Nhổ răng cấm bị sâu có nguy hiểm không? Bác sĩ nói gì?
Khi răng cấm bị sâu, việc nhổ bỏ là giải pháp cuối cùng bởi điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít người khẳng định những chiếc răng này liên quan nhiều đến dây thần kinh và không được nhổ. Số khác cho rằng nếu thực hiện đúng cách thì không vấn đề gì. Thực tế nhổ răng cấm bị sâu có nguy hiểm không sẽ được phân tích kỹ từ những thông tin tổng hợp được của các bác sĩ nha khoa.
Vị trí, đặc điểm và chức năng của răng cấm
Chúng ta có khoảng 32 cái răng. Nó bắt đầu mọc từ lúc 6 tháng tuổi. Khi răng mọc được khoảng 20 cái thì trẻ có thể ăn được gần như bình thường. Đến lúc 5 tuổi, quá trình thay răng hoặc mọc thêm sẽ bắt đầu và thường kết thúc khi chúng ta 17 tuổi (có người phải đợi đến năm 25 tuổi).
Răng dính chặt vào hàm nhờ hệ thống các dây chằng. Người ta còn gọi chúng là các dây chằng nha chu. Phương thức để răng gắn chặt vào xương hàm rất phức tạp. Đó là một loạt các sợi collagen cứng. Chúng nằm rải rác với các mô liên kết. Trong những mô này chứa các mạch máu và sợi thần kinh.
Có tổng cộng 8 cái răng cấm (răng hàm số 6). Bao gồm 4 cái ở hàm dưới và 4 cái ở hàm trên. Răng này có từ 2 – 4 chân. Trong đó, răng cấm hàm trên thường có 3 chân và hàm dưới có 2 chân. Một vài trường hợp đặc biệt, số chân của răng cấm nhiều hơn 1 – 2 chân. Còn một điểm đặc biệt của loại răng này bạn cần biết đó là nó không thể tự mọc lại sau khi đã nhổ bỏ.
Răng cấm khác hoàn toàn với răng khôn (răng số 8). Trong khi răng khôn hầu như “chỉ để làm cảnh” và mọc muộn (thường vào năm 17 tuổi) thì răng cấm giữ vai trò tối quan trọng trong nghiền nát thức ăn và mọc từ năm 6 tuổi.
Răng cấm bị sâu chỉ nhổ bỏ khi quá nặng
Từ vai trò và đặc điểm của răng cấm có thể thấy rằng đây là răng quan trọng. Trường hợp bị sâu răng thì giải pháp điều trị bảo tồn luôn là ưu tiên hàng đầu. Trừ khi sâu bị răng quá nặng và nguy cơ xảy ra những biến chứng nghiêm trọng thì mới nhổ bỏ. Bên cạnh đó, quyết định có nhổ răng cấm bị sâu hay không còn tùy vào tình trạng sức khỏe của người đó.
Nếu răng chỉ xuất hiện những chấm nhỏ li ti thì có thể phục hồi lớp men và không cần nhổ. Hoặc những lỗ này có kích thước nhỏ thì dùng biện pháp trám răng. Trường hợp lỗ hổng trên răng cấm lớn thì nạo sâu và bọc răng sứ.
Nhổ răng cấm có nguy hiểm không?
Nhổ răng cấm sẽ tác động đến toàn bộ hàm
Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt tên cho 8 cái răng hàm ở vị trí số 6 là răng cấm. Nếu tác động đến những chiếc răng này, nguy cơ sai lệch vị trí của các răng bên cạnh là điều rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, chỉ cần một chiếc răng cấm bị mất đi thì hoạt động nhai thức ăn sẽ mất cân bằng. Nó khiến người bị mất răng cấm rất đau và khó chịu vì chỉ nhai được một bên.
Kéo dài tình trạng này trong một khoản thời gian nhất định, nguy cơ dẫn đến một số bệnh lý về răng miệng là rất lớn. Trong đó bao gồm cả tình trạng viêm nướu răng và viêm nha chu. Ngoài ra, khớp thái dương cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thực hiện đúng nguyên tắc, nhổ răng cấm không nguy hiểm
Trước những vấn đề có thể xảy ra khi tác động đến răng cấm, nhiều người lo lắng là nhổ răng cấm bị sâu có nguy hiểm không. Trả lời thắc mắc này, các bác sĩ cho biết nguy hiểm hay không là còn tùy vào rất nhiều yếu tố. Nếu thực hiện đúng các nguyên tắc thì nhổ răng cấm hoàn toàn không nguy hiểm.
Để giải thích rõ vấn đề này, các bác sĩ phân tích răng và ống thần kinh được ngăn cách với nhau bởi xương hàm. Nhấn mạnh lại là xương hàm chứ không phải mạch máu. Chính vì thế, dây thần kinh không dễ bị tác động nếu thao tác đúng cách.
Bên cạnh đó, với sự tiến bộ của y học hiện đại, người ta đã ứng dụng được sóng siêu âm để nhổ răng. Việc bóc tách răng sâu khỏi vị trí thuận tiện và nhanh chóng hơn phương pháp truyền thống. Đồng thời, vết thương cũng nhỏ và nhanh lành.
