Sâu răng ăn vào tủy – Dấu hiệu và cách điều trị sớm

Sâu răng ăn vào tủy là tiến triển nặng nề của bệnh sâu răng. Khi bước vào giai đoạn này, răng thường bị đau nhức và ê buốt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe tổng thể và làm giảm chất lượng cuộc sống. Để dự phòng biến chứng nguy hiểm, nha sĩ có thể chỉ định rút tủy hoặc nhổ bỏ răng trong trường hợp cần thiết.

Sâu răng ăn vào tủy
Sâu răng ăn vào tủy là tiến triển nặng nề của bệnh sâu răng

Sâu răng ăn vào tủy và dấu hiệu nhận biết

Sâu răng ăn vào tủy là giai đoạn cuối cùng của bệnh sâu răng. Tủy răng là tổ chức chứa mạch máu và dây thần kinh, có vai trò dẫn truyền cảm giác, nuôi dưỡng và duy trì độ chắc khỏe của răng.

Khi mới khởi phát, vi khuẩn có trong vôi răng sẽ tiến hành quá trình hủy khoáng và gây hư hại men răng. Sau khi men răng bị phá hủy, hại khuẩn tiếp tục xâm nhập vào ngà răng và gây ra các lỗ hổng trên bề mặt. Ngà răng là phần răng bên trong chứa ít khoáng chất nên có kết cấu mềm và dễ bị hư hại. Chính vì vậy vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây hư hại ngà răng và tổn thương tủy răng.

So với giai đoạn mới phát, sâu răng ăn vào tủy là tiến triển nặng nề và dễ phát sinh biến chứng nguy hiểm. Nếu không can thiệp kịp thời, tủy răng có thể hư hại nghiêm trọng, khiến răng suy yếu và tăng nguy cơ mất răng.

Hầu hết trong giai đoạn đầu, sâu răng hầu như không gây phát sinh triệu chứng cơ năng. Tuy nhiên ở giai đoạn tổn thương tủy, bệnh thường gây đau nhức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp.

Sâu răng ăn vào tủy
Sâu răng ăn vào tủy gây ê buốt, đau nhức dữ dội, chân răng có dấu hiệu lung lay và suy yếu

Bạn có thể nhận biết tình trạng sâu răng ăn vào tủy qua các triệu chứng sau:

– Giai đoạn đầu:

  • Răng phát sinh cơn đau nhức và ê buốt khi ăn thực phẩm nóng/ lạnh
  • Thỉnh thoảng răng có dấu hiệu nhức, khó chịu không rõ nguyên nhân
  • Chân răng lung lay

– Giai đoạn sâu răng vào tủy:

  • Mức độ đau nhức và ê buốt có xu hướng tăng lên
  • Cơn đau kéo dài về đêm gây mệt mỏi, khó ngủ và mất ngủ
  • Đau nhức răng nghiêm trọng khiến bạn ăn uống không ngon và mệt mỏi

– Giai đoạn viêm tủy nặng:

Nguyên nhân khiến sâu răng ăn vào tủy

Sâu răng có thể được điều trị và kiểm soát hoàn toàn nếu phát hiện và xử lý kịp thời. Với những trường hợp can thiệp trong giai đoạn đầu, bệnh thường có tiến triển tốt và hiếm khi gây tổn thương tủy.

Trong trường hợp sâu răng ăn vào tủy, nguyên nhân có thể do:

  • Không can thiệp điều trị: Sâu răng là hệ quả do quá trình hủy khoáng, gây mất mô cứng của răng và ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Quá trình này không thể tự hồi phục. Vì vậy nếu không can thiệp điều trị, quá trình hủy khoáng có thể tiến diễn khiến vi khuẩn tấn công vào men răng, ngà răng và gây hư hại tủy.
  • Điều trị không đúng cách: Điều trị sâu răng bao gồm nhiều biện pháp khác nhau. Nếu áp dụng biện pháp không thích hợp, vi khuẩn có thể tiếp tục bùng phát, xâm nhập vào tủy và gây hư hại cơ quan này.
  • Không kết hợp đồng thời với biện pháp chăm sóc: Chế độ chăm sóc răng miệng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa. Nếu không áp dụng đồng thời phương pháp điều trị với chế độ chăm sóc khoa học, tổn thương ở mô răng có thể không được kiểm soát hoàn toàn và có nguy cơ tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.

