Cách làm hết ê buốt răng khi nhai ăn cực đơn giản
Ê buốt răng khi nhai ăn là tình trạng rất phổ biến. Không phải lúc nào cũng cần đến cơ sở y tế để kiểm tra hoặc dùng thuốc. Dưới đây là một số cách đơn giản tại nhà giúp giảm hoặc hết hoàn toàn tình trạng này.
Nguyên nhân khiến răng ê buốt khi nhai
Các thành phần cấu tạo nên răng (từ ngoài vào trong) gồm: Men răng, ngà răng và tủy răng. Bao bọc lấy chân răng là nướu. Nướu bám chặt vào xương ổ răng.
Ê buốt răng xảy ra khi lớp men bị mài mòn và để ngà răng lộ ra ngoài. Vị trí thường mất men răng là cổ chân răng. Khi tiếp xúc với thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, các tế bào ngà răng sẽ tác động lên dây thần kinh bên trong tủy và gây ê buốt.
Có nhiều nguyên nhân “kích hoạt” cơ chế khiến ngà răng bị lộ ra ngoài. Hầu hết bắt nguồn từ việc chăm sóc răng sai cách, cùng với đó là thói quen sinh hoạt và ăn uống không khoa học.
Nguyên tắc chữa ê buốt răng khi nhai ăn
Từ cơ chế và nguyên nhân gây ê buốt răng, để hết hoàn toàn tình trạng này, các phương pháp điều trị phải đồng thời đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Hồi phục lớp men bảo vệ ngà răng;
- Chữa các thương tổn xảy ra ở tế bào ngà răng bị lộ ra ngoài;
- Giảm độ nhạy cảm của ngà răng;
- Ngăn ngừa những tổn thương ở tủy răng và dây thần kinh.
Súc miệng bằng nước muối ấm giảm ê buốt răng khi ăn tạm thời
Bạn sắp có một bữa tiệc đầy món ngon nhưng lo sợ tình trạng ê buốt răng làm gián đoạn? Giải pháp chính là dùng nước muối ấm để súc miệng trước khi ăn. Nước muối ngoài tác dụng sát khuẩn còn giảm độ nhạy cảm của răng. Do đó, sau khi dùng nước này súc miệng, bạn có thể cải thiện được đáng kể ê buốt răng. Về lâu dài, để hết hoàn toàn tình trạng này, bạn cần kết hợp thêm một số phương pháp khác.
Nước muối dùng để súc miệng có thể tự pha ở nhà nhưng hãy chú ý đừng để quá mặn hoặc quá nhạt. Nước muối quá mặn có thể gây tổn thương lớp niêm mạc ở khoang miệng. Còn nếu pha quá loãng thì không đạt được hiệu quả sát khuẩn, làm sạch khoang miệng và giảm ê buốt.
Vì thế, cách tốt nhất là bạn vẫn nên dùng nước muối sinh lý. Loại này được bán ở hầu hết các tiệm thuốc tây với giá khá rẻ. Nước muối sinh lý không phải là thuốc. Không nên uống hoặc dùng nước này để súc miệng quá 3 lần/1 ngày.
Bên cạnh cách dùng nước muối sinh lý súc miệng giảm ê buốt răng, bạn có thể dùng baking soda để súc miệng. Đây cũng là một loại muối khá thông dụng trong ẩm thực lẫn y khoa. Bên cạnh tác dụng giảm ê buốt, baking soda còn làm trắng răng.
Hết ê buốt răng khi ăn bằng nước trà xanh
Nước trà xanh nổi bật với tác dụng chống oxy hóa. Ngoài ra, dùng loại nước này để súc miệng còn chữa ê buốt răng và giúp hơi thở thơm mát. Tác dụng giảm ê buốt răng của trà xanh đến từ một số thành phần như: catechin, florua và axit tannic. Chúng tham gia vào quá trình phục hồi lớp men bảo vệ ngà răng và hạn chế hòa tan canxi. Ngoài ra, các thành phần này còn có tác dụng hồi phục các thương tổn ở ngà răng khi tiếp xúc với yếu tố nhiệt độ hoặc môi trường nhiều axit.
Để chữa ê buốt răng bằng trà xanh, bạn chuẩn bị 1 nắm lá trà ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì cho vào nồi nấu với nửa lít nước. Khi sôi thì tiếp tục đun trong khoảng 5 phút nữa. Chờ nước ấm ấm thì dùng để súc miệng. Không cần vệ sinh lại bằng nước sạch. Mỗi ngày bạn có thể dùng nước trà xanh súc miệng 3 lần, trước các bữa ăn chính khoảng 20 phút.
Ngậm vitamin E chữa buốt răng trước khi ăn
Tương tự như trà xanh, vitamin E cũng nổi bật với khả năng chống oxy hóa. Chính vì thế, nó được nhiều chị em uống hàng ngày để có được làn da trắng sáng mịn màng. Ngoài công dụng này, vitamin E còn chữa ê buốt răng khá hiệu quả. Nó hỗ trợ hồi phục các thương tổn ở lớp men và ngà răng gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước khi dùng viên vitamin E chữa ê buốt răng, bạn cần súc miệng với nước ấm. Sau đó cắt và đổ vitamin trực tiếp vào vị trí răng bị ê buốt. Ngậm trong khoảng 20 phút rồi súc miệng nhiều lần với nước sạch. Lưu ý trong lúc ngậm vitamin không được uống nước. Bạn nên thực hiện cách điều trị này trước khi ăn ít nhất 30 phút. Mục đích là vừa giảm được ê buốt răng vừa không ảnh hưởng đến khẩu vị. Có thể ngậm vitamin E mỗi ngày 3 lần.
