Nướu răng bị teo là do đâu? Làm sao khắc phục
Nướu răng bị teo do bệnh lý thường gây mất răng và kéo theo bệnh viêm tủy. Trong một số trường hợp thì tình trạng này có yếu tố di truyền. Khắc phục teo nướu có nhiều cách tùy vào từng trường hợp cụ thể. Đa số cần phải đến cơ sở y tế để điều trị. Nhiều trường hợp sẽ phải cần đến phẫu thuật.
Nguyên nhân nướu răng bị teo
Teo nướu răng có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều răng, thậm chí cả hàm. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do bệnh lý, di truyền, tác động cơ học hoặc ảnh hưởng của việc trồng răng giả kém chất lượng…
Bệnh lý gây teo nướu răng
Chủ yếu là bệnh viêm nha chu. Trước khi nướu bị tuột và dần tiến đến chóp chân răng, người bệnh sẽ bị viêm nướu răng với biểu hiện sưng đỏ và dễ chảy máu. Nướu răng teo khiến chân răng không còn chỗ bám và tất yếu dẫn đến rụng răng. Đồng thời, xương hàm cũng chịu tổn thương.
Những tác động cơ học khiến nướu bị teo
- Chăm sóc răng miệng không đúng cách: Dùng bàn chải có lông quá cứng, đánh răng quá mạnh, thường xuyên dùng tăm xỉa răng…;
- Tác động từ lực kéo của dụng cụ niềng răng;
- Tai nạn;
- Tổn thương nướu do xương cá, vỏ tôm cua đâm vào nướu khi nhai.
Di truyền sai lệch cấu trúc răng khiến nướu dễ teo
Teo nướu răng có liên quan đến yếu tố gen và di truyền trong một số trường hợp. Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Journal of Periodontology, cứ 100 người thì có 30 người bị tình trạng này do di truyền sai lệch cấu trúc răng. Cụ thể những sai lệch về cấu trúc dẫn đến nướu bị teo là:
- Xương ổ răng quá mỏng;
- Răng lệch ngoài cung hàm;
- Sang chấn khớp cắn: Yếu tố di truyền chiếm đến 70% các trường hợp này. Còn lại là do tai nạn, biến chứng mất răng, chăm sóc răng không đúng cách và một số nguyên nhân khác.
Trồng răng giả không đúng cách cũng là nguyên nhân gây teo nướu
Răng bị mất không trồng mới sẽ khiến xương răng bị mòn và teo nướu. Tuy nhiên, nếu răng giả trồng không đúng cách và không đảm bảo chất lượng thì sau một thời gian nướu răng vẫn sẽ bị teo. Hoặc trường hợp những người bọc cầu răng sứ hay dùng hàm giả tháo lắp cũng có thể bị tình trạng này. Những yếu tố gia tăng nguy cơ khiến nướu răng bị teo sau khi trồng răng giả là:
- Chất liệu răng không rõ ràng và không an toàn: Lâu ngày có thể tạo ra tình trạng viêm nướu. Tiếp đến, nó phát triển thành viêm nha chu và khiến nướu bị teo;
- Tay nghề của bác sĩ chưa vững: Chủ yếu ở công đoạn mài răng không đạt chuẩn. Khe hở giữa răng thật và răng sứ quá rộng hoặc quá chặt khiến các mảng bám tích tụ. Lâu ngày tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây tình trạng viêm nhiễm.
- Dùng mão sứ quá thời gian an toàn: Sau một khoảng thời gian nhất định, mão sứ kim loại sẽ bị oxy hóa. Quá trình này dễ gây kích ứng nướu, tạo ra tình trạng viêm nhiễm và gây teo nướu.
- Ngoài ra, trong những trường hợp dùng hàm giả hoặc bọc cầu răng sứ không có chân răng thì tình trạng nướu bị teo cũng rất khó tránh khỏi.
Trường hợp nướu bị teo nguy hiểm
Nướu răng bị teo ảnh hưởng rất nhiều đến yếu tố thẩm mỹ. Nó khiến người bị tình trạng này gặp khó khăn khi ăn, nói chuyện và mất tự tin trong giao tiếp. Không những thế, nướu teo còn khiến chân răng bị mất xi măng, cổ răng mòn đi và ngà răng bị lộ ra ngoài. Đồng thời, quá trình tổn thương này còn tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ và phát triển. Chúng khiến răng ê buốt liên tục (khi ăn đồ lạnh, nóng hoặc chua). Thậm chí, chúng còn khiến răng bị mất vĩnh viễn.
Không những thế, trong nhiều trường hợp nướu teo có thể gây nguy hiểm tính mạng. Thường là những người bị tình trạng này do bệnh lý (đặc biệt là viêm nha chu). Bệnh này rất dễ tổn thương đến dây thần kinh ở chân răng. Nó gây viêm tủy, đau tim và một số bệnh về tim mạch khác. Thậm chí, người bị viêm nha chu ở mức độ nặng có thể dẫn đến đột quỵ.
Làm gì khi nướu răng bị teo?
Nên đến cơ sở y tế kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng teo nướu răng. Tùy vào thể trạng từng người và mức độ teo của nướu, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định phù hợp.
Trường hợp nhẹ
Ưu tiên điều trị bằng cách làm sạch sâu. Quá trình này còn được gọi là mở rộng quy mô của chân răng. Các bác sĩ sẽ loại bỏ những mảng bám và cao răng (mảng bám tích tụ lâu ngày ở chân răng, chúng cứng và không thể làm sạch bằng cách thông thường).
