Đau răng cấm: Nguyên nhân và các biện pháp giảm đau nhanh
Răng cấm hay còn gọi là răng hàm số 6, 7 hay răng hàm thứ nhất và thứ hai. Chúng thường mọc ở độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi. Răng hàm thứ ba chính là răng khôn. Tuy nhiên, chúng thường mọc sau khi bạn đã bước vào độ tuổi trưởng thành, từ 17 đến 30 tuổi. Răng cấm dễ bị đau và dễ mắc phải một số vấn đề về răng miệng khác. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về tình trạng đau răng cấm và biện pháp giảm đau.
Nguyên nhân dẫn đến đau răng cấm
Răng cấm (răng hàm số 6, 7 hay răng hàm thứ nhất và thứ hai) là những răng phải chịu nhiều lực tác động khi nhai. Chính vì thế những răng này thường bị tổn thương. Các tổn thương có thể xuất hiện từ đơn giản đến phức tạp. Tình trạng đau răng cấm có thể xuất hiện một cách âm ỉ hay dữ dội. Khi mắc bệnh, người bệnh có thể cảm nhận được cơn đau xảy ra ở một vị trí hoặc trên toàn bộ hàm.
Tình trạng răng cấm bị đau có thể xảy ra do chính vấn đề ở răng hay bắt nguồn bởi một tình trạng nào khác không liên quan. Bên cạnh đó một trong các nguyên nhân gây đau có thể liên quan đến nhau.
Những nguyên nhân phổ biến khiến răng hàm số 6, 7 bị đau, gồm:
Nhạy cảm với nhiệt độ
Khi tình trạng răng cấm bị sâu tiến triển mạnh và khi men răng bị mòn sẽ khiến các dây thần kinh bên trong răng có cơ hội va chạm, tiếp xúc với các loại đồ ăn thức uống. Trong trường hợp này, bạn sẽ nhận thấy răng vô cùng nhạy cảm khi tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng dẫn đến đau răng.
Nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh có thể là biểu hiện của tình trạng gãy răng, sâu răng, bệnh nướu răng hay vết trám của răng cũ bị bong ra.
Đối với trường hợp răng cấm nhạy cảm với nhiệt độ ở mức độ nhẹ, diễn ra trong một thời gian ngắn, bạn có thể lựa chọn và sử dụng những loại kem đánh răng mang công thức đặc biệt dành riêng cho răng nhạy cảm. Đồng thời nhẹ nhàng chải răng lên xuống.
Áp xe răng
Tình trạng áp xe răng sẽ xảy ra khi hiện tượng nhiễm trùng hình thành và phát triển mạnh ở răng cấm cùng với lỗ sâu răng không thể điều trị được. Triệu chứng của áp xe răng có thể xuất hiện ngay trên đường viền nướu hoặc ở gần chân răng.
Người bệnh có thể hình dung, áp xe tương tự như một túi mủ hình thành do bệnh sâu răng, do không cẩn thận khi thực hiện những thao tác nha khoa dẫn đến răng bị tổn thương.
Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn tiến hành phẫu thuật để làm sạch vị trí đang bị nhiễm trùng hoặc lấy tủy răng. Cuối cùng răng cấm sẽ được bao bọc bởi mão răng để bảo vệ toàn diện.
Viêm nha chu
Tình trạng nhiễm trùng nướu răng có khả năng tác động và làm ảnh hưởng đến các răng cấm. Từ đó khiến bạn thường xuyên có cảm giác đau nhức khi thực hiện hoạt động nhai và nghiền thức ăn. Tình trạng này làm hỏng các mô nướu, gây viêm và làm mòn xương ổ răng. Nếu không sớm tiến hành điều trị, người bệnh có khả năng bị mất răng.
Ngoài ra bệnh viêm nha chu còn được xem là yếu tố nguy cơ đối với bệnh đái tháo đường và bệnh động mạch vành. Khi bệnh xuất hiện, nha sĩ sẽ giúp bạn điều trị từ giai đoạn đầu. Cụ thể:
- Loại bỏ các loại vi khuẩn trong răng và loại bỏ cao răng
- Làm láng mặt gốc của răng, loại bỏ hoàn toàn những điểm thô nhám để ngăn ngừa vi khuẩn tụ tập
- Sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc dùng tại chỗ
- Phương pháp phẫu thuật sẽ áp dụng cho những trường hợp mắc bệnh viêm nha chu ở giai đoạn nặng.
