khuẩn gây sâu răng là gì? Phòng ngừa bệnh sâu răng bằng cách nào?
Ngày Cập nhật 13/01/2020