Tiếp đó, người bị teo nướu răng sẽ được làm mịn vùng rễ tiếp xúc. Mục đích là để vi khuẩn không có điều kiện sinh sôi và phát triển. Sau quá trình này, các bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Đồng thời, họ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau và kháng viêm.
Bên cạnh đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ kết hợp một số cách điều trị như:
- Ngậm máng plastic (có phủ gel fluoride): Tác dụng của nó là giảm ê buốt răng tạm thời. Người bị teo nướu sẽ phải ngậm máng plastic trong khoảng 5 – 6 ngày;
- Dùng tia laser kết hợp với bôi gel fluoride: Cách này có thể bịt kín đến 90% các ống ngà bị hở. Điều đáng lưu ý là hiệu quả này có thể đạt được ở lần điều trị đầu tiên.
- Dùng composite hoặc xi măng glassionomer phủ mặt răng: Mục đích là giảm ê buốt. Đặc biệt thích hợp cho những trường hợp mặt răng bị mòn do vệ sinh răng không đúng cách.
Trường hợp nặng
Nếu người bị teo nướu răng mất quá nhiều xương và túi nướu thì cách làm sạch sâu thường không được áp dụng. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ phẫu thuật để sửa chữa những sai lệch và hỗ trợ phục hồi những thương tổn. Chi tiết cách thức này được tiến hành như sau:
- Giảm độ sâu của túi nha: Gấp và bọc lại các mô nướu bị ảnh hưởng và loại bỏ các vi khuẩn gây hại. Tiếp đó vặn chặt các mô nướu ở chân răng, loại bỏ hoặc giảm kích thước các túi;
- Tái tạo răng: Cải tạo phần xương đã bị phá hủy hoặc các mô bị mất. Bác sĩ sẽ dùng mô ghép hoặc protein kích thước mô đặt lên vị trí bị thương tổn để tái tạo lại theo quy luật tự nhiên.
Các cách điều trị nướu răng bị teo tại nhà
Bên cạnh các phương pháp điều trị teo nướu răng ở cơ sở y tế, người bị tình trạng này có thể thực hiện thêm một số biện pháp điều trị kết hợp ở nhà. Lưu ý là cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện. Cụ thể là:
- Dùng vitamin C: Ngăn chảy máu, giảm sưng và hạn chế tình trạng trạng teo nướu chuyển biến theo chiều hướng xấu;
- Thoa gel lô hội lên nướu răng: Dùng vào mỗi buổi tối. Tác dụng của nó là giảm ê buốt răng và chặn đứng quá trình teo nướu;
- Súc miệng bằng tinh dầu khuynh diệp: Mục đích là chống viêm và sát khuẩn. Lưu ý pha loãng tinh dầu với nước ấm trước khi súc miệng;
- Dùng nước trà xanh súc miệng: Ngay cả khi nướu không bị teo thì bạn cũng nên dùng loại nước này súc miệng kết hợp với kem đánh răng. Tác dụng của nó không những giúp răng chắc khỏe mà còn giúp nướu khỏe mạnh. Ngoài ra, nó còn làm cho hơi thở thơm tho.
Lưu ý khi điều trị tình trạng nướu răng bị teo
Các biện pháp điều trị dù tại nhà hay ở bệnh viện đều cần đi kèm với chế độ sinh hoạt và ăn uống đúng cách. Điều này giúp hiệu quả điều trị được nâng cao và hạn chế để tình trạng teo nướu chuyển biến xấu. Những điều bạn cần lưu ý thêm là:
- Chọn loại bàn chải có đầu tròn và lông mềm;
- Dùng nước ấm vệ sinh răng miệng để giảm ê buốt;
- Nên dùng thuốc chải răng có thành phần fluoride. Chất này ngoài tác dụng giảm ê buốt còn làm men răng cứng hơn nhờ các hạt tinh thể bám vào những lỗ trống trên răng;
- Hoặc bạn có thể dùng kem đánh răng có chứa 5% potassium nitrate. Tác dụng của chất này là làm giảm độ nhạy cảm của răng. Qua đó giảm đau và giảm ê buốt;
- Trong trong dinh dưỡng hằng ngày, ngoài việc đảm bảo lượng thực phẩm thiết yếu, bạn cần chú ý hạn chế ăn hoặc uống nước từ trái cây có vị chua, nước ngọt có gas và đồ lạnh.
- Không nên ăn thức ăn quá cứng;
- Cố gắng giữ cho tinh thần được thoải mái và nghỉ ngơi đúng cách.
Phòng ngừa tình trạng teo nướu răng
- Chải răng nhẹ nhàng và sử dụng bàn chải có thiết kế thích hợp. Ngoài 2 lần sáng và tối, bạn nên chải răng sau bữa ăn;
- Dùng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng. Mỗi ngày chỉ nên dùng chỉ này 1 lần để loại bỏ thức ăn bám ở khe răng;
- Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng bia rượu;
- Hạn chế ăn đồ quá ngọt;
- Nên lấy cao răng và kiểm tra răng nướu định kỳ 6 tháng 1 lần;
- Nếu trồng răng giả, bọc răng sứ hoặc niềng răng cần đến những cơ sở uy tín.
Ngày Cập nhật 01/08/2021