Sưng nướu răng có mủ – Thuốc và cách điều trị hiệu quả
Sưng nướu răng có mủ thể hiện cho tình trạng nhiễm trùng ở các mô xung quanh răng hoặc ở nướu. Tình trạng này có thể xảy ra khi bạn mắc phải một số bệnh lý nha khoa và có thói quen sinh hoạt, vệ sinh răng miệng không đúng cách. Nếu không có biện pháp điều trị thích hợp, chứng sưng nướu răng kèm theo mủ sẽ phát triển và gây ra nhiều bệnh lý, vấn đề nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân gây sưng nướu răng có mủ
Sưng nướu răng có mủ còn có tên gọi là sưng bọng răng có mủ, viêm lợi có mủ. Đây là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng ở các mô xung quanh răng hoặc ở nướu. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
Bệnh lý liên quan đến răng
Khi răng bị nứt, mẻ, gãy do nhai cắn hoặc va chạm với lực quá mạnh, phần tủy răng có thể bị lộ ra ngoài. Từ đó dẫn đến viêm nhiễm. Nếu không chẩn đoán và không có biện pháp điều trị thích hợp, tình trạng này sẽ phát triển mạnh theo chiều hướng xấu. Đồng thời hình thành ổ mủ nằm giữa nướu và răng hoặc hình thành áp xe chân răng.
Ngoài ra tình trạng sâu răng lâu ngày cũng có thể dẫn đến chứng sưng nướu răng có mủ. Bởi khi bị sâu răng, phần tủy răng của bạn sẽ bị ảnh hưởng và viêm. Đặc biệt là khi không có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời.
Bệnh nha chu
Bệnh nha chu sẽ hình thành và phát triển theo hai giai đoạn. Bao gồm viêm nướu răng và viêm nha chu. Ở giai đoạn viêm nướu răng, những triệu chứng thường không xuất hiện hoặc xuất hiện rất mờ nhạt. Điều này khiến bệnh nhân chủ quan và không áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
Triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng hơn khi bệnh phát triển nặng. Đến một thời điểm nhất định, vị trí của phần nướu răng bị bệnh sẽ sưng phồng lên. Đồng thời hình thành một bọc mủ ở giữa nướu và răng. Trong trường hợp này, tình trạng áp xe chân răng có thể xảy ra.
Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Trong thời kỳ mang thai, cả hai nội tiết tố gồm Estrogen và Prosestin đều tăng cao. Điều này khiến cho mao mạch tồn tại ở nướu có xu hướng phình to ra, gấp khúc. Lâu ngày dẫn đến huyết dịch ứ trệ, hoạt động và tính thẩm thấu của thành mao mạch tăng thêm gây viêm nướu.
Nếu không vệ sinh và chăm sóc đúng cách, tình trạng viêm nướu do thay đổi nội tiết tố do mang thai sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Từ đó khiến nướu răng chảy máu, sưng phồng và có mủ.
Mọc răng khôn
Răng khôn được xác định là những chiếc răng mọc sau, vĩnh viễn cuối cùng của mỗi người. Thông thường những chiếc răng này sẽ mọc khi bạn bước qua độ tuổi trưởng thành (từ 17 – 25 tuổi). Trong thời gian mọc răng, bệnh nhân sẽ thường xuyên có cảm giác khó chịu, đau buốt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến các hoạt động như nhai, nuốt.
Bên cạnh đó, răng khôn cũng có thể mọc ngầm hoặc mọc lệch sang một bên và xâm lấn vào vị trí của răng khác. Từ đó gây ra nhiều vấn đề, bệnh lý làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Trong đó có tình trạng sưng nướu răng có mủ.
Thói quen chăm sóc răng miệng kém
Những thói quen chăm sóc răng miệng kém như sử dụng răng mở bao bì, mở nắp chai, cắn móng tay, nhai cắn các vật cứng, đánh răng theo chiều ngang với lực mạnh, sử dụng tăm xỉa răng sau khi ăn… sẽ khiến nướu răng dễ bị tổn thương. Đồng thời gây sưng, viêm. Trường hợp nặng có thể hình thành bọc mủ hoặc áp xe.
Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tình trạng sưng nướu răng có mủ có thể xảy ra do một số lý do sau:
- Xạ trị và sử dụng những loại thuốc dùng trong điều trị bệnh ung thư.
