Bị đau nhức kẽ răng là do đâu? Làm sao khỏi?

Kẽ răng bị đau nhức thường xảy ra do vệ sinh răng miệng kém, sử dụng tăm xỉa răng thường xuyên và lạm dụng miếng dán trắng răng. Ngoài ra trong một số trường hợp, triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của bệnh sâu răng, thiếu sản men răng và viêm kẽ chân răng.

Đau Nhức Kẽ Răng
Bị đau nhức kẽ răng là do đâu? Phải làm sao để khắc phục?

Bị đau nhức kẽ răng là do đâu?

Kẽ răng là vị trí nằm ở giữa hai răng liền kề. Do có vị trí hẹp, khuất và khó làm sạch nên thức ăn thừa dễ bám vào kẽ răng, làm tăng sinh cao răng và bùng phát các vấn đề nha khoa.

Trường hợp bị đau nhức ở kẽ răng thường xảy ra răng và mô nướu bao xung quanh bị kích thích. Các nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này, bao gồm:

1. Sâu kẽ răng

Sâu kẽ răng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức kẽ răng thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi mảng bám ở kẽ răng không được làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn Streptococcus mutans xâm nhập, gây vôi răng và thúc đẩy quá trình hủy khoáng (hủy khoáng là quá trình vi khuẩn tấn công và làm mất mô cứng của răng).

Ở giai đoạn đầu, sâu răng kẽ thường không gây đau nhức và khó chịu. Tuy nhiên khi vi khuẩn gây hư hại hoàn toàn men răng và xâm nhập vào ngà răng, bạn có thể gặp phải tình trạng ê buốt và đau nhức ở kẽ răng khi ăn uống.

2. Do thức ăn ứ đọng tại kẽ răng

Đau nhức kẽ răng có thể xảy ra do thức ăn giắt vào kẽ, gây kích thích mô nướu và chân răng. Tình trạng này thường xảy ra sau khi ăn thịt, hải sản và một số thực phẩm khô, cứng,…

Nếu không vệ sinh đúng cách, thức ăn có thể mắc kẹt ở kẽ răng lâu ngày và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm nướu.

3. Thói quen dùng tăm xỉa răng

Xỉa răng giúp loại bỏ thức ăn thừa và giảm nguy cơ hình thành mảng bám ở kẽ răng. Tuy nhiên xỉa răng thường xuyên có thể khiến răng bị thưa, gây tổn thương mô nướu và chảy máu chân răng.

Đau Nhức Kẽ Răng
Dùng tăm xỉa răng gây tổn thương, chảy máu mô nướu và đau nhức kẽ răng

Ngoài ra thói quen này còn ảnh hưởng đến men răng, gây đau nhức kẽ răng và tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa.

4. Viêm kẽ chân răng

Viêm kẽ chân răng xảy ra khi cao răng tích tụ ở kẽ, gây kích thích mô nướu khiến nướu chảy máu, sưng đỏ và đau nhức. Ngoài ra bệnh lý này còn gây đau nhức ở kẽ/ chân răng, khiến răng suy yếu và lung lay.

5. Thiếu sản men răng

Thiếu sản men răng là tình trạng răng suy yếu do thiếu hụt fluoride và canxi. Khi không có đủ khoáng chất để sản sinh và tái tạo men răng, răng thường có xu hướng nhạy cảm, ê buốt và dễ tổn thương khi có yếu tố tác động.

Một trong những triệu chứng thường gặp của tình trạng này là răng ê buốt, đau nhức kẽ răng, răng lung lay và giảm chức năng nhai.

6. Một số nguyên nhân khác

Ngoài ra tình trạng đau nhức kẽ răng còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:

Đau Nhức Kẽ Răng
Lạm dụng miếng làm trắng có thể bào mòn men răng và gây hư hại mô nướu
  • Đánh răng mạnh, lâu hoặc đánh răng hơn 3 lần/ ngày: Các thói quen này có thể khiến men răng bị tổn thương, tăng độ nhạy cảm của răng và khiến kẽ răng đau nhức.
  • Lạm dụng miếng dán răng: Các miếng dán làm trắng răng thường chứa chất tẩy mạnh, giúp đánh bật mảng răng ố vàng và duy trì hàm răng trắng sáng. Tuy nhiên nếu lạm dụng các sản phẩm này, men răng có thể bị bào mòn, dẫn đến tình trạng đau nhức kẽ răng và tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa.
  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Kẽ răng là vị trí hẹp, khuất và khó làm sạch. Do đó nếu không vệ sinh răng miệng kỹ, thức ăn thừa có thể ứ đọng, sau đó hình thành vôi răng gây kích thích mô nướu và làm tổn thương kẽ răng.
  • Hệ quả sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa: Đau nhức kẽ răng cũng có thể là hệ quả sau khi cạo vôi răng, trám răng hoặc điều trị nội nha (rút tủy răng). Nếu xảy ra do nguyên nhân này, triệu chứng thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

Các biện pháp khắc phục đau nhức kẽ răng

Đau nhức kẽ răng có thể gây khó khăn khi ăn uống và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa tình trạng này kéo dài còn tác động xấu đến sức khỏe răng miệng, khả năng nhai và làm tăng nguy cơ các bệnh lý nha khoa.

