Sâu răng ở trẻ em: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Tình trạng sâu răng ở trẻ em xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu fluoride, thói quen sinh hoạt xấu hoặc chế độ ăn uống không phù hợp. Trẻ bị sâu răng thường gặp nhiều phiền toái trong việc ăn uống và thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên tình trạng này có thể được điều trị và phòng ngừa hiệu quả, giúp trẻ có hàm răng khỏe và nụ cười đẹp.
Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em
Sâu răng thể hiện cho tình trạng răng bị tổn thương do sự tấn công của các loại vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Khi tấn công, vi khuẩn sẽ sản sinh ra axit và tác động vào men răng. Từ đó khiến những lỗ sâu hình thành trên răng. Đồng thời gây nhiễm trùng, đau hay thậm chí là mất răng.
Một số nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng gồm:
Tình trạng sức khỏe
Một số tình trạng sức khỏe có thể tác động và làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ. Trong trường hợp mắc bệnh dị ứng mãn tính, trẻ sẽ bị khô miệng do thường xuyên phải thở bằng miệng. Tình trạng khô miệng nếu xảy ra lâu ngày có thể khiến trẻ bị sâu răng.
Thói quen ăn nhiều đồ ngọt
Đa phần trẻ bị sâu răng là do thói quen ăn uống không phù hợp, thường xuyên ăn nhiều đồ ngọt. Hàm lượng đường cao trong thức ăn có thể tác động và làm ảnh hưởng đến răng miệng của trẻ dẫn đến sâu răng. Cụ thể như: Kem, sôcôla, bánh quy…
Ngoài ra, việc thường xuyên uống sữa, nước ngọt, nước trái cây và một số loại thức uống nhiều đường khác cũng có thể gây sâu răng ở trẻ.
Nguyên nhân là do khi ăn hoặc uống, đường và một số mảnh vụn có thể mắc kẹt trong các kẽ răng. Vi khuẩn đang tồn tại trong khoang miệng sẽ hoạt động, lên men carbohydrate có trong các cặn, mảnh vụn thức ăn và tạo ra axit. Axit tấn công khiến men răng bị tổn thương và dẫn đến sâu răng.
Hơn thế những loại vi khuẩn này còn hình thành các mảng bám mang nhiều axit ăn mòn men răng. Từ đó khiến cho răng bị tổn tương và tạo nên một hoặc nhiều lỗ sâu.
Thiếu fluoride
Fluoride là một khoáng chất tự nhiên thường tồn tại trong nước và trong nhiều loại thực phẩm. Khoáng chất tự nhiên này mang tác dụng bảo vệ răng miệng, giúp răng nhanh chóng phục hồi những tổn thương ở giai đoạn đầu.
Ngoài ra khoáng chất fluoride còn thường được bổ sung vào kem đánh răng, nước máy và nước súc miệng. Đối với những trẻ nhỏ sử dụng nước hoặc kem đánh răng không chứa fluoride sẽ có nguy cơ bị sâu răng cao hơn khi so sánh với những trẻ khác.
Thói quen bú sữa vào ban đêm
Những trẻ có thói quen bú bình cũng như bú sữa vào ban đêm sẽ rất dễ bị sâu răng. Điều này xuất hiện là do bên trong sữa chứa đường và chất béo. Những chất này có thể bám trên răng hàng giờ. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển.
Dấu hiệu nhận biết sâu răng ở trẻ em
Một số dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết tình trạng sâu răng ở trẻ em gồm:
- Hơi thở có mùi hôi kéo dài
- Răng bị đau hoặc ê buốt
- Khi nhìn bằng mắt thường có thể nhận thấy những lỗ sâu trên răng. Đó là một chấm đen hoặc một đốm màu trắng ngà trên răng.
- Răng có biểu hiện nhạy cảm khi tiếp xúc với thức ăn lạnh hoặc nóng
- Đau răng khi cắn thức ăn hoặc khi nhai.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám bác sĩ chuyên khoa khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện nêu trên. Điều này sẽ giúp răng bị sâu của trẻ được điều trị kịp thời, tránh hỏng răng, nhổ bỏ răng và tránh mắc phải một số vấn đề khác.