- Tác dụng phụ từ việc sử dụng một số loại thuốc dẫn đến tình trạng giảm tiết nước bọt. Từ đó khiến quá trình rửa trôi tế bào chết và các mảng bám trong khoang miệng trở nên khó khăn.
- Có thức ăn thừa sót lại ở bề mặt răng, kẽ răng. Sau đó hình thành nên những mảng bám chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Những mảng bám này khi xuất hiện lâu ngày sẽ khiến nướu bị kích thích, sưng, viêm và có mủ.
- Thay đổi hormone trong thời kỳ kinh nguyệt khiến răng miệng dễ bị kích ứng, mẫn cảm và dễ bị tổn thương khi chịu sự tác động của các loại vi khuẩn gây sưng nướu.
- Sử dụng thức uống hoặc thức ăn quá lạnh dẫn đến ê buốt làm sưng nướu hoặc dùng thức uống hoặc thức ăn quá nóng khiến nướu bị bỏng và gây viêm.
- Thói quen hút thuốc lá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các loại nấm, vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Biến chứng hình thành do một số bệnh lý toàn thân.
Dấu hiệu nhận biết sưng nướu răng có mủ
Khi bị sưng nướu răng có mủ, người bệnh sẽ nhận thấy nướu, răng và cơ thể xuất hiện những biểu hiện sau:
- Vùng nướu bị sưng, viêm và có mủ sẽ có màu đỏ sẫm, tím thẫm hoặc màu đỏ tươi
- Khi dùng tay chạm nhẹ sẽ có cảm giác đau nhức
- Nướu trở nên nhạy cảm. Chúng có thể bị chảy máu khi nhai đồ ăn, đánh răng hoặc khi ăn các loại thực phẩm có vị mặn, cay…
- Chân răng có biểu hiện dài hơn so với thông thường. Biểu hiện này xuất hiện là do tình trạng tụt lợi
- Hôi miệng
- Tình trạng viêm, sưng nướu răng có mủ lâu ngày sẽ gây hở nướu. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và xâm nhập dẫn đến nướu bị đau, sưng và có mủ nghiêm trọng hơn
- Xuất hiện mủ chảy ra ở giữa nướu và răng
- Áp xe răng
- Răng lung lay
- Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải những biểu hiện toàn thân như mất ngủ, sốt, chán ăn, ăn không ngon miệng…
Mức độ nguy hiểm của tình trạng sưng nướu răng có mủ
Khi xuất hiện, tình trạng sưng nướu răng có mủ không chỉ gây khó chịu, đau nhức mà còn khiến người bệnh gặp phải một số biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng này có liên quan đến sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân của bệnh nhân.
- Về sức khỏe răng miệng: Tình trạng viêm, sưng và mưng mủ kéo dài sẽ khiến cho các mô xung quanh gồm dây chằng, nướu, cement răng và xương ổ răng bị ảnh hưởng, tiêu dần. Lâu ngày, răng sẽ có biểu hiện lung lay hay thậm chí là rụng đi.
- Về sức khỏe toàn thân: Tình trạng sưng, viêm và mưng mủ sẽ làm tăng nồng độ vi khuẩn trong khoang miệng. Thông qua những điểm chảy máu trên răng, lượng vi khuẩn này có thể xâm nhập vào dòng máu. Đồng thời gây hại cho hệ cơ quan và các cơ quan trong cơ thể. Cụ thể như hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, phổi…
Để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, ngay khi nhận thấy nướu và răng xuất hiện các biểu hiện bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám với bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Đồng thời áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời và thích hợp.
Thuốc và cách điều trị sưng nướu răng có mủ hiệu quả
Cách tốt nhất để điều trị tình trạng sưng nướu răng có mủ là sử dụng thuốc và áp dụng các kỹ thuật, biện pháp điều trị chuyên khoa. Phụ thuộc vào mức độ tổn thương của răng, nướu cũng như các mô xung quanh, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bạn sử dụng thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
Quá trình điều trị sưng nướu răng có mủ thường diễn ra qua 2 giai đoạn. Bao gồm: Điều trị chuyên sâu và điều trị sơ khởi.
