Sâu răng gây hôi miệng và cách khắc phục triệt để
Sâu răng không chỉ gây đau nhức, ê buốt khi ăn uống mà còn khiến hơi thở có mùi khó chịu. Tình trạng hôi miệng do sâu răng có thể được điều trị triệt để bằng cách tận dụng thảo dược tự nhiên, sử dụng thuốc và điều trị bệnh lý nguyên nhân.
Tại sao sâu răng lại gây hôi miệng?
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, khó chịu và thường xảy ra sau khi thức dậy. Tuy nhiên nếu hôi miệng do sâu răng, tình trạng này có thể kéo dài cả ngày gây ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Sâu răng là tình trạng vi khuẩn có hại bùng phát mạnh, gây ra quá trình hủy khoáng và làm mất mô cứng của răng. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng răng xuất hiện các chấm đen hoặc lỗ hổng kèm đau nhức, ê buốt và khó chịu. Tuy nhiên trong một số trường hợp, sâu răng có thể gây ra chứng hôi miệng.
Hôi miệng do sâu răng thường xảy ra khi vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng. Trong quá trình hủy khoáng, vi khuẩn có thể bài tiết axit và độc tố vào khoang miệng. Các sản phẩm do hại khuẩn bài tiết chính là nguyên nhân gây ra tình trạng hơi thở có mùi.
Ngoài ra sâu răng gây hôi miệng còn có thể nặng nề khi có các yếu tố thuận lợi như vệ sinh răng miệng kém, ăn thực phẩm có mùi mạnh, không tiến hành điều trị, ít uống nước,…
Hôi miệng do sâu răng có nguy hiểm không?
Hôi miệng thường không ảnh hưởng đến răng miệng và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên tình trạng này có thể tác động đến tâm lý, tạo cảm giác thiếu tự tin và e ngại khi giao tiếp.
Hôi miệng không gây ra biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên nguyên nhân gây hôi miệng – sâu răng có thể gây hư hại răng, tăng nguy cơ mất răng, viêm nhiễm nướu và viêm nha chu nếu không được xử lý kịp thời.
Cách khắc phục triệt để tình trạng sâu răng gây hôi miệng
Để giảm tình trạng hôi miệng do sâu răng, bạn có thể can thiệp các biện pháp điều trị sau đây:
1. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Chứng hôi miệng thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp do sâu răng, bạn cần điều trị bệnh lý nguyên nhân để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Một số phương pháp điều trị bệnh sâu răng, bao gồm:
- Dùng thuốc: Với những trường hợp sâu răng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc dạng bôi hoặc dạng súc miệng để hỗ trợ ức chế vi khuẩn và làm chậm quá trình hủy khoáng. Bên cạnh đó bạn có thể dùng nước súc miệng chứa Sodium bicarbonate, Benzethonium chloride, Cetylpyridinium,… để loại bỏ vi khuẩn có hại và hỗ trợ làm giảm chứng hôi miệng.
- Trám răng: Trám răng được thực hiện khi sâu răng đã gây ra các đốm đen và lỗ hổng trên bề mặt. Trong quá trình trám, bác sĩ sẽ loại bỏ ổ sâu, sau đó dùng chất liệu nhân tạo trám lên lỗ hổng nhằm phục hồi hình dạng răng và cải thiện tính thẩm mỹ.
- Rút tủy răng: Nếu sâu răng tiến triển nghiêm trọng và gây hư hại tủy, bạn buộc phải thực hiện rút tủy răng. Trong thủ thuật này, nha sĩ sẽ rút dịch tủy bị tổn thương. Sau đó sử dụng vật liệu nhận tạo để thay thế tủy răng thông thường.
- Nhổ răng: Nhổ răng là biện pháp điều trị cuối cùng được chỉ định khi răng bị hư hại nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi. Nếu răng bị nhổ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng nhai, bác sĩ có đề nghị trồng răng giả.
2. Dùng thuốc trị hôi miệng
Bên cạnh việc điều trị bệnh lý nguyên nhân, bạn có thể sử dụng thuốc hỗ trợ loại bỏ mùi hôi khó chịu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và duy trì sức khỏe răng miệng.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị ở dạng dung dịch súc miệng, viên uống hoặc dạng xịt, với thành phần từ thiên nhiên hoặc hoạt chất tổng hợp. Để được tư vấn loại thuốc phù hợp, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ Nha khoa.
Một số loại thuốc hỗ trợ điều trị hôi miệng phổ biến trên thị trường, bao gồm:
- Nước súc miệng diệt khuẩn Kin
- Thuốc trị hôi miệng Breath Pearls
- Viên uống trị hôi miệng Detoxic
Nếu tình trạng hôi miệng tiếp diễn, bác sĩ có thể chỉ định chế phẩm có chứa các thành phần đặc trị sau:
- Chlorhexidine: Chlorhexidine là hoạt chất sát khuẩn thường được bào chế ở dạng viên ngậm, khí dung hoặc dung dịch súc miệng. Ngoài tác dụng ức chế vi khuẩn và giảm hôi miệng, chế phẩm chứa Chlorhexidine còn hỗ trợ điều trị viêm lợi và sâu răng.
- Chlorine dioxide: Chlorine dioxide có tác dụng oxy hóa và khử mùi tốt. Hoạt chất này được bào chế ở dạng nước súc miệng và thường được dùng để chữa chứng hôi miệng và sát khuẩn các mô nướu tổn thương.
