Lấy cao răng xong bị ê buốt làm sao hết?
Lấy cao răng xong bị ê buốt là tình trạng khá phổ biến và có thể tự thuyên giảm trong vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể kéo dài do một số nguyên nhân như nền răng yếu, men răng mỏng, kỹ thuật lấy cao răng không đảm bảo,… Để làm giảm ê buốt và các triệu chứng đi kèm, cần chăm sóc răng miệng đúng cách, ăn uống khoa học, áp dụng một số biện pháp tại nhà hoặc can thiệp ngoại khoa khi cần thiết.
Vì sao răng thường bị ê buốt sau khi lấy cao răng?
Cao răng (vôi răng) là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám sinh học ở kẽ và mặt răng. Cao răng là nguyên nhân gián tiếp kích thích vi khuẩn bùng phát mạnh, gây ra bệnh viêm nướu, sâu răng, viêm nha chu và các vấn đề nha khoa khác.
Vì vậy bác sĩ Nha khoa thường khuyến khích cạo vôi răng 6 tháng/ lần để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên sau khi lấy cao răng, có rất nhiều trường hợp bị ê buốt và khó chịu.
Theo lý giải từ nha sĩ, hiện tượng ê buốt sau khi cạo vôi răng xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Tác động ngoại lực từ hoạt động cạo vôi: Vôi răng có kết cấu cứng và khó loại bỏ hơn so với mảng bám sinh học. Vì vậy khi cạo vôi răng, nha sĩ phải sử dụng lực tương đối mạnh để cạo bỏ lớp vôi răng tích tụ. Lực từ hoạt động này có thể kích thích mô nướu và răng, gây ra hiện tượng ê buốt, chảy máu chân răng và đau nhức.
- Kỹ thuật lấy cao răng không đảm bảo: Hiện nay, lấy cao răng được thực hiện bằng sóng siêu âm để giảm áp lực lên răng miệng và hạn chế đau nhức, ê buốt,… Tuy nhiên nếu thực hiện ở những cơ sở y tế không đảm bảo, hoạt động lấy cao răng có thể khiến răng chảy máu, đau nhức và ê buốt kéo dài.
- Men răng mỏng: Men răng là bộ phận bao phủ bên ngoài, có kết cấu cứng và chức năng bảo vệ răng. Tuy nhiên nếu có thói quen chải răng mạnh, ăn uống không khoa học,… men răng có thể bị bào mòn và suy yếu. Men răng mỏng khiến răng nhạy cảm và dễ ê buốt khi cạo vôi răng, ăn đồ chua, uống nước lạnh,…
- Răng yếu: Một số người có đặc điểm hàm răng yếu và dễ tổn thương . Trong trường hợp này, cạo vôi răng có thể khiến răng bị kích thích, nhạy cảm và ê buốt kéo dài.
- Mắc các bệnh lý răng miệng: Tình trạng ê buốt sau khi cạo vôi răng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu, sâu răng, tụt lợi và viêm nha chu. Các bệnh lý này có thể làm tăng độ nhạy cảm của răng và dễ khiến răng ê buốt khi có tác động ngoại lực.
Lấy cao răng xong bị ê buốt có tự hết không?
Thông thường, tình trạng ê buốt sau khi cạo vôi răng có thể thuyên giảm từ vài giờ đến vài ngày tùy vào sức khỏe của từng trường hợp. Với người có nền răng yếu và men răng mỏng, triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần.
Trong khi đó, nếu khởi phát do các bệnh lý răng miệng như viêm nha chu và viêm nướu, tình trạng ê buốt răng có thể xảy ra trong thời gian dài. Trong trường hợp này, triệu chứng thường đi kèm với một số biểu hiện khác như đau nhức, hôi miệng, chảy mủ chân răng, sưng mô nướu,…
Ê buốt sau khi lấy cao răng có thể tự thuyên giảm ở những trường hợp thông thường (răng bị kích thích, nền răng yếu và men răng mỏng). Tuy nhiên nếu do các bệnh lý nha khoa gây ra, bạn buộc phải can thiệp các biện pháp điều trị chuyên sâu.
