Răng không sâu nhưng đau là do đâu? Làm sao khỏi?
Tình trạng răng không sâu nhưng bị đau nhức có thể xảy ra do chấn thương, mọc răng khôn, thiếu canxi, viêm nướu và viêm nha chu. Để làm giảm triệu chứng này, cần tích cực trong điều trị bệnh lý nguyên nhân phối hợp với biện pháp cải thiện triệu chứng và chăm sóc đúng cách.
Răng không sâu nhưng đau là do đâu?
Thông thường, đau nhức răng là biểu hiện của bệnh sâu răng – một trong những vấn đề nha khoa thường gặp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, răng có thể không sâu nhưng vẫn gây đau kèm theo một số triệu chứng như ê buốt, lung lay, khó chịu, chảy máu chân răng và hôi miệng.
Theo các bác sĩ Nha khoa, tình trạng này có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
1. Mọc răng khôn
Mọc răng khôn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng răng không sâu nhưng bị đau nhức. Răng khôn (răng số 8) mọc vào giai đoạn trưởng thành từ 17 – 24 tuổi nên thường không có đủ không gian trên cung hàm. Do đó khi mọc, răng có thể kích thích mô nướu, gây viêm, sưng đỏ và làm đau nhức các răng lân cận.
Ngoài ra nếu răng khôn mọc lệch, mọc ngang hoặc mọc ngầm, triệu chứng đau thường có mức độ nặng nề và kéo dài trong nhiều ngày. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến sâu răng, tổn thương răng số 7 và viêm nhiễm.
2. Viêm nướu răng
Viêm nướu răng xảy ra khi mô nướu (lợi) bị viêm nhiễm do hại khuẩn có trong cao răng. Bệnh lý này chỉ gây thương tổn ở mô nướu nên hầu như không gây biến đổi màu sắc và hình dạng của răng.
Tuy nhiên do mô nướu bao quanh và đảm nhiệm chức năng nâng đỡ răng nên khi cơ quan này bị tổn thương, răng có xu hướng lung lay, suy yếu và dễ bị đau nhức. Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng răng không sâu nhưng đau do viêm nướu bằng cách quan sát màu sắc và biểu hiện của lợi. Khi bị viêm nhiễm, lợi thường có dấu hiệu sưng viêm, nóng rát và chuyển sang màu tím hoặc đỏ thẫm.
3. Viêm nha chu
Ngoài ra, tình trạng răng không sâu nhưng đau nhức có thể xảy ra do viêm nha chu. Bệnh lý này là giai đoạn tiến triển nặng của viêm nướu, gây viêm nhiễm ở lợi, gai lợi, xương ổ răng, dây chằng,…
Do nhiễm trùng xảy ra ở toàn bộ tổ chức bao xung quanh răng nên khi mắc bệnh lý này, răng thường bị đau nhức, ê buốt dữ dội, đi kèm với triệu chứng chảy máu, tiêu xương ở phần chân răng, hôi miệng, tụ dịch/ mủ.
4. Thiếu canxi
Canxi là nguyên tố vi lượng cần thiết nhằm duy trì sức khỏe xương khớp và răng miệng. Thiếu hụt canxi có thể khiến răng suy yếu và dễ đau nhức ngay cả khi không mắc các vấn đề nha khoa. Tình trạng thiếu canxi gây đau răng thường gặp ở phụ nữ mang thai, sau sinh và người bị suy dinh dưỡng.
Bên cạnh tình trạng đau nhức, thiếu canxi còn khiến răng ê buốt, khó khăn khi ăn uống và thường xuyên chảy máu chân răng.
5. Thay đổi nội tiết
Nội tiết tố không chỉ ảnh hưởng đến thể trạng và chức năng sinh lý mà còn tác động đến sức khỏe răng miệng. Theo thống kê, nữ giới có nội tiết tố bất ổn (dậy thì, mang thai, sau sinh,…) thường có mô nướu và răng nhạy cảm hơn bình thường.
Chính vì vậy trong thời điểm này, răng thường có xu hướng đau nhức, ê buốt, mô nướu sưng đỏ, viêm và nóng rát ngay cả khi không bị sâu răng hoặc mắc các vấn đề nha khoa khác.
6. Áp xe chân răng
Áp xe chân răng là biến chứng thường gặp của viêm nha chu và viêm nướu. Biến chứng này xảy khi vi khuẩn phát triển mạnh, gây tổn thương mô nướu nghiêm trọng và tạo ra ổ mủ. Ổ mủ ở chân răng gây đau nhức và nóng rát nghiêm trọng.
Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt răng nhưng tình trạng áp xe kéo dài có thể tiến triển nặng nề khiến vùng lợi lở loét, hư hại chân răng và khiến răng gãy rụng.
7. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra tình trạng răng không sâu nhưng đau có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:
- Thói quen nghiến răng khi ngủ: Thói quen nghiến răng khi ngủ có thể gây áp lực và đè nén lên răng, khiến răng có xu hướng đau nhức và ê buốt ngay sau khi thức dậy. Tuy nhiên triệu chứng này thường thuyên giảm sau khoảng vài giờ đồng hồ.
- Chấn thương: Té ngã và va chạm mạnh vào xương hàm có thể khiến răng đau nhức và mô nướu sưng viêm. Với những trường hợp chấn thương mạnh, nướu có thể bị xây xước, rách và chảy máu.
- Viêm xoang hàm gây đau răng: Xoang hàm là mô xoang nằm gần kề với hàm trên của răng. Vì vậy khi cơ quan này bị viêm nhiễm, chân răng và mô nướu ở hàm trên có thể bị đau nhức và khó chịu. Với những trường hợp nghiêm trọng, viêm xoang hàm còn có thể gây nhiễm khuẩn quanh cuống răng và tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
- Ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày: Trào ngược dạ dày xảy ra khi dịch vị ở dạ dày trào ngược lên cổ họng và khoang miệng. Dịch vị dạ dày chứa nhiều axit, có thể thúc đẩy hoạt động của hại khuẩn, kích thích mô nướu và làm mòn men răng. Do đó người mắc bệnh lý này thường có xu hướng đau nhức răng, hôi miệng và có nguy cơ cao mắc các vấn đề nha khoa.
- Thực hiện thủ thuật nha khoa: Đau nhức răng nhưng không sâu có thể là hệ quả do thực hiện rút tủy răng, trám răng và bọc răng sứ. Sau khi thực hiện các thủ thuật này, răng và mô nướu thường bị đau nhức, khó chịu và ê buốt trong khoảng vài ngày.
Răng không sâu nhưng đau nhức có nguy hiểm không?
Răng không sâu nhưng đau nhức xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Vì vậy mức độ nghiêm trọng của triệu chứng này phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu xảy ra do chấn thương nhẹ, mọc răng khôn (trong trường hợp răng mọc thẳng) và ảnh hưởng của thủ thuật nha khoa, triệu chứng sẽ thuyên giảm chỉ sau khoảng vài ngày.
Tuy nhiên trong trường hợp khởi phát do các vấn đề nha khoa như bệnh nha chu, viêm nướu, áp xe chân răng, thiếu canxi,… triệu chứng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian, gây viêm nhiễm nặng và tăng nguy cơ mất răng. Hơn nữa tình trạng răng đau nhức kéo dài còn ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, ăn uống và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Cách điều trị tình trạng răng không sâu nhưng đau nhức
Để giải quyết triệt để tình trạng răng không sâu nhưng đau, bạn có thể can thiệp các biện pháp sau:
1. Điều trị nguyên nhân
Răng đau nhức xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro. Vì vậy để ngăn ngừa và cải thiện mức độ đau, bạn nên tìm gặp nha sĩ nhằm chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp các biện pháp điều trị thích hợp.
Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ tổn thương và giai đoạn tiến triển mà nha sĩ có thể đề xuất các hướng điều trị như:
- Bổ sung canxi và fluoride nhằm tăng độ chắc khỏe cho răng, giảm thiểu tình trạng răng lung lay, suy yếu và hư hại.
- Dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp viêm nhiễm.
- Can thiệp các thủ thuật ít xâm lấn như cố định răng, bọc răng sứ, rạch dẫn lưu mủ, rút tủy, cạo vôi răng,…
- Nhổ răng nếu răng khôn mọc lệch hoặc chân răng bị hư hại nghiêm trọng và không có khả năng hồi phục.
- Can thiệp phẫu thuật nạo túi nha chu, ghép xương và ghép mô mềm trong trường hợp cần thiết.
Với trường hợp đau răng do viêm xoang hàm và trào ngược dạ dày, nha sĩ sẽ chuyển bạn đến khoa Tai mũi họng hoặc Tiêu hóa để được thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.
2. Điều trị triệu chứng
Đau nhức răng không chỉ gây khó chịu, bứt rứt, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cuộc sống. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và can thiệp các biện pháp giảm đau răng tại nhà.
