Sưng nướu răng và nổi hạch nguy hiểm như thế nào?
Tình trạng sưng nướu răng và nổi hạch có thể xảy ra khi mọc răng khôn. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh nha khoa như viêm nướu răng, viêm nha chu, sâu răng và viêm tủy răng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, tình trạng có thể tiến triển nặng, gây hư hại chân răng, hình thành áp xe và làm mất răng vĩnh viễn.
Sưng nướu răng và nổi hạch do đâu?
Nướu răng là mô niêm mạc bao xung quanh ổ răng và thường có màu hồng nhạt. Nướu là một trong những bộ phận cấu tạo thành nha chu, có chức năng nâng đỡ và giữ chân răng chắc khỏe.
Tuy nhiên nướu có thể bị tổn thương và xuất hiện tình trạng sưng viêm khi có tác nhân kích thích. Khi mô nướu bị tấn công, các tế bào lympho ở cơ quan này có xu hướng đối kháng bằng cách sản sinh bạch cầu và kháng thể (IgE). Sự xuất hiện của IgE và bạch cầu khiến mô nướu xuất hiện hạch, gây sưng đau và khó chịu.
Trong trường hợp sưng nướu răng và nổi hạch, nguyên nhân có thể do các vấn đề nha khoa sau:
1. Viêm nướu răng
Viêm nướu răng (viêm nướu/ viêm lợi) là tình trạng mô nướu bị viêm nhiễm do vi khuẩn có trong mảng bám sinh học. Thông thường khoang miệng sẽ chứa số lượng vi khuẩn có lợi và có hại tương đối đồng đều. Điều này giúp giữ gìn sức khỏe răng miệng và hạn chế bùng phát các vấn đề nha khoa.
Tuy nhiên số lượng hại khuẩn có thể tăng lên đáng kể nếu có thói quen vệ sinh răng miệng kém, sử dụng thuốc, hút thuốc lá và ăn thực phẩm chứa nhiều đường. Các nguyên nhân này làm tăng số lượng hại khuẩn trong mảng bám và gây viêm nhiễm mô nướu.
Khi mô nướu bị viêm nhiễm, các hạch lympho lân cận thường có xu hướng sưng to nhằm bảo vệ mô nướu khỏi tác nhân gây nhiễm trùng. Bạn có thể nhận biết viêm nướu răng thông qua một số triệu chứng như nướu sưng, chuyển sang màu đỏ thẫm, răng lung lay, cơ thể sốt nhẹ, vùng hàm sưng nóng và nổi hạch.
2. Mọc răng khôn
Răng khôn (răng cấm/ răng số 8) thường mọc trong độ tuổi trưởng thành (từ 17 – 24 tuổi). So với các răng còn lại, răng khôn thường cứng, chắc khỏe và có sức nhai tốt nhất. Tuy nhiên răng khôn rất khó mọc và thường có hiện tượng mọc lệch hoặc mắc kẹt bên trong các mô nướu.
Thông thường khi mọc răng khôn, vùng nướu xung quanh có xu hướng sưng đỏ, nổi hạch và đau nhức. Tuy nhiên triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Ngoài ra tình trạng sưng nướu răng kèm nổi hạch cũng có thể là dấu hiệu cho thấy răng khôn gây chèn ép và làm hư hại răng số 7 (răng cấm thứ 2).
3. Viêm nha chu
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, thường xảy ra khi viêm nướu răng không được kiểm soát và điều trị kịp thời. Nha chu là tổ chức bao gồm nhiều bộ phận như nướu răng, lợi, gai lợi và xương ổ răng. Trong trường hợp tổ chức này bị viêm nhiễm, răng có thể bị lung lay và gãy rụng nếu không có biện pháp điều trị kịp thời.
