Răng nhạy cảm: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Răng nhạy cảm là tình trạng răng bệnh có cảm giác ê buốt khi uống hoặc ăn một số loại thực phẩm như chua, nóng, lạnh, ngọt… Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xuất hiện khi thời tiết thay đổi. Trên thực tế tồn tại rất nhiều nguyên nhân khiến răng nhạy cảm và hình thành nhiều phiền toái. Tuy nhiên nhạy cảm có thể được phòng ngừa và điều trị bằng nhiều phương pháp đơn giản.
Răng nhạy cảm là gì?
Răng nhạy cảm còn có tên gọi khác là răng ê buốt, nhạy cảm ngà. Tình trạng này được đánh giá là một trong những vấn đề nha khoa phổ biến. Nhạy cảm ngà là hậu quả của nhiều vấn đề thường gặp. Cụ thể như mòn men răng và tụt nướu. Bệnh có thể tiến triển theo thời gian.
Theo kết quả nghiên cứu, những bệnh nhân có độ tuổi từ 20 đến 50 thuộc nhóm đối tượng thường bị nhạy cảm ngà hơn so với các nhóm đối tượng khác.
Răng nhạy cảm bắt đầu hình thành và phát triển khi có sự ăn mòn diễn ra tại phần ngà răng mềm hơn nằm sâu bên trong răng. Phần ngà nằm dưới nướu răng và lớp men. Có đến hàng ngàn kênh dẫn truyền cực nhỏ di chuyển qua ngà hướng đến phân trung tâm răng.
Khi phần ngà răng bị tổn thương và bị ăn mòn, những tác nhân từ bên ngoài tác động vào răng như đồ ăn chua, đồ uống lạnh, thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh có thể kích thích các dây thần kinh tồn tại bên trong răng. Kết quả là hình thành nên những cơn nhói và đau buốt ngắn cho răng nhạy cảm.
Trong trường hợp nhạy cảm ngà kéo dài, người bệnh có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng lộ ngà răng. Chính vì thế việc làm giảm các cơn đau và chăm sóc cho răng nhạy cảm vô cùng cần thiết. Xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, thay đổi một số thói quen trong việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng hàng ngày có thể giúp giảm bớt tình trạng nhạy cảm ngà.
Bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân gây nhạy cảm ngà. Do đó, nếu bạn đang gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến răng, hãy đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
Dấu hiệu nhận biết răng nhạy cảm
Dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết răng nhạy cảm gồm cảm giác khó chịu và đau ở răng khi sử dụng thực phẩm ngọt, chua hoặc thức ăn có tính axit như kẹo, chanh, xoài, cóc, cam… Ngoài ra việc sử dụng thực phẩm lạnh hoặc nóng như kem, nước đá, cà phê nóng… cũng gây nên cảm giác đau, ê buốt và khó chịu.
Nhiều người nhầm lẫn tình trạng nhạy cảm ngà sẽ chỉ mang đến cảm giác đau, buốt trong ăn uống. Tuy nhiên, nếu răng của bạn nhạy cảm với sự lạnh như uống đồ uống lạnh có đá, hít phải khí lạnh, thời thời tiết thay đổi sẽ khiến cho răng đau hoặc ê buốt tạm thời, thì cũng rất có thể bạn đang mắc phải chứng nhạy cảm ngà.
Tình trạng tổn thương của răng nhạy cảm sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu răng bị chạm vào hoặc răng bị đè ép. Trong một vài trường hợp, cơn đau có thể xảy ra khi bạn đánh răng hoặc sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
Nguyên nhân dẫn đến răng nhạy cảm
Tình trạng răng nhạy cảm xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, gồm:
- Thực phẩm chứa axit: Việc thường xuyên uống và ăn những loại thực phẩm chứa hàm lượng axit cao như xoài, cóc, cam, quýt, dưa chua, cà chua, trà… có thể tác động và gây xói mòn men răng. Chính vì thế, bạn nên hạn chế sử dụng những loại thực phẩm này. Hoặc bạn có thể uống một ly sữa hay ăn một miếng phô mai ngay sau khi ăn đồ chua. Điều này sẽ giúp bạn làm giảm tác hại của axit.