Lấy cao răng xong bị ê buốt làm sao hết?
Bị ê buốt sau khi lấy cao răng có thể thuyên giảm sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên tình trạng này có thể gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống. Để giảm ê buốt và đau nhức răng, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
1. Giảm ê buốt bằng biện pháp tại nhà
Với những trường hợp ê buốt nhẹ, bạn có thể giảm triệu chứng với một số biện pháp tại nhà như:
- Dùng gel nha đam: Gel nha đam có đặc tính làm dịu răng đau nhức, giảm viêm và ê buốt. Ngoài ra nguyên liệu này còn ức chế vi khuẩn gây sâu răng – Streptococcus mutans. Để giảm ê buốt sau khi lấy cao răng, bạn có thể thoa gel nha đam lên răng và vùng nướu bị tổn thương. Đợi khoảng 5 – 10 phút và súc miệng lại với nước sạch.
- Uống trà gừng: Gừng có đặc tính chống viêm nhờ chứa hoạt chất Menthol và Menthone. Uống trà gừng ấm giúp làm dịu mô nướu sưng đau, sát trùng khoang miệng và giảm ê buốt rõ rệt.
- Súc miệng với dầu dừa: Các axit béo trong dầu dừa có tác dụng làm dịu mô nướu và bảo vệ men răng khỏi tác động của vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, dầu dừa còn làm giảm hiện tượng ê buốt và đau nhức sau khi cạo vôi răng. Vì vậy bạn có thể giảm các triệu chứng khó chịu bằng cách pha 1 thìa dầu dừa với 200ml nước ấm, khuấy đều và dùng súc miệng thường xuyên.
2. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Sau khi cạo vôi, răng và nướu thường có mức độ nhạy cảm cao và dễ bị kích ứng. Chính vì vậy trong thời gian này, bạn nên chú ý chăm sóc răng miệng đúng cách với những biện pháp sau:
- Sử dụng bàn chải có lông mềm và thao tác chải răng nhẹ nhàng để tránh chảy máu chân răng và hạn chế kích thích triệu chứng ê buốt bùng phát.
- Không dùng tăm xỉa răng vì thói quen này có thể gây hư hại men răng, đau nhức, ê buốt và chảy máu mô nướu. Thay vào đó nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Có thể súc miệng với nước muối hoặc các dung dịch chứa thành phần diệt khuẩn nhằm làm dịu chân răng và mô nướu bị kích thích.
- Tránh chải răng quá lâu, chỉ nên thực hiện từ 2 – 3 phút. Chải răng lâu hơn thời gian quy định có thể gây bào mòn men răng và làm tăng mức độ ê buốt.
3. Thay đổi thói quen ăn uống
Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến 70% triệu chứng ê buốt sau khi cạo vôi răng. Vì vậy để giảm thiểu mức độ và tần suất của triệu chứng, bạn nên thay đổi thói quen ăn uống như sau:
- Tránh ăn/ uống đồ chua, chứa nhiều axit, đồ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Hạn chế các thực phẩm khô và cứng. Khi ăn hải sản, cần sử dụng dụng cụ chuyên dụng, tuyệt đối không dùng răng để cạy hoặc cắn vỏ cứng.
- Giảm lượng gia vị trong thực phẩm. Thức ăn quá mặn, ngọt, cay,… cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm của răng và gây ế buốt, đau nhức kéo dài.
- Ăn chậm nhai kỹ để hạn chế thức ăn ma sát vào nướu và răng gây đau nhức, khó chịu và ê buốt.
- Tăng cường các thức phẩm và thức uống tốt cho sức khỏe răng miệng như nước, rau xanh, hải sản, thịt gà, sữa bò,… Hạn chế tinh bột, đường, các loại hạt, thực phẩm chứa phẩm màu và chất béo.