Vì vậy khi kẽ răng bị đau nhức, bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách, áp dụng biện pháp giảm đau tại nhà hoặc can thiệp điều trị y tế trong trường hợp cần thiết.

1. Chăm sóc răng miệng đúng cách

Phần lớn nguyên nhân gây đau nhức ở kẽ răng đều bắt nguồn từ thói quen vệ sinh răng miệng. Do đó để làm giảm triệu chứng này, bạn cần:

Đau Nhức Kẽ Răng
Chăm sóc răng miệng khoa học giúp loại bỏ thức ăn thừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh nha khoa
  • Chải răng 2 – 3 lần/ ngày với bàn chải có kích cỡ phù hợp với cung hàm và đầu lông mềm. Khi chải răng nên thao tác nhẹ nhàng để tránh tổn thương nướu và làm mòn men răng. Ngoài ra cần lưu ý thời gian đánh răng (2 – 3 phút) và tránh chải răng quá lâu.
  • Với những kẽ răng nằm ở vị trí khuất, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn thừa, ngăn ngừa mảng bám và giảm nguy cơ viêm nhiễm nướu.
  • Sử dụng nước súc miệng chứa thành phần diệt khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng.
  • Tuyệt đối không dùng tăm xỉa răng và lạm dụng miếng dán trắng răng. Nếu có nhu cầu tẩy trắng răng, bạn nên liên hệ với bác sĩ Răng hàm mặt để được tư vấn cụ thể.

2. Áp dụng biện pháp giảm đau tại nhà

Ngoài thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách, bạn cũng có thể giảm cơn đau tức thì với một số biện pháp tại nhà như:

Đau Nhức Kẽ Răng
Để giảm đau nhức kẽ răng tại nhà, có thể súc miệng với nước muối, ngậm gừng tươi,…
  • Súc miệng với nước muối ấm: Đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng có thể giảm nhanh tình trạng chảy máu chân răng, đau nhức kẽ răng và sưng mô nướu. Ngoài ra nước muối còn có đặc tính kháng viêm, sát trùng và ức chế vi khuẩn có hại.
  • Ngậm gừng tươi: Gừng tươi có vị cay, tính nồng và mùi thơm đặc trưng. Vì vậy ngậm gừng tươi có thể loại bỏ hơi thở có mùi, sát trùng và giảm đau nhức kẽ răng rõ rệt. Bên cạnh đó, hoạt chất Gingerol và Zingerone trong thảo dược này còn hỗ trợ làm giảm viêm và tấy ở mô nướu bao xung quanh răng.
  • Sử dụng gel lô hội: Nếu đau nhức kẽ răng đi kèm với tình trạng mô nướu sưng đỏ, chảu máu, bạn nên thoa gel nha đam trực tiếp lên kẽ răng, để trong 5 phút và súc miệng với nước sạch. Gel lô hội chứa nhiều đường và axit amin, giúp làm dịu mô nướu tổn thương, giảm viêm và hỗ trợ ức chế hại khuẩn Streptococcus mutans trong khoang miệng.

Các biện pháp tại nhà chỉ đem lại tác dụng tạm thời. Vì vậy bạn nên phối hợp với cách chăm sóc răng miệng khoa học nhằm bảo vệ răng, mô nướu và cải thiện các triệu chứng khó chịu.

3. Điều trị dứt điểm bệnh lý nguyên nhân

Trong trường hợp đau nhức kẽ răng kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ Nha khoa để được thăm khám và điều trị bệnh lý nguyên nhân (viêm kẽ chân răng, sâu răng, thiếu sản men răng,…).

Đau Nhức Kẽ Răng
Nếu đau nhức kẽ răng do sâu răng, viêm kẽ chân răng, bạn cần thăm khám và can thiệp điều trị y tế

Dưới đây là một số biện pháp y tế có thể được chỉ định:

  • Hàn răng sâu: Hàn răng sâu được thực hiện khi sâu răng mới xảy ra ở men răng và ngà răng. Thủ thuật này sử dụng vật liệu nhân tạo để trám đầy lỗ hổng nhằm phục hồi hình dạng và chức năng nhai của răng.
  • Rút tủy răng: Khi sâu răng ăn vào tủy, bạn cần phải rút tủy răng để ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng và giảm nguy cơ mất răng. Sau khi rút dịch tủy bị hoại tử, bác sĩ sẽ làm sạch khoang tủy và lấp đầy bằng nhựa composite.
  • Sử dụng kem đánh răng chứa fluoride: Trong trường hợp viêm kẽ chân răng hoặc thiếu sản men răng, bạn cần sử dụng kem đánh răng chứa fluoride để kích thích quá trình tái khoáng, ức chế vi khuẩn có hại và phục hồi mô nướu bị tổn thương.
  • Lấy cao răng: Cao răng tích tụ là nguyên nhân gây viêm kẽ chân răng, nướu chảy máu và sưng đỏ. Vì vậy nha sĩ có thể tiến hành cạo vôi răng để giảm mức độ kích thích lên răng, mô nướu và làm giảm triệu chứng đau nhức.

Trên thực tế, đau nhức kẽ răng còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 2 – 3 ngày chăm sóc tại nhà, bạn nên tiến hành thăm khám để được điều trị trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm: 17 Cách chữa đau răng hiệu quả giúp giảm đau nhanh chóng

Ngày Cập nhật 14/10/2021