Ngoài ra, giải pháp nhổ răng cấm không phải được tiến hành tùy tiện hoặc muốn là nhổ. Thay vào đó, trước khi quyết định nhổ răng hay không, bác sĩ sẽ chỉ định người bị sâu răng cấm thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Trong đó có chụp X – quang, thậm chí là xét nghiệm máu và một số kỹ thuật chẩn đoán khác.
Mục đích là đánh giá sức khỏe tổng thể và cấu trúc của răng. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ chắc chắn hơn một trường hợp nào đó cần thiết phải nhổ không và mức độ rủi ro thế nào. Đồng thời, họ cũng sẽ hạn chế được thấp nhất những nguy cơ có thể xảy ra.
Những yếu tố gia tăng nguy cơ mất an toàn khi nhổ răng cấm
Như vậy, với câu hỏi nhổ răng cấm bị sâu có nguy hiểm không thì câu trả lời là không nếu thực hiện đúng nguyên tắc. Trường hợp thực hiện không đúng, đặc biệt là tự nhổ răng tại nhà thì rất nhiều biến chứng có thể xảy ra cùng lúc và đe dọa đến tính mạng. Cụ thể là đau nhức dữ dội ở vị trí răng cấm bị nhổ; chảy máu ồ ạt gây thiếu máu cấp và không thể cầm máu; đau đầu; sót chân răng trong ổ răng; đứt mạch máu và nhiễm trùng…
Những yếu tố gia tăng nguy cơ xảy ra tai biến nguy hiểm khi nhổ răng cấm là:
- Tự nhổ răng cấm tại nhà;
- Thao tác của bác sĩ không chuẩn;
- Thiết bị ở cơ sở thực hiện không đủ để phục vụ cho thăm khám và nhổ răng;
- Dụng cụ nhổ răng không đảm bảo vô trùng.
Thay vì lo lắng trước câu hỏi nhổ răng cấm bị sâu có nguy hiểm không, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra tình trạng sâu răng của mình. Quyết định nhổ hay không phụ thuộc vào kết quả kiểm tra và tình trạng sức khỏe của chính bạn.
Lưu ý quan trọng sau khi nhổ răng cấm
Những rủi ro khi nhổ răng cấm vẫn sẽ còn tồn tại sau khi nhổ răng xong. Đặc biệt là tình trạng tiêu xương hàm. Khi đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Và điều đáng lo là có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được khắc phục kịp thời. Chính vì thế, chăm sóc răng miệng sau khi nhổ và những lưu ý trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày rất quan trọng. Cụ thể là:
- Dùng thuốc theo đơn;
- Chườm đá để giảm sưng;
- Không súc miệng khi cục máu đông chưa hình thành;
- Nếu chảy máu đỏ tươi khi súc miệng, có thể dùng gạc y tế áp chặt vào vị trí răng cấm đã nhổ trong khoảng 15 phút. Sau khoảng thời gian này, nếu cục máu đông chưa hình thành (máu vẫn chảy) thì bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra;
- Không mút chíp (dùng lưỡi mút răng), đá lưỡi, nhổ vặt hoặc dùng tay chọc vào vị trí vừa nhổ răng;
- Không ăn thức ăn quá cứng. Bên cạnh đó, những thức ăn quá lạnh hoặc nóng cũng không được ăn;
- Không uống bia rượu và hút thuốc sau khi điều trị;
- Không nhai thức ăn ở vị trí răng cấm vừa nhổ;
- Ăn chậm và nhai kỹ;
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời điểm trồng răng mới;
- Hạn chế cử động cơ hàm trong một vài ngày đầu sau nhổ răng;
- Chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách: Dùng kem đánh răng và nước súc miệng phù hợp; chải răng nhẹ nhàng, dùng bàn chải có lông mềm.
Phòng sâu răng cho răng cấm
Răng cấm dù giữ nhiệm vụ quan trọng nhưng cấu tạo bề mặt khó vệ sinh và dễ bám thức ăn. Chính vì thế, chú ý vệ sinh răng miệng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng sâu răng. Cụ thể, bạn nên:
- Đánh răng ít nhất 2 lần: buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ;
- Nên đánh đánh răng hoặc súc miệng sau khi ăn đồ quá ngọt, chứa nhiều tinh bột hoặc có tính axit cao. Lưu ý là không nên vệ sinh răng ngay sau khi ăn. Thay vào đó, hãy đợi khoảng 30 phút để nước bọt trung hòa men răng;
- Dùng bàn chải đánh răng có lông mềm và thao tác nhẹ nhàng. Nên đánh răng theo chiều từ trên xuống dưới, không kéo ngang;
- Ưu tiên những loại kem đánh răng có chứa fluor (chất tham gia tạo men và ngà răng);
- Không nghiến răng. Nếu bạn có thói quen này thì nên dùng dụng cụ chống nghiến răng (máng chống nghiến răng);
- Dinh dưỡng đầy đủ;
- Uống đủ nước;
- Hạn chế sử dụng rượu bia, không nên hút thuốc lá.
Ngày Cập nhật 14/08/2021