Đau răng khôn: Nguyên nhân và cách xử lý triệt để
Đau răng khôn là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm bảo vệ chân răng và mô nướu khỏi viêm nhiễm. Tuy nhiên trên thực tế, triệu chứng này có thể phát sinh do răng khôn mọc ngang, mọc lệch, mọc ngầm hoặc do ảnh hưởng của bệnh sâu răng và viêm nướu.
Nguyên nhân gây đau răng khôn
Răng khôn (răng số 8) là răng cấm thứ 3 và thường mọc vào độ tuổi trưởng thành (từ 16 – 25 tuổi). Trong quá trình mọc, răng khôn có thể gây đau nhức do một số nguyên nhân như:
- Phản ứng tự nhiên của cơ thể: Khi mọc răng khôn và răng ở các vị trí khác, mô nướu thường có xu hướng sưng đỏ và gây đau nhức. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do cơ thể tăng tế bào bạch cầu ở các hạch lympho nhằm bảo vệ răng và lợi khỏi vi khuẩn có hại.
- Răng khôn mọc lệch, mọc ngang và mọc ngầm: Răng số 8 thường mọc trễ hơn so với răng ở các vị trí khác. Vì vậy răng khôn thường không có đủ không gian ở cung hàm và có xu hướng mọc lệch, mọc ngầm, mọc ngang và gây chèn ép các răng lân cận. Tình trạng này gây kích thích mô nướu, tổn thương răng số 7 và làm phát sinh triệu chứng đau nhức.
- Răng khôn bị sâu: Răng khôn nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm. Vì vậy mảng bám và thức ăn thừa có thể không được làm sạch hoàn toàn. Theo thời gian, hại khuẩn có xu hướng xâm nhập vào mảng bám, gây vôi răng, tạo ra quá trình hủy khoáng và gây bệnh sâu răng. Sâu răng kéo dài làm hư hại chân răng, tổn thương mô nướu, gây đau nhức và ê buốt.
- Viêm nướu ở răng khôn: Vùng nướu bao quanh răng khôn cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm cao hơn các vị trí khác. Vì vậy đau nhức răng số 8 có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu (viêm lợi).
Đau răng khôn và dấu hiệu nhận biết
Đau răng khôn dễ nhận biết hơn so với răng ở các vị trí khác. Để nhận biết tình trạng này, bạn có thể dựa vào các triệu chứng sau:
- Có cảm giác đau nhức ở phía trong cùng của hàm trên hoặc hàm dưới
- Nướu sưng đau và có màu sắc thay đổi (thường là màu đỏ thẫm hoặc màu tím)
- Có thể bị hôi miệng và chảy máu chân răng
- Trường hợp răng số 8 chèn ép răng lân cận có thể gây ê buốt, khó chịu và đau nhức lan tỏa từ phía trong cùng ra bên ngoài cung hàm.
- Nếu bị sâu răng, có thể quan sát thấy mặt răng số 8 xuất hiện chấm đen và lỗ hổng
Đau nhức răng khôn có nguy hiểm không?
Nếu răng khôn mọc thẳng và không gây chèn ép các răng lân cận, triệu chứng đau nhức sẽ giảm nhanh trong vài ngày. Tuy nhiên nếu cơn đau xảy ra do răng mọc ngầm, mọc ngang, mọc lệch hoặc do các bệnh lý nha khoa như viêm nướu, sâu răng, tình trạng có thể kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.
Nếu không kịp thời xử lý, đau răng khôn có thể gây:
- Tổn thương răng số 7: Răng khôn mọc lệch có thể chèn ép răng số 7, khiến răng ở vị trí này bị đau nhức, ê buốt và có nguy cơ sâu răng cao.
- U nang xương hàm: U nang xương hàm là biến chứng xảy ra khi răng khôn mọc lệch gây tiêu chân răng số 7 và có xu hướng thoái hóa thành u nang. U nang hình thành có thể gây tổn thương dây thần kinh, các răng lân cận và làm hư hại xương hàm.
- Rối loạn về cảm giác và phản xạ: Đau răng khôn do mọc lệch có thể gây chèn ép dây thần kinh và phát sinh tình trạng rối loạn cảm giác, phản xạ. Trong trường hợp nặng, tình trạng này có thể dẫn đến hội chứng giao cảm (đỏ quanh ổ mắt và đau 1 bên mặt).
Cách làm giảm đau răng khôn triệt để
Đau răng khôn gây khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy khi triệu chứng bùng phát, bạn nên chủ động can thiệp các biện pháp cải thiện sau:
1. Mẹo giảm đau răng khôn tại nhà
Với những trường hợp đau răng khôn có mức độ nhẹ, bạn có thể xử lý nhanh cơn đau với những mẹo sau đây:
- Chườm đá: Để giảm tình trạng đau nhức, ê buốt và sưng viêm ở răng số 8, bạn có thể dùng túi đá chườm bên ngoài. Nhiệt độ lạnh sẽ thẩm thấu với mạch máu giúp giảm viêm và cải thiện cơn đau đáng kể.
- Súc miệng với nước muối: Súc miệng với nước muối là biện pháp giảm sưng nướu và đau nhức răng được áp dụng phổ biến. Biện pháp này có tác dụng cải thiện các triệu chứng khó chịu và hỗ trợ loại bỏ các vi khuẩn có hại trong khoang miệng.
- Sử dụng túi trà: Túi trà chứa tannin và các chất chống oxy hóa dồi dào, có khả năng giảm viêm ở mô nướu và cải thiện cơn đau. Để giảm đau nhức răng khôn, bạn cho túi trà vào nước sôi hãm trong 3 phút. Sau đó đem túi trà cất vào tủ lạnh trong vài phút và dùng đắp trực tiếp lên khu vực đau nhức.
