Hàn răng sâu: Quy trình và chi phí thực hiện
Hàn răng sâu là thủ thuật nha khoa, sử dụng chất liệu nhân tạo lấp đầy lỗ hổng do vi khuẩn sâu răng gây ra. Ngoài ra, thủ thuật này còn được áp dụng trong trường hợp răng bị sứt, mẻ và thưa nhằm cải thiện hoạt động nhai và phục hồi hình dạng của răng.
Hàn răng sâu (trám răng) là gì? Lợi ích khi thực hiện
Hàn răng sâu (trám răng) là thủ thuật nha khoa khá phổ biến. Thủ thuật này sử dụng vật liệu nhân tạo nhằm bù đắp các khoảng trống và lỗ hổng do sâu răng gây ra. Ngoài ra hàn răng còn được thực hiện nhằm phục hồi hình dạng và chức năng thẩm mỹ của răng bị vỡ, nứt và mẻ do chấn thương và một số tác nhân khác.
Hiện nay, trám răng được thực hiện khá phổ biến do có quy trình thực hiện khá đơn giản, chi phí hợp lý và đem lại nhiều lợi ích như:
- Giảm nguy cơ mất răng: Răng bị sâu, nứt và vỡ thường có xu hướng để lộ ngà răng bên ngoài. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào tủy, gây viêm nhiễm, hoại tử và tăng nguy cơ mất răng. Trám răng giúp lấp đầy lỗ hổng, phục hồi vết nứt, vỡ, bảo vệ ngà răng và hạn chế tình trạng mất răng.
- Đảm bảo chức năng nhai của răng: Răng bị sâu, mẻ và nứt thường gặp tình trạng đau nhức, ê buốt và khó khăn khi nhai. Hơn nữa thức ăn thừa dễ bám vào lỗ hổng, tạo vôi răng và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Chính vì vậy khi sử dụng vật liệu nhân tạo trám lỗ hổng, chức năng nhai của răng sẽ được phục hồi và giảm thiểu các triệu chứng kể trên.
- Phục hồi hình thể của răng: Ngoài tác dụng bảo vệ và cải thiện chức năng nhai, hàn trám răng còn giúp phục hồi hình thể của răng, giúp duy trì hàm răng đều và trắng sáng.
- Điều trị bệnh sâu răng: Trám răng là biện pháp điều trị chính đối với bệnh sâu răng. Trước khi trám, bác sĩ sẽ loại bỏ mô cứng bị sâu, sau đó dùng vật liệu nhân tạo trám đầy lỗ hổng nhằm ngăn ngừa sâu răng tiến triển. Răng sâu sau khi được hàn trám sẽ giảm nguy cơ tổn thương ngà răng, tủy răng và hạn chế lây lan chéo với răng ở những vị trí lân cận.
Khi nào nên hàn răng sâu?
Hàn răng sâu được thực hiện chủ yếu trong trường hợp bị sâu răng. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng có thể được áp dụng trong một số trường hợp khác.
Dưới đây là một số trường hợp nên hàn trám răng:
- Sâu răng: Sâu răng là tình trạng hại khuẩn trong khoang miệng bùng phát mạnh, gây ra quá trình hủy khoáng khiến mô răng bị hư hại, suy yếu và hình thành lỗ hổng. Nếu không tiến hành trám răng kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào ngà răng và tủy răng, gây viêm tủy và áp xe quanh chóp răng.
- Răng bị mẻ: Với những trường hợp răng bị mẻ, nứt nhẹ, nha sĩ có thể đề nghị trám răng nhằm phục hồi hình dạng và bảo vệ răng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn có hại.
- Thay thế miếng trám cũ: Sau một thời gian, miếng trám cũ sẽ có xu hướng lỏng lẻo và đổi màu. Do đó, bạn cần phải thay miếng trám mới để đảm bảo chức năng nhai và thẩm mỹ.
- Răng bị ố vàng, đổi màu: Ngoài ra, trám răng cũng được thực hiện nhằm cải thiện tình trạng răng bị xỉn màu, ố vàng,… do thói quen ăn uống và hút thuốc lá.
Các chất liệu hàn trám răng – Ưu và nhược điểm
Hàn trám răng sử dụng chất liệu nhân tạo để phục hồi hình dạng và chức năng nhai của răng. Mỗi chất liệu đều có những ưu điểm vượt trội và mặt hạn chế nhất định.
Dưới đây là một số chất liệu được sử dụng phổ biến. Bạn đọc có thể tham khảo và lựa chọn vật liệu phù hợp với tình trạng răng, mục đích và khả năng tài chính.