- Tụt nướu: Mỗi chân răng sẽ được bao bọc bởi các mô nướu. Tuy nhiên trong trường hợp bạn mắc bệnh nha chu, nướu răng của bạn có thể bị tụt và khiến lớp ngà nhạy cảm lộ ra ngoài. Do đó, khi bạn bị tụt nướu, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện và trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa. Khi đó bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và có những biện pháp can thiệp kịp thời.
- Lông bàn chải đánh răng cứng: Nếu bạn sử dụng những loại bàn chải có lông quá cứng hoặc đánh răng mạnh, phần nướu răng của bạn có thể bị tổn thương. Trong thời gian này lớp ngà cũng bị lộ ra ngoài. Từ đó khiến răng của bạn thường xuyên có cảm giác ê buốt khi ăn uống, sử dụng chỉ nha khoa hoặc khi đánh răng.
- Răng bị nứt, mẻ, vỡ: Cắn kẹo cứng, nhai đá, tổn thương do tai nạn va đập có thể khiến răng bị nứt hoặc mẻ. Khi một chiếc răng bị tổn thương, nứt, vỡ hoặc bị mẻ, các đầu mút dây thần kinh bên trong sẽ bị tác động và kích thích khi ăn, nhai. Bên cạnh đó, vết nứt cũng là nơi hội tụ các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm và gây nên tình trạng đau buốt ở răng.
- Sâu răng: Tình trạng sâu răng khiến chân răng, bề mặt răng hình thành các lỗ sâu. Khi lỗ sâu phát triển với kích thước to, sâu vào lỗ tủy sẽ khiến những đầu mút dây thần kinh tồn tại trong tủy răng lộ ra ngoài. Đối với trường hợp này, bạn cần giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt. Bên cạnh đó bạn nên ăn uống đúng cách và thường xuyên đến nha sĩ để được thăm khám, kiểm tra răng định kỳ.
- Nghiến răng: Men răng được đánh giá là mô cứng nhất trong cơ thể. Tuy nhiên men răng cũng có thể bị mòn đi theo thời gian. Điều này sẽ xuất hiện khi bạn có những thói quen tưởng chừng như vô hại. Cụ thể như nghiến răng. Chính vì thế, để tránh làm răng bị ê buốt, bạn nên hạn chế những hành động này.
Cách điều trị răng nhạy cảm
Một số biện pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng răng nhạy cảm, gồm:
- Sử dụng kem đánh răng giảm ê buốt: Các loại kem đánh răng giảm ê buốt có thành phần giúp ngăn chặn sự truyền cảm giác, tín hiệu từ bề mặt răng đến các dây thần kinh. Vì thế, việc thường xuyên sử dụng loại kem đánh răng này sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng đau và ê buốt răng. Tuy nhiên để lựa chọn và sử dụng một sản phẩm an toàn, phù hợp, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Dùng gel chống ê buốt: Trong trường hợp các loại kem đánh răng giảm ê buốt không thể giúp cảm giác khó chịu thuyên giảm, người bệnh có thể đến nha khoa để được điều trị. Bác sĩ sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng ê buốt răng bằng cách bôi gel chống ê buốt hoặc gel fluor lên vùng răng nhạy cảm.
- Ghép nướu: Trong trường hợp mô nướu bị tụt ra khỏi chân răng, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn ghép nướu để bảo vệ chân răng. Ngoài ra, phương pháp ghép nướu còn giúp bạn cải thiện tốt tình trạng răng ê buốt.
