Răng khôn bị sâu có nên nhổ không? Biện pháp khắc phục nào tốt?
Răng khôn sẽ phát triển vào độ tuổi trưởng thành. Khi mọc, răng thường gây đau đớn và khó chịu. Bên cạnh đó răng còn rất dễ bị sâu do nằm sâu bên trong hàm và do chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng không phù hợp. Trong trường hợp phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh không cần phải nhổ răng khôn bị sâu. Thay vào đó bác sĩ sẽ giúp bạn giữ lại răng bằng cách trám răng, nạo tủy hay dùng gel Florua.
Nguyên nhân khiến răng khôn bị sâu
Trên thực tế, răng khôn là tên gọi được sử dụng để chỉ những chiếc răng (răng hàm) mọc cuối cùng của mỗi bên hàm. Răng khôn còn có tên gọi khác là răng số 8. Do mọc cuối cùng, mọc sau khi những chiếc răng khác đã hoàn thiện nên răng khôn thường phát triển ở những người đang trong độ tuổi trưởng thành (từ 16 đến 30 tuổi).
Bệnh sâu răng là bệnh lý về răng miệng xảy ra phổ biến ở tất cả các răng nếu không có biện pháp chăm sóc phù hợp. Đặc biệt là răng khôn. Nguyên nhân chủ yếu khiến răng khôn bị sâu là do răng khôn nằm sâu bên trong hàm, nơi mà thức ăn dễ mắc kẹt lại và rất khó để vệ sinh.
Khi những vụn thức ăn mắc kẹt lâu ngày kết hợp cùng với các loại vi khuẩn gây hại tồn tại trong khoang miệng và nước bọt sẽ hình thành nên các mảng bám.
Các mảng bám mang rất nhiều axit. Lượng axit xuất hiện lâu ngày sẽ tác động và phá vỡ lớp men bảo vệ răng. Sau đó gây ra hiện tượng xói mòn. Về lâu dài, lượng axit tiếp tục hình thành thêm những lỗ nhỏ li ti trên răng. Từ đó khiến răng khôn bị sâu.
Dấu hiệu nhận biết răng khôn bị sâu
Khi răng khôn bị sâu người bệnh sẽ nhận thấy tại vị trí của răng khôn xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Đau răng: Khi bị sâu răng, cơn đau sẽ xuất hiện một cách dai dẳng hoặc ngắt quãng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của lỗ sâu. Tình trạng đau nhức có thể xảy ra ngay cả khi bạn không nhai, không dùng tay chạm hoặc tác động vào răng.
- Răng khôn có dấu hiệu nhạy cảm: Khi bị sâu, người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác ê buốt hoặc đau nhói khi sử dụng những loại thực phẩm chứa nhiều đường, đồ chua hoặc thực phẩm quá lạnh.
- Thay đổi màu sắc của răng khôn: Răng khôn khi bị sâu sẽ thay đổi màu sắc. Dấu hiện nhận biết này sẽ dễ quan sát hơn khi răng khôn nằm ở hàm dưới và khó quan sát khi răng khôn nằm ở hàm trên. Khi răng khôn đổi màu, người bệnh có thể nhìn thấy những đốm xám, đen hoặc nâu xuất hiện trên bề mặt của răng.
- Hơi thở có mùi hôi: Tình trạng sâu răng làm bề mặt răng hình thành các lỗ sâu. Từ đó khiến thức ăn dễ bị mắc kẹt ở vị trí này và rất khó vệ sinh sạch sẽ. Thức ăn bị kẹt lại khiến lỗ sâu răng trở thành một ổ vi khuẩn gây hại và tiết ra mùi hôi khó chịu.
Hậu quả khi răng khôn bị sâu
Răng khôn bị sâu thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể như:
Sức khỏe răng miệng giảm sút
Ở giai đoạn đầu, tình trạng sâu răng chỉ tấn công vào lớp men bên ngoài răng. Sau một thời gian, tình trạng này dần tác động và xâm nhập vào tận bên trong tủy, nơi chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh.
Trong thời gian sâu răng phát triển, những tổn thương và vấn đề liên quan đến tủy răng sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng đau nhức. Ngoài ra nguy cơ mất răng của bạn sẽ rất cao.
Dễ mắc những bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa
Triệu chứng đau nhức do răng khôn bị sâu khiến người bệnh không thể nhai kỹ, biếng ăn, ăn không ngon miệng. Việc ăn uống không đều độ hoặc đưa các loại thức ăn chưa được nhai và nghiền kỹ vào đường tiêu hóa, đường tiêu hóa của bạn sẽ gặp nhiều vấn đề. Cụ thể như sa dạ dày, đau dạ dày, bệnh trĩ…
Mất ngủ, ngủ không sâu giấc
Những cơn đau nhức, ê buốt dữ dội có thể xảy ra vào ban đêm và khiến người bệnh không thể ngủ ngon giấc, thậm chí là mất ngủ. Nhất là những người có thói quen nghiến răng.
