Răng sâu bị lung lay nên xử lý như thế nào?
Răng sâu bị lung lay là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn đã xâm nhập vào sâu bên trong, gây hư hại ngà răng và nhiễm trùng tủy răng. Không giống với giai đoạn mới khởi phát, tình trạng này thường có mức độ nghiêm trọng, có thể gây áp – xe răng, sâu răng lan tỏa và tăng nguy cơ mất răng nếu không được xử lý đúng cách.
Răng sâu bị lung lay cảnh báo điều gì? Nguy hiểm không?
Răng sâu thường tiến triển qua 4 giai đoạn: Hình thành vôi răng – Tấn công vào men răng – Gây hư hại ngà răng – Tổn thương tủy răng. Ở giai đoạn 1 và 2, bệnh ít khi gây đau nhức, ê buốt hay khó chịu. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn 3 và 4, răng có thể bị lung lay, đau nhức dữ dội và tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
Trong đó, giai đoạn 4 – vi khuẩn ăn vào tủy răng là giai đoạn có mức độ nặng nề nhất. Tủy răng là bộ phận ở bên trong ngà răng, chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh, có chức năng nuôi dưỡng răng và dẫn truyền cảm giác. Cơ quan này bị viêm nhiễm sẽ gây ra cảm giác đau nhức dữ dội, răng lung lay, ê buốt, gây hôi miệng, hơi thở có mùi và tăng độ nhạy cảm của răng.
Bên cạnh đó, răng sâu bị lung lay không được điều trị còn gây ra các biến chứng như:
- Áp xe răng: Áp xe răng xảy ra khi vi khuẩn gây viêm nhiễm tủy xâm nhập vào chóp răng, gây nhiễm trùng và hình thành ổ mủ. Biến chứng này có thể khiến nướu sưng, đau nhức, gây mất răng và tăng nguy cơ tiêu xương ổ răng.
- Mất răng: Khác với giai đoạn mới khởi phát, tình trạng răng sâu bị lung lay thường có mức độ nặng và dễ gây mất răng nếu không điều trị kịp thời.
- Sâu răng lây lan: Bên cạnh đó, vi khuẩn gây sâu răng có nguy cơ lây lan sang răng ở các vị trí lân cận, gây hư hại men răng và ngà răng.
Như vậy có thể thấy, răng sâu bị lung lay là tiến triển nặng nề của bệnh sâu răng và có nguy cơ bùng phát các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy khi nhận thấy triệu chứng này, bạn cần tiến hành xử lý và điều trị trong thời gian sớm nhất
Xử lý răng sâu bị lung lay đúng cách
Sâu răng là bệnh nha khoa có tiến triển chậm và phần lớn đều được điều trị bảo tồn. Tuy nhiên trong trường hợp răng tổn thương nghiêm trọng hoặc răng sâu bị lung lay xảy ra ở những vị trí đặc biệt, bác sĩ Nha khoa có thể cân nhắc nhổ bỏ răng khi cần thiết.
1. Hàn trám răng
Hàn trám răng được chỉ định trong trường hợp răng sâu bị lung lay do ngà răng tổn thương nhiều nhưng chưa gây viêm nhiễm tủy răng.
Biện pháp này được thực hiện theo quy trình sau:
- Thăm khám và tư vấn
- Vệ sinh răng miệng và có thể cạo vôi răng nếu cần thiết
- Với những trường hợp sâu răng nặng, bác sĩ có thể gây tê để tránh đau nhức và khó chịu trong thời gian thực hiện
- Dùng dụng cụ làm sạch ổ sâu và thức ăn thừa bám ở lỗ hổng do vi khuẩn sâu răng gây ra
- Sử dụng nhựa Composite để hàn trám lỗ hổng và phục hồi chức năng thẩm mỹ của răng.
Nếu răng sâu bị hư hại nặng và phải hàn trám nhiều, bác sĩ có thể đề nghị bọc răng để giảm áp lực lên răng khi ăn uống và giảm nguy cơ vỡ/ nứt vết trám.
2. Điều trị nội nha
Điều trị nội nha hay còn gọi là rút tủy răng – biện pháp điều trị chính đối với trường hợp răng sâu bị lung lay. Biện pháp này được thực hiện nhằm loại bỏ dịch tủy bị viêm nhiễm, ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ mất răng.
Điều trị nội nha bao gồm các bước sau:
- Chụp X-Quang: Chụp X-Quang giúp xác định hình dạng vùng tủy răng bị viêm nhiễm và quan sát cấu trúc xương hàm để kịp thời phát hiện nhiễm trùng ở một số vị trí khác (nếu có) và chuẩn bị cho quá trình rút tủy.
- Gây tê: Để giảm đau nhức trong quá trình thực hiện, bác sĩ Nha khoa sẽ tiến hành gây tê cục bộ ở khu vực răng sâu bị lung lay.
- Đặt đê cao su: Đê cao su (miếng cao su) được đặt xung quanh răng cần rút tủy nhằm giữ cho răng khô ráo và không dính nước bọt trong thời gian thực hiện.