- Nhai lá bạc hà: Tinh dầu và các hợp chất thực vật trong thảo dược này có tác dụng giảm viêm, làm dịu cơn đau và cải thiện tình trạng hôi miệng. Vì vậy bạn có thể nhai trực tiếp vài lá bạc hà để giảm đau nhức răng và đem lại hơi thở thơm mát.
2. Can thiệp biện pháp y tế
Trong trường hợp đau răng khôn do bắt nguồn từ các bệnh lý nha khoa như răng khôn mọc ngang, mọc ngầm, sâu răng số 8 hoặc viêm nướu, bạn cần thăm khám và can thiệp các biện pháp y tế.
Tuy nhiên trước khi điều trị, nha sĩ cần thăm khám thực thể và chụp X-Quang để xác định tình trạng bệnh lý, mức độ tổn thương nhằm đề xuất hướng điều trị thích hợp.
– Cắt bỏ lợi trùm răng khôn:
Nếu răng khôn mọc thẳng và bị lợi trùm lên khiến răng mắc kẹt, tạo kẽ hở giữa nướu và răng, nha sĩ sẽ đề nghị cắt bỏ lợi trùm răng khôn.
Thủ thuật này là tiểu phẫu nha khoa đơn giản và dễ thực hiện. Nha sĩ sẽ dùng dao cắt bỏ phần lợi che phủ răng số 8 nhằm giúp răng mọc lên dễ dàng, giảm sưng viêm nướu và hạn chế phát triển các bệnh nha khoa.
– Nhổ răng khôn:
Nhổ răng khôn được chỉ định khi răng mọc lệch, mọc ngang, gây chèn ép răng số 7 hoặc răng có dấu hiệu bị sâu. Răng số 8 không có đóng góp trong chức năng thẩm mỹ và hoạt động nhai, chính vì vậy bác sĩ luôn ưu tiên nhổ bỏ trong trường hợp không có chống chỉ định.
Sau khi nhổ bỏ, tình trạng đau nhức sẽ thuyên giảm hoàn toàn sau 5 – 10 ngày. Bên cạnh đó, biện pháp này còn hạn chế nguy cơ viêm nhiễm và tổn thương răng số 7.
Tuy nhiên người có các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch nặng, tiểu đường, rối loạn đông máu, phải thường xuyên sử dụng thuốc chống đông, nhiễm trùng máu, đang mang thai,… không nên nhổ răng khôn. Với những trường hợp này, bác sĩ Nha khoa sẽ chỉ định các biện pháp bảo tồn như dùng thuốc, trám răng và rút tủy.
– Điều trị viêm nướu
Nếu răng số 8 mọc thẳng và bị đau nhức do viêm nướu, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp điều trị như:
- Sử dụng dung dịch súc miệng và kem đánh răng chứa fluoride.
- Dùng dung dịch sát khuẩn hoặc gel bôi tại chỗ.
- Làm sạch kẽ răng với chỉ nha khoa.
- Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.
Trong trường hợp viêm nướu xảy ra ở người có răng khôn mọc lệch, điều trị ưu tiên là nhổ bỏ răng. Nếu bệnh nhân không thể can thiệp ngoại khoa, nha sĩ sẽ chỉ định các biện pháp bảo tồn nhằm trì hoãn biện pháp này.
Phòng ngừa đau nhức răng khôn bằng cách nào?
Răng khôn nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm. Do đó ngay cả khi mọc thẳng, răng ở vị trí này vẫn có nguy cơ mắc các bệnh nha khoa cao. Chính vì vậy bạn nên phòng ngừa triệu chứng đau nhức răng khôn và các bệnh nha khoa với những biện pháp sau đây:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày và mỗi lần kéo dài từ 2 – 3 phút.
- Khi vệ sinh răng miệng, cần chú ý làm sạch khu vực răng khôn và răng số 7. Khi chải răng, nên thao tác nhẹ nhàng để loại bỏ mảng bám sinh học và hạn chế xây xước mô nướu.
- Để làm sạch răng khôn và mô nướu sâu bên trong, nên sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng chứa thành phần diệt khuẩn.
- Cung cấp từ 2 – 2.5 lít nước lọc/ ngày. Thói quen uống đủ nước không chỉ đảm bảo quá trình trao đổi chất mà còn giúp điều hòa lượng nước bọt trong khoang miệng và giảm nguy cơ viêm nhiễm mô nướu.
- Tránh các thực phẩm và đồ uống gây mảng bám sinh học và tăng hoạt động của hại khuẩn như thức uống có gas, thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo, rượu bia và cà phê.
- Bổ sung các thực phẩm có khả năng hỗ trợ làm sạch và cân bằng hệ vi sinh trong răng miệng như rau xanh, nước, sữa chua, trái cây,…
- Tránh hút thuốc lá vì nicotine và một số hóa chất trong khói thuốc có thể gây chết lợi khuẩn và làm tăng số lượng hại khuẩn trong khoang miệng. Ngoài ra thói quen này còn khiến hơi thở có mùi khó chịu.
- Cạo vôi răng thường xuyên giúp hạn chế tình trạng vi khuẩn bùng phát, gây hủy khoáng và hư hại mô cứng của răng.
- Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần hoặc tái khám theo lịch hẹn của nha sĩ.
Đau nhức răng khôn có thể xảy ra do phản ứng tự nhiên của cơ thể nhưng cũng có thể khởi phát do các bệnh lý nha khoa. Nếu nhận thấy triệu chứng không thuyên giảm sau khi chăm sóc tại nhà, bạn nên tìm gặp nha sĩ để chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Tham khảo thêm: Răng khôn bị sâu có nên nhổ không? Biện pháp khắc phục nào tốt?
Ngày Cập nhật 14/08/2021