Điều trị sơ khởi
Để điều trị viêm, sưng và mưng mủ, bác sĩ chuyên khoa sẽ loại bỏ các nguy cơ và tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Đồng thời loại bỏ những yếu tố làm cản trở và gây khó khăn cho quá trình chữa bệnh. Bao gồm:
- Trong trường hợp tình trạng sưng viêm chưa gây chảy máu nhiều hoặc chưa gây đau nhức dữ dội, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê cho bạn một đơn thuốc có chứa những loại thuốc kháng sinh nhằm chống viêm và chống sưng.
- Thay thế hoặc chỉnh sữa phục hình răng không đúng kỹ thuật.
- Thay thế hoặc chỉnh sửa những miếng trám răng không đúng kỹ thuật.
- Cố định các răng đang có dấu hiệu lung lay (nếu có).
- Cạo vôi răng.
- Kiểm tra, đánh giá và chỉ định răng cần nhổ.
Điều trị chuyên sâu
Đối với những trường hợp bệnh nhân có vôi răng hình thành ở bên dưới nướu, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành bóc tách nướu để loại bỏ lớp vôi răng này. Sau đó tiến hành nạo để loại bỏ sạch túi mủ. Cuối cùng đánh bóng mặt gốc răng.
Trong trường hợp mô nướu có dấu hiệu tổn thương nghiêm trọng, một số kỹ thuật gồm ghép xương ổ răng, ghét vạt nướu có thể được xem xét và thực hiện. Phương pháp điều trị này sẽ giúp bạn phòng ngừa răng lỏng lẻo, lung lay, mất răng. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa có thể cho bạn sử dụng thêm thuốc chống chống viêm và thuốc kháng sinh.
Những điều cần lưu ý khi điều trị sưng nướu răng có mủ
Trong quá trình chữa trị sưng nướu răng có mủ, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để hỗ trợ quá trình chữa bệnh:
- Sử dụng nước trà xanh hoặc nước muối sinh lý súc miệng để cải thiện tình trạng sưng, viêm và giúp sát khuẩn.
- Dùng bàn chải lông mềm. Bên cạnh đó bạn cần chải răng đúng cách và chảy răng một cách nhẹ nhàng để tránh tình trạng sưng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Ăn hoa quả, thức ăn mềm, dùng đồ uống và thức ăn không quá lạnh hoặc không quá nóng. Bên cạnh đó bạn cần nhai thức ăn một cách nhẹ nhàng.
- Không sử dụng những loại thực phẩm có vị cay, chua, mặn. Bởi những loại thực phẩm này có khả năng làm lan rộng vùng sưng.
- Bổ sung cho cơ thể các loại thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C. Cụ thể như cam, súp lơ xanh, khoai lang, đu đủ, cải xoăn, dâu, chuối… Những loại thực phẩm này sẽ giúp bạn nâng cao sức đề kháng, chống viêm, kháng khuẩn và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh sưng nướu răng có mủ.
Biện pháp phòng ngừa sưng nướu răng có mủ
Để phòng ngừa tình trạng sưng nướu răng có mủ xuất hiện, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây:
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Mỗi ngày bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần (buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ). Ngoài ra, sau mỗi lần ăn, bạn nên sử dụng nước sạch hoặc nước muối pha loãng để vệ sinh răng, loại bỏ hết các cặn thức ăn còn bám trên răng và kẽ răng.
- Bạn không nên chải răng theo chiều ngang. Thay vào đó bạn nên chảy răng theo chiều dọc và xoay tròn để tránh làm tổn thương men răng và tổn thương lợi.
- Để loại bỏ hoàn toàn thức ăn ở kẽ, bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa thay vì phải sử dụng tăm xỉa răng. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được những tác động xảy ra ở nướu.
- Uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Từ bỏ thói quen uống rượu, hút thuốc lá, uống bia, nước ngọt, cà phê.
- Thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo sức khỏe răng miệng và phòng ngừa sưng nướu răng có mủ.
Tình trạng sưng nướu răng có mủ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại cho răng miệng và sức khỏe tổng thể. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy nướu và răng xuất hiện các biểu hiện bất thường, bạn nên đến bệnh viện và khám bệnh cùng với bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Sau đó tiến hành điều trị và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái phát, bảo vệ răng miệng đúng cách.
Ngày Cập nhật 26/07/2021