Nứt, vỡ răng
Vết trám có thể bị nứt hay răng của bạn có thể bị mẻ do chấn thương hoặc do răng suy yếu theo thời gian. Tình trạng đau răng cấm trong trường hợp này sẽ xảy ra khi bạn ăn và uống những loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Đôi khi cơn đau sẽ nhói lên một cách đột ngột.
Để khắc phục cơn đau, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bệnh nhân trám lại những vết nứt và khôi phục chức năng răng hàm.
Sâu răng, viêm tủy
Tình trạng sâu răng sẽ xảy ra trong răng cấm khi bạn vệ sinh và chăm sóc răng miệng không đúng cách. Đặc biệt là ở những người dễ có nguy cơ bị sâu răng hơn so với bình thường. Đôi khi người bệnh sẽ nhận thấy tại những răng cấm bị sâu có cảm giác đau buốt hoặc đau nhói.
Nếu quá trình viêm nhiễm bên trong răng xảy ra do sâu răng nhưng không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị viêm tủy. Tình trạng này cần được điều trị sớm, trước khi răng cấm bị hỏng vĩnh viễn.
Căn cứ vào kết quả chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của tình trạng sâu răng, người bệnh có thể sẽ phải trám răng, lấy tủy răng hoặc bọc mão răng để khác phục bệnh. Trong trường hợp bạn bị viêm tủy, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành lấy tủy. Đồng thời giúp khoang trống trong răng được làm sạch hoàn toàn. Từ đó giúp điều trị triệt để tình trạng nhiễm trùng.
Trám răng là phương pháp chữa sâu răng được sử dụng phổ biến. Vật liệu trám răng khi được đặt vào lỗ sâu sẽ giúp bảo vệ răng. Đồng thời phòng ngừa sự sinh sôi trở lại của các loại vi khuẩn.
Viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang
Ở một số trường hợp, tình trạng viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang có thể khiến răng cấm ở hàm trên bị đau nhức. Điều này xuất hiện là do các răng cấm hàm trên nằm gần xoang. Khi xoang bị nhiễm trùng hoặc bị viêm sẽ tạo áp lực lan tỏa xuống răng hàm và lên đầu.
Đối với trường hợp này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra và chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của tình trạng viêm xoang, nhiễm trùng xoang. Cuối cùng là áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp giúp giảm đau.
Sự ảnh hưởng bởi răng khôn
Sự phát triển của răng khôn có thể khiến cho răng hàm thứ hai bị ảnh hưởng dẫn đến đau nhói từ bên dưới nướu. Điều này thường xuất hiện khi răng khôn mọc lệch hoặc không thể phá vỡ nướu để mọc lên. Trong trường hợp không sớm điều trị, các răng hàm xung quang cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Đồng thời chịu nhiều biến chứng nặng nề.
Đối với trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét và yêu cầu bạn phẫu thuật loại bỏ răng khôn. Phương pháp này sẽ giúp bạn giảm đau và hạn chế nguy cơ hình thành thêm các vấn đề khác về răng miệng.
Nghiến răng
Nghiến răng là một thói quen xấu. Thói quen này có thể khiến răng cấm bị đau. Tuy nhiên đa phần, người bệnh sẽ không thể kiểm soát được hành động khiến răng khi chúng diễn ra vào ban đêm. Đặc biệt là trong lúc bạn đang ngủ say. Lớp men răng sẽ mòn dần theo thời gian. Cuối cùng là dẫn đến tình trạng đau răng cấm.
Để hạn chế những tác hại hình thành do tình trạng nghiến răng gây ra, bác sĩ chuyên khoa khuyên người bệnh nên sử dụng một dụng cụ giúp hỗ trợ và bảo vệ răng vào mỗi buổi tối. Bên cạnh đó, bạn cũng cần điều chỉnh hành vi và lối sống của mình. Từ bỏ thói quen nghiến răng càng sớm càng tốt.