Nếu thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tình trạng ê buốt sau khi lấy cao răng có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày đến một tuần. Hơn nữa biện pháp này còn hỗ trợ làm giảm mức độ ê buốt và đau nhức răng ở những trường hợp mắc các bệnh lý nha khoa như viêm nha chu, sâu răng và viêm nướu.
4. Bổ sung fluoride và calcium
Ê buốt sau khi cạo vôi răng còn có thể là hệ quả do nền răng yếu và men răng mỏng. Vì vậy bên cạnh các biện pháp cải thiện tạm thời, bạn nên bổ sung calcium và fluoride để tăng độ chắc khỏe của răng bằng các biện pháp sau:
- Sử dụng kem đánh răng hoặc dung dịch súc miệng có chứa fluoride, calcium và một số khoáng chất cần thiết khác.
- Uống nước khoáng chứa fluoride để kích thích quá trình khoáng hóa, tái tạo men răng và giảm tình trạng ê buốt.
- Trong trường hợp nền răng yếu do thiếu hụt calcium sau khi sinh con, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được chỉ định viên uống hỗ trợ hoặc sử dụng các loại sữa bổ sung calcium.
- Bổ sung calcium thông qua các loại thực phẩm như tôm, cua, hàu, sữa bò, nghêu, mực, cá,…
5. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Nếu tình trạng ê buốt sau khi lấy cao răng xảy ra do các vấn đề nha khoa, bạn cần tiến hành thăm khám và can thiệp điều trị y tế trong thời gian sớm nhất. Thông thường, ê buốt răng do những nguyên nhân này có thể đi kèm với một số biểu hiện như đau nhức, chảy máu chân răng, hôi miệng, tụt lợi, răng lung lay,…
Tùy vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ Nha khoa có thể yêu cầu thực hiện các biện pháp điều trị như sau:
- Hàn trám răng: Biện pháp này được chỉ định trong trường hợp ê buốt do bệnh sâu răng. Trước khi hàn trám, bác sĩ sẽ làm sạch ổ sâu và sử dụng vật liệu nhân tạo để trám đầy lỗ hổng do vi khuẩn gây ra.
- Dùng kháng sinh: Nếu ê buốt răng xảy ra do bệnh nha chu và viêm nướu, nha sĩ có thể chỉ định kháng sinh dạng bôi, súc miệng hoặc dạng uống để kiểm soát hoạt động của vi khuẩn và ngăn ngừa biến chứng.
- Bọc răng: Trong trường hợp men răng quá mỏng, bạn có thể bọc răng để giảm độ nhạy cảm của răng và hạn chế nguy cơ sâu răng, viêm nha chu, áp xe,…
- Phẫu thuật ghép lợi: Phẫu thuật ghép lợi sử dụng niêm mạc của răng ở vị trí lân cận, sau đó ghép vào vị trí lợi bị tụt nhằm bảo vệ chân răng và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu như ê buốt, đau nhức, hôi miệng, chảy mủ chân răng,… Biện pháp này được chỉ định trong trường hợp tụt lợi gây ê buốt sau khi lấy cao răng.
- Các biện pháp khác: Ngoài ra, nha sĩ có thể chỉ định một số biện pháp khác như rút tủy răng, nạo túi nha chu, nhổ bỏ răng, phẫu thuật ghép xương,… tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Sau khi điều trị dứt điểm bệnh lý nguyên nhân, triệu chứng ê buốt răng và một số biểu hiện đi kèm sẽ có xu hướng giảm dần.
Bài viết đã đề cập đến một số nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng lấy cao răng xong bị ê buốt. Hy vọng qua thông tin trên, bạn có thể dễ dàng làm giảm triệu chứng khó chịu và kịp thời phát hiện các vấn đề nha khoa tiềm ẩn.
Ngày Cập nhật 13/01/2020