Răng sâu bị ê buốt và các biện pháp khắc phục
Răng sâu bị ê buốt xảy ra khi vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong ngà răng hoặc tủy răng. Khác với giai đoạn mới khởi phát, sâu răng tiến triển gây ra hàng loạt các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng nhai và có khả năng bùng phát biến chứng nặng nề.
Vì sao sâu răng thường gây ê buốt?
Sâu răng là tình trạng răng bị mất mô cứng do quá trình hủy khoáng. Bệnh lý này xảy ra do thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách, ăn thực phẩm chứa nhiều đường và axit, hút thuốc lá trong thời gian dài,… Các yếu tố này làm tăng sinh mảng bám sinh học, tạo điều kiện để vi khuẩn có hại bùng phát và gây hư hại men răng.
Thông thường, sâu răng ít gây đau nhức, khó chịu, ê buốt,… trong giai đoạn 1 và 2. Bởi ở giai đoạn này, vi khuẩn chỉ mới ảnh hưởng đến phần men răng – là phần cứng nhất của răng.
Tuy nhiên khi phát triển đến giai đoạn 3 và 4, sâu răng thường gây đau nhức và ê buốt dữ dội. Trong giai đoạn này, vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng. Không giống với men răng, ngà răng và tủy răng có chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh dẫn truyền cảm giác. Chính vì vậy khi vi khuẩn xâm nhập vào, răng có thể bị đau, ê buốt, khó chịu, nhạy cảm và lung lay.
Như vậy có thể thấy, sâu răng bị ê buốt là dấu hiệu cho thấy bệnh đã tiến triển đến giai đoạn 3 hoặc 4. Nếu không can thiệp điều trị, vi khuẩn có thể gây hoại tử tủy, tăng nguy cơ áp xe răng và mất răng.
Răng sâu bị ê buốt gây ảnh hưởng như thế nào?
Tình trạng ê buốt răng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống. Khi mới bùng phát, triệu chứng thường khởi phát đột ngột và thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên khi răng bị hư hại nghiêm trọng, tình trạng ê buốt có thể bùng phát ngay cả không ăn uống.
Ê buốt răng kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây suy nhược cơ thể, mệt mỏi và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, răng sâu bị ê buốt còn có thể gây ra các biến chứng như:
- Áp xe răng: Áp xe răng là biến chứng thường gặp của bệnh sâu răng tiến triển. Biến chứng này xảy ra khi tủy bị viêm nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn đi sâu vào chóp răng và gây hình thành ổ mủ.
- Mất răng: Ở một số trường hợp, vi khuẩn có thể gây hư hại tủy, chân răng nặng nề và không có khả năng hồi phục. Đối với trường hợp này, nha sĩ sẽ đề nghị nhổ bỏ răng để tránh gây viêm nhiễm răng ở những vị trí xung quanh.
- Viêm nha chu: Nha chu là tổ chức bao xung quanh răng, gồm có nướu, gai lợi, xương ổ răng,… Vi khuẩn gây sâu răng có thể đi vào tủy, sau đó lây lan đến các bộ phận cấu thành nha chu và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Viêm nha chu có mức độ nặng nề, dễ gây nhiễm trùng huyết và hoại tử xương ổ răng nếu không điều trị kịp thời.
Các biện pháp khắc phục răng sâu bị ê buốt
Sâu răng gây ê buốt không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và chất lượng cuộc sống mà còn tác động xấu đến sức khỏe răng miệng. Để làm giảm triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa biến chứng, bạn có thể can thiệp các biện pháp điều trị sau:
1. Điều trị tại nhà
Nếu chưa thể tiến hành thăm khám, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị tại nhà để giảm ê buốt răng và một số triệu chứng đi kèm như hôi miệng, đau nhức, răng lung lay,…
Các biện pháp điều trị răng sâu bị ê buốt tại nhà, bao gồm:
– Súc miệng với nước muối:
Nước muối có đặc tính sát trùng và kháng khuẩn mạnh, giúp tiêu trừ hại khuẩn Streptococcus mutans, giảm viêm và ê buốt răng rõ rệt. Bên cạnh đó, biện pháp này còn làm dịu mô nướu xung quanh và cải thiện tình trạng chảy máu chân răng.
Cách thực hiện:
- Sử dụng 1 thìa cà phê muối khuấy đều với 300ml nước
- Súc miệng với nước lạnh để loại bỏ thức ăn thừa
- Sau đó súc miệng với nước muối và ngậm trong khoảng 3 phút
- Thực hiện 3 – 4 lần/ ngày
– Dùng tinh dầu đinh hương:
Tinh dầu đinh hương có vị cay, mùi thơm đặc trưng và thường được dùng để chữa chứng hôi miệng. Bên cạnh đó, tinh dầu này còn chứa Eugenol – có tác dụng kháng khuẩn, gây tê và giảm đau, ê buốt tại chỗ. Vì vậy bạn có thể tận dụng dầu đinh hương để hỗ trợ làm giảm triệu chứng ê buốt, đau nhức và hôi miệng do bệnh sâu răng gây ra.