1. Nhựa composite
Nhựa composite là vật liệu nhân tạo được sử dụng phổ biến trong hàn trám răng – đặc biệt là trám răng thẩm mỹ. Loại vật liệu này có màu sắc tương tự men răng tự nhiên, khả năng chịu mòn và chịu lực cao. Hơn nữa quy trình hàn trám nhựa composite khá đơn giản và dễ thực hiện.
Tuy nhiên, vật liệu này có thể đổi màu sau một vài năm sử dụng, nhạy cảm với đồ nóng/ lạnh và có chi phí thực hiện khá cao.
2. Xi măng silicat
Xi măng silicat là vật liệu hàn trám răng khá phổ biến và có màu sắc tương tự răng thật. Ngoài ra, xi măng còn chứa hỗn hợp fluor giúp răng chắc khỏe và giảm nguy cơ sâu răng tái phát. Bên cạnh đó, vật liệu này còn có chi phí thực hiện thấp, khá bền và rất khó bị bung.
Tuy nhiên, xi măng silicat có tính chịu lực kém và có khả năng bị mẻ khi ăn uống. Do đó hiện nay, vật liệu này chỉ được sử dụng để trám ở cổ răng hoặc những vị trí ít phải chịu lực.
3. Kim loại quý
Kim loại quý được dùng trong trám răng chủ yếu là vàng hoặc bạc. Tuy nhiên do có màu sắc khác biệt với răng thật nên các vật liệu này chỉ được dùng để hàn trám răng ở các vị trí khuất như răng tiền hàm và răng hàm.
Ưu điểm vượt trội của hàn răng bằng kim loại quý là có tuổi thọ cao (khoảng 10 – 15 năm), chịu lực tốt và gần như không bị ăn mòn. Tuy nhiên bên cạnh các ưu điểm kể trên, sử dụng vật liệu này để hàn trám răng còn tồn tại một số hạn chế như mất nhiều thời gian thực hiện, chi phí cao và màu sắc chênh lệch so với màu răng thật.
4. Amalgam
Amalgam là vật liệu trám răng được sử dụng phổ biến trong thời gian trước. Vật liệu này là hợp kim bao gồm đồng, bạc, thủy ngân và một số kim loại khác. Tuy nhiên do có màu trắng bạc nên Amalgam chỉ được dùng để hàn trám răng hàm hoặc răng tiền hàm. Chất liệu này còn có khả năng giữ kém nên nha sĩ cần phải tạo khoảng trống sâu ở trên răng trước khi trám.
Mặc dù tồn tại nhiều hạn chế nhưng Amalgam vẫn được sử dụng rộng rãi do chi phí thực hiện thấp, chịu lực tốt và tuổi thọ cao (từ 10 – 15 năm).
5. Onlay/ Inlay
Onlay/ Inlay là chất liệu sứ nha khoa cao cấp, có màu sắc như răng thật và được dùng chủ yếu để phục hồi chức năng thẩm mỹ của răng.
So với nhựa composite, Onlay/ Inlay có tính thẩm mỹ tương tự nhưng không dễ bị đổi màu, chịu lực tốt và bền. Tuy nhiên quá trình trám răng bằng Onlay/ Inlay mất nhiều thời gian, quy trình phức tạp và chi phí cao.
Hàn răng sâu được thực hiện như thế nào?
1. Trước khi thực hiện
Trước khi hàn trám răng sâu, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể và chụp X-Quang để xác định mức độ tổn thương của răng. Biện pháp này chỉ được thực hiện khi bệnh chưa gây hư hại chân răng nghiêm trọng. Với những trường hợp răng bị tổn thương nặng, bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ răng và trồng răng giả thay vì thực hiện hàn trám.
Sau đó, bạn cần chải răng và súc miệng để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn có hại. Việc vệ sinh răng miệng trước khi thực hiện giúp làm giảm nguy cơ viêm nhiễm.
2. Quy trình hàn trám răng sâu
Hàn trám răng sâu được thực hiện theo trình tự sau:
- Bước 1: Súc miệng với dung dịch diệt khuẩn và sát trùng răng ở vị trí cần trám.
- Bước 2: Tiến hành gây tê với những trường hợp sâu răng nặng, gây lỗ hổng có kích thước lớn hoặc sâu răng đã ăn vào tủy.
- Bước 3: Nạo sạch ngà sâu và làm sạch thức ăn thừa trong lỗ hổng.
- Bước 4: Với những trường hợp bị viêm tủy, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ khoan 1 lỗ nhỏ nối từ bề mặt răng đến khoang tủy. Sau đó hút dịch viêm nhiễm và làm sạch khoang tủy.
- Bước 5: Dùng đê cao su cách ly răng cần trám nhằm hạn chế tình trạng răng tiếp xúc với nước bọt và giảm liên kết với miếng trám.
- Bước 6: Đổ vật liệu trám vào lỗ hổng răng, sau đó sử dụng tia laser nhằm tạo ra phản ứng quang trùng hợp và giúp vật liệu đông cứng lại.