Sâu răng ăn vào tủy có nguy hiểm không?

Các triệu chứng do sâu răng ăn vào tủy ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp. Hơn nữa trong giai đoạn này, cơn đau có xu hướng kéo dài và bùng phát mạnh vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra tình trạng đau nhức răng khi ăn còn gây ra triệu chứng chán ăn, ăn uống không ngon miệng, dẫn đến chứng suy nhược và sụt cân trong thời gian ngắn.

Sâu răng ăn vào tủy
Tổn thương tủy răng có thể gây biến chứng áp xe chân răng, viêm quanh chân răng, mất răng,…

Bên cạnh đó, sâu răng ăn vào tủy còn có thể phát sinh các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm tủy răng: Viêm tủy răng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tủy và gây viêm. Tủy răng bị viêm sẽ kích thích hoạt động của bạch cầu và lưu lượng máu, làm tăng áp lực bên trong tủy và làm phát sinh cơn đau. Tình trạng này cần phải điều trị trong thời gian sớm nhằm hạn chế hình thành ổ áp xe và gây hư hại các răng xung quanh.
  • Viêm quanh cuống răng: Viêm quanh cuống răng là tình trạng nhiễm trùng các mô bao quanh chân răng. Bệnh lý này hình thành do viêm tủy không được điều trị kịp thời. So với các bệnh nha khoa thông thường, viêm quanh cuống răng có mức độ nghiêm trọng, không chỉ phát sinh biến chứng ở răng miệng mà còn gây biến chứng toàn thân.
  • Áp xe chân răng: Áp xe chân răng là biến chứng thường gặp do các bệnh lý nha khoa gây ra. Áp xe là tình trạng chân răng bị viêm nhiễm nặng, hoại tử và hình thành các ổ mủ ở mô nướu.
  • Tăng nguy cơ mất răng: Khi vi khuẩn đi vào bên trong tủy răng, cơ quan này có thể bị viêm và hư hại nghiêm trọng. Tủy bị hư hại sẽ giảm chức năng nuôi dưỡng, khiến răng suy yếu, giòn và tăng nguy cơ gãy rụng.

Cách điều trị sâu răng ăn vào tủy

Điều trị sâu răng ăn vào tủy phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển và mức độ tổn thương tủy. Trước khi điều trị, bác sĩ Nha khoa sẽ tiến hành thăm khám răng miệng và chụp X-Quang để xác định mức độ bệnh và đề xuất hướng điều trị phù hợp.

Dưới đây là một số biện pháp điều trị sâu răng ăn vào tủy thường được áp dụng:

1. Rút tủy răng

Rút tủy răng hay còn gọi là điều trị nội nha, được chỉ định khi tủy răng bị viêm và chưa phát sinh biến chứng. Trong thủ thuật này, nha sĩ sẽ sử dụng thiết bị khoan chuyên dụng nhằm mở ống tủy và hút hết mô tủy bị hư tổn, viêm nhiễm và hoại tử.

Sau đó tiến hành làm sạch ống tủy và sử dụng vật liệu nhân tạo (thường là gutta percha) để trám kín ống tủy nhằm ngăn chặn vi khuẩn gây sâu răng xâm nhập và hình thành ổ áp xe.

Sâu răng ăn vào tủy
Rút tủy là biện pháp bảo tồn được thực hiện khi viêm tủy mới phát và có thể hồi phục

Đây là biện pháp điều trị tối ưu đối với trường hợp sâu răng ăn vào tủy. Tuy nhiên sau khi rút tủy, răng thường có xu hướng giòn, dễ vỡ và suy yếu do không được cung cấp chất dinh dưỡng thường xuyên. Chính vì vậy nha sĩ có thể đề nghị bọc răng sứ để bảo vệ mô nướu, phục hồi hình thể và giúp răng chắc khỏe.