Dùng quả óc chó chữa ê buốt răng khi nhai ăn
Quả óc chó không chỉ tốt cho hoạt động của não bộ. Loại quả giàu canxi và linoleic này còn chữa được tình trạng ê buốt răng. Các thành phần của quả óc chó làm giảm độ nhạy cảm của ngà răng trước các kích thích. Nhờ vậy, tình trạng ê buốt nhanh chóng được cải thiện. Bên cạnh đó, nó còn tham gia vào quá trình phục hồi các thương tổn ở ngà và men răng. Ngoài ra, vỏ quả này còn có tác dụng làm trắng răng và cải thiện tình trạng hôi miệng.
Bạn chuẩn bị khoảng 40g quả óc chó nguyên vỏ. Phần hạt nhai sống. Phần vỏ mang đi đun sôi. Dùng nước này để súc miệng trước khi ăn khoảng 30 phút. Sau đó dùng nước sạch súc lại miệng. Mỗi ngày dùng cách này từ 2 – 3 lần.
Chà tỏi sống chữa ê buốt răng hiệu quả
Nếu bạn không ngại mùi hăng của tỏi thì đây là một trong những cách chữa ê buốt răng không nên bỏ qua. Ngoài tác dụng giảm ê buốt nhanh chóng, các thành phần của tỏi còn bảo vệ lớp ngà răng và hỗ trợ hồi phục men răng. Tác dụng này chủ yếu đến từ hoạt chất flour và allicin.
Ngoài ra, cách dùng tỏi sống chà lên răng còn có tác dụng sát khuẩn mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra allicin trong tỏi có khả năng chống lại hơn 70 chủng loại vi khuẩn và nấm khác nhau.
Khi dùng tỏi chà lên răng, bạn cần để tỏi đã cắt lát trong không khí khoảng 5 phút trước khi sử dụng. Mục đích là để hoạt chất allicin được giải phóng dưới tác động của không khí. Sau khi chà tỏi sống lên răng bị ê buốt, để giảm mùi hăng, bạn có thể dùng nước trà xanh để súc miệng.
Chăm sóc răng đúng cách để giảm ê buốt khi ăn
Các phương pháp chữa ê buốt răng khi nhai ăn tại nhà sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi đi kèm với chăm sóc răng đúng cách. Trong đó có bao gồm cả việc lựa chọn loại kem đánh răng chuyên dụng và cách vệ sinh răng miệng.
Lựa chọn kem đánh răng chứa flour
Flour là thành phần quan trọng đảm bảo sự chắc khỏe của răng (cụ thể là lớp men) và nướu. Bình thường, nó được thêm vào và mất đi tương ứng với quá trình khử khoáng và tái khoáng. Nếu lượng flour mất đi quá nhiều, lớp men răng sẽ bị mòn đi. Hậu quả của tình trạng này không chỉ có ê buốt răng mà còn dẫn đến sâu răng.
Một số sản phẩm được quảng cáo là có chứa hàm lượng flour và chống ê buốt răng nhưng thực tế chỉ là loại kem đánh răng thông thường. Để chắc chắn, bạn chỉ nên dùng những sản phẩm được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc Bộ y tế Việt Nam công nhận.
Chi tiết cách chăm sóc răng khi bị ê buốt
- Dùng bàn chải có lông mềm;
- Chải răng nhẹ nhàng và kỹ lưỡng khoảng 2 phút;
- Chải răng theo chiều dọc để không làm tổn thương nướu và ngà răng;
- Thay bàn chải đánh răng định kỳ 3 tháng 1 lần;
- Mỗi ngày chải răng ít nhất 2 lần (buổi sáng và tối).
Một số lưu ý trong sinh hoạt và ăn uống giảm ê buốt răng
- Hạn chế thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh;
- Các loại thức ăn hoặc đồ uống chứa nhiều axit cũng cần được hạn chế. Tiêu biểu là các loại trái cây có vị chua, thực phẩm lên men, nước có cồn và gas. Để hạn chế phần nào tác động của những loại thực phẩm này đến răng và nướu, bạn có thể vệ sinh răng miệng sau khi ăn. Lưu ý là phải cách thời điểm ăn ít nhất 20 phút;
- Từ bỏ thói quen nghiến răng. Có thể dùng thêm dụng cụ hỗ trợ (máng chống nghiến răng).
Xem thêm: Răng ê buốt sau khi ăn đồ chua và các biện pháp xử lý
Ê buốt răng khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu đã dùng kem đánh răng chuyên dụng và thực hiện thêm một số cách điều trị khác nhưng tình trạng ê buốt răng không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Thông thường, những trường hợp này là do một số bệnh lý gây ra. Nó có thể là bệnh viêm nha chu (kèm biểu hiện sưng nướu và tụt lợi); sâu răng (ê buốt kèm đau nhức) hoặc rối loạn khớp cắn…
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ cân nhắc dùng các loại thuốc thích hợp. Giải pháp trám răng sẽ thực hiện trong một số trường hợp bị sâu răng. Hoặc bác sĩ sẽ điều trị tụt nướu trong trường hợp bị viêm nha chu…
Tóm lại, ê buốt răng khi ăn nếu chỉ kéo dài một vài ngày thì không có gì đáng lo. Bạn hoàn toàn có thể chữa khỏi tình trạng này bằng các giải pháp đơn giản tại nhà. Trường hợp ê buốt kéo dài hơn 10 ngày thì không được chủ quan, phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Ngày Cập nhật 14/01/2020