- Bước 7: Sau khi vết trám đông cứng, nha sĩ sẽ sử dụng dụng cụ mài và cắt để loại bỏ phần trám dư thừa và tạo hình sao cho miếng trám có hình dạng giống răng thật.
3. Sau khi thực hiện
Sau khi hàn trám răng sâu, bạn sẽ được nha sĩ tư vấn về các biện pháp chăm sóc đúng cách.
- Cần nắm rõ thời gian để vết trám đông cứng hoàn toàn nhằm chủ động trong quá trình chăm sóc. Thông thường, trám bằng sứ thường có thời gian đông cứng nhanh (khoảng vài phút). Trong khi đó, trám với nhựa composite, amalgam và kim loại quý thường mất 24 – 48 giờ để vết trám đông hoàn toàn.
- Không ăn uống trong khoảng 2 giờ sau khi hàn trám răng. Ăn uống trong thời gian này có thể ảnh hưởng đến tính liên kết, làm giảm độ bền và tuổi thọ của vết trám.
- Nếu được chỉ định thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh, cần sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Trong khoảng vài ngày đầu, bạn cần hạn chế nhai bằng răng đã được hàn trám. Tác động từ hoạt động này có thể khiến vết trám lỏng lẻo và bong ra ngoài.
- Không dùng tăm xỉa răng hoặc chải răng quá mạnh.
- Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, bạn nên sử dụng dụng cụ hỗ trợ để giảm nguy cơ bong hoặc nứt vết trám.
- Cuối cùng, cần thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ Nha khoa.
Trám răng có đau không? Các rủi ro có thể gặp phải?
Trám răng thường không gây đau đối với trường hợp sâu răng nhẹ đến trung bình. Ở những trường hợp này, hàn trám răng chỉ gây khó chịu và ê buốt nhẹ.
Tuy nhiên nếu sâu răng đã ăn vào tủy, bác sĩ buộc phải kết hợp trám răng với rút dịch tủy. Biện pháp này có thể gây đau nhức, khó chịu và ê buốt nghiêm trọng. Để làm giảm tình trạng này, nha sĩ sẽ tiêm thuốc tê/ thuốc mê trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra sau khi hàn trám răng, bạn sẽ được chỉ định thuốc giảm đau và chống viêm để làm giảm các triệu chứng khó chịu như đau nhức, sưng mô nướu, ê buốt,…
Hàn răng sâu là thủ thuật khá đơn giản và được áp dụng khá phổ biến. Mặc dù vậy biện pháp này vẫn có khả năng gây ra một số rủi ro sau khi thực hiện như:
- Răng nhạy cảm: Sau khi trám, răng có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ và thức ăn. Tuy nhiên tình trạng này thường thuyên giảm sau khoảng 1 – 2 tuần.
- Mẫn cảm với vật liệu trám: Một số trường hợp có thể bị mẫn cảm và dị ứng với vật liệu hàn trám răng. Theo thống kê, vật liệu amalgam và kim loại qúy thường có nguy cơ dị ứng cao hơn so với nhựa composite và sứ. Trong trường hợp dị ứng với vật liệu trám, bạn sẽ nhận thấy một số triệu chứng như ngứa nướu, phát ban da, khó chịu,…
- Bong vết trám: Nếu không chăm sóc đúng cách, vết trám có thể bị bong do hoạt động ăn uống hoặc nghiến răng. Bên cạnh đó, bạn cần thăm khám nha khoa định kỳ để bác sĩ xác định tình trạng của vết trám và thay thế vết trám cũ trong trường hợp cần thiết.
Chi phí thực hiện hàn trám răng sâu
Chi phí hàn trám răng sâu là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên chi phí thực tế phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như:
- Cơ sở thực hiện
- Chất liệu hàn trám
- Mức độ tổn thương của răng
- Dịch vụ đi kèm (rút tủy, nạo ổ áp xe,…)
- Số lượng răng cần trám
Vì vậy để được giải đáp cụ thể về vấn đề này, bạn nên đến bệnh viện/ phòng khám và trao đổi trực tiếp với nhân viên tư vấn.
Hàn răng sâu là thủ thuật nha khoa khá phổ biến, thường được chỉ định trong điều trị sâu răng, răng sứt mẻ, thưa,… Ngoài tác dụng bảo vệ răng, thủ thuật này còn giúp phục hồi hoạt động nhai và chức năng thẩm mỹ. Tuy nhiên hàn trám răng chỉ được thực hiện khi sâu răng chưa gây hư hại nghiêm trọng. Với những trường hợp răng bị tổn thương nặng và không thể phục hồi, nha sĩ sẽ tiến hành nhổ bỏ và trồng răng giả nếu cần thiết.
Ngày Cập nhật 14/01/2020