Vấn đề về hàm
Tình trạng đau răng cấm có thể xuất hiện khi hàm hoạt động không như bình thường. Trong đó có tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm. Tình trạng này khiến các cơ hàm cũng như làm những khu vực xung quanh hàm bị đau. Từ đó dẫn đến hiện tượng người bệnh đau nhiều khi thực hiện hoạt động cắn hoặc nhai.
Đối với bệnh rối loạn khớp thái dương hàm xảy ra ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) để điều trị tại nhà. Ngoài ra bác sĩ chuyên khoa có thể kê cho bạn một đơn thuốc có chứa những loại thuốc giãn cơ hoặc chỉ định bạn sử dụng những liệu pháp điều trị khác. Phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng đối với các trường hợp nghiêm trọng.
Triêu chứng đau răng cấm
Tình trạng đau răng cấm có thể chỉ xảy ra ở một vị trí răng hàm đang mắc bệnh và bị tổn thương hoặc cơn đau sẽ lan tỏa sang các răng xung quanh. Triệu chứng của tình trạng đau răng hàm còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân. Tuy nhiên, nhìn chung, khi bị đau người bệnh sẽ mắc phải một số triệu chứng sau:
- Đau đầu
- Đau gần tai
- Sốt
- Đau khi nhai
- Đau nhói
- Nhạy cảm với thức uống hay các loại thực phẩm lạnh hoặc nóng
- Đau nhức xoang
- Đau gần hàm
- Chảy máu nướu hoặc sưng nướu
- Có cảm giác nhói buốt trong hàm
- Đau nặng nề hơn vào ban đêm
- Cơ hàm bị căng cứng.
Những biện pháp giảm đau răng cấm
Mỗi nguyên nhân khiến răng cấm bị đau đều dẫn đến nhiều cách điều trị đau răng tương ứng. Trong đó sẽ có một số cách giúp bạn kiểm soát tình trạng đau răng tức thời.
Tuy nhiên để cơn đau được điều trị tận gốc, bạn cần thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa. Sau đó tìm ra nguyên nhân gây đau và có phương pháp chữa trị thích hợp. Hoạt động này cũng sẽ giúp bạn phòng ngừa những rủi ro không mong muốn.
Để tình trạng đau răng cấm được cải thiện, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tạm thời dưới đây:
- Sử dụng thuốc giảm đau phổ biến như paracetamol hoặc sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
- Áp dụng biện pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng mặt đang có răng cấm bị đau.
- Sử dụng một số loại thuốc bôi tại chỗ với benzocain theo sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên bạn cần lưu ý những loại thuốc có chứa benzocain thường kèm theo một vài tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế thuốc không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nếu muốn đưa loại thuốc này vào quá trình chữa trị.
Biện pháp phòng ngừa đau răng cấm
Tình trạng đau răng cấm có thể được phòng ngừa bằng một số biện pháp đơn giản. Bên cạnh đó nguyên nhân gây đau cũng sẽ được kiểm soát bằng cách vệ sinh răng miệng thật tốt và điều chỉnh lối sống phù hợp.
- Tránh uống và ăn những loại thực phẩm chứa nhiều đường
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng
- Không nhai hạt bỏng ngô, đá lạnh hay những thứ cứng khác
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm hoặc uống đồ uống quá lạnh hay quá nóng
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau mỗi bữa ăn bằng nước lọc
- Đánh răng 2 lần/ngày
- Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ các loại thức ăn bám trên kẽ răng
- Kiểm tra răng miệng thường xuyên cùng với bác sĩ chuyên khoa
- Thay mới bàn chải đánh răng mỗi 3 tháng/lần hoặc thay mới bàn chải khi nhận thấy bàn chải bị mòn, bị tưa.
Đối với những bệnh nhân có vấn đề về răng miệng, vấn đề vế nướu hay đau hàm, bạn cần đến phòng khám nha khoa ngay khi phát hiện bệnh. Bởi việc trì hoãn quá trình kiểm tra, chẩn đoán và điều trị đau răng cấm có thể làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề răng miệng nghiêm trọng khác.
Ngày Cập nhật 14/08/2021