Hướng dẫn thực hiện:
- Hòa 1 thìa tinh dầu đinh hương vào 200ml nước
- Dùng súc miệng trong khoảng 2 – 3 phút
- Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày
– Uống chè xanh thường xuyên:
Chè xanh (trà xanh) chứa nhiều chất chống oxy hóa (flavonoid, quercetin, EGCG,…) có tác dụng bảo vệ tim mạch, điều hòa huyết áp và tiêu trừ gốc tự do. Bên cạnh đó chè xanh còn chứa fluoride, có tác dụng phục hồi các mô cứng của răng và ức chế hoạt động của hại khuẩn trong mảng bám.
Uống chè xanh thường xuyên giúp làm dày men răng, giảm mức độ nhạy cảm, ê buốt và ngăn ngừa tiến triển của quá trình hủy khoáng. Tuy nhiên bạn cần tránh dùng chè xanh khi đang đói hoặc sau khi ăn quá no.
2. Can thiệp biện pháp y tế
Răng sâu bị ê buốt là hệ quả do vi khuẩn tấn công vào ngà và tủy răng. Vì vậy để điều trị triệt để triệu chứng này, bạn cần khắc phục dứt diểm bệnh lý nguyên nhân.
Các biện pháp y tế điều trị răng sâu bị ê buốt, bao gồm:
- Hàn trám răng: Nếu vi khuẩn chỉ mới gây tổn thương men và ngà răng, bác sĩ sẽ yêu cần hàn trám răng để ngăn ngừa sâu răng tiến triển và gây viêm nhiễm tủy. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách loại bỏ ổ sâu và trám lỗ hổng bằng nhựa composite.
- Điều trị nội nha: Điều trị nội nha (rút tủy) được chỉ định khi sâu răng đã ăn vào tủy và gây viêm nhiễm cơ quan này. Để dự phòng biến chứng áp xe và giảm nguy cơ mất răng, bác sĩ sẽ tiến hành rút dịch tủy, làm sạch khoang tủy và trám lại với vật liệu nhân tạo. Sau khi rút tủy, răng không được nuôi dưỡng và có xu hướng trở nên giòn, dễ nứt và vỡ. Vì vậy bạn có thể bọc răng trong những trường hợp cần thiết.
- Nhổ răng: Nhổ răng là lựa chọn cuối cùng trong quá trình điều trị bệnh sâu răng. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi chân răng bị hư hại nghiêm trọng và không còn khả năng phục hồi. Sau khi nhổ bỏ răng, bác sĩ có thể đề nghị trồng răng giả để phục hồi hình thể và cải thiện chức năng thẩm mỹ.
Chế độ chăm sóc răng sâu bị ê buốt
Bên cạnh các biện pháp điều trị, bạn có thể làm giảm triệu chứng ê buốt răng và hỗ trợ ức chế vi khuẩn gây sâu răng với các biện pháp chăm sóc sau:
- Dùng kem đánh răng và dung dịch súc miệng chứa fluoride. Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày và có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở kẽ răng.
- Uống nhiều nước, bổ sung thêm một số thực phẩm có lợi cho sức khỏe răng miệng như rau xanh, nấm, trái cây, thực phẩm giàu vitamin C, D, canxi,…
- Hạn chế uống nước ngọt có gas, thực phẩm chứa nhiều đường, dùng cà phê, trà đặc và hút thuốc lá.
- Không dùng răng cạy nắp chai hoặc cắn bao bì.
- Tránh nghiến răng khi ngủ. Thói quen này không chỉ làm mòn men răng mà còn tăng nguy cơ vỡ, nứt răng đối với những trường hợp có nền răng yếu và nhạy cảm.
- Kiểm soát các bệnh lý có khả năng gây sâu răng cao như tiểu đường, rối loạn nội tiết và trào ngược dạ dày thực quản.
- Tránh ăn thực phẩm/ đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh, có vị chua và chứa nhiều axit.
- Thăm khám nha khoa định kỳ hoặc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Răng sâu bị ê buốt cảnh báo tình trạng sâu răng đã tiến triển đến giai đoạn 3 và 4. Nếu không can thiệp điều trị, vi khuẩn có thể gây hoại tử tủy răng, làm tiêu chân răng và làm bùng phát các biến chứng nặng nề. Do đó khi nhận thấy răng ê buốt kéo dài, đau nhức, khó chịu, lung lay, bạn nên chủ động thăm khám để được điều trị đúng cách.
Tham khảo thêm: Sau khi hàn răng bị ê buốt và cách xử lý hiệu quả tại nhà
Ngày Cập nhật 14/01/2020