Rút tủy răng là thủ thuật nha khoa được thực hiện khá phổ biến. Mặc dù vậy, thủ thuật này đòi hỏi kỹ thuật viên phải có chuyên môn cao. Thực hiện tại các phòng khám nha khoa nhỏ, không uy tín có thể gây ra một số biến chứng như sót tủy răng, tái nhiễm và tổn thương mô nướu. Vì vậy bạn nên lựa chọn bệnh viện và các phòng khám uy tín để thực hiện biện pháp này.

2. Nhổ răng

Nếu tủy bị tổn thương nghiêm trọng, chân răng suy yếu và hư hại nặng nề, điều trị bảo tồn thường không đem lại kết quả tốt. Trong trường hợp, nhổ răng là biện pháp điều trị tối ưu nhất.

Nhổ bỏ răng sâu có thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn có hại, ngăn ngừa viêm nhiễm các răng lân cận và dự phòng biến chứng nguy hiểm. Với những răng không có vai trò quan trọng về mặt thẩm mỹ và hoạt động nhai (chẳng hạn như răng khôn), bạn có thể không cần trồng răng giả.

Tuy nhiên trong trường hợp răng bị nhổ nằm ở vị trí dễ nhìn và có vai trò quan trọng đối với chức năng nhai, bạn nên trồng răng giả để cải thiện chức năng và thẩm mỹ.

3. Kết hợp biện pháp chăm sóc

Song song với các phương pháp điều trị chuyên sâu, bạn nên kết hợp với chế độ chăm sóc đúng cách nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và thúc đẩy tốc độ hồi phục.

Sâu răng ăn vào tủy
Chườm lạnh có thể làm giảm sưng viêm, đau nhức và khó chịu sau khi rút tủy và nhổ răng

Các biện pháp chăm sóc đối với bệnh nhân bị sâu răng ăn vào tủy, bao gồm:

  • Sau khi nhổ răng, nên cắn gạc tại chỗ trong khoảng 30 – 45 phút để cầm máu.
  • Sử dụng túi chườm lên vùng má sau khi nhổ và rút tủy răng nhằm cải thiện tình trạng đau nhức và sưng viêm.
  • Sau khi can thiệp ngoại khoa, bác sĩ thường kê toa thuốc giảm đau và chống viêm. Vì vậy bạn nên dùng thuốc theo hướng dẫn của nha sĩ để cải thiện tình trạng đau nhức, sưng đỏ, viêm,…
  • Tránh các hoạt động va chạm mạnh vào vị trí răng vừa nhổ hoặc rút tủy.
  • Khi máu đông chưa hình thành, tránh súc miệng và chải răng.
  • Sau khi rút tủy và nhổ răng, bạn cần tránh ăn thực phẩm quá cay, mặn, ngọt hoặc quá nóng/ lạnh.
  • Kiêng toàn bộ các thức uống chứa cồn và chất kích thích, đồng thời tránh hút thuốc lá trong ít nhất 3 ngày.
  • Nên bổ sung thực phẩm có kết cấu mềm như cháo, súp, sữa chua, canh,…

Phòng ngừa sâu răng ăn vào tủy

Sâu răng ăn vào tủy có thể phòng ngừa với các biện pháp sau:

  • Chú ý các biểu hiện của răng miệng, chủ động thăm khám và điều trị khi có các dấu hiệu bất thường.
  • Tích cực trong việc điều trị bệnh sâu răng và cần kết hợp đồng thời với các biện pháp chăm sóc khoa học.
  • Thăm khám nha khoa 6 tháng/ lần giúp phát hiện các vấn đề nha khoa và can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất.
  • Chủ động nhổ răng khôn (răng số 8) nếu răng có dấu hiệu mọc lệch, mọc ngang hoặc mọc ngầm dưới nướu.

Sâu răng ăn vào tủy có mức độ nặng nề hơn so với giai đoạn đầu. Chính vì vậy khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động tìm gặp nha sĩ để được điều trị trong thời gian sớm nhất. Nếu không xử lý sớm, tổn thương ở tủy có thể gây viêm quanh răng, áp xe chân răng và tăng nguy cơ mất răng.

Tham khảo thêm: 

Ngày Cập nhật 15/04/2022