Tác hại của tình trạng sâu răng ở trẻ em
Một số tác hại có thể xảy ra khi trẻ bị sâu răng. Bao gồm:
- Tình trạng sâu răng ở trẻ em có thể tác động và khiến tủy răng của trẻ bị tổn thương. Trong trường hợp không có biện pháp điều trị tủy răng phù hợp và kịp thời, chứng viêm tủy sẽ xảy ra. Đối với trường hợp nặng, trẻ có thể bị áp xe răng (mủ trong răng) và hoại tử tủy.
- Trẻ bị sâu răng sẽ có nguy cơ cao bị viêm tủy xương, viêm hạch, viêm xoang hàm trên và viêm mô tế bào.
- Đối với những trẻ bị nhiễm khuẩn răng sữa, nếu không sớm chẩn đoán và điều trị kịp thời, quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Cách điều trị sâu răng ở trẻ em
Căn cứ vào tình trạng sâu răng ở trẻ em và mức độ tổn thương, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho trẻ áp dụng một phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị sâu răng ở trẻ em bằng fluoride
Chữa sâu răng cho trẻ em bằng fluoride có thể giúp những tổn thương xảy ra ở men răng được phục hồi. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu của tình trạng sâu răng. Để điều trị sâu răng bằng fluoride, bác sĩ chuyên khoa có thể bôi fluoride dưới dạng bọt hoặc gel vào răng. Hoạt động này sẽ giúp che phủ các lỗ sâu nhỏ. Đồng thời cung cấp một lượng khoáng chất cần thiết cho răng.
Ngoài ra, để điều trị sâu răng ở giai đoạn đầu, bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng một loại kem đánh răng có chứa fluoride. Loại kem đánh răng này sẽ giúp bề mặt răng được sử chữa và khôi phục các tổn thương.
Trám răng chữa sâu răng ở trẻ em
Trong trường hợp răng của trẻ có một hoặc nhiều lỗ sâu lớn nhưng chưa chạm và chưa gây ảnh hưởng đến tủy răng, bác sĩ chuyên khoa sẽ trám răng cho trẻ để che phủ lỗ sâu và bảo vệ phần răng còn lại. Sau khi tiến hành làm sạch răng, bác sĩ sẽ sử dụng nhựa sứ hoặc amalgam nha khoa để trám răng.
Gắn mão răng điều trị sâu răng cho trẻ em
Đối với những chiếc răng có lỗ sâu nghiêm trọng và không thể chữa bằng phương pháp trám răng, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định gắn mão răng cho trẻ. Mão răng là một vỏ bọc. Chúng được tạo ra và có thể tùy chỉnh đúng với hình dáng của răng. Khi gắn vào răng lớp vỏ bọc sẽ bảo vệ và giúp vỏ bọc tự nhiên của răng được phục hồi.
Khi chữa sâu răng cho trẻ em bằng phương pháp gắn mão răng, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các bước sau:
- Dùng dụng cụ hỗ trợ để mài, làm sạch lỗ sâu, loại bỏ phần răng đang bị hư, sau đó trám lại
- Khi vết trám đã khô, tiếp tục mài mặt bên cùng mặt nhai của răng để lấy chỗ gắn mão
- Lấy dấu răng bằng bột hoặc cao để phục hình mão
- Chụp mão lên răng để bảo vệ và giúp răng khỏi bị hư hại thêm nữa.
Chữa sâu răng ở trẻ em bằng cách lấy tủy và trám răng
Tình trạng hư hại tủy răng, viêm tủy răng có thể xảy ra khi trẻ bị sâu răng nghiêm trọng. Điều này có thể khiến trẻ phải nhổ bỏ răng nhằm phòng ngừa hiện tượng nhiễm trùng lây lan. Tuy nhiên các nha sĩ có thể xem xét và làm giảm nguy cơ nhổ bỏ răng bằng cách chữa tủy.