Ngoài triệu chứng sưng nướu răng và nổi hạch, bệnh nha chu còn gây ra một số biểu hiện đi kèm như chảy máu chân răng, hôi miệng, lợi ứ mủ/ dịch tiết, lợi bị tụt khiến chân răng dài hơn bình thường,…
4. Sâu răng
Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp, khởi phát chủ yếu ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn trong mảng bám bùng phát mạnh gây ra quá trình hủy khoáng và làm mất mô cứng của răng. Nguyên nhân trực tiếp gây sâu răng là do vi khuẩn Streptococcus mutans và một số chủng vi khuẩn khác như Lactobacillus và Actinomyces.
Khi sâu răng mới xuất hiện, bệnh hầu như không gây đau hay phát sinh triệu chứng nào bất thường. Tuy nhiên khi răng bị hư hại nghiêm trọng, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng như nướu sưng đỏ, đau nhức, nổi hạch, răng xuất hiện các chấm/ lỗ đen, đau nhức và ê buốt khi nhai nuốt,…
5. Viêm tủy răng
Tủy răng là bộ phận bao gồm dây thần kinh, mạch máu,… có vai trò nuôi dưỡng và duy trì độ chắc khỏe của răng. Tuy nhiên tủy răng có thể bị viêm do sâu răng không được điều trị, sang chấn, nhiễm độc chì và thủy ngân.
Viêm tủy răng có thể tiến triển nặng khiến răng bị thoái hóa và gãy rụng nếu không được điều trị. Vì vậy khi nhận thấy răng sưng đau, nướu đỏ, nổi hạch, chân răng lung lay và khó khăn khi nhai nuốt, bạn nên tìm gặp nha sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Sưng nướu răng và nổi hạch có nguy hiểm không?
Sưng nướu răng và nổi hạch xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp do mọc răng khôn, triệu chứng có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày.
Tuy nhiên nếu khởi phát do viêm nướu răng, viêm tủy răng, bệnh nha chu và sâu răng, triệu chứng có thể tiến triển theo chiều hướng tiêu cực và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng:
- Làm giảm chất lượng cuộc sống: Nướu răng bị sưng kèm nổi hạch có thể gây hôi miệng, đau nhức, ảnh hưởng trong quá trình giao tiếp và ăn uống. Hơn nữa nếu triệu chứng này xảy ra ở vùng nướu dễ nhìn thấy, bệnh nhân thường có tâm lý e ngại và thiếu tự tin.
- Gây hoại tử: Viêm nhiễm kéo dài không chỉ gây đau mà còn lây lan nhiễm trùng sang các răng lân cận, hình thành ổ áp xe và gây hoại tử mô nướu/ chân răng.
- Mất răng: Nhổ răng thường được chỉ định khi răng khôn mọc lệch. Tuy nhiên trong trường hợp sưng nướu răng và nổi hạch do viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy, răng có thể bị hư hại nghiêm trọng và buộc phải nhổ bỏ nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân: Viêm nha chu là bệnh nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể đi vào tuần hoàn máu gây nhiễm trùng huyết và tăng nguy cơ đột quỵ.
Cách xử lý sưng nướu răng và nổi hạch
Sưng nướu răng và nổi hạch xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy bạn nên tìm gặp nha sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn một số biện pháp điều trị như sau:
1. Can thiệp các biện pháp điều trị y tế
Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể, điều trị sưng nướu răng và nổi hạch có thể bao gồm:
- Cạo vôi răng: Vôi răng là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám sinh học. Sự tăng sinh của vôi răng chính là nguyên nhân khiến vi khuẩn có hại tăng lên và gây ra viêm nhiễm nướu. Vì vậy bác sĩ có thể đề nghị cạo vôi để giảm kích thích lên mô nướu và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Nhổ răng khôn: Trong trường hợp răng khôn mọc lệch hoặc mọc ngầm dưới mô nướu, bạn cần phải nhổ răng khôn để phòng ngừa sâu răng và chèn ép các răng xung quanh.
- Trám răng: Trám răng là thủ thuật ngoại khoa khá phổ biến. Thủ thuật này được áp dụng trong trường hợp sưng nướu răng và nổi hạch do sâu răng. Trước tiên bác sĩ sẽ làm sạch ổ sâu răng và dùng vật liệu nhân tạo trám ổ sâu để ngăn ngừa tái phát.