Thuốc trị răng đau nhức thường được sử dụng, bao gồm:
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau thông thường, được sử dụng cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Ngoài tác dụng giảm đau, loại thuốc này còn cải thiện tình trạng sốt do các bệnh viêm nhiễm nha khoa.
- NSAID: NSAID là nhóm thuốc chống viêm không steroid. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và cải thiện tình trạng viêm ở mô nướu, chân răng. Các NSAID thường được sử dụng trong điều trị các vấn đề nha khoa, bao gồm Ibuprofen, Diclofenac, Aspirin,…
- Dung dịch sát khuẩn, giảm đau: Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số dung dịch súc miệng chứa menthol và hoạt chất sát khuẩn nhằm tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm dịu mô nướu và giảm đau nhức răng.
Biện pháp giảm đau răng tại nhà, bao gồm:
- Chườm đá lạnh: Sử dụng túi chườm lạnh áp vào vùng má ngoài có thể giảm đau nhức răng và mô nướu. Ngoài ra biện pháp này còn hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của bệnh viêm xoang hàm.
- Súc miệng với nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng làm dịu mô nướu, giảm chảy máu và đau nhức chân răng. Vì vậy bạn nên áp dụng biện pháp này từ 3 – 4 lần/ ngày để cải thiện tình trạng răng không sâu nhưng đau nhức.
- Nhai lá bạc hà: Hoạt chất Menthol và Menthone trong lá bạc hà có tác dụng gây tê, làm mát và giảm đau tại chỗ. Ngoài ra thảo dược này còn có mùi thơm the mát, giúp ức chế hại khuẩn và giảm tình trạng hôi miệng.
3. Chăm sóc trong thời gian điều trị
Để tránh kích thích cơn đau răng bùng phát mạnh, bạn nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc như:
- Vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của nha sĩ.
- Hạn chế dùng thức uống và thực phẩm quá nóng/ lạnh, chứa nhiều đường, tinh bột, gia vị cay nóng, chất bảo quản và axit.
- Nên bổ sung các thực phẩm nguội và có kết cấu mềm như sữa chua, cháo, canh, súp,… để giảm áp lực lên răng và mô nướu.
- Cần uống nhiều nước trong thời gian điều trị nhằm duy trì lượng nước bọt trong khoang miệng và hỗ trợ trung hòa axit do hại khuẩn bài tiết.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá khi đang bị đau nhức răng. Nếu có thể bạn nên từ bỏ thói quen này nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng và chức năng hô hấp.
Kết hợp chế độ chăm sóc khoa học với các biện pháp điều trị y tế và cải thiện tại nhà có thể giảm nhanh triệu chứng đau nhức, hỗ trợ điều trị và tăng tốc độ hồi phục chân răng, mô nướu.
Phòng ngừa răng đau nhức nhưng không sâu
Đau răng có thể không chỉ xảy ra do sâu răng mà còn khởi phát do nhiều nguyên nhân khác. Chính vì vậy để giảm thiểu nguy cơ tái phát, bạn nên thực hiện một số biện pháp dự phòng sau:
- Chải răng nhẹ nhàng và thao tác theo chiều dọc để làm sạch hoàn toàn mảng bám và thức ăn thừa ở kẽ răng. Nên chải răng từ 2 – 3 phút để làm sạch răng miệng tối ưu.
- Kết hợp với việc sử dụng nước súc miệng chứa fluoride và chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ở vị trí khuất, giảm nguy cơ hình thành cao răng và các vấn đề nha khoa.
- Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng. Vì vậy bạn nên trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn uống khoa học và phù hợp.
- Thay bàn chải sau khoảng 2 – 3 tháng sử dụng.
- Cạo vôi răng 6 tháng/ lần nhằm ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn tích tụ và giảm nguy cơ đau nhức răng do bệnh sâu răng, viêm nha chu và viêm nướu.
- Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần.
- Tích cực trong điều trị các bệnh lý nguyên nhân như trào ngược dạ dày, thiếu canxi, rối loạn nội tiết và viêm xoang hàm.
Bài viết đã tổng hợp các nguyên nhân và hướng điều trị phổ biến đối với trường hợp răng không sâu nhưng đau nhức. Tuy nhiên trên thực tế, triệu chứng này có thể khởi phát do một số nguyên nhân không được đề cập trong bài viết. Vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ Nha khoa để được chẩn đoán và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp.
Tham khảo thêm:
Ngày Cập nhật 24/03/2023