- Khoan lỗ: Bác sĩ sẽ sử dụng khoan chuyên dụng khoan 1 lỗ từ bề mặt răng nối với tủy.
- Rút tủy: Sử dụng thiết bị rút dịch tủy viêm nhiễm trong khoang. Bước này cần phải thực hiện cẩn thận nhằm đảm bảo không có dịch tủy bị sót lại.
- Làm sạch khoang tủy: Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch khoang tủy nhằm loại bỏ hoàn toàn dịch tủy và vi khuẩn ở bên trong.
- Trám: Cuối cùng, nha sĩ sẽ sử dụng vật liệu nhân tạo trám khoang tủy nhằm ngăn ngừa sâu răng tái phát.
Rút tủy là biện pháp tối ưu đối với những trường hợp răng sâu nặng và bị lung lay. Răng sau khi rút tủy thường có xu hướng giòn, giảm sức nhai và dễ vỡ, vì vậy bạn có thể bọc răng trong trường hợp cần thiết.
3. Nhổ bỏ răng
Nhổ bỏ răng được chỉ định với trường hợp chân răng hư hại hoàn toàn, không có khả năng phục hồi hoặc răng sâu nằm ở vị trí số 8 (răng khôn). Không giống với răng ở những vị trí khác, răng khôn không có vai trò quan trọng đối với chức năng thẩm mỹ và hoạt động nhai. Vì vậy khi răng số 8 bị sâu, điều trị ưu tiên luôn là nhổ bỏ răng.
Nhổ bỏ răng được thực hiện theo trình tự sau:
- Thăm khám và chụp X-Quang để xác định nhiễm trùng (nếu có) và tình trạng chân răng cần nhổ bỏ.
- Làm sạch răng miệng và tiến hành gây tê.
- Nhổ răng trong khoảng 15 – 30 phút tùy thuộc vào vị trí hư tổn và vị trí răng.
- Cuối cùng, bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng sau khi điều trị và kê toa thuốc giảm đau.
Nếu răng bị nhổ bỏ có vai trò quan trọng, bác sĩ có thể đề nghị trồng răng giả để phục hồi hình thể răng, cải thiện chức năng nhai và thẩm mỹ.
Chăm sóc sau điều trị răng sâu bị lung lay
Sau khi hàn trám, rút tủy hoặc nhổ răng, răng và mô nướu xung quanh thường có xu hướng đau nhức, chảy máu và khó chịu. Vì vậy sau khi điều trị, bạn cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc như:
- Nên chải răng nhẹ nhàng 2 – 3 lần/ ngày. Tránh chải răng quá mạnh vì có thể gây chảy máu mô nướu và hư hại men răng.
- Sử dụng dung dịch súc miệng chứa thành phần diệt khuẩn nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng chân răng và mô nướu.
- Có thể dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám ở kẽ răng.
- Nên ăn thức ăn có kết cấu mềm, lỏng và nguội để tránh kích thích cơn đau và hỗ trợ giảm sưng mô nướu.
- Có thể chườm túi mát ở má ngoài để giảm sưng, cầm máu và cải thiện cơn đau ở mô nướu.
- Hạn chế hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas và thực phẩm làm tăng sinh mảng bám như tinh bột, đường,… sau khi nhổ răng và rút tủy.
- Dùng thuốc giảm đau và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng ngừa răng sâu bị lung lay bằng cách nào?
Sâu răng là bệnh lý nha khoa thường gặp và có nguy cơ tái phát cao. Để tránh tình trạng răng sâu bị lung lay và tăng nguy cơ mất răng, bạn nên:
- Vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng 3 lần/ ngày, sử dụng nước súc miệng 2 lần/ ngày và chỉ nha khoa 1 – 2 lần/ ngày.
- Uống nhiều nước nhằm kích thích bài tiết nước bọt và ức chế hại khuẩn trong khoang miệng.
- Xây dựng chế độ ăn khoa học, tăng cường rau xanh, trái cây và thực phẩm chứa canxi, kẽm… Giảm khối lượng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, phẩm màu, đường và gia vị cay nóng.
- Không dùng răng cắn bao bì hoặc cạy nắp chai.
- Hạn chế hút thuốc lá và sử dụng rượu bia.
- Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa thường xuyên (1 – 2 lần/ năm).
- Tích cực điều trị bệnh sâu răng trong giai đoạn mới khởi phát, tránh để bệnh tiến triển nặng nề và khiến chân răng bị lung lay.
- Kiểm soát các bệnh lý có thể gây ra bệnh sâu răng như trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường, thiếu vitamin C, rối loạn nội tiết,…
Răng sâu bị lung lay là giai đoạn tiến triển nặng của bệnh và có thể gây ra các biến chứng như mất răng, áp xe răng, sâu răng lây lan,… Chính vì vậy khi nhận thấy triệu chứng này, bạn nên chủ động thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm: Chân răng bị đen do đâu? Có nguy hiểm không? Làm sao khỏi?
Ngày Cập nhật 13/01/2020