Trước khi sử dụng các loại thuốc, dung dịch súc miệng,… chứa thành phần đặc trị, bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ để chủ động phòng ngừa rủi ro và tác dụng ngoại ý.
3. Mẹo trị sâu răng hôi miệng từ thiên nhiên
Nếu tình trạng hôi miệng không quá nghiêm trọng, bạn có thể cải thiện bằng một số thảo dược tự nhiên. Ngoài tác dụng khử mùi, các thảo dược này còn giúp sát trùng, ức chế hại khuẩn và hỗ trợ điều trị bệnh sâu răng.
– Giảm hôi miệng do sâu răng với lá bạc hà:
Bạc hà được đánh giá là thảo dược trị hôi miệng hiệu quả. Tinh dầu từ thảo dược này có mùi thơm đặc trưng, giúp đánh bật hơi thở có mùi và làm mát niêm mạc nướu sưng đau.
Bên cạnh đó, bạc hà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, riboflavin, folate, vitamin C, A, mangan, magie, canxi và phốt pho,… Các thành phần này giúp duy trì mật độ canxi trong răng, củng cố men răng và duy trì sức khỏe của các mô nướu.
Cách dùng bạc hà giảm tình trạng sâu răng gây hôi miệng:
- Rửa sạch 1 nắm lá bạc hà
- Sau đó đun 300ml nước cho sôi
- Vò xát bạc hà và cho vào nồi
- Đun thêm 3 phút rồi tắt bếp
- Để nước nguội rồi chia thành 2 – 3 lần và dùng súc miệng
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể nhai trực tiếp vài lá bạc hà sau khi ăn để làm sạch thức ăn thừa và giảm mùi hôi khó chịu.
– Ăn táo tươi:
Một cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng để giảm chứng hôi miệng do sâu răng là ăn táo tươi. Chất xơ trong táo giúp làm sạch mảng bám sinh học, thức ăn thừa và ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại.
Ngoài ra, táo còn chứa axit madelic có tác dụng giảm mùi hôi trong khoang miệng và hỗ trợ điều trị các vấn đề nha khoa thường gặp như viêm nướu, ngứa nướu do mọc răng và sâu răng.
Lưu ý: Hạt táo chứa chất độc xyanua có thể gây ngộ độc và tử vong. Vì vậy khi ăn táo, bạn nên loại bỏ hạt để tránh tình trạng ăn phải.
– Súc miệng với nước chanh:
Ngoài ra, bạn cũng có thể hỗ trợ tiêu diệt hại khuẩn và đánh bật mùi hôi miệng bằng các súc miệng với nước chanh. Chanh chứa vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng của mô nướu và chân răng. Bên cạnh đó mùi thơm và tinh dầu từ loại quả này có thể lấn át mùi hôi do vi khuẩn gây sâu răng gây ra.
Cách thực hiện:
- Vắt ½ quả chanh lấy nước cốt
- Hòa thêm 200ml nước và dùng súc miệng
- Nên thực hiện 2 – 3 lần/ ngày
Lưu ý: Axit citric trong chanh có thể gây ăn mòn men răng. Vì vậy tránh dùng quá nhiều nước cốt chanh, đồng thời chỉ nên áp dụng mẹo chữa này trong thời gian ngắn.
Chăm sóc và phòng ngừa hôi miệng do sâu răng
Bên cạnh các biện pháp điều trị và cải thiện, bạn nên phối hợp đồng thời với chế độ chăm sóc răng miệng đúng cách nhằm hỗ trợ điều trị sâu răng, giảm hôi miệng và ngăn ngừa tái phát.
Các biện pháp chăm sóc tình trạng sâu răng gây hôi miệng bạn nên thực hiện:
- Tuyệt đối phải chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày. Đồng thời cần chải răng theo chiều dọc và thao tác nhẹ nhàng để loại bỏ hoàn toàn mảng bám, thức ăn ở kẽ răng và hạn chế tình trạng chảy máu chân răng.
- Phối hợp đồng thời với việc súc miệng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng một cách toàn diện.
- Có thể bổ sung một số thực phẩm có mùi thơm và đặc tính sát khuẩn để hỗ trợ làm sạch khoang miệng và khử mùi hôi khó chịu như gừng, quế, thìa là, tía tô, trà xanh, cam, quýt,…
- Uống đủ 2 – 2.5 lít nước nhằm duy trì lượng nước bọt trong khoang miệng, giảm sâu răng tiến triển và hạn chế mùi hôi khó chịu.
- Tránh dùng một số thực phẩm, đồ uống có mùi mạnh và ảnh hưởng xấu đến tiến triển của bệnh như rượu bia, nước ngọt có gas, thực phẩm có màu đậm, cà phê, tỏi, hành tây,…
- Nên nhai kẹo gum không đường sau bữa ăn để làm sạch kẽ răng và giảm nguy cơ viêm nhiễm nướu. Ngoài ra các loại kẹo gum còn được bổ sung tinh dầu bạc hà giúp đánh bật mùi hôi và đem lại hơi thở thơm mát.
Sâu răng gây hôi miệng là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và tạo tâm lý tự ti khi giao tiếp. Vì vậy bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp cải thiện và tích cực điều trị bệnh lý nguyên nhân.
Tham khảo thêm: Cách chữa sưng nướu răng giúp giảm đau nhanh chóng
Ngày Cập nhật 26/08/2021