Nếu không có biện pháp xử lý sớm, cơ thể của bạn sẽ thường xuyên mệt mỏi và bị suy nhược. Đồng thời xuất hiện một số biểu hiện liên quan đến việc thay đổi tính cách. Bao gồm: Bứt rứt, cáu gắt, khó chịu…
Răng khôn bị sâu có nên nhổ không?
Nhiều người nghĩ rằng phương pháp duy nhất để điểu trị tình trạng răng khôn bị sâu là nhổ bỏ răng bệnh. Trên thực tế, dù là răng khôn ở hàm trên hay răng khôn ở hàm dưới đều không cần phải nhổ bỏ khi răng bị sâu.
Nhổ răng được đánh giá là phương pháp xử lý cuối cùng nếu bạn bị sâu răng nặng, sâu răng kèm theo viêm nhiễm, đau nhức dữ dội hoặc chết tủy. Trong trường hợp răng khôn của bạn bị sâu ở mức độ nhẹ, sâu răng không làm ảnh hưởng đến những chiếc răng bên cạnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn điều trị bằng một số phương pháp mà không cần phải nhổ bỏ răng.
Biện pháp khắc phục răng khôn bị sâu nào tốt?
Một số biện pháp dưới đây thường được sử dụng để khắc phục tình trạng răng khôn bị sâu:
Sử dụng gel Florua
Trong trường hợp bạn bị sâu răng ở giai đoạn đầu, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn tăng cường men răng bằng cách sử dụng gel Florua. Phương pháp này sẽ giúp chiếc răng đang bị sâu của bạn chống lại lượng axit từ mảng bám. Đồng thời phòng ngừa tình trạng sâu răng phát triển.
Trám răng
Đối với những bệnh nhân bị sâu răng nhưng lỗ sâu chưa tác động và chưa xâm nhập vào tủy, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn trám răng. Phương pháp này có thể giúp bạn bít lỗ sâu đê bảo vệ phần răng còn lại và phòng ngừa sự phát lại của các loại vi khuẩn gây bệnh.
Khi trám và thực hiện vệ sinh răng trước khi trám, răng của bạn có thể bị ê buốt dẫn đến khó chịu. Đối với những trường hợp buốt nghiêm trọng, bác sĩ có thể giúp bạn gây tê cục bộ trước khi thực hiện trám răng.
Nạo tủy
Phương pháp nạo tủy sẽ được xem xét và áp dụng nếu tình trạng sâu răng của bạn đã xâm nhập vào tủy răng. Do khu vực này chứa rất nhiều dây thần kinh và mạch máu nên phương pháp nạo tủy có thể gây khó chịu đối với nhiều người. Sau khi nạo bỏ tủy, bác sĩ sẽ giúp bạn trám lỗ sâu để bảo vệ phần răng còn lại.
Nhổ bỏ răng
Trong trường hợp răng khôn của bạn đã bị hư hỏng quá nặng, tình trạng viêm và sâu răng có thể lây lan và làm ảnh hưởng đến những chiếc răng cận kề, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định nhổ bỏ răng hư. Phương pháp này sẽ giúp bạn bảo vệ răng hàm và phòng ngừa bệnh lý, các vấn đề về răng miệng khác có thể xảy ra.
Trong quá trình nhổ bỏ răng, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành gây tê để đảm bảo rằng bệnh nhân không bị đau khi nhổ. Sau khi thuốc tê tan và răng đã nhổ, người bệnh sẽ dần có dần có cảm giác hơi tê buốt.
Để đẩy nhanh quá trình làm lành những tổn thương và giảm đau hiệu quả sau nhổ răng, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê cho bạn một đơn thuốc. Đồng thời yêu cầu bạn nghỉ ngơi và ăn các loại thực phẩm mềm, lỏng.
Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân có răng khôn bị sâu nhưng chưa chủ động đến bệnh viện để thăm khám và tiến hành điều trị. Điều này không chỉ góp phần làm tăng nguy cơ mất răng khôn mà còn tác động và làm ảnh hưởng xấu đến những răng kế cận.
Trong trường hợp phát hiện sâu răng từ giai đoạn đầu, người bệnh không cần phải nhổ răng khôn. Thay vào đó, bạn có thể áp dụng những phương pháp chữa trị giúp giữ lại răng khôn theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngày Cập nhật 30/07/2021