- Điều trị nội nha: Trong trường hợp tình trạng nhạy cảm ngà diễn ra dai dẳng và quá mức, việc áp dụng những phương pháp điều trị nêu trên không thể kiểm soát bệnh lý hoặc không thể thực hiện được, điều trị nội nha (lấy tủy răng) là phương pháp được chỉ định đối với trường hợp này. Đây là phương pháp có thể giúp người bệnh loại bỏ tình trạng ê buốt dai dẳng và quá mức hiệu quả.
- Các phương pháp điều trị khác: Phụ thuộc vào nguyên nhân khiến chứng răng nhạy cảm xuất hiện hoặc khi những biện pháp nêu trên không mang đến hiệu quả chữa bệnh, bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét và chỉ định một số phương pháp điều trị khác. Cụ thể như bọc mão bán phần hoặc toàn phần, trám răng, bôi keo lên vùng răng bị nứt, sâu của răng nhạy cảm để cải thiện chứng ê buốt.
Những người có răng nhạy cảm thường gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động ăn uống, sinh hoạt thường ngày bởi cảm giác khó chịu mà bệnh gây ra. Để khắc phục bệnh lý này, đầu tiên bác sĩ chuyên khoa sẽ khuyên bạn hình thành thói quen vệ sinh răng miệng tốt như tần suất chải răng và cách chải răng.
Trong trường hợp tình trạng ê buốt vẫn không thuyên giảm, bác sĩ sẽ đề ra những phương pháp điều trị thích hợp hơn tùy theo từng nguyên nhân.
Biện pháp phòng ngừa răng nhạy cảm
Việc vệ sinh răng miệng thường xuyên là việc làm quan trọng đối với quá trình chăm sóc sức khỏe răng miệng và phòng ngừa răng nhạy cảm. Để bảo vệ răng miệng, bạn nên thực hiện những điều sau:
- Bạn cần chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Một lần vào buổi sáng sau khi thức dậy và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó bạn nên sử dụng kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm.
- Hãy chải răng với bàn chải có lông mềm mịn. Ngoài ra bạn nên chải răng một cách nhẹ nhàng theo chuyển động vòng tròn. Bạn cần tránh chải răng theo chiều ngang.
- Bàn chải đánh răng phải được thay thường xuyên. Khoảng 2 – 3 tháng/lần là phù hợp. Trong trường hợp bàn chải đã xơ, bạn có thể thay bàn chải sớm hơn.
- Bạn nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm không tốt cho răng. Cụ thể như thức uống có ga và axit, thức ăn có nhiều đường.
- Khám răng định kỳ là biện pháp phòng ngừa răng nhạy cảm và một số vấn đề khác về răng miệng mà bạn nên áp dụng.
- Trong trường hợp bạn có thói quen nghiến răng khi ngủ, bạn nên liên hệ và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc có nên sử dụng miếng bảo vệ răng vào ban đêm hay không. Miếng bảo vệ răng khi sử dụng vào ban đêm sẽ giúp bạn hạn chế tổn thương và chứng ê buốt răng.
- Bạn nên sử dụng những loại kem chứa thành phần quan trọng là fluor. Thành phần này có thể ngăn ngừa răng nhạy cảm, giúp cấu trúc của răng thêm chắc khỏe. Bên cạnh đó việc sử dụng kem đánh răng chứa fluor cũng giúp bạn tăng cường sự bù chất khoáng. Từ đó phòng ngừa tốt tình trạng sâu răng trước khi lỗ sâu trên bề mặt răng được phát hiện. Ngoài fluor, một số thành phần đặc biệt khác được tìm thấy trong kem đánh răng còn có tác dụng làm sạch, trắng răng, giúp bạn có một nụ cười tự tin.
Răng nhạy cảm không phải là một bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên các biểu hiện của bệnh lý này thường khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, phiền toái, làm ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống mỗi ngày. Chính vì thế, khi nhận thấy răng lợi xuất hiện những vấn đề bất thường, người bệnh cần đến phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt để được bác sĩ kiểm tra và can thiệp kịp thời.
Ngày Cập nhật 15/11/2021