Sau khi tiến hành điều trị tủy, phần tủy bị nhiễm trùng sẽ được loại bỏ. Bên cạnh đó lỗ sâu răng cũng được làm sạch và trám lại. Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc và sử dụng thêm phương pháp gắn mão răng đối với trường hợp nghiêm trọng.
Nhổ răng – phương pháp điều trị sâu răng cuối cùng ở trẻ
Nếu răng bị hư hại nhiều, bị nhiễm trùng và không thể phục hồi được nữa, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định nhổ răng nhằm tránh tình trạng nhiễm trùng lây lan cho các răng bên cạnh. Nếu việc mất răng gây ra nhiều khó khăn cho trẻ trong hoạt động ăn uống hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc làm cầu răng hoặc cấy ghép.
Biện pháp phòng ngừa sâu răng ở trẻ em
Để phòng ngừa tình trạng sâu răng xuất hiện ở trẻ em, ba mẹ có thể hướng dẫn trẻ áp dụng những biện pháp sau:
- Bố mẹ nên tạo cho trẻ thói quen bảo vệ và chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ thời điểm trẻ mọc răng sữa. Cụ thể chải răng, súc miệng 2 lần/ngày (buổi sáng và buổi tối), mỗi lần chải răng ít nhất 2 phút.
- Việc vệ sinh và chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ khi chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện đóng vai trò vô cùng quan trọng và có khả năng tác động đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ. Bởi các loại vi khuẩn gây hại có thể di chuyển từ răng sữa đến vị trí của răng vĩnh viễn khi răng đang ở bên dưới và chuẩn bị mọc. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể di chuyển từ cha mẹ sang con. Chính vì thế, khi chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện, mẹ nên giúp trẻ đánh răng đúng cách. Điều này giúp phòng ngừa tốt tình trạng sâu răng sau này.
- Lựa chọn và cho trẻ sử dụng loại kem đánh răng có chứa hàm lượng fluoride phù hợp.
- Sử dụng kem đánh răng kết hợp với chỉ nha khoa để phòng ngừa các mảng bám hình thành ở kẽ răng. Đồng thời giúp phòng ngừa sâu răng.
- Cho trẻ sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp, thoải mái và vừa vặn với khuôn miệng của trẻ. Điều này có thể giúp bàn chải di chuyển và chải được mọi bề mặt của răng. Dù trẻ đã có thể tự chải răng nhưng ba mẹ vẫn cần giám sát và duy trì thói quen đánh răng, vệ sinh răng miệng của trẻ cho đến khi trẻ 7 tuổi.
- Ba mẹ cần giúp trẻ thành lập thói quen uống nước sau mỗi bữa ăn.
- Bậc phụ huynh cần giúp trẻ kết hợp giữa việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ và áp dụng một chế độ ăn uống phù hợp. Bạn cần hạn chế cho trẻ sử dụng bánh kẹo và một số loại thực phẩm nhiều tinh bột, nhiều đường khác. Bởi đây đều là những loại thực phẩm có khả năng tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi. Đồng thời gây ra nhiều mảng bám hơn.
- Bạn cần giúp bé làm quen và duy trì thói quen sử dụng các loại thực phẩm có lợi, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe tổng thể nói chung và tốt cho sức khỏe răng miệng nói riêng. Cụ thể như các loại trái cây và rau củ quả. Bởi đây đều là những loại thực phẩm có khả năng hạn chế sự xuất hiện của những mảng bám trên răng. Hơn thế chúng sẽ giúp trẻ phòng ngừa tình trạng sâu răng.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp sâu răng ở trẻ em khiến răng hàm bị mất quá sớm. Răng mất khiến những răng bên cạnh nghiêng, đổ xiên vào khoảng trống của một hoặc nhiều chiếc răng đã mất. Đồng thời làm ảnh hưởng đến cấu trúc của cả hàm răng. Điều này khiến chức năng nghiền và nhai thức ăn bị suy giảm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ. Do đó, ba mẹ cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị ngay khi phát hiện trẻ bị sâu răng.
Ngày Cập nhật 26/08/2021