- Sử dụng kháng sinh: Kháng sinh thường được chỉ định trong điều trị viêm nướu răng và bệnh nha chu. Tùy vào mức độ viêm nhiễm mà bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh dạng súc miệng, thuốc bôi hoặc thuốc uống toàn thân.
- Thuốc giảm đau: Sưng nướu răng và nổi hạch thường gây đau nhức và khó chịu. Để làm giảm triệu chứng này, bác sĩ có thể kê toa một số thuốc giảm đau và chống viêm như Paracetamol, Ibuprofen, Naproxen,…
- Cố định răng: Trong trường hợp chân răng lung lay, bạn cần can thiệp kỹ thuật cố định răng nhằm cải thiện sức nhai, giảm đau nhức và hạn chế nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị không được đề cập trong bài viết tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.
2. Áp dụng biện pháp cải thiện tại nhà
Ngoài ra, bạn có thể giảm sưng nướu răng và nổi hạch với một số biện pháp cải thiện tại nhà. Áp dụng các biện pháp này với điều trị chuyên sâu có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, duy trì sức khỏe răng miệng và hỗ trợ quá trình chữa trị.
Một số biện pháp cải thiện sưng nướu răng và nổi hạch tại nhà:
- Súc miệng với nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng làm dịu mô nướu bị tổn thương, giảm viêm và sát trùng. Bạn có thể súc miệng với nước muối 2 – 3 lần/ ngày để giảm đau nhức mô nướu, chân răng và ức chế sự phát triển của các hại khuẩn trong khoang miệng.
- Uống trà gừng: Gừng tươi chứa hoạt chất Gingerol và Zingerone có cơ chế chống viêm tương tự thuốc kháng viêm không steroid. Ngoài ra gừng còn có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng và khử mùi hôi. Uống trà gừng ấm giúp làm dịu mô nướu, giảm tình trạng hôi miệng và đau nhức do các bệnh nha khoa gây ra.
- Sử dụng giấm táo pha loãng: Ngoài ra bạn có thể dùng giấm táo pha loãng để làm giảm hôi miệng, đau nhức và sưng mô nướu. Giấm táo chứa axit acetic có tác dụng ức chế vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe răng miệng và giảm sưng viêm đáng kể.
- Bổ sung sữa chua vào chế độ ăn: Probiotic (lợi khuẩn) trong sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng và hạn chế tình trạng hại khuẩn bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, sữa chua còn chứa axit lactic có tác dụng làm sạch mảng bám và giảm tình trạng hơi thở có mùi.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa
Song song với các biện pháp điều trị và cải thiện, bạn nên thực hiện đồng thời với chế độ chăm sóc khoa học nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa tình trạng sưng nướu răng, nổi hạch tái phát.
Các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa, bao gồm:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa. Khi chải răng, nên thao tác nhẹ nhàng để tránh xây xước và tổn thương mô nướu.
- Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám ở kẽ răng. Bên cạnh đó cần súc miệng thường xuyên để làm sạch răng miệng một cách toàn diện.
- Hạn chế các loại thực phẩm và thức uống có hại cho răng như thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều đường, muối, bia rượu, cà phê và trà đặc.
- Nên tập thói quen uống nhiều nước, tăng cường bổ sung probiotic, chất xơ và vitamin nhằm duy trì sức khỏe răng miệng, giảm hơi thở có mùi và hỗ trợ điều trị các bệnh nha khoa.
- Cần thay bàn chải 2 – 3 tháng/ lần.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Tích cực trong điều trị một số bệnh lý nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như trào ngược dạ dày, tiểu đường, rối loạn nội tiết và thiếu hụt vitamin C.
Sưng nướu răng và nổi hạch là triệu chứng thường gặp và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm sau khoảng vài ngày, bạn nên chủ động thăm khám để được nha sĩ tư vấn và đề xuất các hướng khắc phục phù hợp.
Tham khảo thêm: Cách chữa sưng nướu răng giúp giảm đau nhanh chóng
Ngày Cập nhật 30/07/2021